Vì sao nước lại không cháy?
Đặt ra câu hỏi này có vẻ hơi thừa. Nước không cháy, ai chả biết. Thế nhưng tại sao nước không cháy, quả là câu hỏi không dễ trả lời.
Để giải đáp rõ ràng câu hỏi này, trước hết ta phải hiểu sự cháy là gì?
Thông thường thì sự cháy là phản ứng hoá học của các chất với oxy. Có những chất ngay ở nhiệt độ thường, cũng bốc cháy khi gặp oxy. Photpho trắng là một ví dụ. Lại có những chất như than đá (thành phần chủ yếu là cacbon), hyđro, lưu huỳnh, ở nhiệt độ thường khi tiếp xúc oxy không hề có phản ứng, nhưng khi tăng cao nhiệt độ thì chúng sẽ bốc cháy.
Trông bên ngoài thì rượu, xăng, dầu hoả, nước đều là những chất lỏng trong suốt, rất giống nhau. Thế nhưng rượu là do ba nguyên tố cacbon, hyđro, oxy, còn xăng, dầu hoả là do hai nguyên tố cacbon, hyđro tạo thành. Đại bộ phận các chất chứa cacbon đều có thể cháy được. Rượu, xăng, dầu hoả có 1 nguyên tử cacbon kết hợp với hai nguyên tử oxy thành phân tử cacbon đioxit. Còn các nguyên tử hyđro lại kết hợp với oxy thành phân tử nước và do đó các hợp chất nói trên đều cháy sạch.
Đến đây chắc các bạn đều đã rõ tại sao nước lại không cháy. Nước là do hai nguyên tố hyđro và oxy tạo nên, là do kết quả sự cháy của nguyên tố hyđro. Đã là sản phẩm của sự cháy nên đương nhiên nó không có thể có khả năng lại tiếp tục kết hợp với oxy hay nói cách khác nó không thể lại cháy một lần nữa. Cùng với lý luận tương tự, cacbon đioxit là sản phẩm cuối cùng của sự cháy nên cacbon đioxit không thể cháy được nữa. Do cacbon đioxit không tiếp dưỡng được sự cháy, lại có tỷ trọng nặng hơn không khí, nên người ta dùng cacbon đioxit để dập lửa.
Đương nhiên cũng không ít loại vật chất không thể hoá hợp với oxy cho dù có đưa nhiệt độ lên cao đến mấy đi nữa thì chúng cũng chỉ là “bạn tốt” của oxy. Các loại vật chất này là những chất không cháy được.
Từ khoá: Nước; Sự cháy.