Vì sao tivi màu có thể dùng ba loại màu sắc đỏ, lục, lam hợp thành hình ảnh?
Con người dùng mắt ngắm nhìn một vật thể, có thể trông thấy màu sắc của nó, là vì ánh sáng mà nó phát ra, hoặc ánh sáng từ bề mặt của nó phản xạ ra, đi vào con mắt, hình thành hình ảnh trên võng mạc nhìn của đáy nhãn cầu. Ánh sáng kích thích tế bào cảm quang trên võng mạc nhìn, thông tin mà tế bào cảm quang cảm thụ được sẽ do hệ thống thần kinh truyền đến đại não, sinh ra thị giác. Có hai loại tế bào cảm quang. Một loại tế bào hình que tương đối nhạy cảm đối với độ sáng tối của ánh sáng; còn loại tế bào hình nón kia tương đối nhạy cảm đối với màu sắc của ánh sáng. Cố nhiên, ánh sáng cũng phải ở tình trạng độ chói nhất định mới có thể nhận biết được. Vào ban đêm, cho dù có ánh trăng, cảnh vật như nhà cửa, cây cối v.v. trong tầm mắt chúng ta, muốn phân rõ màu sắc của chúng cũng không dễ dàng.
Tri thức vật lí cho chúng ta biết, ánh sáng là một loại sóng điện từ, ánh sáng màu sắc khác nhau có bước sóng khác nhau. Sóng điện từ mắt người có thể trông thấy gọi là ánh sáng nhìn thấy. Ánh sáng nhìn thấy có bước sóng dài nhất là ánh sáng đỏ; ánh sáng nhìn thấy có bước sóng ngắn nhất là ánh sáng tím. Ánh sáng có bước sóng dài hơn của ánh sáng đỏ gọi là tia hồng ngoại, ánh sáng có bước sóng ngắn hơn ánh sáng tím gọi là tia tử ngoại. Đối với mắt người thì tia hồng ngoại và tia tử ngoại là loại “nhìn mà không thấy”.
Ngay từ thế kỉ XVII, các nhà khoa học đã phát hiện hiện tượng phân sắc và trộn sắc của ánh sáng. Họ chiếu một chùm ánh sáng Mặt Trời màu trắng lên một lăng kính thuỷ tinh. Sau khi đi qua lăng kính, ánh sáng liền phân thành 7 loại ánh sáng màu theo thứ tự: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Ngược lại, xếp chồng trộn lẫn 7 loại ánh sáng màu này với nhau, chúng lại sẽ biến thành ánh sáng trắng. Do đó, rút ra kết luận, ánh sáng Mặt Trời là một loại ánh sáng màu tạp.
Cảm giác chủ quan của mắt người đối với ánh sáng màu không hoàn toàn thống nhất với phân tích khách quan trong vật lí. Loại sai khác này gọi là ảo giác. Mặc dù là ảo giác, đầu não của người lại “sai rồi thì cứ làm theo cái sai”. Ví dụ như, ánh sáng trắng chúng ta nhìn thấy, có thể là do bảy loại ánh sáng màu nói trên hỗn hợp mà thành, cũng có thể là do ba loại ánh sáng màu hồng phấn, vàng và chàm hỗn hợp vào, thậm chí có thể là do hai loại ánh sáng vàng và chàm hỗn hợp mà thành. Có thể có nhiều phương án hỗn hợp thành ánh sáng trắng, song kết quả đều là ánh sáng trắng cả. Cảm giác chủ quan của mắt người không thể phân rõ ánh sáng trắng là do những loại ánh sáng màu nào hỗn hợp mà thành, chỉ có thể nhờ vào lăng kính phân sắc mới xác định được thành phần tổ hợp của loại ánh sáng trắng đó.
