Tớ đã học TIẾNG ANH như thế nào?

If you want to post a letter you usually have to put this on the envelope.

This comes from trees and people make a lot of things with it, for example, tables, chairs and shelves.

This can take a lot of people from one place to another. You wait at a station for it. It is very long and first industrially invented by Peter Cooper.

You use it to draw straight lines.

Các ấy đoán được đúng hết phải không? Câu trả lời lần lượt là: “a stamp” (tem thì chắc chắn dùng để dán lên phong bì trong khi gửi thư rồi), “wood” (làm ra bàn, ghế, tủ… thì ắt hẳn là gỗ nhỉ), “a train” (giúp bạn di chuyển từ nơi này đến nơi khác và “hẹn gặp bạn ở sân ga” thì là anh bạn tàu rồi), “a ruler” (nếu không là thước kẻ thì làm sao bạn kẻ một đường thẳng được). Các ấy có thấy thú vị không nào? Bật mí cho các ấy nhé, đây cũng là trò chơi mà mẹ tớ rất hay chơi cùng tớ khi tớ còn bé tí, mới tập nói thôi. Tất nhiên khi ấy hai mẹ con chơi trò này bằng tiếng Việt. Nhưng mẹ tớ bảo, nhờ thế mà tớ biết nói nhanh hơn, chính xác hơn và dùng từ cũng phong phú hơn. Hi hi… mẹ tớ như chuyên gia ấy nhỉ.

NỤ CƯỜI Ở QUANH TA

Đây không hẳn là một trò chơi nhưng tớ thấy cũng tương đối thú vị và có thể giúp các ấy thư giãn nên tớ cũng viết ra để các ấy tham khảo nhé.

Khi ấy đọc một câu chuyện cười mà ấy thấy rất thú vị, ấy sẽ làm gì? Nếu chỉ ngồi cười ngặt nghẽo thì có thể ấy sẽ quên ngay, lúc nào muốn kể cho bạn bè ngồi nghĩ mãi chẳng ra. Với tớ, tớ quyết định, cứ gặp câu chuyện nào thú vị là tớ dịch sang tiếng Anh. Làm như thế, tớ cho rằng mình sẽ nhớ lâu hơn mà còn luyện được tiếng Anh nữa chứ. Những truyện cười thường rất ngắn nên khi dịch mình cũng không ngại, các từ trong truyện cười cũng chủ yếu là các từ trong sinh hoạt hàng ngày nên tớ tin là các ấy cũng có thể dịch dễ dàng. Bật mí với các ấy nhé, đến giờ tớ đã sưu tập và dịch ra được kha khá truyện cười. Khi nào gặp nhau, tớ sẽ mang ra khoe các ấy và “chúng ta cùng cười” nhé! Bây giờ tớ sẽ ví dụ một chuyện cười mà tớ đã dịch trong cuốn: Chuyện vui dạy học mà tác giả là bác tớ, bác Lê Phương Nga:

Teacher asked: You had 5 apples, mum gave to you 2 more apples. How many apples do you have now?

Ti cried: But I do not have enough hands to lift them all!

Bạn Tí buồn cười các bạn nhỉ. Cô chỉ hỏi xem 5 quả táo cộng với 2 quả táo bằng mấy quả táo mà bạn Tí lại khóc òa vì chỉ để ý đến việc cầm hết số táo được “đưa” cho. Đúng là cầm bảy quả táo cùng trên tay thì khó thật. Nhưng đây là đề Toán mà, cu Tí quên à?

