Bản đồ lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ
Bản đồ lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ là sự biến đổi không gian sinh tồn của người Việt Nam, thể hiện bởi các triều đại chính thống đã được công nhận trong lịch sử Việt Nam. Mang tính chất rất phức tạp, lúc thì bị mất lãnh thổ về các nước khác, lúc lại chinh phục được những vùng lãnh thổ mới.
Nhìn chung lại vùng lãnh thổ cốt lõi nơi phát sinh ra người Việt hiện nay là vùng châu thổ sông Hồng, sau nhiều thế kỷ đi chinh phục, đồng hóa, khai khẩn mà lãnh thổ ngày nay đã trải dài đến tận đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ khái quát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ thời Hồng Bàng khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên cho đến ngày nay
1. Hồng Bàng:
Khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên một số sử liệu và huyền thoại cho rằng vào đầu thời Hồng Bàng, bộ tộc người Việt có lãnh thổ rộng lớn từ phía nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến tận vùng Thanh Hóa. Thực chất các bộ tộc Việt phía Nam sông Trường Giang không có cùng sắc tộc, chủng tộc và ngôn ngữ. Cái tên Bách Việt là chỉ chung cho các bộ tộc các nhà nước phía Nam của Trung Nguyên
1.1. Nước Văn Lang
Nước Văn Lang thuộc bộ tộc Lạc Việt đã hình thành trên vùng bình nguyên bao gồm đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã và đồng bằng Sông Lam.
1.2. Nước Âu Lạc
Sau khi chiếm được Văn Lang, Thục Phán đã sát nhập Văn Lang vào đất của mình, nước Âu Lạc có lãnh thổ từ phía nam sông Tả Giang (Quảng Tây,Trung Quốc) kéo xuống tận dãy Hoành Sơn thuộc Hà Tĩnh ngày nay
2. Thời Bắc Thuộc
Nếu coi nhà Triệu (từ 207 đến năm 111 trước công nguyên) là một phần của hệ thống phân chia lịch sử thời kỳ Bắc thuộc lần 1 thì lãnh thổ nước Việt Nam thuộc nước Nam Việt của 5 đời vua nhà Triệu.
Năm 111 trước công nguyên, nhà Triệu để mất nước về tay nhà Hán. Sau đó lãnh thổ nước Nam Việt cũ bị chia thành 6 quận, đồng thời xác lập thêm phần đất ở 3 quận mới là Nhật Nam, Chu Nhai, Đạm Nhĩ
Lãnh thổ của dân tộc Việt Nam thời kỳ này, trong sự cai quản của chính quyền trung ương các triều đại Trung Hoa, tiến về phía nam đến vùng Hà Tĩnh hiện nay, thỉnh thoảng các quan cai trị Giao Chỉ (hoặc Giao Châu) tiến xuống phía nam đánh Chiêm Thành và đưa thêm vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân vào cai trị nhưng không giữ được lâu vì sau đó Chiêm Thành thường lấy lại được.
2.1. Nước Vạn Xuân
Vạn Xuân là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi thoát khỏi chính quyền trung ương Trung Hoa, dưới thời nhà Tiền Lý và Triệu Việt Vương. Tháng 2 năm 544, sau khi đánh bại quân nhà Lương (Trung Quốc), Lý Bí xưng là Hoàng đế và đặt tên nước là Vạn Xuân. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602, khi nhà Tùy đánh bại Lý Phật Tử và đô hộ Việt Nam một lần nữa.
3. Lãnh thổ Việt Nam Thời phong kiến tự chủ
Sau khi Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ của Tĩnh Hải quân năm 905, Việt Nam bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ. lãnh thổ Tĩnh Hải quân gồm 12 châu
3.1. Tĩnh Hải Quân
Việt Nam chính thức vào kỷ nguyên độc lập từ khi Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán vào năm 938. Tuy nhiên lãnh thổ bị co lại chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phúc Lộc, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn. 4 châu bị nhà Nam Hán chiếm là Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An.
3.2. Đại Cồ Việt
Năm 968, Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu trở lại sau hơn 400 năm, là Đại Cồ Việt
Năm 1014, tướng nước Đại Lý là Đoàn Kính Chí đem quân vào chiếm đóng châu Vị Long và châu Đô Kim (nay thuộc Tuyên Quang), vua Lý Thái Tổ sai con là Dực Thánh Vương đi đánh dẹp, quân Đại Lý đại bại, nhân cơ hội đó nhà Lý sáp nhập luôn khu vực ngày nay là Hà Giang vào Đại Việt.
