Nghệ thuật là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum
Trong thực tế ngày nay, quay nhìn bất cứ nơi nào ta cũng thấy bóng dáng hoặc một hình thức nghệ thuật nào đó. đồ đạc, bàn ghế, thảm, chén, dĩa, xe hơi, đồng hồ cho đến quần áo… tất cả không nhiều thì ít đều có bóng dáng của một hình thức nghệ thuật nào đó. Lý do là mỗi khi chế tạo món đồ nào đó, các nhà chế tạo đều cố gắng làm sao cho đồ vật của mình có tính đường nét, màu sắc hấp dẫn.
Tuy nhiên, cái mục đích chủ yếu của nhà chế tạo nhắm tới không phải là nghệ thuật mà chỉ là mục đích bán được nhiều hàng, nghĩa là mục đích thực dụng. Còn nghệ thuật có mục đích khác hẳn. Mục đích của nghệ thuật chính là cái đẸP.
Các ngành hay bộ môn nghệ thuật chủ yếu gồm hội họa, điêu khắc, văn chương, âm nhạc, vũ và kiến trúc. Trong các bộ môn nghệ thuật này chỉ có kiến trúc là có tính hữu dụng hơn cả. Kiến trúc sư phải quan tâm yêu cầu sử dụng của tòa kiến trúc có tầm quan trọng ít ra cũng bằng yêu cầu nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thứ nghệ thuật mà ta tạm gọi là thuần túy thì kết quả lao động gian khổ, khó khăn của người tạo ra nó – tức là các nghệ sĩ – thì lại chẳng dùng được vào việc gì cụ thể. Nó chỉ tạo ra gây ra một khoái cảm nghệ thuật, khoái cảm do cái đẹp, vậy thôi. Bởi vậy, một bức tượng, một điệu nhạc, một bức tranh, một màn vũ, một cuốn sách, một vở kịch trình diễn… là những thí dụ cụ thể của tính “vô dụng” của nghệ thuật. Bụng đói mà ngồi nghe nhạc, xem kịch… đâu có hết đói được? Tuy vậy không thể gọi nghệ thuật là vô giá trị, vô ích.
Ngày nay trong tất cả cách ngành nghệ thuật đều có những thử nghiệm – nhiều khi kỳ cục, lố lăng – để tìm ra cái mới trong cái đẸP. Tuy nhiên những phương pháp cổ truyền và những tác phẩm nghệ thuật chân chính vẫn được ngưỡng mộ. Hơn nữa, nghệ thuật là sự phối trí. Người ta có thể “phối trí” âm thanh, từ ngữ chất liệu, đường nét màu sắc… Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của sự phối trí. Trong phối trí, người nghệ sĩ tạo ra sự hài hòa, cân đối và nhịp điệu…
Nhịp điệu do sự lặp lại ít nhiều nhặt, khoan những âm thanh màu sắc, hình thể động tác… sự cân đối là sự sắp đặt các vật liệu, chất liệu sao cho có vẻ như có sự thăng bằng, thẳng đứng, và sự hài hòa chính là bố cục cho các chất liệu (âm, màu, vật liệu, các phần của toàn thể) sao cho tạo thành một toàn khối ăn khớp với nhau. Tất nhiên đây mới chỉ là những định nghĩa hết sức thô thiển để ta có được một khái niệm tổng quát về nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật mà người nghệ sĩ luôn cố gắng thể hiện trong tác phẩm của mình.