Ý nghĩa của cái hôn?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Ngày nay hôn là hình thức biểu hiện của tình cảm trìu mến. Nhưng trước khi cái hôn có ý nghĩa này thì nhiều nơi trên thế giới và từ thời xa xưa, cái hôn lại có ý nghĩa biểu hiện lòng tôn kính.
Nhiều bộ lạc ở châu Phi hôn đất mà các lãnh tụ của họ đặt chân lên. Hôn tay, hôn chân là dấu hiệu của lòng tôn kính có từ thời xa xưa. Thời cổ La Mã, hôn môi, hôn mắt là một kiểu chào tôn trọng. Hoàng đế La Mã cho phép một đại thần hay một đại quý tộc quan trọng được hôn môi. Nhưng những người kém quan trọng hơn thì chỉ được hôn tay và những người kém quan trọng hơn nữa thì chỉ được hôn chân.
Rất có thể cái hôn mang ý nghĩa biểu hiện cảm tình trìu mến có từ thời rất gần mà cũng rất xưa: bà mẹ “nựng” con của mình, muốn hội nhập làm một với con. Vấn đề là xã hội có chịu cho phép mở rộng ý nghĩa này ra cho người lớn với nhau không.
Ta có bằng chứng về trường hợp này – nghĩa là mở rộng ý nghĩa của cái hôn cho người lớn – từ thế kỷ thứ XVI và có lẽ còn trước đó nữa. Xứ sở đầu tiên chấp nhận cho cái hôn như một biểu hiện lịch thiệp và tình cảm là nước Pháp. Khi khiêu vũ trở thành phổ biến thì sau mỗi bài nhảy đều kết thúc bằng một cái hôn.
Từ nước Pháp, cái hôn mau lẹ lan rộng khắp châu Âu. Nước Nga vốn thích bắt chước các thói tục của Pháp, đã chấp nhận cái hôn và cho phổ biến rộng rãi trong… xã hội thượng lưu. Một cái hôn của Nga hoàng là biểu hiện cao nhất sự công nhận của vương triều.
Lần lần, cái hôn trở thành một phần của phép lịch sự. Khi các tục lệ trong hôn nhân phát triển, cái hôn trở thành một phần của nghi thức hôn lễ. Ngày nay, dĩ nhiên ta chấp nhận cái hôn như biểu hiện của tình yêu và sự dịu dàng. Nhưng, ngay thời nay, tại nhiều nơi trên thế giới, cái hôn là một phần của nghi lễ trang trọng đồng thời đang có khuynh hướng mở rộng thêm ý nghĩa: biểu lộ lòng tôn kính.