Tớ đã học TIẾNG ANH như thế nào?
GAME 3: TÌM TỪ THEO CHỦ ĐỀ
Muốn nhớ được nhiều từ trong tiếng Anh, kinh nghiệm của tớ là phải cho những từ vào một chủ đề, tớ gọi công việc này là “nhặt từ vào trong giỏ”. Mỗi từ có một giỏ riêng, như những quả trứng hồng đặt trong ổ trứng vậy. Khi nào cần, bạn chỉ cần ấp ủ một hồi là các quả trứng ấy sẽ cho bạn những chú gà xinh xắn lắm, ví dụ như một bài hát tiếng Anh vậy. Vì thế, trong khi chơi cùng mẹ, tớ rất thích chơi trò tìm từ theo chủ đề. Tớ thường là người được chọn chủ đề, thế là tớ cứ chọn chủ đề nào mà tớ biết nhiều nhất, mẹ tớ cứ gọi là thua đứ đừ. Nhưng cũng có khi mẹ tớ bắt phải oẳn tù tì, thế là khi mẹ tớ thắng, mẹ ra những chủ đề rất chi là “con gái” như: làm đẹp này, nấu nướng này, để gỡ bí, tớ lại phải xin thêm thời gian để còn đi lục từ điển. Đây là ví dụ của tớ về việc cho từ vào trong giỏ nhé!
Giỏ 1: Các từ chỉ thời gian: Second, minute, day, hour, clock, month, year, night, morning, afternoon…
Giỏ 2: Các từ về khoa học: Evaporation, condensation, circuit, battery, measure, thermometer, electricity, conductor, insulator, hypothesis…
Giỏ 3: Các từ về địa lý: River, lake, mountain, valley, ocean, climate, population, settlement…
Đấy, các ấy thấy chưa, nếu cứ cho từ vào những chiếc giỏ xinh xắn như thế, chẳng mấy chốc chúng ta cất được khối những quả trứng. Và khi nào cần, các ấy chỉ cần đem ra, từng quả, từng quả một, tiện lợi và dễ nhớ vô cùng. Bố tớ nói rằng, kinh nghiệm để nhớ lâu là việc sắp xếp các từ trong đầu mình phải có trật tự. Các ấy hình dung nhé, các kiến thức mình tích lũy được nếu để lộn xộn thì khi cần sẽ rất khó tìm, như anh bạn cẩu thả hay để các thứ đồ lung tung thì đến khi đi học sẽ chẳng biết áo của mình ở đâu, mũ rồi giày của mình cũng biến đâu mất. Nhưng ngược lại, nếu tất cả được sắp đặt như trong một thư viện, bạn cần sách khoa học à, có ngay, bạn cần truyện tranh, xin mời… cứ thế, các bạn sẽ sẵn sàng “huy động” vốn từ, đúng không nào?
GAME 4: TÌM TỪ THEO “ĐUÔI”
Chà chà, cái này thì hơi khó hơn đây. Tớ hay thua mẹ tớ trong trò chơi này nhưng đó là chỉ khi mới bắt đầu chơi thôi. Còn bây giờ khi đã có trong tay một quyển từ điển Anh – Anh do các cô giáo ở trường tặng, tớ cứ gọi là thắng giòn giã, đến nỗi mẹ tớ còn phải ngạc nhiên. Từ khi có quyển từ điển mới, mỗi lúc rảnh rỗi, tớ lại mang ra đọc và ghi chép những từ mà tớ thấy là đặc biệt, chẳng hạn những từ có “đuôi” giống nhau. Và tất nhiên, từ nào tớ cũng ghi kèm theo cả nghĩa tiếng Việt nữa. Đây cũng là “bí quyết” học ngoại ngữ mà bố tớ bày cho tớ, đó là luôn mang theo quyển sổ ghi từ mới và kiến thức ngữ pháp mà mình cần ghi nhớ. Chính vì thế, trong trò chơi này, tớ luôn làm mẹ bất ngờ. Để chuẩn bị cho trò chơi, trước hết hai mẹ con đi tìm “đuôi” đã. Có những chiếc đuôi định sẵn nhưng cũng có những chiếc đuôi ngẫu nhiên được tìm ra.
Hồi đầu tiên, để cho dễ chơi, mẹ tớ thường cho tìm từ với những chiếc đuôi đơn giản như “er” chẳng hạn, thế là tha hồ tìm vì chắc các ấy cũng nhớ, có rất nhiều động từ trong tiếng Anh khi thêm đuôi “er” là thành các danh từ chỉ người như: driver, worker, teacher, typer… Sau này, mẹ tớ cho tìm với những cái đuôi khó hơn nhiều. Ví dụ như từ có đuôi là “an” chẳng hạn. Nếu là bạn, bạn sẽ tìm được những từ nào. Còn tớ, tớ tìm được là: can, fan, man, ban, pan, tan, van, clan. Thế còn với đuôi là “op” thì sao, bạn tìm có giống tớ không: bop, lop, cop, hop, mop, pop, sop, top, chop, clop, drop, shop, slop.