Ánh sáng trắng ít nhất có thể dùng hai loại ánh sáng màu chồng lên mà thành. Thế thì muốn tái hiện thế giới vô biên sặc sỡ nhiều màu, hàng nghìn hàng vạn loại màu sắc tươi thắm, liệu cũng có thể dùng hai loại màu sắc sáng màu cơ bản chồng lên không nhỉ? Các nhà khoa học sau nhiều thực nghiệm và nghiên cứu đã rút ra kết luận: dùng hai loại ánh sáng màu cơ bản, theo những cách phối hợp cường độ khác nhau, có thể tái hiện nhiều loại ánh sáng màu. Phương án này tuy giản đơn, song hiệu quả lại không lí tưởng, chủng loại màu sắc tái hiện ra không nhiều, và cũng không được tươi đẹp. Các nhà khoa học dùng ba loại ánh sáng màu đỏ, lục, lam làm màu cơ bản, xác định được nội dung cơ bản của ba màu gốc: tất cả các loại màu sắc trong thiên nhiên đều có thể dùng ba màu sắc gốc hỗn hợp theo một tỉ lệ nhất định mà có được. Ba loại màu gốc đỏ, xanh, chàm độc lập với nhau, bất cứ một màu nào trong đó đều không thể do hai loại màu gốc kia hỗn hợp mà được; tỉ lệ trong hỗn hợp ba màu gốc có thể quyết định độ bão hoà và sắc điệu của màu hỗn hợp.
Dựa vào nguyên lí ba màu gốc, các nhà khoa học đã xác định phương án công tác truyền màu sắc trong tivi màu. Muốn truyền và tái hiện các loại màu sắc rất khác xa nhau trong thiên nhiên, không còn cần phải tìm kiếm ánh sáng của các loại màu, chỉ cần phân giải và hỗn hợp ba màu gốc là được rồi. Tín hiệu truyền hình trước khi phát đi đã phân giải màu sắc của các loại cảnh vật thành ba loại màu gốc với tỉ lệ khác nhau. Ba loại màu gốc đã qua mã hoá và các tín hiệu khác như âm thanh, độ chói, tần số quét v.v., sau khi điều chế bằng sóng vô tuyến điện cao tần, được phát lên không trung thông qua ăngten phát. Tivi màu sau khi thu được tín hiệu của đài truyền hình phát ra, tiến hành tách sóng và giải mã đối với tín hiệu truyền hình. Sau khi có được ba loại màu gốc với tỉ lệ khác nhau, lần lượt đưa chúng vào ba súng điện tử âm cực đỏ, lục, lam của đèn hiện hình. Electron của mỗi súng điện tử phóng ra chia nhau bắn vào điểm bột huỳnh quang đỏ, lục, lam đối ứng. Khoảng cách ba điểm bột huỳnh quang này hết sức gần, mắt người không sao nhận rõ ba điểm đó, chỉ có thể thấy màu hỗn hợp của chúng mà thôi.
Khi bạn bật công tắc nguồn điện của tivi màu, hình ảnh hiện rõ trên màn huỳnh quang, bạn kề gần nó và dùng kính lúp quan sát kĩ, sẽ nhận thấy có rất nhiều miếng sáng màu hình chữ nhật, cứ ba mảnh làm một nhóm dựa sát nhau hợp thành một hình vuông. Trong mỗi miếng hình vuông đều có ba loại màu sắc đỏ, lục, lam, song song những miếng vuông khác nhau, độ chói của ba màu đó không nhất định bằng nhau. Ba mảnh sáng hình chữ nhật đỏ, lục, lam dựa sát nhau này chồng lên nhau, lại liên kết với miếng hình vuông bên cạnh thành một tấm, hiện rõ ra hình ảnh nhiều màu, sắc thái vô cùng phong phú.
Tivi màu tái hiện các loại màu sắc trong thiên nhiên thông qua ba màu gốc đỏ, lục, lam như vậy đó. Căn cứ vào sự ưa thích khác nhau của mỗi người, chúng ta có thể điều chỉnh độ lớn của độ bão hoà để thay đổi độ bão hoà của màu sắc.
Từ khóa : Tế bào cảm quang; Tivi màu; Nguyên lí ba màu gốc.