Tại sao hương hoa lại chữa được bệnh?
Ở Tajikistan có một bệnh viện rất lạ lùng, trong bệnh viện này, các bác sĩ, y tá chữa bệnh cho bệnh nhân không phải là tiêm, uống thuốc, cũng không phải điện châm, phẫu thuật, mà dùng một phép trị liệu đặc biệt là dùng hương hoa. Họ để bệnh nhân ngồi trên một chiếc ghế thoải mái, thư thái, vừa ngửi mùi thơm thoang thoảng tỏa ra bốn phía, vừa nghe những bản nhạc du dương êm ái, không ít bệnh đã được chữa khỏi nhờ hương hoa.
Hương hoa tại sao có thể chữa được bệnh?
Hóa ra, thành phần chủ yếu tạo ra hương thơm của hoa là một vài hợp chất hữu cơ, giống như cây đàn hương tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, đó là một hợp chất hữu cơ có chứa cồn đàn hương; hương của hoa bạch lan rất nồng đậm cùng với một vài hợp chất loại este axit hữu cơ; còn có mùi thơm mát lạnh của bạc hà mà chúng ta thường ngửi thấy, thành phần chủ yếu là chất tecpen (C3H8)n. Những hợp chất hữu cơ này cực dễ bốc hơi, có thể cùng với hương hoa tỏa vào trong không trung, khi con người tiến hành hô hấp, chúng chui vào trong cơ quan khứu giác của cơ thể, kích thích thần kinh khứu giác, khiến con người cảm thấy sự tồn tại của mùi thơm, cùng lúc này những hợp chất hữu cơ cũng phát huy tác dụng trong cơ thể người, sản sinh hiệu quả trị bệnh.
Căn cứ lí luận như vậy, rất nhiều nước đã bắt đầu lưu hành một phương pháp trị bệnh gọi là “tắm rừng”: để người bệnh vào ở trong rừng, hít thở hương thơm nồng nàn của các loài thực vật tỏa ra. Hiệu quả trị liệu thu được rất tốt. Các nhà khoa học dùng các dụng cụ phân tích tiên tiến để đo lường và xác định về rừng, phát hiện thực vật trong rừng có thể giải phóng ra hơn 100 loại chất hữu cơ như tecpen, lần lượt có tác dụng tiêu nhiệt, tiêu độc… Vì vậy mùi hương có thể diệt khuẩn, trừ sâu bọ, duy trì không khí trong rừng trong lành.
Mặc dù hương hoa có thể trị bệnh nhưng có một điểm chú ý cần thiết là tính chất hóa học của các loại hương hoa không giống nhau, nên tác dụng trị lí cũng hoàn toàn khác nhau, hơn nữa có một số hoa còn chứa chất kịch độc. Ví dụ có loại gọi là đỗ quyên hoa vàng, trong hoa có chứa độc tố rhododenron, độc tính cực mạnh, một khi sử dụng không đúng sẽ khiến người bị dị ứng, có khi còn bị choáng sốc. Còn có một loại thực vật gọi là cây duốc cá, hoa của nó có độc tính. Nếu bỏ hoa của cây duốc cá vào ao cá, cá sẽ chết ngay, người hay động vật không cẩn thận ăn phải hoặc hít lâu cũng sẽ xuất hiện hiện tượng trúng độc như nôn mửa, khó thở… Vì vậy dùng hương hoa trị bệnh cũng giống như uống thuốc, tiêm, nên tiến hành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.