Học Nói Tiếng Anh Hiệu Quả

Từ khóa tìm kiếm: Tự Học Tiếng Anh Hiệu Quả

Hiểu lầm tai hại về học nói


Tôi nghe nhiều người than phiền rằng họ không có môi trường luyện nói tiếng Anh đủ nên họ vẫn chưa nói được tiếng Anh. Một số khác thì kêu rằng họ bị thiếu vốn từ vựng và khi nói thì mắc quá nhiều lỗi sai. Hay một số nơi có niềm tin sắt đá rằng là cách duy nhất để học nói là phải mở miệng ra và phải nói thật nhiều! Vâng, tôi không nói những suy nghĩ trên là sai hoàn toàn nhưng bạn đã thử làm các cách đó chưa? Và kết quả như thế nào? Tôi tin rằng bạn tự có câu trả lời cho mình.

Theo một nghiên cứu về Ngôn ngữ học mà tôi tự tìm hiểu thì việc thực hành tiếng Anh sai cách có thể huỷ hoại khả năng nói và viết tiếng Anh của bạn, câu “practice makes perfect” không phải lúc nào cũng đúng. Nó đúng nhưng thiếu một vế nữa là “when to practice  and how to practice will complete the story” (khi nào thực hành và thực hành như thế nào mới khiến câu chuyện học tiếng Anh rõ nét được). Hãy đừng nhìn đi đâu xa, lấy chính ngay bản thân bạn thôi, lúc bạn “luyện nói” tiếng Anh như được người ta “khuyên bảo”, trong một câu thôi nhưng bạn vừa mắc lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt, lỗi phát âm, lỗi dùng từ và khi bạn lại đi luyện tập hàng ngày với bạn của bạn (trình độ cũng kém như bạn, hay kể cả giỏi hơn bạn) thì bạn cũng đang củng cố lại tất cả những lỗi sai tôi vừa kể trên! Wow! Bạn đang luyện tập để giỏi lên hay để càng ngày càng thấy tiếng Anh là một cơn ác mộng vậy?. Nó giống như bạn mới học bắn súng, đáng nhẽ bạn chỉ được dùng súng lục nhưng chưa gì bạn đã cầm Aka bắn loạn lên và thế là bạn sợ hãi tới mức không bao giờ dám động đến súng nữa! Trong khi nếu bạn làm theo chỉ dẫn đúng cách từng bước một thì có thể đây là một môn giải trí tuyệt vời cho bạn. Bạn thấy không? Lỗi không hề nằm ở tiếng Anh, lỗi ở người chỉ dẫn cho bạn, và bạn ngây thơ đã sử dụng sai quy cách mà thôi. Thay vì sửa sai, hãy cùng “yêu lại từ đầu”, yêu “đúng”, yêu “an toàn” với anh bạn tiếng Anh nhé!


Yếu tố then chốt của học nói Tiếng Anh


Bạn có thể bắt đầu xem qua lại phần “Cảm âm trước khi phát âm” trước khi đọc tiếp phần này. Nếu bạn đã nắm rõ bảng phiên âm IPA và tra từ điển đọc được bất cứ từ nào thì phần tiếp theo sẽ dễ dàng hơn với bạn rất nhiều. Hãy cùng nhìn lại quá trình bạn đã tiếp nhận tiếng Việt như thế nào thì quy luật học bất cứ thứ tiếng nào cũng tương tự như vậy. Chúng ta bắt đầu tiếp nhận ngôn ngữ thông qua hoạt động nghe, nghe và nghe chứ không phải là giống như hồi mới học tiếng Anh, thầy cô dạy chúng ta đọc và viết (từ mới) trước – một điều đi ngược lại tiến trình tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên. Một đứa trẻ để nói được cả câu mất từ hai đến ba năm đầu đời tắm trong ngôn ngữ, chúng nghe từ bố mẹ, ông bà, bạn bè, ti vi… Đương nhiên là chúng ta không mất đến chừng đó thời gian để cảm âm. Vì chúng ta là người trưởng thành học ngôn ngữ nên có thể tự học và rút ngắn thời gian đó lại bằng cách học chủ động.

Ý tôi muốn nói là gì? Chúng ta phải học nói bằng cách NGHE, nghe xem để nói một điều thì trong tiếng Anh được điễn đạt như thế nào, câu trúc câu ra làm sao, chứ không phải bạn dịch từ tiếng Việt ra rồi nói. Như vậy tốc độ nói của bạn vừa chậm, cách diễn đạt sai khiến người bản địa sẽ rất khó khăn để hiểu xem bạn muốn nói điều gì. Ví dụ: Nếu bạn muốn hỏi người bạn của bạn “Hôm nay đã uống thuốc chưa?”, và bạn dịch từ tiếng Việt sang, nó sẽ là: “Have you drunk medicine today?”. Thực tế trong tiếng Anh thì câu đó nói đúng phải là “Have you taken medicine today?”. Nhiều từ bạn nghĩ là dịch ra là như vậy, nhưng trong thực tế họ nói hoàn toàn khác. Không có input (đầu vào) thì output (đầu ra) sẽ rất tệ. Chúng ta chưa có đủ input nhưng lúc nào cũng lăm le muốn luyện nói, giống như bạn vừa mới học võ nhưng đi đâu cũng muốn đánh nhau vậy.

