Vì sao quả cầu tuyết càng lăn càng lớn?
Quả cầu tuyết có thể càng lăn càng lớn, thường thường được người ta giải thích là: quả cầu tuyết dựa vào tác động của lực dính, trong quá trình lăn quay, tuyết trên mặt đất dính nhập vào mà tạo nên. Song trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Trong mùa đông giá rét, quả cầu tuyết và bản thân cánh tuyết trên mặt đất đều không ẩm ướt. Giữa chúng với nhau chẳng có tác động dính bao nhiêu. Thế thì nguyên nhân chủ yếu của quả cầu tuyết càng lăn càng lớn rốt cuộc là gì nhỉ?
Hoá ra là, chỉ có trong điều kiện áp suất khí quyển tiêu chuẩn thì băng tuyết mới bắt đầu tan chảy ở 0°C. Các thực nghiệm khoa học cho thấy, khi băng chịu một áp suất lớn hơn, điểm tan chảy của nó liền hạ thấp tương ứng. Khi áp suất tăng lên gấp 135 lần áp suất khí quyển tiêu chuẩn, băng tuyết có thể tan chảy ở –1°C. Chính do loại đặc tính vật lí đó của băng đã làm cho quả cầu tuyết trong quá trình lăn càng lăn càng to ra.
Khi chúng ta vừa bắt đầu vê tuyết mềm xốp cho chặt lại, làm tăng áp lực giữa các cánh tuyết, điểm tan chảy của tuyết hạ xuống. Trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 0°C, tuyết cũng có thể tan thành nước. Nhưng một khi thủ tiêu loại áp lực này, nước ở nhiệt độ thấp hơn 0°C lại sẽ đóng băng trở lại. Như vậy, vê vê nặn nặn nắm tuyết trong tay, các cánh tuyết bị nặn thành một quả cầu tuyết. Khi quả cầu tuyết lăn quay trên mặt đất, những cánh tuyết bị nó đè xuống cũng sẽ tan chảy trước, rồi mới kết băng, và dính vào trên quả cầu tuyết. Theo đà lăn quay của quả cầu tuyết, các cánh tuyết trên mặt đất dính vào quả cầu ngày càng nhiều, quả cầu tuyết càng lăn càng lớn.
Từ khoá: Tuyết; Tan chảy;Điểm tan chảy; Dính vào.