Kỳ nhông đổi màu như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Từ màu xanh lợt, kỳ nhông biến thành xám đen, rồi lấm tấm vàng. Bằng cách nào mà hay vậy? Phải chăng thiên nhiên đã trang bị cho kỳ nhông cái máy tự động đổi màu để thân thể nó “tiệp” màu với chỗ nó đang nằm? Chắc có bạn nghĩ rằng bộ da của kỳ nhông được tráng thủy như tấm kiếng soi, xung quanh màu gì thì tấm kiếng màu đó. Không! Sự đổi màu của kỳ nhông không phải do màu xung quanh nó bởi vì kỳ nhông đâu có thèm để ý gì đến xung quanh nó. điều kỳ lạ là da kỳ nhông trong khe, nghĩa là da nó thấu quang. Dưới lớp da đó là một lớp tế bào có đủ sắc tố vàng, đen, đỏ… Khi những tế bào này co lại hay nở ra thì màu đen trên da nó thay đổi tùy theo tế bào màu nào co, màu nào nở. Nhưng nó đổi màu như thế để làm gì? Khi kỳ nhông ta nổi giận hoặc sợ quá, hệ thần kinh bèn gởi tín hiệu đến các tế bào màu kia. Người ta giận tím mặt thì kỳ nhông giận cũng xám lại, còn khi khoái trá thì đỏ hồng lên.
Ánh sáng mặt trời có tác động vào các tế bào màu ấy chớ chẳng phải không. Ánh sáng mặt trời nóng quá khiến cho tế bào sậm đen lại. Nhưng không có ánh nắng mà thời tiết nóng chẳng hạn, màu của kỳ nhông thường là màu xanh lục, và nhiệt độ thấp cũng làm cho da kỳ nhông màu lục. Trời râm mát, sâm sẩm tối thì kỳ nhông lạt màu đi, biến thành lốm đốm vàng.
Vậy, như ta thấy sự “cảm xúc”, ánh sáng, nhiệt độ tác động hệ thần kinh của kỳ nhông làm cho tế bào mang sắc tố của nó co, nở chớ chẳng phải là “ở đâu đâu đó” theo màu xung quanh.
Tất nhiên, sự thay đổi màu này cũng giúp kỳ nhông lẩn tránh được kẻ thù như rắn và chim. So với kẻ thù thì kỳ nhông di chuyển chậm, do đó nó cần những phương tiện đó để sống còn.