HỌC TIẾNG ANH THÔNG QUA VIỆC THUYẾT TRÌNH

Chà chà, nghe đến thuyết trình thì hầu hết bạn nào cũng ngại. Các ấy thường cho rằng, thuyết trình là công việc chỉ dành cho các chính khách khi cần hùng biện một vấn đề gì đó trước đông người. Các ấy đừng lo lắng thế, đối với tớ, thuyết trình là một công việc cực kì thú vị, mỗi khi thuyết trình (cho khán giả gồm hai người là bố tớ và mẹ tớ), tớ có cảm giác như mình lúc ấy hoặc là giáo sư đại học, hoặc là một nguyên thủ quốc gia! Trước sự cổ vũ nhiệt tình của bố mẹ, tớ không hề ngần ngại. Ban đầu, khi vốn tiếng Anh chưa nhiều, bố mẹ cho tớ thuyết trình bằng tiếng Việt, chủ đề thì nhiều vô kể, có khi chỉ cần một chuyến đi chơi mà chủ yếu là window shopping (nghĩa là đi ngắm mà không mua hàng) cùng với mẹ cũng có thể trở thành chủ đề để thuyết trình rồi. Khi đó tớ sẽ phải nghĩ xem mình đã xem được những gì, điều gì làm mình ấn tượng, cảm xúc của mình… rồi nói sao cho mạch lạc, dễ hiểu trong một khoảng thời gian quy định của mẹ tớ. Sau này, có tiếng Anh làm phương tiện, những chủ đề để thuyết trình có vẻ khoa học hơn nhiều. Cứ ngày nghỉ là buổi sáng bố mẹ tớ tha hồ nghĩ chủ đề. Nhiều khi bố mẹ tớ còn tranh luận căng thẳng xem nên chọn chủ đề nào. Mẹ tớ thường thích những chủ đề liên quan đến thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây, thậm chí cả quần áo, nấu nướng… nói chung rất là phụ nữ, còn bố tớ thì lại quan tâm đến những chủ đề về ngôn ngữ, về các nền văn minh, về vũ trụ… rất là vĩ mô. Để dung hòa, tớ thường phải tìm cách hôm thì chọn chủ đề bố giao, hôm thì chọn chủ đề mẹ giao. Các ấy thấy tớ có biết chiều lòng bố mẹ không nào?

Sau khi nhận chủ đề rồi, tớ lập tức lên Internet tìm hiểu những thông tin xung quanh chủ đề đó. Kinh nghiệm đầu tiên của tớ là để bài nói sâu sắc và thuyết phục, bao giờ mình cũng phải tìm hiểu lịch sử của vấn đề. Nghe có vẻ to tát nhưng thực sự là việc hiểu được nguồn gốc của một vấn đề bao giờ cũng khiến mình có cái nhìn khái quát hơn, ví dụ, khi tìm hiểu về tàu vũ trụ, tớ cần phải hiểu xem tàu vũ trụ ra đời từ khi nào, ở đâu, hình dáng ban đầu của nó… Tiếp đó tớ sẽ tìm hiểu vấn đề ở thời điểm hiện tại và sau cùng là triển vọng phát triển của nó. Sau khi có đầy đủ thông tin, tớ tiến hành làm powerpoint. Công việc này tốn khá nhiều thời gian vì muốn bài nói của mình hấp dẫn, tớ thường phải sưu tầm những hình ảnh độc đáo để chèn vào các slide của mình. Mẹ tớ rất thích những slide nào vừa có hình vừa có âm thanh. Đôi khi để lấy lòng “khán giả” tớ còn cho những đoạn nhạc du dương đi kèm, mẹ tớ cứ là mê tít.