 Then chốt của việc học nói nằm ở UNDERSTANDABLE, INTERESTING AND REPETITIVE INPUT (tài liệu học hiểu được, thú vị và lặp đi lặp lại). Cần hội tụ cả ba yếu tố này. Nếu bạn nghe cái gì đó quá khó, bạn không hiểu được thì bạn cũng không học được gì cả. Đó là lí do vì sao bạn xem phim hoài, nghe TV shows hoài mà vẫn không khá lên được, bởi vì chúng quá nhanh và quá khó so với trình độ của bạn. Bạn cần nghe chủ yếu là các tài liệu dễ (hiểu được trên 95%) thì khả năng nói sẽ tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.

Thường thì chúng ta học một bài chưa đủ sâu, nghĩa là chưa đủ số lần lặp lại. Bạn cần nghe tần suất xuất hiện nhiều lần của một từ và một cấu trúc ngữ pháp trước khi bạn có thể hiểu chúng ngay tức thì. Lặp lại bao nhiêu thì là đủ, đương nhiên là càng nhiều càng tốt. Hầu hết người ta nghe một từ 30 lần thì mới nhớ được từ đó, còn để hiểu ngay lập tức và có thể sử dụng được, bạn cần nghe từ đó từ 50-100 lần, thậm chí nhiều hơn như vậy. Đó là lí do vì sao bạn cần quan tâm tới CHẤT LƯỢNG bài học, học đã đủ kĩ hay chưa, chứ không phải là mình đã học được bao nhiêu bài (số lượng). Bạn có thể đa dạng hoá hoạt động học như nghe phim có phụ đề tiếng Anh, nghe truyện thiếu nhi bằng tiếng Anh, đọc tiểu thuyết tiếng Anh, nghe những đoạn hội thoại dễ, nhưng hãy chọn ra một bài hoặc một đoạn phim học ít nhất trong vòng 14 ngày, đến lúc bạn có thể nói lại mà không cần nhìn hoặc cố nhớ thì có nghĩa là bạn đã đạt tiêu chí học đủ sâu để có thể DÙNG được tiếng Anh!

Tôi xin nhắc lại, để nói được tiếng Anh, bạn cần lặp lại đủ số lần các cấu trúc câu đơn giản, phổ biến và tài liệu học phải sinh động thú vị. Nếu các bạn luyện nghe hời hợt, hôm nay học bài 1 mai chuyển ngay sang bài 2 thì khả năng bạn nói được tiếng Anh là còn rất lâu nữa.


Tự đánh giá tiến trình học nói


a. Khả năng nói = Kiến thức + ngôn ngữ

Nói tiếng Anh chỉ là một kĩ năng, bạn có thể học được. Tuy nhiên, để nói được thì bạn cần một thứ gọi là “kiến thức nền” về chủ đề cần được nói. Giả sử bây giờ cho tôi nghe hai bác sĩ người Mỹ nói chuyện với nhau, có thể tôi chỉ hiểu được 80% những gì họ đang thảo luận về các loại bệnh và phác đồ điều trị đi kèm (giả sử là như vậy). Nhưng nếu cho tôi nghe hai nhà tâm lý học trò chuyện thảo luận với nhau về tâm lý con người và các nghiên cứu liên quan về bộ não, tiềm năng con người, tôi có khả năng hiểu được từ 98-100% những gì họ nói, bởi vì lĩnh vực dịch chuyên môn của tôi là về những thứ này nên tôi không có gì lạ lẫm khi tiếp xúc với chúng.

Có thể trong đầu bạn đang dấy lên một câu hỏi rằng là: Tôi chỉ muốn học tiếng Anh giao tiếp, tôi cần gì phải biết từ chuyên môn của ngành nào đâu?. Vâng, bạn có thể đúng. Nhưng hãy để tôi kết thúc câu chuyện của mình, sau đó quyết định như thế nào là ở bạn. Trong những tháng tôi có hướng dẫn các bạn sinh viên và thậm chí cả người đi làm tự học tiếng Anh hiệu quả, tôi thấy vấn đề họ gặp phải khi nói chuyện với người nước ngoài là ngoài vài câu giao tiếp thông thường hỏi han về con người đất nước, thời tiết trời mây rồi vài ba lâu lăng nhăng thì họ không biết nói gì tiếp và phải nói như thế nào?. Và rồi ai đó cũng sẽ mờ nhạt trong mắt những người nước ngoài, gặp họ chỉ để hỏi vài ba câu đã được lên kịch bản sẵn.

