Tại sao cần xây dựng kiến trúc kiểu kim tự tháp?
Kim tự tháp là một trong bảy kỳ quan về kiến trúc của thế giới cổ đại, là một kiệt tác duy nhất còn lưu lại đến nay. Kim tự tháp là lăng mộ của các pharaon (vua chúa) thống trị thời cổ Ai Cập. Người Ai Cập cổ sùng bái lực lượng thiên nhiên, tạo hình của kim tự tháp xuất phát từ hình dạng núi cao, tượng trưng cho sự vững chắc và vĩnh hằng.
Ngoài Ai Cập cổ, người Maya và Aditếch cổ ở Trung Mỹ cũng đã từng xây dựng những kiến trúc kiểu kim tự tháp, ở Pháp và Italia cũng có, còn trong các kiến trúc hiện đại có lúc xuất hiện kiến trúc kiểu kim tự tháp.
Tại sao cần xây dựng kiểu kiến trúc mà bề ngoài có vẻ đơn điệu như vậy?
Việc xây dựng kiến trúc kiểu kim tự tháp hiện đại, thông thường là mưu cầu một bầu không khí kiến trúc cổ đại cho nền nghệ thuật hiện đại, đồng thời cũng có ý nghĩa và giá trị thực dụng. Cung điện Louvre nổi tiếng của Pháp, khi mở rộng, đã xây dựng một kim tự tháp kính làm lối vào của bộ phận mở rộng ngầm dưới lòng đất của Cung điện Louvre, đây là mẫu mực của việc kết hợp kiến trúc cổ điển và hiện đại. Tương tự như vậy, tạo hình của Nhà hát quốc gia Braxilia của Braxin cũng rất giống các kim tự tháp của người Maya và Aditếch cổ: Độ dốc của tháp thấp hơn kim tự tháp của Ai Cập, không có đỉnh nhọn, ở trên đỉnh thường xây một miếu thờ thần linh, còn tường ngoài của nhà hát thì không có cửa, toàn bộ được trang trí bằng đá, cửa ra vào đi ở đường ngầm dưới đất. Phong cách kiến trúc bát giác khiến cho người ta liên tưởng đến lịch sử nền văn minh Maya cổ đại lâu đời. Năm 1991, trên sa mạc ở bang Arizona của Mỹ, người ta đã xây dựng một kiến trúc bằng kính hình kim tự tháp rất lớn, đó là “Sinh quyển số 2” nổi tiếng, nó được dùng để thực nghiệm có tính chất tiên phong về môi trường sinh tồn của con người trong tương lai ở các tinh cầu ngoài Trái Đất. Loại kiến trúc hiện đại kiểu kim tự tháp đó có ưu điểm chung về tính hiệu ích công trình, vì mái của nó được thu nhỏ lại, thể tích toàn bộ khoảng không gian nhỏ hơn so với dạng lập phương, khi dùng thiết bị điều hoà nhiệt độ, có thể tiết kiệm được nhiều năng lượng hơn; ngoài ra cũng có lợi cho mục đích bảo vệ môi trường.
Hình thức kim tự tháp rất có lợi cho việc chống gió đối với các kiến trúc cao tầng, thậm chí còn ưu việt hơn so với kiểu kiến trúc hình trụ tròn. Toà nhà Pan American ở thành phố SanFrancisco, dùng kiểu hình kim tự tháp giống như cây măng tre, toà nhà Hamkok ở Chicago thì xây theo kiểu kim tự tháp không có đỉnh nhọn, vì trọng tâm của nó thấp, độ ổn định tốt, nên cũng có lợi cho việc chống chịu động đất. Tuy nhiên, tường ngoài của các kiến trúc kim tự tháp phải xây nghiêng, nên khó thi công, một hình thức biến hoá là tổ hợp bằng các khối hình trụ vuông, giảm dần số lượng khối trụ vuông từ dưới lên trên. Toà nhà Shell nổi tiếng ở Chicago cao 110 tầng, chính là một ví dụ điển hình về sử dụng các khối hình trụ vuông.
Các kiểu kiến trúc bậc thềm hiện đại thực ra cũng thuộc về loại kiến trúc kiểu kim tự tháp, đặc điểm hình dạng bên ngoài là càng xây cao, các tầng càng thu nhỏ lại, giống như bậc thềm vậy, tương tự như hình kim tự tháp thời kỳ đầu. Ngoài ưu điểm vững chắc, kiến trúc kiểu này còn để nhận được ánh sáng Mặt Trời đầy đủ và môi trường bên ngoài tương đối lớn. Vì vậy dùng kiến trúc kiểu bậc thềm làm nhà ở đặc biệt được mọi người ưa thích.
Từ khóa: Kiến trúc kiểu kim tự tháp; Kiến trúc bậc thềm.