Tại sao nói rằng kiến trúc có thể phản ánh cá tính của thành phố?
Một thành phố cũng như một con người, nó cũng cần có cá tính đặc thù riêng của mình.
Do sự khác nhau của môi trường địa lý, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, trình độ văn hoá và tôn giáo, tín ngưỡng, loài người đã sáng tạo ra những công trình kiến trúc và đô thị có hình thức khác nhau, phong cách khác nhau, thể hiện cá tính với phong thái muôn hình muôn vẻ của nó.
Kiến trúc kiểu Gôtíc hùng vĩ, kiểu Barốc hoa mỹ của cổ Hy Lạp và cổ La Mã với bố cục thành phố có những con đường toả ra lấy mái nhọn của nhà thờ làm trung tâm, đã lưu lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người. Thành phố Venise của Italia với 400 cây cầu nối liền cả thành phố, và phương thức giao thông độc đáo của nó cùng với quảng trường Xanh Mácgô nổi tiếng đã khiến cho người đời thán phục. Thành phố Istambun nổi tiếng với phong cảnh mỹ lệ lúc hoàng hôn, các đỉnh nhọn của nhà thờ Hồi giáo tạo thành hình dáng nhấp nhô muôn hình vạn trạng. Các mái nhà màu rực rỡ, các tháp nhọn như củ hành tây đã tạo nên nét đặc sắc của các thành phố Nga. Pari và London nổi tiếng thế giới với vẻ đẹp với phong cảnh thống nhất hài hoà. Bắc Kinh thì với những nhà dân cư màu lam xám cùng các quần thể kiến trúc cung điện ngói vàng tường đỏ tạo nên nét huy hoàng lộng lẫy của thành phố Phương Đông. Còn Thượng Hải thì nổi tiếng thế giới bởi “Hội chợ kiến trúc vạn quốc” ở ngoài bãi bờ sông Hoàng Phố, v.v.
So với những thành phố cổ kính đậm đà sắc thái đặc biệt đó, hình tượng các thành phố hiện đại có xu hướng đơn điệu, không thể không nói rằng đó là điều đáng tiếc Làm thế nào để giữ gìn cá tính của thành phố đã trở thành một đầu đề lớn mà các kiến trúc sư cần phải xét đến trước tiên. Trong tình hình giao thông thành phố ngày càng cao tốc hoá, cảnh quan động và cảnh quan tĩnh của quần thể kiến trúc có tác dụng ngày càng rõ rệt đối với sắc thái đặc biệt về phong cách và diện mạo của thành phố. Các quần thể kiến trúc mới xây dựng hùng vĩ, tráng lệ thường phác hoạ nên chủ đề cơ bản để hình thành bản sắc riêng của thành phố.
Nhiều thành phố nổi tiếng của Châu Âu đều rất coi trọng bảo vệ dáng vẻ thành phố được hình thành với những quần thể kiến trúc do lịch sử để lại, lấy đó làm niềm kiêu hãnh của thành phố mình. Ngay cả khi xây dựng một số công trình mới, người ta cũng tìm mọi cách thiết kế chúng một cách hài hoà với kiến trúc cổ về màu sắc, hình dáng và cả vật liệu xây dựng.
Ngoài ra, nhiều thành phố nổi tiếng còn có những kiến trúc cá thể có tượng đài điêu khắc kiệt xuất và có tính mẫu mực, chúng hầu như trở thành biểu tượng của thành phố đó. Như tượng “Cô gái biển” ở Copenhague, tượng “Người cá đẹp” ở Vacsava, tượng “Thiên lý mã” ở Bình Nhưỡng, tượng “5 con dê” ở Quảng Châu, v.v. Một số thành phố ở Pháp và Italia, các tượng đài hầu như đã trở thành Viện bảo tàng nghệ thuật, khiến cho du khách từ khắp nơi trên thế giới cảm thấy thảnh thơi vui vẻ. Đương nhiên, các kiến trúc có tính chất tiêu chí là là nét điểm xuyết tạo nên hình tượng thành phố như Thiên An Môn của Bắc Kinh, Nhà hát ca kịch của Sydney, Toà thị chính của Toronto, kiến trúc Quảng trường Tam quyền của Braxilia, Khách sạn Hoàn Cầu của Bucaret v.v… Những kiến trúc có tính chất tiêu chí đó đã xây dựng nên những mối liên hệ về mặt tình cảm giữa th0ành phố và người dân. Điều đó chính là chức năng tinh thần mà các thành phố hiện đại đang theo đuổi.
Từ khóa: Kiến trúc; Cá tính thành phố.