Vì sao nước sông Hoàng Hà lại vàng?

Hoàng Hà nước đục, hàm lượng cát nhiều nổi tiếng thế giới. Song người ta coi Hoàng Hà là cái nôi của dân tộc Trung Hoa. Nếu trong lịch sử, lưu vực Hoàng Hà vẫn là vùng núi hoang sơ, nước sông Hoàng Hà luôn có màu vàng đậm thì Hoàng Hà không thể trở thành “cái nôi” được. Thực tế mấy nghìn năm trước, lưu vực sông Hoàng Hà từng là vùng rừng núi rậm rạp, cỏ cây um tùm. Ví dụ, vùng huyện Lâm, huyện Huy trước đây đều là những “cánh rừng rậm, gỗ lấy không hết”, tên đất từ đó mà ra. Rừng du ở Thiểm Bắc đời Đường từng là rừng thông, rừng bách ngất trời, gỗ du trắng nổi tiếng. Cao nguyên Hoàng Thổ Tây Bắc 1.500 năm trước là những cánh rừng bạt ngàn. Trong vòng đai rừng gỗ bạt ngàn, dân cư thường lấy ván làm nhà, cỏ cây tươi tốt, nước Hoàng Hà luôn luôn trong sạch. Song ngày nay điều kiện tự nhiên của vùng Định Tây, Cam Túc vô cùng tồi tệ. Vậy rừng xanh của lưu vực Hoàng Hà vì sao lại bị hủy diệt?

Thứ nhất là do chiến tranh tàn phá, như thời Xuân thu Chiến quốc, Tấn Văn Công vì chiến thắng Thành Phác mà ra lệnh chặt hết những rừng rậm của các nước nhỏ (hiện nay là Trần Lưu, Hà Nam). Về sau các cuộc hỗn chiến xảy ra đã phá hoại rừng càng nhiều. Thứ hai là do con người phá rừng làm ruộng và khai thác không hợp lí. Sản xuất nông nghiệp phát triển, dân số tăng nhanh, rất cần mở rộng diện tích canh tác và nhu cầu nguyên liệu gỗ, chất đốt cần cho cuộc sống nhiều hơn. Do đó hiện tượng phá rừng ngày càng phổ biến. Thứ ba là do hỏa hoạn. Những trận cháy rừng do nhân tố tự nhiên hoặc con người tạo nên đều là những nguyên nhân quan trọng hủy hoại rừng. Thứ tư là do giai cấp thống trị vì phục vụ nhu cầu cuộc sống xa xỉ của mình đã chặt gỗ phá rừng để xây dựng những công trình lớn, nhiều loại gỗ quí bị phá không thương tiếc. Điển hình là thời Tần Thủy Hoàng đã phá hoại các cánh rừng của nước Sở, nước Thục, xây dựng nên cung A Phòng lộng lẫy. “Rừng nước Thục trọc, cung A Phòng dựng lên” đó là những lời nói trong dân gian về rừng Tứ Xuyên bị phá hủy.

Ngày nay những khu rừng nguyên thủy của cao nguyên Hoàng Thổ hầu như đều bị phá hết, đất bị xói mòn nghiêm trọng. Diện tích đất xói mòn chiếm khoảng 60% tổng diện tích, có những vùng nghiêm trọng hơn chiếm đến 90%. Hàng năm bình quân một km2 đất bị mang đi khoảng 5.000 – 15.000 tấn đất. Trong sách “Hán thư” có ghi lại: “Hoàng Hà nước đục, một thăng nước có đến 6 đấu bùn”. Theo đo lường thực tế ngày nay thì mỗi mét khối nước sông Hoàng Hà bình quân chứa 87,6 kg bùn cát, thời kì đỉnh lũ có thể đạt đến 651 kg. Bình quân hàng năm số đất bùn chảy vào Tam Môn Hiệp khoảng 1,6 tỉ tấn. Hoàng Hà do đó mà trở thành dòng sông có hàm lượng cát cao nhất thế giới. Hàm lượng cát cao như vậy nên dẫn tới nước sông Hoàng Hà làm sao mà không thể không “vàng được”? Vì vậy ta có thể biết cao nguyên Hoàng Thổ cũng một cảnh tượng một màu vàng xám xịt, trăm ngàn khe núi, lòng sông hạ du Hoàng Hà bị tắc nghẽn, nhiều lần đổi dòng, nạn hạn hán xảy ra liên tiếp. Chẳng trách đã có người kêu lên: động mạch chủ của dân tộc Trung Hoa đang chảy máu ! Các công trình của hệ thống phòng hộ “Tam Bắc” của Trung Quốc sẽ có một vai trò vô cùng to lớn trong việc làm thay đổi hiện tượng đất bị xói mòn của lưu vực Hoàng Hà.

Từ khoá: Hoàng Hà