Học nhiều làm gì hả con
Nguồn trích dẫn: giasutienphong.com.vn
Trong lúc tôi vẫn đang tranh thủ hoàn thành chồng bài tập trên lớp, làm chút công việc viết lách thường ngày để kiếm thêm thu nhập. Bỗng, tiếng nói vang vọng từ gian nhà nhỏ phát ra. Tôi nghe tiếng nói của mẹ, thì ra mẹ đang cãi nhau với ba, chưa có lúc nào tôi thấy sự bình yên ở hai người. Không khí bắt đầu u ám và căng thẳng tràn ngập cả ngôi nhà, bởi vì tiếng la lớn của mẹ luôn nói không ngừng nghỉ. Tưởng rằng, mọi chuyện không phức tạp cho tới khi mẹ hét lớn vào phòng tôi: “Sao suốt ngày mày cứ chăm chăm vào chiếc máy tính, mày học nhiều rồi làm được cái gì”. Tôi chợt nhận ra là mẹ tôi không thích việc tôi đi học, chuyện khó khăn vì ba không tạo ra nguồn thu nhập lớn.
Mẹ lại lớn giọng nói vọng vào phòng: “Mày nhìn con người ta đi, học xong cấp 3 đã đi nước ngoài kiếm được bao nhiêu tiền, thế mà mày không nghe lời rồi đi học nhiều làm gì!!”
-Mày nghĩ đi học sẽ có tương lai như cái trình độ thấp như mày à.
-Tốn hết bao nhiêu tiền vào đại học rồi ra đi làm được tháng 5 triệu, mày không biết suy nghĩ hả!!
Khuôn mặt tôi bắt đầu tái mép, nhìn mẹ một cách tha thiết như muốn nói nhiều điều lắm. Nhưng, tôi lại cứng họng không thể đối đáp lại để xoa dịu sự ấm ức trong lòng, nước mắt cứ lăn dài, bắt đầu khóc tiếng nấc lớn hơn.
Mẹ lại bảo: Mày lại còn ấm ức, vẫn còn rưng rưng nước mắt được hả, sao tao nói mà không bao giờ chịu nghe thế hả!!
-Ước gì mày được như con người ta, nghe lời tao thì giờ mày có đỡ hơn rồi không, suốt ngày mày học, mày chỉ biết phá tiền tao thôi.
Tôi đăm chiêu nhìn mọi thứ xung quanh, nhìn lên bầu trời vẫn xanh và đẹp, tự an ủi bản thân rồi mọi chuyện sẽ ổn, mẹ sẽ hiểu cho tôi thôi. Nhưng, không có chuyện gì dễ dàng ở bước đầu cả, mẹ tôi luôn giữ vững lập trường với định kiến cỗ hủ ấy. Mẹ luôn nói rằng: Là con gái không nên học nhiều, học rồi sau này cũng phải lập gia đình rồi phụng dưỡng ba mẹ chồng, lo cho con gái thôi. Đến lúc đó tấm bằng sẽ được phủ lên một lớp bụi dày, sẽ không còn ai biết tôi là một cử nhân đại học nữa.
Tôi lằng lặng bỏ đi ra ngoài tìm không khi tốt để tinh thần ổn hơn, lấy xe đi ra trong tiếng nói lớn của mẹ, mẹ bảo:
Tao vừa bàn với ba mày rồi đấy, liệu xem thu xếp mà về đi nước ngoài đi, học nhiều không được gì đâu, mày lo kiếm tiền đi.
Lúc này có vẻ sự ấm ức trong tôi lớn dần, không thể im lặng mãi. Tôi lớn giọng.
Mẹ thích làm gì cứ làm, nhưng con sẽ không bao giờ nghỉ học. Con sẽ thoát nghèo và làm nên chuyện với sự nghiệp học hành này. Tiền như là một công cụ, nhưng nếu thiếu kiến thức thì xã hội ngoài kia sẽ không xem con ra gì đâu mẹ ạ.
Mẹ nhách mép, cười khỉnh.. Mày thì làm được gì mà thoát nghèo. Mày định cứ mãi đi làm thuê cho người khác rồi nhận vài ba đồng ít ỏi thế kia hả!!. Nếu mày nghe tao thì được, còn không mọi chi phí mày phải tự lo. Tao sẽ không quan tâm.
Nghe vậy, tôi không nói nữa. Tôi leo lên xe và đi tìm nơi yên tĩnh để có thể ngồi trầm ngâm suy nghĩ về cuộc sống này. Có phải là tôi quá vô dụng như mẹ nói hay là mẹ chưa từng hiểu cho tôi. Tôi dần mất niềm tin vào cuộc sống này, không một ai hiểu cảm xúc của tôi. Ngay cả người mẹ mà tôi yêu quý nhất cũng trở nên xa lạ với tôi.
