Con mắt được cấu tạo như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Con mắt của ta giống như cái máy chụp ảnh. Hay nói đúng hơn là máy chụp ảnh được mô phỏng theo cấu trúc của con mắt. Cũng có khẩu độ tức là cái “cửa” có thể mở rộng hay hẹp cho ánh sáng tràn vào nhiều hay ít. “Khẩu độ” của con mắt là cái mống mắt, cũng có thấu kính hội tụ ánh sáng để tạo nên hình và “phim” bắt hình – tức là võng mạc – để ghi, giữ lại hình.

Trong mỗi con mắt của ta có khoảng 130 triệu tế bào cảm quang. Khi ánh sáng rọi vào một trong những tế bào này, tức thì nó gây ra một sự biến đổi hóa chất ngay trong chính tế bào. Sự thay đổi này lập tức kích động dây thần kinh. Sự kích động này là một “thông điệp” được thần kinh nhãn truyền tới trung tâm thị giác ở não bộ. Não “nhận ra” vật gì qua thông điệp gởi tới đó. Thế là xong một quá trình “nhận thấy”.

Con mắt hình cầu. Phía mặt ngoài cũng có giác mô thấu quang hình bán cầu lồi ra phía ngoài. Khoảng trung tâm phía sau của giác mô có một cái lỗ hình tròn gọi là đồng tử (nôm na là con ngươi). Nhìn vào con ngươi ta thấy màu đen vì ta nhìn vào phòng tối của mắt. Ánh sáng qua con ngươi vào thấu kính. Thấu kính hội tụ ánh sáng tạo nên hình ở võng mạc. Nếu là máy chụp hình thì phim là võng mạc. Ở mắt, võng mạc là một màn làm bằng tế bào cảm quang. Xung quanh con ngươi là mống mắt có dạng tròn lồi như cái bánh rán màu thiên thanh lục hay nâu. Mống mắt có thể thu hẹp hay mở rộng như cái khẩu độ của máy ảnh. Khi ánh sáng mạnh, những cơ kép dãn mống mắt, do đó cửa con ngươi thu nhỏ để chỉ có ít ánh sáng lọt vào. Khi ánh sáng yếu, con ngươi mở lớn để nhận nhiều ánh sáng lọt vào.

Toàn nhãn cầu được bao quanh bằng một màng cương mô (cũng gọi củng mạc – sclera). Tròng mắt là một phần của cương mô. Phía trước mắt, cương mô là một màng thấu quang. Phần này được gọi là giác mô. Khoảng giữa giác mô và mống mắt chứa đầy một chất lỏng, trong veo, vị mặn gọi là thủy tinh dịch. Chính khoảng không gian chứa chất dịch này là một thấu kính. Có một thấu kính khác nữa nằm phía sau con ngươi. Ta xem xem cái gì xảy ra khi thấu kính này thay đổi dạng. Khi ta nhìn vật ở gần thấu kính này trở nên dày hơn. Khi ta nhìn xa, thấu kính này hóa ra mỏng hơn.