Vì sao rùa biển chết hàng loạt?
Năm 1983, nhiều nơi trên thế giới người ta bỗng phát hiện thấy rùa biển chết hàng loạt. Có phải vì chúng thiếu thức ăn nên bị chết đói không?
Hiện tượng rùa biển chết hàng loạt kì lạ này đã gây sự chú ý cho các nhà khoa học. Qua điều tra nghiên cứu cuối cùng họ đã tìm thấy “hung thủ” gây ra rùa biển chết hàng loạt là các túi nilon. Giải phẫu xác rùa, người ta phát hiện trong dạ dày chúng có rất nhiều túi nilon, con chứa nhiều nhất là 15 túi. Rùa biển rất thích ăn con sứa. Chúng nhầm những túi nilon vứt xuống biển là sứa nên nuốt vào bụng, vì vậy chúng mới gặp tai họa này.
Vậy trong nước biển vì sao lại có nhiều túi nilon đến thế? Từ lâu, người ta xem biển rộng mênh mông là thùng rác không đáy, vì vậy họ tùy tiện vứt đủ phế thải xuống biển. Trong rác thải đó có cả những chế phẩm nilon sử dụng thường ngày. Chế phẩm nilon một khi bị người ta biến thành rác thải thì rất khó xử lí. Các chế phẩm bằng nhựa nếu chôn xuống đất, phải trải qua 150 năm mới bị phân hủy. Trong thời gian đó, các chất có hại sẽ từ trong bãi rác gây ra ô nhiễm môi trường. Nếu vứt túi nilon xuống biển thì phải cần đến 200 năm mới được phân hủy.
Người ta gọi sự ô nhiễm túi nilon là “ô nhiễm màu trắng”. Sự kiện rùa biển chết hàng loạt chứng tỏ ô nhiễm màu trắng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và gây nên hậu quả nghiêm trọng. Muốn ngăn ngừa thảm kịch này tái diễn, trước hết phải bảo vệ môi trường biển, không tùy tiện vứt rác xuống biển. Sau nữa là phải hạn chế dùng đồ nhựa và túi nilon, hoặc nghiên cứu, khai thác và chế tạo những chế phẩm nilon trong một thời gian ngắn sẽ tự phân hủy.
Từ khoá: Biển; Ô nhiễm màu trắng; Rùa biển.