Vì sao mũi điện tử có khứu giác nhanh nhạy?
Mũi có thể ngửi được mùi của các loại vật thể, đó là vì trong mũi có nhiều tế bào khứu giác. Tế bào khứu giác khác nhau sẽ sinh ra phản ứng đối với mùi khác nhau, thông qua thần kinh truyền vào đại não, phán đoán ra thuộc tính và nồng độ của mùi. Tế bào khứu giác càng nhiều, khứu giác lại càng nhanh nhạy. Mũi chó có thể ngửi được khoảng hai triệu loại mùi, chính là vì tế bào khứu giác của nó đặc biệt phong phú.
Thế thì mũi điện tử do kĩ thuật điện tử tạo ra, vì sao cũng có “khứu giác” nhanh nhậy nhỉ?
Thì ra, trong mũi điện tử có bộ cảm biến nhạy mùi như kiểu tế bào khứu giác, nó được chế tạo bằng vật liệu bán dẫn. Vật liệu bán dẫn thường dùng có thiếc oxit, kẽm oxit v.v., khi lắp chúng vào bộ phận cảm biến thì vật liệu bán dẫn đã được gia công thành những hạt bột, rắc chúng lên cái đế bằng platin, mô phỏng hàng ngàn hàng vạn tế bào khứu giác trong mũi. Ở nơi có toả mùi, các phân tử của mũi đó nhanh chóng bám vào bề mặt vật liệu bán dẫn đã thành dạng bột, làm cho mật độ electron của nó sinh ra biến đổi, dẫn tới điện trở suất nhanh chóng hạ xuống. Nồng độ mùi càng cao, phân tử chất khí bám trên loại vật liệu bán dẫn này càng nhiều, trị số điện trở hạ xuống cũng càng nhiều. Thế là căn cứ vào sự biến đổi nhỏ bé của trị số điện trở trên bộ cảm biến nhạy mùi liền có thể đo biết nồng độ của mùi.
Mũi điện tử chế tạo tinh xảo có độ nhạy hết sức cao. Cho dù chỉ có một phần mười triệu nồng độ của mùi lọt vào trong không khí, nó cũng có thể ngửi ra được. Trong các thiết bị cảnh báo phòng chống sự rò thoát của chất khí có độc, có hại và dễ cháy đều có lắp đặt mũi điện tử.
Từ khóa : Tế bào khứu giác; Mũi điện tử; Bộ cảm biến nhạy mùi.