Tại sao mặt trời vẫn mọc trễ hơn vào buổi sáng sau ngày ngắn nhất trong năm?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum
Đó không phải là điều gây tò mò duy nhất về hoạt động của mặt trời trong mùa đông: ngày mặt trời lặn sớm nhất không trùng với ngày ngắn nhất mà lại xảy ra sớm hơn một tuần. Tất cả những sự bất thường này đều là kết quả của hai đặc điểm của hành tinh chúng ta: thứ nhất, quỹ đạo của nó quanh mặt trời không tròn hoàn hảo và thứ hai, trục xoay của nó cũng không vuông góc hoàn hảo với mặt phẳng quỹ đạo của nó. Tác động kết hợp chính là sự thay đổi tốc độ hoàn thành hành trình hàng ngày của mặt trời từ Đông sang Tây tùy theo thời điểm trong năm.
Trong những tháng mùa đông, ở những vĩ tuyến bắc, quỹ đạo lệch tâm của trái đất mang nó đến gần mặt trời nhất (điểm cận nhật) vào khoảng ngày 4 tháng giêng, đó cũng là điểm mà nó di chuyển nhanh nhất trong không gian. Đến lúc này, góc nghiêng của trái đất cũng tác động vào hiệu ứng trên, và mặt trời bắt đầu lùi về hướng bắc một lần nữa vào mùa hè. Do đó, ngược với những gì ta thấy, mặt trời không đi ngang qua bầu trời với cùng một nhịp độ trong suốt năm mà lại tăng tốc rồi chậm lại tùy theo sự kết hợp lộn xộn của hai hiệu ứng này.
Điều đó, do vậy khiến cho mặt trời không thể là một đồng hồ lý tưởng; để vượt qua sự khiếm khuyết này, các nhà thiên văn học thời Victoria đã phát minh ra một phiên bản mặt trời giả mà họ có thể dựa vào, gọi là Mặt trời Trung bình (Mean Sun), với tốc độ đi ngang qua bầu trời là hằng số. Mặt trời nhân tạo này cũng là cơ sở của múi giờ gốc Greenwich (Greenwich Mean Time, GMT) – giờ ở đây phụ thuộc vào sự di chuyển của Mặt trời Trung bình qua kinh tuyến Greenwich – và múi giờ này cũng được dùng để xác định thời điểm mặt trời mọc và lặn. Một hậu quả của việc cố gắng áp đặt quy luật cho thế giới tự nhiên này là: sự khác nhau giữa giờ GMT với những chuyển động thực sự của mặt trời. Điều này được biểu hiện ra thành sự không tương ứng giữa những ngày mặt trời mọc trễ nhất và lặn sớm nhất với ngày ngắn nhất.