Tớ đã học TIẾNG ANH như thế nào?

Từ gốc: Over coat

   
orinat
canteamat
toecopbar
treegoatvote

Từ gốc: Necktie

   
itonan
runtincap
tenasktin
kitekicknext

Từ gốc: Suspenders

   
meinup
sundippea
dueandnut
dropsdressdiness

Các ấy có tìm được đúng hết không? Và khi đã tìm được đúng rồi, các ấy nhớ tìm hiểu thêm nghĩa tiếng Việt của những từ ấy nữa nhé.

GAME 8: NHÌN, CHE, VIẾT

Trò chơi này có tên rất hay phải không các ấy? Để chơi được trò chơi này, các ấy hãy cùng mẹ cắt những mẩu giấy nhỏ xinh xắn. Nếu cắt được thành hình bông hoa hay ô tô càng tốt. Người chơi và người chủ trò cần có một tờ giấy trắng. Người chủ trò sẽ ghi ra trên tờ giấy của mình khoảng tám từ. Khi thời gian chơi bắt đầu, chủ trò hãy cho người chơi nhìn vào từng từ rồi lần lượt che từ bằng một miếng bìa. Người chơi sau khi được nhìn sẽ viết lại từ đó vào mảnh giấy nhỏ. Cứ thế cho đến hết tám từ. Sau đó, chủ trò sẽ kiểm tra lại để tính số “hoa” hoặc “ô tô” mà người chơi đã đạt được. Để chơi được trò này, các ấy phải rất tập trung, nhìn cho thật tinh, nhớ cho thật kĩ và viết cho thật chính xác. Vì trong trang giấy có những tám từ nên nếu mình không tập trung thì rất có thể, đầu óc mình chỉ chú ý đến những từ không bị che bên cạnh thôi. Tớ và mẹ thường hay chơi trò này mỗi khi tớ học từ mới. Tớ nhớ bài nhanh hơn và rất hứng thú khi nghĩ đến giờ học tiếng Anh. Đôi khi để chiến thắng được mẹ, tớ làm chủ trò và nghĩ ra những từ vừa dài vừa khó viết. Thế là mẹ tớ cũng phải bặm môi bặm lợi, toát cả mồ hôi mà vẫn cứ viết nhầm như thường. Sau này, tớ và mẹ còn nghĩ ra luật chơi “kinh khủng” hơn là tám từ ban đầu sẽ có kết thúc hoặc mở đầu hoặc nguyên âm như nhau. Và không che từng từ một mà là che… cả tám từ. Oái, khó không nào! Với luật chơi này, chủ trò thì phải vắt óc để tìm ra từ, còn người chơi thì phải nhìn và nhớ “siêu nhanh” để khi viết không lẫn lộn giữa từ này với từ kia. Ví dụ nhé:

– 8 từ cho trước (với cùng kiểu cấu tạo: a–e): name, fame, shame, came, game, grape, make, plane.

– 8 từ cho trước (với cùng kết thúc là ight): bright, light, tight, night, knight, might, sight, flight.

Và một điều quan trọng mà tớ luôn luôn muốn nhắc với các ấy đó là: Phải hiểu nghĩa của từ, nhé!

GAME 9: TOÁN TRONG ANH

Nghe tên trò chơi này các ấy có thấy buồn cười không? Thực chất của trò chơi này là thông qua việc chơi mà học luôn được cả tiếng Anh nữa. Vì thế, có thể luật chơi giống nhau nhưng các ấy thử xem mình đang học nội dung gì của môn Toán để có thể chơi được.

Ví dụ nhé, đợt vừa rồi, tớ lần đầu tiên được học về khái niệm “số chẵn” và “số lẻ”. Ban đầu tớ rất khó phân biệt hai khái niệm này nên phân chia nhầm lẫn liên tục. Thế là mẹ tớ nghĩ ra trò chơi thế này. Mẹ sẽ làm chủ trò, tớ là người chơi. Tớ đứng trước mặt, giơ hai tay thật cao và có nhiệm vụ làm theo yêu cầu của chủ trò. Ban đầu mẹ tớ đọc các con số rất chậm và mẹ quy ước: cứ số chẵn, mẹ sẽ vỗ tay hai cái, số lẻ mẹ sẽ vỗ một cái, tớ chỉ việc làm theo thôi. Sau đó, mẹ sẽ đọc nhanh dần và tớ phải tự quyết định xem sẽ vỗ tay hai hay một ở những số mẹ đọc. Và cuối cùng khó nhất là mẹ sẽ đọc và làm khác nhau, tớ phải tự quyết định để vỗ tay cho đúng chứ không phải nhìn mà làm theo thì sẽ rất dễ sai. Ví dụ, mẹ hô: “three” rồi vỗ hai cái, “six” – hai cái; “eleven” – hai cái. Nói chung là cứ lung tung, lùng bùng. Khi mới chơi, tớ sai liên tục. Mỗi lần sai là phải nhảy lò cò quanh nhà (mẹ toàn chọn những hình phạt bằng vận động để tranh thủ cho tớ giảm béo luôn mà.) Nhưng sau tớ hết sức tập trung cộng với việc đã quen dần, trong đầu lúc nào cũng lẩm nhẩm: kết thúc bằng 0, 2, 4, 6, 8 là số chẵn, còn lại là số lẻ. Chơi như thế vài lần, tớ nhớ bài lúc nào không hay. Hôm sau đến lớp, cô hỏi câu hỏi khó: “Con tìm cho cô số lẻ lớn nhất có ba chữ số?” Tớ tìm ngon ơ! Thế mới hay chứ lại. Các ấy có thấy đúng là “Toán trong Anh” không nào?

