Vì sao nuôi thú cảnh dễ bị mắc bệnh?

Năm 1989, phu nhân Tổng thống Mỹ Busơ đã mắc chứng bệnh chức năng tuyến giáp trạng tăng lên. Trước đó 2 năm, Busơ cũng đã mắc loại bệnh tương tự. Điều kì lạ là con chó cảnh mà họ yêu mến, do chức năng tuyến giáp trạng tăng lên mà mắc bệnh mụn nhọt của loài chó. Các nhà nghiên cứu đã điều tra phân tích toàn diện chỗ ở của Tổng thống trong Nhà Trắng, nhưng vẫn không tìm thấy nguyên nhân của căn bệnh phu nhân Tổng thống Busơ mắc phải.

Bệnh của phu nhân Tổng thống Busơ lẽ nào lại do vì yêu chó cảnh mà bị truyền nhiễm? Mặc dù vẫn chưa đi đến kết luận, nhưng cho đến nay phong trào nuôi chó cảnh đã gây nên nhiều loại bệnh truyền nhiễm, là điều đã trở thành sự thật và gây cho giới y học nhiều quan tâm. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản chứng tỏ, trên 90% loài mèo khỏe mạnh đều có vi khuẩn gây bệnh. Rất nhiều bệnh truyền nhiễm và kí sinh trùng làm tổn hại sức khỏe con người, như bệnh chó dại, bệnh giun móc câu, bệnh sán lá gan v.v.. đều thông qua mèo mà truyền nhiễm. Trong đường ruột mèo có kí sinh giun đũa. Nó sẽ cùng với phân bài tiết ra bên ngoài làm ô nhiễm thực phẩm, nước và các dụng cụ. Con người sau khi nhiễm phải qua đường tiêu hóa sẽ lên cơn sốt, các hạch nổi to, cơ bắp và các khớp đau, nghiêm trọng hơn nữa còn có thể mắc bệnh viêm não hoặc mù mắt. Phụ nữ mang thai sau khi bị truyền nhiễm còn gây sảy thai, dẫn đến chết thai hoặc quái thai. Trẻ em chơi với mèo bị mèo cào xước sẽ viêm nhiễm nổi hạch, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước thập kỉ 50 của thế kỉ XX, bệnh xích điến1đã từng lưu hành trong trẻ em Trung Quốc. Nhiều bệnh nhân đầu bị xích điến đã để lại những mảng da đầu rụng tóc. Cuối thập kỉ 60, bệnh xích điến ở Trung Quốc căn bản đã bị tiêu diệt, nhưng từ những năm 90 trở lại đây nó lại xuất hiện trở lại. Theo các chuyên gia giám định thì bệnh xích điến lưu hành trong thiếu nhi có liên quan với những gia đình có nuôi mèo, chó. Điều đó chứng tỏ bệnh xích điến là do động vật cảnh trong gia đình gây nên.

Chúng ta có thể không ngờ rằng: loài chim mà con người yêu thích cũng có thể truyền bệnh. Trên thế giới có hơn 200 loài chim có bệnh sốt chim, trong đó có loài chim anh vũ (vẹt) và chim bồ câu tỉ lệ mang virut rất cao. Ở Berlin, Đức đã từng tổ chức một cuộc triển lãm về chim vàng anh. Trong số, những người đến thăm quan có 6 người bị bệnh, trong đó có 3 người chết. Bệnh viêm não do cầu khuẩn trong loài bồ câu thường làm hại đến tính mệnh của trẻ em hoặc để lại những di chứng về sau rất nghiêm trọng. Khoa Thần kinh Bệnh viện Hồ Nam đã tiến hành điều tra bệnh viêm màng não do cầu khuẩn của 17 bệnh nhân phát hiện thấy 1/3 số bệnh nhân đã từng tiếp xúc với chim bồ câu. Họ lại phát hiện trong phân, miệng và móng vuốt chim bồ câu có nguyên khuẩn của bệnh này – đó là loại cầu khuẩn.

Ngày nay, các gia đình nuôi vật cảnh đã trở thành mốt. Do đó, ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm từ các động vật cảnh là rất quan trọng. Những gia đình nuôi vật cảnh phải tiêm phòng, bảo đảm cho vật cảnh sạch sẽ, giết bọ chét và định kì tẩy giun, không được nuông chiều hôn chó mèo, không được dùng miệng mớm thức ăn cho chó mèo, càng không thể cùng ăn cùng ngủ với chúng. Sau khi đưa chó hay mèo ra ngoài, khi trở về phải rửa sạch chân và móng vuốt mới cho vào nhà. Sau khi tiếp xúc với chúng phải rửa tay cẩn thận.

Từ khoá: Truyền nhiễm bệnh; Khuẩn gây bệnh.