Vì sao ngọn lửa bao giờ cũng hướng lên?

Trong giới tự nhiên và trong đời sống thường ngày của chúng ta, ai cũng có thể quan sát thấy ngọn lửa đang cháy bao giờ cũng hướng lên trên, ví dụ như ngọn nến đang cháy, đống lửa ngoài trời đang hừng hực cháy v.v. Thời cổ đại, khi con người chưa hiểu rõ nguyên lí khoa học của hiện tượng này thì hay liên hệ nó với ma quỷ, mê tín dị đoan.

Trên thực tế, ngọn lửa hướng lên là kết quả của sự chuyển động của không khí. Khi cây nến được châm lên rồi, không khí xung quanh ngọn lửa bị đốt nóng. Do mật độ của không khí nóng nhỏ hơn so với không khí lạnh, vì vậy không khí nóng bay lên còn không khí lạnh ở xung quanh lập tức chạy tới bổ sung. Theo đà bốc lên của không khí, ngọn lửa liền bị không khí lôi lên trên. Khi đốt một đống lửa ngoài trời, một lượng lớn không khí nóng bốc lên, không khí lạnh xung quanh nhanh chóng ùa đến bổ sung, qua đó tạo nên cảnh tượng đống lửa hừng hực cháy.

Nhưng, có khi ngọn lửa đang cháy lại chợt nghiêng sang bên trái, chợt ngả sang bên phải không ổn định. Đó cũng là trò đùa của không khí mà thôi, không liên quan gì với ma quỷ nào cả. Trong trường hợp bình thường, khi xung quanh ngọn lửa “gió êm sóng lặng”, ngọn lửa hết sức ổn định, nhiệt độ tương ứng cao lên một chút, thì ngọn lửa cũng bốc lên tương đối cao. Tuy nhiên, trong thực tế luồng không khí bên ngoài nhà ở chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao giờ cũng xuất hiện một chút chuyển động. Những chuyển động này sẽ làm rối loạn trật tự bình thường của không khí nóng bốc lên, qua đó làm cho ngọn lửa trong không khí trở nên “không biết theo ai”, lộ rõ hiện tượng lung lay không ngừng.

Từ khoá: Ngọn lửa; Chuyển động của không khí.