Công việc chuẩn bị hoàn tất, phần khó khăn nhất là thuyết trình. Ban đầu, tớ nói cũng không được lưu loát lắm đâu và liên tục phải nhìn vào những thông tin hiện trên slide nhưng nếu mà cứ nhìn như vậy thì giống như người đọc chứ không phải là nói, là “hùng biện” nên tớ phải tập luyện nhiều, khi nào rảnh rỗi là tự nói, có khi ghi âm lại rồi nghe và tự sửa. Rất vui là bố mẹ tớ luôn tạo cho tớ một không khí nói thật tự nhiên. Trong nhà tớ có một nơi chuyên để dành cho việc thuyết trình của tớ. Trước đó, mẹ đã chuẩn bị bàn ghế, máy tính, có hôm “xôm” hơn còn có cả bánh ngọt. Tớ sẽ không xuất hiện ngay mà đợi lời giới thiệu của bố. Mỗi hôm bố tớ phong cho tớ một vị trí, khi thì là giáo sư đại học Havard, khi thì là nhà khoa học nổi tiếng, khi thì là chính khách… rồi tớ mới bước vào trong sự hân hoan chào đón của bố mẹ. Tớ cũng phải thực hiện một số “nghi lễ” giao tiếp như nếu là giáo sư thì chào sinh viên, nếu là chính khách thì bắt tay mọi người. Sau đó thì màn thuyết trình bắt đầu. Theo yêu cầu của các khán giả, ngoài kĩ năng nói cho mạch lạc, tớ còn phải thể hiện bằng nét mặt, bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng ngữ điệu. Ngoài ra, muốn ghi điểm hơn nữa thì phải có khả năng thu hút, lôi kéo người nghe (không hấp dẫn thì thế nào mẹ tớ cũng vừa nghe vừa… nhắn tin). Kết thúc bài thuyết trình, bố mẹ tớ sẽ có “cuộc họp kín” để bàn luận xem sẽ cho bao nhiêu điểm rồi mới công bố. Bố tớ thường đánh giá cao những bài nói có kết cấu chặt chẽ, thông tin phong phú, mẹ tớ thì thích những bài thể hiện sự quan sát tinh tế và vốn hiểu biết của bản thân. Rất nhiều lần tớ làm bố mẹ ngạc nhiên vì khả năng tìm hiểu thông tin của mình, ví dụ như bài về Lịch sử của chữ viết mà tớ vừa làm cách đây không lâu. Bố tớ đã thực sự thích thú khi tớ tìm được và đưa ra những nhận định về sự tương quan giữa chữ viết cổ với các nét hoa văn trên trống đồng, những trang chữ viết cổ mà tớ tìm được qua nhiều nguồn thông tin khác nhau. Sau buổi thuyết trình của tớ, bố tớ đã xin lại những tài liệu mà bố cho là rất quý giá ấy để phục vụ cho bài giảng của bố tớ ở trường đại học. Tớ vui lắm vì nghĩ rằng mình đã làm được những việc có ích.

Có lẽ nhờ thường xuyên thuyết trình mà khi thi nói trong các kì thi tiếng Anh quốc tế, tớ không hề mất bình tĩnh tẹo nào. Thi TOEFL IBT, ấy cần nói với một… cái máy về bất cứ chủ đề nào trong khoảng thời gian hạn hẹp là 45 giây. Thời gian càng ngắn thì nói càng khó các ấy ạ. Ban đầu khi luyện thi, tớ mấy lần định bỏ cuộc vì không thể nào gói ghém hết ý trong có chừng ấy thời gian nhưng rồi tớ cứ liên tục tự bấm giờ đồng hồ và luyện nói, chỉ cần quá 1 giây là tớ lại nói lại từ đầu. Thi IELTS, tớ bị từ chối vì nhỏ tuổi quá và các cô văn phòng có giải thích là người phỏng vấn sẽ rất khó để hỏi thi vì tớ còn ít tuổi quá trong khi các vấn đề thường hỏi lại mang tính xã hội. Mẹ tớ phải năn nỉ cuối cùng các cô mới đồng ý. Hôm thi nói tớ gặp một cô chuyên gia rất thoải mái, và thật bất ngờ, riêng phần thi nói tớ đạt 7.5. Các ấy thấy không, luyện tập chính là một cách để mình có thể vượt qua khó khăn, khắc phục thử thách đúng không nào?

HỌC TRONG LÚC NGỦ

Nghe thì thật buồn cười đúng không các ấy, nhưng quả thực đây là cách mà tớ vẫn thường áp dụng đấy. Khi mới học ngoại ngữ, mọi người thường tự nhủ: Mỗi ngày ta chỉ cần học từ 10 đến 20 từ, như vậy vị chi là một năm ta đã có khoảng 7000 từ, học trong vài năm, ta sẽ có số lượng từ khổng lồ và như thế, tiếng Anh lúc đó cũng giống như tiếng Việt mà thôi.

