Nhớ Sâu Từ Vựng trong Tiếng Anh


Khi nào thì bạn mới đủ từ vựng để nói và viết?


Sau khi bạn đã học được một thời gian, khoảng chừng nửa năm hoặc hơn thế, bây giờ bạn muốn xem khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình tới đâu nhưng còn e ngại? Bạn nói rằng sợ nói sai ngữ pháp, không đủ vốn từ, nói chưa trôi chảy. Tôi xin nhắc lại, nói trôi chảy là một ẢO TƯỞNG của tất cả mọi người học tiếng Anh, thậm chí cả TÔI! Bạn sẽ không bao giờ nói trôi chảy! Tôi và tất cả mọi người cũng vậy. Tại vì sao tôi lại nói thế? Bạn đừng hiểu nhầm ý tôi. Hãy thử nghĩ xem, kể cả khi bạn nói tiếng mẹ đẻ, có khi nào bạn đã trải qua cảm giác “không biết nên nói như thế nào cho phải nhỉ?”, “Mình cũng không biết phải diễn đạt như thế nào cho cậu hiểu nữa”… Thậm chí, nhiều lúc, hai người nói tiếng Việt nói chuyện một hồi với nhau nhưng cuối cùng một người nói “Tao chả hiểu mày đang nói về cái gì cả, nói lại đi!”. Tôi chắc chắn bạn đã từng trải qua các tình huống này. Trường hợp này xảy ra ở mọi ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Anh hay tiếng Việt cả. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi người được sinh ra ở một nơi khác nhau, môi trường sống, nền tảng giáo dục cũng như cách nuôi dạy, tư duy khác nhau nên chúng ta dễ dàng nhận ra rằng vấn đề lớn nhất nằm ở việc giao tiếp.

Nhưng mọi chuyện không khó như bạn tưởng. Tôi có thể lấy ví dụ của chính mình: Đó là tôi không chờ đợi sự hoàn hảo, vì tôi biết tôi sẽ không bao giờ hoàn hảo cả. Hãy nhớ, đây là cuốn sách chia sẻ trải nghiệm học, tôi đã từng ở trong hoàn cảnh học “gà mắc tóc” như bạn nên tôi hiểu bạn đang phải trải qua những điều gì. Tôi cứ nói và nếu tôi có diễn đạt sai, thường thì người bản địa không quan tâm, hoặc nếu người đó có mối quan hệ khá mật thiết với bạn thì thi thoảng họ sẽ sửa lỗi đó cho bạn. Hoặc trong thực tế có những từ khi họ nói tôi không hiểu, tôi không giả vờ hiểu, tôi hỏi ngay lập tức, họ không ngần ngại giải thích cho tôi về từ đó, nó bắt nguồn từ đâu, vì ngôn ngữ đi kèm với văn hoá, bạn phải dùng trong tình huống thực bạn mới biết mình thiếu cái gì, cần bổ sung học thêm cái gì. Học tiếng Anh là cả một quá trình học – sử dụng – học – sử dụng và không bao giờ kết thúc cả. Và tôi đã học như vậy, đến ngày hôm nay, thi thoảng người đối diện nói với tôi là “I don’t understand what you mean, say again?” (Tao không hiểu ý mày đang muốn nói gì, thử nói lại xem nào?). Và khi đó, tôi sẽ diễn dạt lại, dùng từ dễ hơn và nói chậm hơn. Tôi cũng làm điều tương tự với người bản xứ. Vì đặc thù công việc là một người phiên dịch nên tôi tiếp xúc với nhiều kiểu tiếng Anh khác nhau, từ Anh-Anh, Anh-Mỹ, cho tới Anh-Sing, Anh- Malay, Anh-Ấn… nên mỗi vùng có thể có một chút sự khác biệt trong cách sử dụng thứ ngôn ngữ toàn cầu này. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Thật ra tôi chẳng giỏi giang gì, mỗi ngày “năng nhặt chặt bị”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, học ngoại ngữ là một hành trình khá là thú vị nếu bạn đã có đà.

Chúng ta cần nhiều từ vựng bị động (passive vocabularies) hơn là từ vựng chủ động (active vocabularies). Theo nghiên cứu thì người bản xứ chỉ sử dụng khoảng 3000 từ thông dụng trong bối cảnh giao tiếp công việc hàng ngày, chuyên môn có thể từ 5000-7000 từ nên để nói và viết tiếng Anh không khó lắm, nhưng để hiểu được người bản xứ nói gì thì không hẳn là đơn giản. Khi nói chuyện với chúng ta, họ có xu hướng nói chậm hơn, dùng những từ đơn giản hơn để chúng ta hiểu được và giao tiếp được với họ. Nhưng khi bạn xem TV shows hay nghe hai người bản địa nói với nhau thì câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn càng có nhiều từ vựng bị động thì càng tốt, cộng với khả năng nghe nhạy bén thì bạn sẽ hiểu được rất nhiều, đó là một tiêu chí quan trọng trước khi bạn đáp lời họ (không hiểu thì sao đáp lại được), và nó quyết định chất lượng của cuộc trò chuyện của bạn, không phải bạn nói cái gì mà bạn có thật sự hiểu và đồng cảm với câu chuyện của người nói hay không.

Đến cả ngày hôm nay tôi cũng không ngần ngại gì khi phải tra từ điển cách sử dụng của một từ. Đó là thói quen HÀNG NGÀY của tôi. Nhiều bạn nói rằng đọc sách truyện tiếng Anh cảm thấy nản vì cứ phải tra từ điển. Tra từ điển là điều bắt buộc không thể tránh khỏi, đến như học văn thơ tiếng Việt chúng ta còn phải nhìn xuống chú thích ở cuối trang xem từ “lạ” này nghĩa là gì, huống chi tiếng Anh! Vấn đề là chúng ta không chọn tài liệu quá khó, tiêu chí là hiểu được trên 95% thì hầu như không phải dừng lại tra