Xương của tai làm bằng những chất gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Sức mạnh của bộ xương người bình thường, mạnh khỏe thật đáng kinh ngạc. Nói rằng bộ xương của ta có sức mạnh gấp 2 lần một cây sồi đủ tuổi thì không phải là nói ngoa đâu.

Xương cần phải cứng, mạnh vì nó chính là bộ khung nâng đỡ cho cả cơ thể con người. Xương có hình dạng, kích cỡ khác nhau tùy theo nó là xương của loài động vật nào và cũng tùy chức năng của xương đó. Cá và chim nhỏ có xương nhỏ xíu và nhẹ. Xương voi thì to và nặng tới vài trăm kí. tuy nhiên, dù là xương gì, của loài động vật nào thì cấu tạo của xương vẫn giống nhau. Xương là một chất liệu cứng, có màu trắng xám, trong đó khoảng 2/3 là thành phần vô cơ tức là chất khoáng, đặc biệt là chất phốt phát vôi. Nhờ chất này, xương trở nên cứng, nhưng đồng thời nó cũng làm cho xương hóa giòn hơn. thành phần khác nữa của xương là các chất hữu cơ. Các chất này làm cho xương bền nhờ đó khó bị gãy bể. Ở một vài loại xương có chất béo – tức là tủy – và là chất hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao. trong xương cũng có một ít nước, dường như nước này giảm đi khi cơ thể trở nên già. Khi bị khô đi như vậy và vì chất khoáng tăng lên, xương hóa ra giòn, dễ gãy, bể, đồng thời khi gãy thì xương rất lâu lành.

Nếu bạn bị gãy xương cánh tay chẳng hạn thì phải sắp đặt lại cho đúng khớp và bó chặt nó để giữ nguyên vị trí, đồng thời cánh tay không cử động, nhờ đó xương sẽ tự hàn lại với nhau. Khi lành rồi thì cánh tay sẽ cử động lại bình thường.

Xương tự hàn lại với nhau nhờ những tế bào gọi là nguyên bào xương. Những tế bào này tiết ra chất vôi làm cho chỗ gãy hàn dính cứng lại với nhau. Cũng chính những tế bào này giúp cho sự tăng trưởng tự nhiên của xương. Ngoài ra, trong xương còn có tế bào gọi là nguyên bào hủy xương tách bỏ những mô già, nhờ đó xương tăng trưởng. Quá trình vừa tách bỏ vừa phát sinh thay thế thường xuyên diễn ra trong xương, nhờ đó xương không bị hao mòn.