Thế nào, các ấy thấy trò chơi này có vui không? Nhưng nhớ là khi chơi, các ấy phải viết được từ ra và phải nói đúng nghĩa tiếng Việt của từ ấy nhé. Nhiều lần tớ viết được rồi mà nghĩ mãi không ra nghĩa của nó, thế là không được tính, tiếc ơi là tiếc. Cũng có khi cả hai mẹ con nghi ngờ không biết có từ này thật không, thế là lại phải nhờ đến từ điển. Mà để dễ thắng, các ấy cũng cần để ý quan sát một chút nhé, nếu những đuôi nào mà bắt đầu bằng nguyên âm (như a, o, i, e) thì các ấy nhớ tìm cho nó một cái đầu bằng phụ âm và ngược lại, có như thế việc tìm từ mới nhanh được và mình mới dễ thắng, đúng không nào?
GAME 5: GHÉP TỪ NHANH
Trò chơi này thì chắc các ấy đã được làm quen nhiều ở lớp rồi, thông thường trong các bài kiểm tra của chúng mình bao giờ cũng có một bài yêu cầu ghép hoặc nối giữa từ với hình. Nhưng tớ và mẹ tớ đã thay đổi hình thức đi một chút, các ấy xem tớ và mẹ tớ đã làm như thế nào nhé. Đầu tiên là ghép giữa từ với từ. Trong tiếng Anh có nhiều từ để riêng ra có nghĩa và khi ghép lại với nhau lại tạo ra một nghĩa khác. Nhớ được những từ ghép kiểu này rất quan trọng. Nó sẽ giúp ích bạn rất nhiều khi viết và đọc hiểu. Chính vì thế, tớ và mẹ thường chia các từ này thành hai cột sau đó nối lại với nhau.
Để cho hấp dẫn, tớ thường cho các từ này khi thì ở trong những chiếc bánh xe, khi thì ở trong những chiếc mũ và có khi lại ở trong những hình mặt cười. Sau đó trò chơi bắt đầu. Tất nhiên là phải thật nhanh, nhìn thật tinh. Khi tìm được từ nào, phải đọc to từ đó lên và nói nghĩa thì mới được tính điểm. Các ấy ạ, phải thật cẩn thận nhé nếu không sẽ tạo ra từ mà chẳng có nghĩa gì đâu. Bây giờ các ấy thử nối xem với cột như thế này thì các ấy nối được bao nhiêu từ nhé!
farm | milk |
barn | melon |
butter | house |
water | barrow |
hay | yard |
scare | stack |
wheel | crow |
Thế nào, các ấy làm đúng cả chứ. Đây là những từ tớ ghép được nhé: Barnyard, buttermilk, watermelon, haystack, scarecrow, wheelbarrow.
Các ấy biết không, có khi ghép xong lại tạo thành bữa tiệc ấy chứ. Vì tớ rất khoái khi nói đến những món ăn cho nên mẹ tớ cũng hay cho những từ có liên quan đến ăn uống. Có khi chơi xong một trò mà tớ thắng, thế là mẹ tớ thưởng cho tớ được xuống bếp chế biến món ăn mà tớ thích và thưởng thức luôn. Nói đến đây tớ lại nhớ hồi mới học tiếng Anh, tớ cũng rất hay quên các từ, nhất là quên cách đọc của chúng. Mẹ tớ bèn cải thiện tình hình bằng cách toàn cho tớ học những từ “rất ngon” như: banana, strawberry, cake… Nhưng buổi học không diễn ra ở trong phòng học đâu mà là ở… trong nhà bếp. Ví dụ mẹ nói: Hôm nay, mẹ con mình sẽ làm món bánh với banana nhé, đi tìm và bóc cho mẹ two bananas nào. Cứ thế, mẹ nói, tớ nhắc lại và làm theo.
Đến khi có món bánh thơm phức đặt lên đĩa là tớ nhớ từ, nhớ cả cách dùng từ với số nhiều và nhớ luôn cả cách làm bánh nữa. Có hôm khi ở lớp học về mix fruit, mẹ còn dạy tớ vừa làm vừa hát, tất nhiên là những bài hát tự bịa ra rồi, miễn sao món “mix” của mình có tên tiếng Anh của càng nhiều loại quả càng tốt. Nhìn chung tớ cực thích cách học này, chỉ tội học một thời gian theo cách này tớ tăng cân vù vù mà mẹ lại mệt phờ nên sau này, chỉ là những món ăn tưởng tượng thôi. Tuy vậy cũng rất hấp dẫn, đúng không các ấy?