Tin tưởng với tính toán đó, ấy bắt tay vào học, những ngày đầu thấy con số đặt ra sao mà quá đơn giản, ấy thậm chí còn học vượt cả mong đợi. Tuy nhiên, đến những ngày tiếp theo, các từ bắt đầu lẫn lộn và rồi, kể cả nếu không lẫn, dù ấy có nhớ chắc chắn được từ đó nhưng khi cần dùng thì chúng bỗng nhiên biến mất. Có đúng thế không các ấy? Điều này thực ra rất dễ hiểu, đó là, muốn sử dụng được, huy động được vốn từ này, ý thức thôi chưa đủ, ấy cần phải lưu chúng vào tiềm thức của mình. Nói một cách có hình ảnh thì tớ có thể ví tiềm thức giống như một cái kho. Khi thu được vật gì, ta giao cho người thủ kho xếp vào kho và không bận tâm đến vật ấy nữa. Nhờ đó mà đầu óc ta không bị căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không có tiềm thức thì cũng như ta mất đi cái kho, khi thu được vật gì, ta phải bo bo giữ lấy vật ấy trên người vì sợ bị thất lạc. Dĩ nhiên, như vậy hoặc là ta sẽ nghèo xơ nghèo xác hoặc bị kiệt sức. Nói như vậy các ấy đã hình dung ra tiềm thức là gì chưa, đó chính là cái kho kiến thức quý giá mà ấy đã tích lũy được và khi cần chỉ việc lấy ra dùng. Thế thì nếu ấy thấy một người nói tiếng Anh nhanh như gió thì có nghĩa là họ đang nhờ đến tiềm thức chứ không phải do họ đã học thuộc lòng hàng nghìn từ trong một tuần đâu. Anh bạn tiềm thức này thật hay quá đi thôi ấy nhỉ. Tớ đã biết điều này khi đọc một số bài báo bằng tiếng Anh và tớ nhận thấy đặc biệt lý thú.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đưa kiến thức được vào tiềm thức? Có một số điều kiện sau các ấy nhé: Trước hết, phải xây dựng kiến thức đó trên những gì ấy đã nắm vững từ trước. Tiếp theo, quan trọng hơn ấy phải vận dụng những điều đã học vào nhiều trường hợp đa dạng, thí dụ với một từ mới, ấy đừng đặt trong một câu mà trong nhiều câu khác nhau, nhiều lúc khác nhau. Và điều cuối cùng là những lần vận dụng đó phải do chính mong muốn được nói, được sử dụng tiếng Anh của ấy, có nghĩa là ấy phải dùng một cách đầy hứng thú chứ không phải do bố mẹ hay thầy cô bắt buộc. Nhưng tớ cũng lưu ý điều này, để duy trì hứng thú thì ấy phải biết cách vận dụng cho vừa sức. Nếu ấy đặt từ mới vào một câu mà ấy chưa nắm vững ngữ pháp, các từ còn lại cũng xa lạ với ấy thì kết quả không như mong đợi, anh thủ kho tiềm thức sẽ chẳng nhận từ mới của ấy đâu và lần sau ấy sẽ nản khi gặp các từ khác. Bạn thân mến, đã bao giờ ấy gặp trường hợp này chưa: Ấy đang giải một bài toán, chật vật mãi mà vẫn “bí”, ấy không thèm nghĩ đến nó nữa và bỏ đi chơi. Hôm sau ấy giở ra vẫn bài toán cũ và kì lạ thay, lần này ấy giải ngon ơ. Những tình huống như vậy không chỉ có ở chúng ta mà ngay cả các nhà khoa học vĩ đại như Newton, Acsimet khi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn hay định luật sức đẩy của nước cũng trong những hoàn cảnh như vậy.