Lại một trò chơi khác cũng theo kiểu này nhé! Mẹ tớ vẫn được làm chủ trò (vì mẹ giỏi Toán hơn mà). Mẹ sẽ chuẩn bị một cách hết sức bí mật những yêu cầu (tất nhiên có liên quan đến môn Toán) rồi cất giấu đi. Sau đó, mẹ sẽ cho tớ một “sơ đồ” để đến được chỗ cất giấu. Bằng tất cả những phán đoán tinh nhanh về phương hướng của mình, tớ phải tìm được ra chỗ cất giấu. Nhưng không phải thế là xong đâu. Tìm đến nơi, tớ lại phải giải bằng được các câu hỏi trong đó rồi mới chạy thật nhanh về “căn cứ” là chỗ mẹ ngồi. Nếu không giải được, tớ phải giơ hai tay xin hàng hoặc nếu giải lâu quá, tớ sẽ bị “bắn”– bằng súng nước. Tớ vừa thích, vừa lo lo khi chơi trò này vì quả thực tớ không nhanh nhạy về môn Toán lắm đâu các ấy ạ. Với lại nhiều từ trong tiếng Anh liên quan đến môn Toán cũng khó lắm. Sau đây tớ chép lại một mẩu giấy mà tớ đã tìm được trong chỗ cất giấu của mẹ để các ấy thử làm với tớ nhé:

The famer is building pens for his animals. Use the word problems to help you solve the divison problems

There are 10 horses on the farm. Each pen can hold 5 horses. How many pens are needed?

There are 24 pigs on the farm. Each pen can hold 8 pigs. How many pens are needed?

There are 36 cows on the farm. Each pen can hold 4 cows. How many pens are needed?

There are 27 sheep on the farm. Each pen can hold 9 sheep. How many pens are needed?

There are 33 goats on the farm. Each pen can hold 3 goats. How many pens are needed?

Tớ tin những bạn nào đã học về bảng chia thì sẽ làm được bài này thôi. Tuy nhiên, các ấy có nhận thấy không, qua bài này chúng mình cũng có thêm nhiều từ tiếng Anh cần thiết lắm nhé, như từ “pen” ở đây có nghĩa là “chuồng” chứ không phải là “cái bút” như chúng mình thường thấy. Từ “division” nghĩa là “chia ra” này. Chúng mình còn được học thêm về cách chuyển một số danh từ sang số nhiều (các ấy có để ý là từ “sheep” không thay đổi khi chuyển sang số nhiều không?). Đấy tớ đã nói từ đầu mà, trò chơi này hay mà khó phải không nào?

GAME 10: “THE GOD SAID”

Trò chơi này tớ đã thấy nhiều người chơi rồi. Dịch sang tiếng Việt có thể là “Thượng đế bảo…”. Tớ thích trò này vô cùng vì được cùng mẹ chạy loăng quăng khắp nhà. Tất nhiên là phải nhớ được những lệnh tiếng Anh và làm theo thật nhanh. Ví dụ, tớ làm chủ trò (cái này thì tớ tự tin làm chủ trò rồi) tớ sẽ hô to: “The God said… Bring one paper.” Thế là mẹ tớ vội vàng chạy đi lấy giấy, chưa kịp để mẹ nghỉ ngơi, tớ lại hô tiếp “The God said: Sit down”. “The God said: Clap your hand”. “The God said: Touch your eye”… Cứ thế liên tục! Nhưng trò này còn hay ở chỗ nếu người chủ trò không hô “The God said” nghĩa là “Thượng đế không bảo” mà vẫn thực hiện là coi như thua cuộc. Ha…ha, trong khi mải rối tinh rối mù để thực hiện các yêu cầu nên người chơi thường không để ý và rất dễ thua các ấy ạ.