Hãy thử tưởng tượng bạn có thể lắng nghe họ nói về đam mê của chính họ, họ có thể là kiến trúc sư, một nhiếp ảnh gia, hay một người thích đi du lịch, bạn ít nhất cần có cái gọi là hiểu biết xã hội chung bằng tiếng Anh để HIỂU họ trước khi bạn nói về mình. Mà để nói về bản thân thì còn gì tuyệt vời hơn là nói về ngay cái công việc bạn đang làm!. Chính vì vậy, việc học tiếng Anh phải đi đôi với việc nghiên cứu và tìm hiểu kiến thức xã hội chứ không chỉ là học đơn thuần. Đó là lí do vì sao bạn càng xác định mục tiêu học tập rõ ràng bao nhiêu thì việc chọn học tài liệu và dồn sức càng dễ bấy nhiêu!

b. Đánh giá tiến trình học nói

Nhiều người than phiền rằng họ không có môi trường luyện tập tiếng Anh cũng như không có bạn để luyện nói cùng. Tư duy học này là không hẳn sai nhưng nó không hiệu quả lắm như tôi đã trình bày ở trên. Nhiều người hỏi tôi là làm thế nào để tôi có thể nói tiếng Anh dễ dàng như vậy, sự thật là tôi không hề luyện nói. Khi tôi trả lời họ không tin tôi, họ cứ nghĩ tôi đi học ở trung tâm hay lớp học đặc biệt nào thì mới có được khả năng như vậy. Tôi không làm gì đặc biệt, tôi chỉ làm những gì đã được chứng minh là hiệu quả, và kết quả đã cho thấy điều đó. Bạn hoàn toàn có khả năng tự luyện nói một mình, nhưng cũng cần có tiến trình phù hợp, nếu không bạn sẽ lại tự củng cố những lỗi sai trong quá trình luyện tập đó. Hãy để tôi chia sẻ với bạn cách mà tôi đã sử dụng.

Trước tiên, hãy nhớ rằng, mỗi khi chúng ta mở miệng nói thì trong đầu chúng ta xuất hiện hình ảnh và trong cơ thể chúng ta cảm nhận cảm xúc đi kèm những hình ảnh đó, nói gọn lại như kiểu kể lại một câu chuyện. Ví dụ: “Hôm qua con vào chợ mua cá chép nhưng cô bán hàng bảo bán hết mất rồi!”. Trong đầu bạn đang hiện ra cảnh bạn đi vào chợ ngày hôm qua và cảnh bạn trò chuyện với cô bán hàng. Chính vì thế, khi nói, các hình ảnh, âm thanh và cảm xúc trong đầu bạn sẽ được mã hoá sang tiếng Anh. Nên thực chất, ở bước học từ vựng tốt vì nói bạn không cần lo nghĩ nhiều, chỉ cần nhớ lại cảm xúc của sự kiện bạn cần nói thì các từ tiếng Anh sẽ được tuôn ra (vì bạn đã học đủ sâu). Tôi sẽ nói kĩ hơn trong phần Từ vựng.

Nên nhớ, nếu bạn ở giai đoạn mới bắt đầu học thì input quan trọng hơn output, bạn không phải luyện nói. Chỉ luyện nói khi bạn “cảm thấy” muốn nói, thường thì tầm sau 4 – 6 tháng, hoặc 7 – 8 tháng tuỳ vào từng cá nhân, tốc độ học và mục tiêu của bạn.


Quy trình tự luyện tập cho khả năng nói hội thoại


B1: Giả sử bạn đã biết rằng mình sẽ gặp ai và nói về điều gì (hoặc chưa thì cũng không sao, chọn một bối cảnh bất kì mà bạn nghĩ là mình sẽ gặp ở ngoài thực tế). Tưởng tượng về tình huống đó trong đầu

B2: Bạn thấy chính mình đang nói tiếng Anh trôi chảy trong tâm trí mình với người bản địa (hình ảnh lớn dần, âm thanh giọng nói, ngữ điệu, sự tự tin)

B3: Tua cảnh đó trong đầu nhiều lần cho đến lúc bạn thật sự cảm thấy tự tin 

Bạn có thể lặp lại B1-B3 bất kể thời điểm nào trong ngày để tăng sự chuẩn bị cũng như sự tự tin trong việc nói tiếng Anh.


Quy trình tự luyện tập và đánh giá khả năng nói cho một đoạn trình bày dài


B1: Nghĩ về chủ đề mình cần nói, sau đó mở điện thoại hay máy ghi âm lên và nói ngay, không chần chừ suy nghĩ, cứ nói, và nói không cần suy nghĩ nhiều, để xem khả năng tuôn ra bằng tiếng Anh của bạn được trong bao lâu.

B2: Sau đó khi nào không nói được nữa thì tắt ghi âm đi và mở lên nghe lại toàn bộ phần nói của mình.

B3:Tiếp đến lấy giấy bút ra và ghi ra xem bạn mắc những lỗi diễn đạt nào, lỗi dùng từ ra sao, lỗi phát âm để lưu ý. Hãy nhớ, bạn không thể tự sửa những lỗi này lần sau nói nhưng nhận thức về những lỗi này rất quan trọng. Nó thúc đẩy bạn phải nạp input vào nhiều và chất hơn nữa để output của bạn thực sự chất lượng hơn từng ngày.