3.3. Đại Việt
Sau đó Lý Thái Tổ đổi tên nước là Đại Việt năm 1054
Vào Năm 1069, vua Lý Thánh Tông nam tiến đánh nước Chiêm Thành và bắt được vua Chiêm lúc bấy giờ là Chế Củ (Jaya Rudravarman), đem về kinh đô Thăng Long. Để được tha mạng vua Chiêm đã phải cắt các vùng đất phía bắc của Chiêm Thành gồm ba châu là: Bố Chính, Ma Linh, Địa Lý cho nước Đại Việt. Những châu ấy ngày nay ở địa phận các huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình và huyện Bến Hải tỉnh Quảng Trị.
Năm 1159, nhân khi nước Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Thái ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt.
Việt Nam thời nhà Trần năm 1306 vua nước Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Simhavarman) đã cắt đất hai châu Ô và Rí cho vua Trần Anh Tông của Đại Việt để làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, vùng đất mà ngày nay là phía nam Quảng Trị và Huế. Biên giới phía nam của Đại Việt lúc này tiến đến đèo Hải Vân.
3.4. Đại Ngu
Đại Ngu là quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ (1400 – 1407). Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu tháng 3 năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền
4. Bắc thuộc lần 4
Vào cuối thế kỉ 14 nhà Trần bấy giờ đã sa sút, Hồ Quý Ly dần dần nắm quyền kiểm soát cả triều đình, dùng những biện pháp thanh trừng những đại thần trung thành với triều Trần. Hồ Quý Ly lên ngôi vua vào năm 1400, đặt quốc hiệu Việt Nam là Đại Ngu, ông thực hiện rất nhiều cải tổ trong hệ thống chính trị và xã hội lúc bấy giờ. Nhưng do thực hiện quá nhiều sự thay đổi trong thời gian ngắn, lại không được các cựu thần nhà Trần và dân chúng ủng hộ, thêm tình hình kinh tế xã hội hoàn toàn suy yếu vì nhiều nguyên nhân, nên đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Nhân cơ hội đó, năm 1406 nhà Minh ở Trung Quốc dùng chiêu bài phù Trần diệt Hồ, nhà Minh mang quân sang xâm lược Đại Ngu. Nhà Hồ nhanh chóng tsụp đổ hoàn toàn vào khoảng giữa năm 1407. Nước Đại Ngu lúc này bị tiêu diệt hoàn toàn và bị sát nhập lãnh thổ vào Trung Quốc. Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ trở lại sau 500 năm độc lập tự chủ.
4.1. Khởi Nghĩa Lam Sơn
Vào năm 1418 Lê Lợi và các hào kiệt phất cờ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tại vùng miền núi Thanh Hóa, ông tự xưng là Bình Định Vương, kêu gọi người dân Việt Nam đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh cứu nước. Lúc này lãnh thổ đất Việt chỉ còn Lam Sơn nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
Vào năm 1424 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu tiến vào phía Nam và dành được những thắng lợi quan trọng. Đến cuối năm 1425, Lê Lợi đã làm chủ toàn bộ đất đai từ Thanh Hóa trở vào
5. Nhà Hậu Lê
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dành thắng lợi đã thống nhất được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Lê Lợi lên ngôi vào năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên nhà Hậu Lê. Do chiến công hiển hách đánh bại quân Minh dành lại quyền tử chủ cho người Việt, ông trở thành một vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam, tên tuổi được lưu truyền đến ngàn đời sau
Năm 1471 vua Lê Thánh Tông mang 20 vạn quân nam tiến đánh vào kinh đô Vijaya ( đất Bình Định ngày nay) nước Chiêm Thành, kinh đô Vijaya của Chiêm Thành thất thủ. Vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập vùng đất bắc Chiêm Thành vào Đại Việt (ngày nay bao gồm ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Năm 1478, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man, vua Lê Thánh Tông đã sát nhập vùng Sơn La, các huyện phía tây của Thanh Hóa, phía tây Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay vào đất Đại Đại Việt
5.1. Giai đoạn Nam – Bắc triều
Khoảng đầu kỷ 16, nhà Hậu Lê lúc này đã bắt đầu suy yếu. Một võ tướng nhà Lê là Mạc Đăng Dung đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy, dần dần nắm lấy quyền hành triều Lê. Mạc Đăng Dung đánh dẹp các lực lượng chống đối nhà hậu Lê và đến 1527 thì phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc.
