Sự khác biệt của môn tập đọc chương trình Việt Nam và quốc tế

Nguồn trích dẫn: giasutienphong.com.vn

SỰ KHÁC BIỆT CỦA MÔN TẬP ĐỌC CHƯƠNG TRÌNH VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ

Năm 1997, lần đầu đi du học (master ở Úc), tôi đã bị “ác mộng” với một môn học, trong đó thầy yêu cầu cứ mỗi tuần, mỗi sinh viên phải đọc một quyển sách dày vài trăm trang; và đến cuối tuần, mỗi người có một phút để trình bày trước lớp về nội dung sách này. Mình đọc chật vật, chỉ hiểu được lơ mơ, trình bày ú a ú ớ. Trong khi đó, các bạn cùng lớp làm ào ào, trình bày kèm sơ đồ, hình ảnh,.. cực kỳ cô đọng và dễ hiểu.

“Đọc nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu”, “ngày đêm đọc sách nhưng đọc vẫn rất chậm so với bạn bè”,… chính là một trong những khó khăn lớn nhất đối với nhiều học sinh Việt Nam khi đi du học. Việc “đọc mà không hiểu” một phần là do yếu tiếng Anh, thiếu từ vựng, nhưng phần lớn đến từ việc chúng ta thiếu “KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU”. Kỹ năng mà học sinh nước ngoài đã được học từ lớp 1.

Ở chương trình Việt Nam, mục đích của môn Tập Đọc (một phân môn của môn Tiếng Việt) thường là: (1) đọc rành mạch, trôi chảy, diễn cảm, (2) hiểu một số từ vựng mới trong bài và (3) hiểu ý nghĩa câu chuyện. Trong khi đó, môn Tập đọc (Reading) của chương trình quốc tế, ngoài các mục đích trên, còn dạy cho học sinh KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU (READING COMPRENSION).

Reading Comprehension (Kỹ năng đọc hiểu) là một trong những môn học quan trọng nhất trong chương trình phổ thông quốc tế, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Môn học này dạy học sinh phương pháp phân tích từng đoạn văn, một bài viết, một quyển sách một cách khoa học. Nhờ đó, học sinh có thể hiểu một cách đầy đủ, chính xác nội dung bài đọc. Môn “Reading Comprehension” dạy cho học sinh nhiều kỹ năng đọc hiểu khác nhau, bao gồm:

Phân tích Ý chính – Ý phụ của từng đoạn văn và toàn bài: Học sinh được học cách suy luận và phân biệt đâu là ý chính và đâu là các ý phụ diễn giải cho ý chính. Khi thành thục kỹ năng này, học sinh có thể tóm lược, trình bày về nội dung của một quyển sách chỉ trong một phút hay chỉ trong vài câu ngắn gọn.

Phân tích Nguyên nhân – Kết quả: khi đọc một bài được viết theo dạng nguyên nhân – kết quả, học sinh cần xác định được nguyên nhân nào dẫn đến kết quả nào. Ở các cấp lớp lớn, các bài viết phức tạp hơn: một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều kết quả khác nhau, và ngược lại, đôi khi nhiều nguyên nhân mới dẫn đến một kết quả.

Phân tích Nhân vật: Trong một câu truyện có nhiều nhân vật, học sinh được học cách phân tích tính cách, văn hóa, hình dáng, phong cách,… của từng nhân vật. Nhờ đó, học sinh nhớ rất rõ về câu truyện và luyện được cái nhìn sắc sảo, khả năng đánh giá con người.

Chuỗi Sự kiện: Học sinh được học cách sắp xếp theo thứ tự (thời gian, hoặc các bước) để phân tích các sự kiện lịch sử, các qui trình làm việc, các hoạt động phát triển của các sự vật, hiện tượng. Nhờ đó, học sinh nắm được rất rõ bản chất của các vấn đề.

Kỹ năng đọc hiểu còn bao gồm: Kỹ năng phân tích Vấn đề – Giải pháp; Tìm hiểu Mục đích của Tác giả; Phân loại Thông tin; So sánh – Đối chiếu; Xác định Bối cảnh Câu chuyện; Tưởng tượng và Thực tế; Phân biệt Ý kiến và Sự thật, …

Cần lưu ý là độ khó của bài học tăng dần qua mỗi cấp lớp. Ví dụ Kỹ năng Phân tích Ý chính – Ý phụ: ở lớp 2, một đoạn văn chỉ có 1 câu ý chính, 2 câu ý phụ. Lên lớp 3, một đoạn văn có 3, 4 câu ý phụ. Lớp 5, 6, một đoạn văn có thể có đến 2, 3 ý chính.

Ngoài giờ học trên lớp, học sinh còn phải luyện đọc thường xuyên ở nhà nhằm hình thành nên thói quen đọc sách hàng ngày. Nhờ được học các kỹ năng đọc hiểu và có thói quen đọc sách thường xuyên, nên học sinh thường có khả năng đọc rất nhanh và có thể phân tích, tổng hợp, đánh giá nội dung quyển sách một cách ngắn gọn, dễ dàng và chính xác. Đọc nhiều, hiểu sâu còn giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy, phản biện, và có kiến thức rộng trong nhiều lĩnh vực, từ văn hóa, đến chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học,…