Vì sao quả chưa chín vừa cứng, vừa chua lại vừa chát, nhưng quả chín lại vừa ngọt, vừa mềm, vừa thơm?
Trong cuộc sống, chắc bạn thấy nhiều loại quả có đặc điểm chung là: quả xanh vừa chua, vừa cứng, vừa chát. Thế nhưng quả chín lại vừa ngọt, vừa mềm vừa thơm, vì sao vậy? Nguyên do là khi quả chín đã xảy ra một loạt biến đổi hoá học.
Trong quả xanh, các loại axit hữu cơ hàm lượng rất cao. Như trong quả nho xanh có chứa nhiều axit tactric, axit xitric, axit axetic… Khi quả chín, các axit hữu cơ bị các chất kiềm trung hoà dần, hoặc tác dụng với các loại rượu trong quả để tạo nên các este, do đó nồng độ axit bị giảm. Đồng thời hàm lượng đường trong quả cũng tăng dần. Nhờ đó trái cây chuyển từ chua sang ngọt.
Quả xanh hơi cứng vì trong quả xanh có nhiều nhựa, đa số các loại nhựa này không tan trong nước làm cho quả xanh vừa cứng vừa giòn. Thế nhưng trong quá trình chín, các loại nhựa này dần dần chuyển hoá và dần dần hoà tan trong nước, nhờ đó mà quả cây trở nên mềm. Các loại quả như hồng hạnh, chuối, đào đều giống như vậy và chuyển từ cứng thành mềm.
Còn về vị chát. Quả chát chủ yếu do có nhiều axit tanic. Khi quả chín thì phần lớn axit tanic bị oxy hoá nên quả hết vị chát. Hồng là điển hình cho quá trình này.
Quả chín có nhiều đường. Đường trong quả chín có thể bị lên men biến thành rượu. Rượu gặp axit hữu cơ lại xảy ra phản ứng este hoá tạo thành các este, đa số các este có mùi thơm dễ chịu như axetat etyl, axetat amyl, benzoat etyl…. làm cho quả chín mùi rất hấp dẫn.
Thường thì quả xanh có màu xanh, vì trong quả xanh có nhiều chất diệp lục. Trong quá trình chín, chất diệp lục sẽ bị phân huỷ, và xuất hiện nhiều sắc tố mới thay thế. Quả cà chua biến từ màu xanh thành đỏ chính là đã sinh ra sắc tố màu đỏ thay màu xanh.
Quả từ xanh đến chín là một sự việc bình thường nhưng đã xảy ra bao nhiêu là phản ứng hoá học, chỉ cần bạn lưu tâm, là có thể nhận thấy. Trong cuộc sống hằng ngày quả là có nhiều sự việc có liên quan đến các quá trình hoá học.
Từ khoá: Hoa quả; Quả chín.