Tại sao cây ngân hạnh lại được gọi là “hóa thạch sống”?
Cây ngân hạnh là loại cây đặc sản của Trung Quốc. Trên thế giới chỉ có một số nước lấy giống từ Trung Quốc trồng được thôi. Ở Trung Quốc mặc dù loài cây này phân bố tương đối rộng và được trồng ở khắp nơi, nhưng số lượng cũng không nhiều lắm.
Lẽ nào ở những nước khác lại thực sự không có cây ngân hạnh sao? Không phải như vậy, ở những nước khác cũng đã từng có, nhưng đã trở thành hóa thạch rồi. Cho nên, cây ngân hạnh ở Trung Quốc được gọi là “hóa thạch sống”.
Cách đây 300 triệu năm, cây ngân hạnh ra đời trên Trái Đất, chúng dần dần sinh sống rất mạnh, che phủ đại bộ phận mặt đất.
Thế nhưng 170 triệu năm trước do sự phát triển mạnh mẽ của những loài cây mới mà cây ngân hạnh bắt đầu giảm dần. Đến 30 triệu năm trước, do trên Trái Đất đã xảy ra nhiều lần băng hà, tan sông băng ở Nam Cực đã làm ngập rất nhiều cây khiến cho loài cây ngân hạnh bị tiêu diệt hoàn toàn ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trở thành những hóa thạch dưới lòng đất, ở Châu á, ngân hạnh cũng hầu như bị tuyệt chủng. Do các mạch núi Trung Quốc hướng Đông Tây nên đã có tác dụng cản trở những dòng sông băng (băng hà), vùng núi Hoa Trung và Hoa Đông chỉ bị sự xâm tràn một phần của dòng sông băng nên cây ngân hạnh ở Trung Quốc còn tồn tại đến ngày nay và trở thành hóa thạch sống của Trung Quốc.
Cây ngân hạnh có cái tên “Cây công tôn” có nghĩa là đời ông ươm cây, đời cháu mới có quả, chứng tỏ sự sinh trưởng của cây này rất chậm, điều đó cũng giải thích vì sao tuy phân bố rộng nhưng số lượng của nó rất ít ỏi.
Còn một nguyên nhân khác là cây ngân hạnh có cây đực và cây cái, cây đực chỉ có thể ra hoa đực, còn cây cái chỉ có thể ra hoa cái, sau khi thụ phấn mới ra quả. Như vậy nếu nơi nào chỉ có cây cái thì không thể thụ phấn được và sẽ không thể kết quả được.