Vì sao loại sơn đáy thuyền, tàu lại phải khác sơn thường?
Ngày xưa, một chiếc thuyền mới sơn, sau khi hạ thuỷ được ba tháng, tốc độ của thuyền sẽ giảm đi 10% so với lúc mới hạ thuỷ. Tàu thuyền lưu hành sau nửa năm tốc độ chỉ còn khoảng một nửa so với lúc mới hạ thuỷ.
Nguyên nhân của hiện tượng trên liệu có phải do động cơ tàu thuyền bị hư hỏng hay do vỏ thuyền, tàu bị mục nát gây nên chăng? Cả hai yếu tố vừa nêu trên đều không phải.
Khi kéo tàu thuyền vào âu thuyền để sửa chữa, toàn bộ đáy thuyền lộ ra khỏi mặt nước. Bấy giờ người ta mới rõ nguyên nhân: Phần đáy thuyền chìm dưới nước xuất hiện chi chít các “chùm gai góc” và chính các “chùm gai góc” này đã ngăn cản tàu thuyền lướt nhanh. Thế các chùm gai nhọn này là gì vậy? Chúng ta biết rằng, trong nước đại dương có nhiều loại sinh vật sống trôi nổi như: rong, sò, hà, trùng đục lỗ, khi còn ở dạng ấu trùng chúng thường trôi nổi trên mặt biển. Khi gặp tàu thuyền chúng lập tức bám vào đáy tàu thuyền, lấy đáy tàu thuyền làm “đất sống” hết ngày này qua ngày khác. Đặc biệt ở các vùng biển nhiệt đới, các loại sinh vật này càng nhiều và phát triển càng nhanh.
Từ khi vỏ đáy thuyền bị các “cư dân” này bám vào và phát triển, tốc độ chuyển động của thuyền sẽ ngày càng chậm dần. Theo như tính toán chỉ cần 46% diện tích đáy tàu thuyền có một lớp sinh vật dày 4mm thì phải tăng động lực của tàu thuyền lên 5% thì mới duy trì được tốc độ chuyển động như cũ.