Tôi bắt đầu chìm trong một khoảng lặng, tôi bắt đầu nghĩ thoáng hơn. Tôi muốn nghỉ học, tôi sẽ nghe lời mẹ để bắt đầu một cuộc sống mới hơn, cuộc sống sẽ không bị mẹ than trách suốt ngày nữa. Tuy nhiên, đó là những suy nghĩ nhất thời, bởi trong tâm can tôi chưa bao giờ muốn nghỉ học, tôi không muốn lãng phí tuổi trẻ của mình. Tôi muốn sống hết mình vì tuổi trẻ, tôi muốn bổ sung kiến thức từ những người giỏi hơn, tôi muốn được bước lên giảng đường đại học. Ấy vậy, mà câu nói “học nhiều làm gì” luôn ám ảnh khiến tôi không có can đảm để bước tiếp.
Ngồi một lúc thì tiếng chuông điện thoại reo từ túi áo, tôi từ tốn lấy ra trong trạng thái uể oải như không muốn quan tâm, không muốn nói chuyện với ai vào thời điểm này. Qua màn hình, từ mẹ yêu được hiện lên, thì ra là mẹ gọi, chắc mẹ muốn biết tôi ở đâu trong lúc này. Mẹ vẫn còn quan tâm.
Tôi nghĩ rằng, mẹ sẽ an ủi tôi một cách nhẹ nhàng hơn.
Nhưng không…Trong điện thoại mẹ nói lớn lắm..
-Về nhà ăn cơm, không còn nhỏ nữa mà suốt ngày khóc lóc, trưởng thành và đưa ra quyết định đi.
Tôi vội gạt đi giọt nước mát, giọng ồm lại nói với mẹ đôi câu rồi tắt máy. Giờ đây, tôi mong lung lắm và tự hỏi tôi bản thân sẽ ra sao nếu bỏ học để đi nước ngoài mà mẹ hằng mong muốn. Tôi muốn được như bao bạn trẻ khác, được sống với đam mê của mình. Tôi muốn bản thân có thể nạp thêm nhiều kiến thức để về với quê hương của mình, tôi muốn mình phát triển ở đây.
Ở Việt Nam, hiện tại đã phát triển nhiều rồi, công nghệ cũng nâng cấp mới lên. Chính vì vậy, môi trường ở đây tốt để tôi thực hiện những đam mê còn dang dở. Tuy nhiên, tôi không bao giờ phủ nhận việc đi nước ngoài là không tốt, được vươn mình ra thế giới là một hạnh phúc mà ai cũng muốn. Nước ngoài mang đến nhiều kiến thức với nền công nghệ phát triển vượt bậc. Nhưng, đó là khi đủ kiến thức, đủ giỏi để qua đó học thêm kiến thức về làm giàu cho bản thân và có ích cho xã hội. Còn nếu để đi nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động thì bản thân chỉ biết làm và làm, đôi khi còn kiệt sức vì tăng ca kiếm tiền để gửi về gia đình và trang trải cuộc sống ở xứ người. Đâu đó, vẫn còn nhiều người lầm tưởng bên nước ngoài màu hồng, chỉ biết nhìn vào mặt tốt trước là có tiền và nhiều tiền mà thôi.
Tôi thấy rằng, mẹ đã quá xem trọng đồng tiền để rồi ép tôi đi theo đường mà mẹ muốn. Tôi đến với cuộc sống này là nhờ mẹ, tôi biết ơn sự sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ. Nhưng rồi, cuộc đời này tôi không thể sống theo cái khuôn mà mẹ để sẵn được. Tôi khao khát được sống là chính mình, được hạnh phúc với công việc mà mình theo đuổi. Tôi muốn xóa bỏ những suy nghĩ “ Bỏ học đi nước ngoài của mẹ”. Nhất định ai rồi cũng sẽ thành công nếu thực sự quyết tâm, tôi sẽ quên câu nói “ học nhiều để làm gì hả con” và cố gắng vượt qua câu nói đó để chạm đến ước mơ.
Tiền thật sự quan trọng, nhưng tiền rồi sẽ vơi đi. Chỉ có kiến thức mới trường tồn theo thời gian, để mai sau già rồi tôi vẫn còn kiến thức để dạy lại cho con cháu mình. Rồi thở phào nhẹ nhõm: “Tôi thật may mắn vì vẫn còn nhiều kiến thức như thế”.
Bạn ạ, tôi và bạn hãy cùng quyết tâm nhé. Đơn giản là chúng ta còn trẻ. Việc chúng ta cần làm bây giờ là cống hiến hết sức cho giai đoạn còn khỏe, còn nhanh nhẹn này. Một ngày nào đó, quả ngọt sẽ đến với chúng ta, miễn là bạn không từ bỏ.
Sưu tầm từ Người Viết Lách – tác giả Hải Lý