Tại sao hải âu hay bay theo tàu biển?
Những ngày trời nắng, nếu bạn đi dạo trên bờ biển, ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm, thường có thể thấy đàn chim hải âu màu bạc sáng lóng lánh, giang rộng đôi cánh, rất bình thản bay theo tàu biển, giống như con diều giấy bị buộc trên con tàu vậy.
Hải âu thích bay theo tàu biển, phải chăng trên tàu có vật gì thần bí đang thu hút nó? Đúng vậy, ở trên không của tàu biển có một luồng lực đặc biệt nâng đỡ cơ thể hải âu làm cho chúng không cần vỗ cánh vẫn có thể bay theo mà không mất một tí sức lực nào.
Luồng lực nâng đỡ cho hải âu bay này, không thần bí giống như chúng ta tưởng tượng, cũng không phải do bản thân con tàu sản sinh ra, mà là khí quyển trong không trung.
Khí quyển làm thế nào có thể biến thành lực, nâng đỡ cơ thể hải âu nhỉ? Khí quyển rất yên tĩnh vào những ngày trời nắng thì làm sao có thể biến thành lực được?
Mọi người đều biết, sự lưu động của không khí đã tạo thành gió. Do sự chênh lệch của nhiệt độ không khí trong khí quyển, đã tạo thành sự di động của vùng không khí (gió), đặc biệt là ở trong biển cả, khi vùng không khí di động, trên đường đi gặp chướng ngại vật (như sóng trên mặt biển, tàu biển và đảo…) thì sẽ tăng lên hình thành luồng không khí mạnh. Luồng không khí này gọi là luồng không khí động lực, còn gọi là luồng không khí theo tuyến. Hải âu sải rộng đôi cánh, khéo léo lợi dụng luồng không khí tăng lên này để nâng đỡ cơ thể, bám sát theo tàu để bay.
Thức ăn chủ yếu của hải âu là loài cá. Khi tàu biển chạy, ở đuôi tàu từng đám bọt tung lên, thường có thể tung ngược cá từ trong biển lên cao, và trở thành thức ăn của hải âu, đây chính là nguyên nhân mà hải âu bay theo sát tàu biển.