GAME 6: TÌM TỪ ĐỒNG NGHĨA, TỪ TRÁI NGHĨA
Chắc là các ấy biết khái niệm thế nào là “từ đồng nghĩa”, “từ trái nghĩa” rồi đúng không. Đó là những từ mà có nghĩa giống nhau hoặc trái ngược nhau. Ví dụ như ở tiếng Việt, từ “đẹp”, từ “xinh” là hai từ đồng nghĩa với nhau. Và trái nghĩa với chúng sẽ là “xấu”. Tìm hiểu về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa thì hay cực kì. Tớ thường hay nhờ đến “quyền trợ giúp” là bố khi muốn tìm những từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa trong tiếng Việt. Bố cũng thường đố tớ những bài rất vui về từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa. Trong tiếng Anh, cũng có những từ trái nghĩa (antonym) và từ đồng nghĩa (synonym), tuy nhiên, tớ nhận thấy, chúng mình thường học từ mà ít khi để ý đến những từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa của chúng. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng đọc hiểu của chúng mình đấy bởi vì trong cách viết của người nước ngoài, người ta rất hay dùng từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa. Tớ đã có lần ngồi cắn bút trước những từ “rất lạ” nhưng khi tra nghĩa của chúng thì mới ồ lên, hóa ra mình đã học những từ có nghĩa như thế này rồi. Để củng cố về từ đồng nghĩa, tớ và mẹ khi tìm được những từ có nghĩa giống nhau lại ghi ra một tờ giấy, ghi lộn xộn chứ không theo dòng kẻ đâu. Vài ba hôm, khi thấy tờ giấy đã có vẻ nhiều nhiều từ là hai mẹ con lại bắt tay vào việc phân loại. Lại “chen vai huých cánh”, xô đẩy huỳnh huỵch để tìm được đúng từ đồng nghĩa. Cứ những từ đồng nghĩa với nhau thì có chung một kí hiệu, hoặc là khoanh tròn, hoặc là gạch chân. Bây giờ các ấy thử tìm các từ đồng nghĩa có trong “một giỏ” lộn xộn dưới đây bằng cách gạch chân và nếu từ trái nghĩa của chúng thì các ấy khoanh tròn nhé:
1. Happy
glad | cheerful |
sad | gloomy |
joyous | unhappy |
joyful | merry |
2. Hot
fiery | flaming |
scorching | sweaty |
chilly | cold |
frosty | frozen |
3. Sparkling
glistening | glitter |
glimmering | shimmering |
dim | gloomy |
murky |
Thế nào, các ấy đã tìm đã tìm thấy hết chưa. Và sau đây là đáp án nhé:
1. Happy
2. Hot
3. Sparkling
GAME 7: TÌM CON CỦA MÌNH
Nghe tên trò chơi đã thấy buồn cười đúng không các ấy? Tuy nhiên những “đứa con” ở đây chính là những chữ cái có trong một từ. Để chơi được trò chơi này, tớ và mẹ thường oẳn tù tì, người nào thắng sẽ được làm chủ trò. Chủ trò sẽ có nhiệm vụ nghĩ ra một từ và lần lượt các phương án để người chơi lựa chọn. Nhiệm vụ của người chơi là phải tìm ra được đúng “con” của từ cho trước, nghĩa là các chữ cái có trong từ đó. Cái khó cho cả chủ trò và người chơi ở đây là phải tìm ra được các chữ cái ghép thành từ có nghĩa từ một từ cho trước. Phương án lựa chọn càng giống với đáp án thì trò chơi càng kịch tính. Không những thế, với mỗi một dòng lựa chọn, thời gian tìm ra không được quá năm giây. (Nhìn lâu thì phát hiện ra hết còn gì). Tớ hay suy nghĩ để tìm những từ vừa dài vừa khó và cả các phương án trả lời rất giống nhau nữa chứ. Mẹ tớ cứ gọi là nhầm liên tục. Trò này rất vui nhưng các ấy nhớ chuẩn bị công phu nhé, đảm bảo bố mẹ các ấy sẽ nhiều lần phải “bó tay”, và thế là không thể coi thường khả năng tiếng Anh của mình đúng không nào? Bây giờ các ấy hãy thử sức với những câu dưới đây của tớ. Nhớ là tìm chữ cái có trong từ cho trước sao cho những chữ cái ấy đã được ghép thành một từ mới và nếu các ấy nói được nghĩa của tất cả các từ thì đúng là “trên cả tuyệt vời”!
Bây giờ tớ có từ gốc là: Handkerchief. Nào 10 giây cho các ấy nhìn hết các chữ cái có trong từ gốc này nhé. Và bây giờ, cứ mỗi dòng cho trước, dùng năm giây để tìm những “đứa con” của từ gốc trong số các từ sau:
on | and | it |
fan | run | ham |
cry | pin | kid |
dive | find | kite |
Thế nào, các ấy có tìm được đúng không? Chắc là đúng hết rồi! Thử so sánh với kết quả của tớ nhé: Dòng đầu tiên, “đứa con” bị lưu lạc đích thị là “and”. Dòng thứ hai, không ai khác ngoài “fan”. Dòng thứ ba, “tóm” ngay được “kid” và “đứa con” cuối cùng ắt hẳn là “find”. Các ấy thấy hay chưa nào? Trò chơi này giúp chúng mình sẽ để ý hơn khi viết chính tả của một từ. Bố tớ giải thích rằng, tiếng Anh cùng hệ chữ Latin như tiếng Việt nên khi học, nếu mình hiểu và nắm chắc về cách tạo từ thì có nghĩa là mình đã nắm trong tay một chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tiếng Anh rồi. Các ấy có muốn thử sức tiếp không. Tớ làm chủ trò nhé!