Tại sao các nhà khoa học biết động vật có thể nằm mơ?
Con người biết nằm mơ, còn động vật có biết nằm mơ không? Đây là câu hỏi rất thú vị.
Trước đây, khi các nhà khoa học quan sát thói quen sinh hoạt của hươu cao cổ hoang dã và hươu cao cổ ở trong vườn bách thú đã phát hiện ra rằng, cách ngủ của chúng rất thú vị, có hai cách ngủ nông và ngủ sâu. Khi ngủ nông, cơ thể nằm ngang, nhưng chiếc cổ dài lại vẫn cao thẳng đứng, một phần đại não vẫn nằm ở trạng thái hưng phấn như trước, làm cho người ta có cảm giác nó vẫn “chưa ngủ”. Chỉ khi ngủ sâu, hươu cao cổ mới để đầu đặt nằm lên phần đuôi, tuy nhiên thời gian kéo dài không quá 20 phút.
Vậy thì rốt cuộc là tại sao? Các nhà khoa học căn cứ vào khảo sát thực địa đối với hành vi của hươu cao cổ đã giải thích rằng, do sư tử là kẻ thù chính của hươu cao cổ, nó thường đột ngột tấn công hươu cao cổ, vì vậy hươu cao cổ trong thời gian dài đấu tranh với kẻ thù mới dùng bí quyết “vươn cổ khi ngủ” kết hợp với “ngủ sâu trong thời gian ngắn” để đề phòng sư tử tấn công đột ngột, đạt được mục đích vừa an toàn lại vừa có thể nghỉ ngơi thích hợp.
Điều thú vị là một nhà nghiên cứu động vật người Mĩ khi khảo sát hươu cao cổ ở vùng Đông Nam Châu Phi đã phát hiện ra rằng: một con hươu cao cổ bị theo dõi toàn thân nằm xuống ở tư thế ngủ say “khò khò”. Nhưng đột nhiên nó bỗng đứng phắt dậy, lồng lộn điên cuồng, hiện ra một bộ dạng rất kinh khủng.
Đối với hành vi kì quái không thể hiểu nổi này, ban đầu các nhà khoa học suy đoán, có lẽ là xung quanh có cái gì đã kích động đến nó, nhưng qua kiểm tra tỉ mỉ thì tất cả mọi thứ ở xung quanh đều rất yên ổn. Điều này làm cho các nhà khoa học cảm thấy kì lạ không thể giải thích nổi. Sau đó, qua nhiều lần phân tích mới nhận ra rằng, ban ngày chú hươu cao cổ này đã từng chịu sự tấn công của sư tử, suýt nữa là rơi vào móng vuốt của sư tử, do vậy suy ra là giữa đêm nó nằm mơ thấy ác mộng là có liên quan với sự việc ban ngày.
Sau đó, các nhà khoa học tiến hành cuộc nghiên cứu sâu hơn và đã phát hiện ra, khi động vật ngủ, đại não có thể phát sóng điện từ giống như não người khi nằm mơ, do vậy động vật cũng có thể nằm mơ. Họ sử dụng “máy điện não đồ” để kiểm tra động vật, phát hiện ra rằng có động vật nằm mơ nhiều, thời gian dài, có động vật lại nằm mơ ít, thời gian ngắn hơn. Ví dụ, sóc và dơi thường nằm mơ, còn loài chim lại nằm mơ tương đối ít, động vật bò sát hầu như không nằm mơ. Các nhà khoa học cho rằng điều này có thể liên quan đến việc chúng bất cứ lúc nào cũng phải giữ cảnh giác đối với kẻ thù của tự nhiên để có thể kịp thời chạy thoát.