Lúc này có một võ tướng cũ của nhà Lê, là Nguyễn Kim lập một người dòng dõi nhà Lê là Lê Duy Ninh đưa lên ngôi trên đất Sầm Châu (Lào ngày nay), tức vua Lê Trang Tông. Sau nhiều lần tổ chức tấn công ngược về Đại Việt không thành công, mãi tới năm 1539, Nguyễn Kim mới chiếm được huyện Lôi Dương ở Thanh Hóa; sang năm sau tiến vào đất Nghệ An. Nhà Hậu Lê bắt đầu xác lập chỗ đứng trở lại trên lãnh thổ Đại Việt.
Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc giết chết. Con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền chỉ huy quân đội.
Năm 1554, Trịnh Kiểm lập hành dinh tại quê hương Biện Thượng, sau đó điều quân đánh Thuận Hóa. Khi quân Lê – Trịnh tiến vào phía nam, các quan lại nhà Mạc và các hào trưởng địa phương phần lớn đi theo. Tướng Mạc ở Thuận Hóa là Hoàng Bôi mang quân ra đánh bị tử trận. Quân Mạc bị đánh tan, nhà Lê – Trịnh lấy lại được Thuận Hóa và Quảng Nam.
Toàn bộ lãnh thổ Đại Việt chính thức chia làm 2 nửa: từ Ninh Bình trở ra trong tay nhà Mạc, từ Thanh Hóa trở vào trong tay nhà Lê – Trịnh
5.2. Nguyễn Hoàng xây dựng cơ đồ mở mang bờ cõi Đại Việt
Năm 1569, Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim và là em vợ của Trịnh Kiểm ra Thanh Hóa yết kiến vua Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp Nam triều đánh nhà Mạc, rồi đến phủ Thái sư lạy mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm rất hài lòng, phong cho ông trấn thủ luôn đất Quảng Nam. Nguyễn Hoàng làm Tổng Trấn Tướng Quân kiêm quản cả Xứ Quảng Nam và Xứ Thuận Hóa. Lệ mỗi năm phải nộp thuế là 400 cân bạc, 500 tấm lụa.
Năm 1611, do quân Chăm Pa tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh, Nguyễn Hoàng đã sai Văn Phong đi dẹp, quân Chăm Pa nhanh chóng bị đánh bại trước lực lượng của chúa Nguyễn. Vua Po Nit của Chăm Pa phải rút quân xuống phía Nam đèo Cả. Sau đó vùng đất Hoa Anh này được lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa vàĐồng Xuân, giao cho Lương Văn Chánh làm tham tướng, Văn Phong làm lưu thủ.
Cho tới khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang, Hoành Sơn (nam Hà Tĩnh) qua đèo Hải Vân tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên, giáp tỉnh Khánh Hòa. Diện tích 2 xứ Thuận Quảng rộng khoảng 45000 km²
5.3. Trịnh – Nguyễn phân tranh
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần tiến chiếm vùng Khánh Hòa của Chiêm Thành. Lấy sông Phan Rang làm ranh giới. Vùng phía Đông sông đến địa đầu Phú Yên (vùngKauthara) đặt dinh Thái Khang. Phần phía Tây sông (vùng Panduranga) vẫn thuộc về Chăm Pa.
Năm Mậu Tuất (1658) vua nước Chân Lạp mất rồi, chú cháu tranh nhau ngôi vị, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3.000 quân sang đánh ở Mỗi-xuy (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) bắt được vua nước ấy là Nặc-Ông-Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều-cống và phải bênh vực người Việt sang làm ăn ở bên ấy.
Năm KỷTỵ (1679) có quan nhà Minh là tổng binh trấn thủ đất Long Môn (Quảng Tây) Dương Ngạn Địch, phó tướng Hoàng Tiến, tổng binh châu Cao, châu Lôi, và châu Liêm (thuộc Quảng Đông) là Trần Thượng Xuyên, phó-tướng Trần An Bình, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3.000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân Việt Nam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (tức là đất Gia Định). Bọn Ngạn Địch chia nhau ở đất Lộc Đã (tức là đất Đồng Nai), ở Mỹ Tho (thuộc Tiền Giang), ở Ban Lân (thuộc Đồng Nai) rồi cày ruộng làm nhà lập ra phường phố