GAME 11: KẾT THÚC ĐỂ BẮT ĐẦU

Nghe tên trò chơi này có vẻ rất “con gái” phải không các ấy nhưng trò này cũng hay không kém các trò trên đâu nhé. Để chơi được trò này, tớ và mẹ cùng oẳn tù tì để là người được viết từ đầu tiên trên giấy. Sau đó, người chơi tiếp theo sẽ lấy chữ cái cuối cùng của từ đó để bắt đầu một từ mới. Cứ tiếp tục như vậy. Đến đây các ấy đã hiểu vì sao trò chơi lại có cái tên như vậy rồi chứ. Ví dụ nhé. Tớ viết từ là: “Open”, mẹ viết tiếp “new”. Tớ lại viết tiếp: “Word”, mẹ lại viết “door”… Cứ thế đến khi ai không tìm được từ tiếp là thua. Nhưng để cho dễ thắng, tớ thường kèm điều kiện: Phải nói được nghĩa của từ tìm ra và phải viết đúng từ nguyên thể chứ không phải từ quá khứ hoặc phân từ hai. Vì tớ biết mẹ tớ nhiều khi nghĩ ra từ rất giỏi nhưng hỏi đến nghĩa thì chỉ cười cười. Mẹ bảo tại mẹ già rồi nên hay quên (Không phải thế đâu, mẹ tớ còn trẻ mà), cũng có khi mẹ đổ tại: “Tại mẹ sinh Nam nên bây giờ đầu óc hay lú lẫn” – toàn những lý do buồn cười các ấy nhỉ? Nhưng bất kể thế nào, cứ phải gắn từ với nghĩa. Ngay bây giờ, các ấy thử chơi trò này đi nhé, hay lắm đấy!

GAME 12: MÔ PHỎNG CÁC TRÒ CHƠI TRÊN TRUYỀN HÌNH

Trên truyền hình có rất nhiều trò chơi phải không các ấy. Thế là tớ và mẹ thường học theo những trò chơi ấy, chỉ khác là chơi bằng tiếng Anh và tất nhiên, phần thưởng không phải là bằng tiền rồi. Nhưng cũng không vì thế mà trò chơi kém vui đi đâu nhé, có khi còn gay cấn và kịch tính hơn ấy chứ. Nói chung, chỉ là “mô phỏng” thôi còn nội dung chơi hoàn toàn do mình quyết định.

Trong tất cả các trò, tớ và mẹ hay chơi nhất là Ai là triệu phú?. Các ấy đã xem phim Triệu phú ổ chuột(1) (Slumdog Milionaire) chưa? Từ khi xem phim, tớ đâm ghiền trò chơi này. Nhất là hôm trước, khi đi đóng phim, tớ đã gặp một người Ấn Độ đang sinh sống tại đúng thành phố làm bối cảnh đóng phim này, tớ lại càng mê hơn. Nhưng để chơi được trò này, phải chuẩn bị công phu và tuyệt đối bí mật. Ví dụ, với vai trò là người dẫn chương trình, tớ phải chuẩn bị rất nhiều câu hỏi theo mức độ từ dễ đến khó. Mẹ tớ sẽ phải lần lượt trả lời và ghi các mức điểm. Ở các mức điểm quan trọng cũng có chúc mừng và kí séc đàng hoàng. Trong khi chơi cũng được quyền trợ giúp bằng cách… gọi điện lên tầng bốn cho bố tớ. Vui lắm và rất hấp dẫn nữa. Cũng có khi mẹ tớ là người chuẩn bị câu hỏi. Nếu tớ trả lời được điểm cao, được thành “triệu phú” là thế nào mẹ cũng cho đi ăn nhà hàng. Cái khó ở trò chơi này là vốn tiếng Anh của mình phải đủ để hiểu ở hầu hết các lĩnh vực. Ví dụ khi thì là Toán học nhé:

What is product of 8 and 4?

a. 12

b. 4

c. 32

d. 2

Với câu hỏi này, nội dung kiến thức sẽ trở nên dễ ợt nếu bạn hiểu được “product” nghĩa là “tích” phải không?

Và đây là câu hỏi “hơi khoai” về khoa học nhé:

The center of the Earth is also known as the…

a. Crust

b. Core

c. Magma

d. Mantle

Thế nào, các ấy có tìm ra câu trả lời không, có cần nhờ đến sự trợ giúp nào không? Còn tớ, với câu này, tớ đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của bố để mới có được đáp án là “Core” đấy!

Hết trò chơi Ai là triệu phú?, các ấy có thể chuyển qua trò chơi Đường lên đỉnh Olympia với những gói câu hỏi rất chi là hấp dẫn. Ở trò chơi này, công việc ngược lại với việc đoán từ, đó là nếu mẹ tớ là MC, mẹ sẽ cho các nghĩa của từ và sau đó tớ sẽ phải đoán xem từ đó có nghĩa là gì. Để chơi được trò chơi này, cần phải hết sức chú ý lắng nghe và “bấm chuông” thật nhanh, chứ nếu không mẹ sẽ đập vào ghế bụp bụp ( báo hiệu là hết giờ ấy mà). Chơi trò chơi này nhiều, tự nhiên tớ thấy khi làm các bài thi, nhất là các kì thi lấy chứng chỉ tiếng Anh dành cho thiếu nhi của Cambridge trở nên đơn giản hơn nhiều vì trong phần thi thế nào cũng có một bài với yêu cầu tương tự. Nào, bây giờ các ấy chọn gói câu hỏi là bao nhiêu? 80 điểm nhé! Xem các ấy được bao nhiêu điểm nào: