Vì sao tia X có thể xuyên qua cơ thể người?
Ánh Mặt Trời, ánh đèn, ánh lửa đều là ánh sáng mà mắt người có thể trông thấy, gọi là ánh sáng nhìn thấy. Ngoài ra còn có một số ánh sáng mà mắt không thể trông thấy. Tuy không nhìn được chúng, song dùng phương pháp thực nghiệm có thể chứng minh chúng đích thực tồn tại, hơn nữa cũng có bản tính của ánh sáng. Tia X là một loại trong số đó, thông thường người ta cũng gọi nó là X quang.
Năm 1895, nhà khoa học Đức, Rơnghen, trong khi nghiên cứu hiện tượng phóng điện trong chân không đã phát hiện ra tia X đầu tiên. Tia X và ánh sáng nhìn thấy có cái gì khác nhau nhỉ?
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu lâu dài, các nhà khoa học đã tổng kết về bản tính của ánh sáng: bất kể ánh sáng gì cũng đều là một loại sóng điện từ, song bước sóng của chúng thì khác nhau. Ánh sáng có bước sóng giữa 400 – 760 nanomet (1 nanomét = 1 nm = 10–9 mét) là ánh sáng nhìn thấy nói chung; ánh sáng có bước sóng nhỏ hơn 400 nm gọi là ánh sáng tử ngoại, là ánh sáng không nhìn thấy. Tia X là một loại ánh sáng có bước sóng còn ngắn hơn tia tử ngoại, (có tần số dao động trong phạm vi 3.1016 Hz đến 3.1018 Hz) chỉ bằng khoảng một phần mười nghìn của bước sóng ánh sáng nhìn thấy. Nó cũng là ánh sáng không nhìn thấy.
Ánh sáng bước sóng khác nhau có năng lực khác nhau về xuyên thấu vật thể. Ánh sáng nhìn thấy chỉ có thể xuyên thấu những vật thể trong suốt như pha lê, thuỷ tinh, rượu, dầu hoả v.v. Tia X thì lại có thể xuyên thấu những vật thể không trong suốt như giấy, gỗ, tổ chức dạng sợi của cơ thể người v.v.
Vì sao dùng tia X thấu qua cơ thể người có thể làm hiện ra bóng đen của khúc xương trên màn huỳnh quang nhỉ? Hoá ra là năng lực thấu qua các loại vật thể của tia X không như nhau. Đối với những vật thể do những nguyên tố tương đối nhẹ hợp thành, như cơ bắp v.v., khi tia X chiếu qua, giống như kiểu ánh sáng nhìn thấy thấu qua vật thể trong suốt vậy, rất ít bị suy yếu. Đối với vật thể do những nguyên tử tương đối nặng hợp thành, như sắt và chì, tia X không thể xuyên thấu qua được, hầu như bị hấp thu toàn bộ. Xương cốt hấp thu tia X mạnh hơn cơ bắp 150 lần. Vì vậy, khi dùng tia X chiếu qua cơ thể người, trên màn huỳnh quang liền lưu lại bóng đen của xương cốt.
Tia X có thể xuyên thấu cơ thể người, trong y học nó thường được dùng để kiểm tra các cơ quan bên trong cơ thể người bệnh như: phổi, xương, dạ dày, ruột v.v.
Tiếp xúc nhiều với tia X sẽ bất lợi cho thân thể, còn có thể mắc bệnh có tính phóng xạ. Vì vậy, những nhân viên y tế đảm nhiệm việc chiếu, chụp X quang của bệnh viên đều phải choàng tạp dề. đội mũ, đi găng tay bằng cao su, đeo kính mắt pha lê chì, đề phòng tia X chiếu vào các bộ phận thân thể, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Từ khoá: Ánh sáng nhìn thấy; Tia X; Hấp thụ ánh sáng.