Tập 13: Vua Lê Đại Hành

Buổi đầu xây dựng nền độc lập của nước ta đến cuối thời Đinh thật gay go.

Triều đình Trung Quốc vào lúc ấy đã tương đối ổn định với việc Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống thống nhất và hùng mạnh. Nước ta thì ở trong một hoàn cảnh hiểm nghèo. Các triều vua Ngô, Đinh quá ngắn; đến cuối Đinh, nội bộ đại thần bất hòa, vua quá nhỏ tuổi, nguy cơ mất nước là có thật.

Lê Hoàn xuất hiện rất kịp thời, đánh bại giặc ngoài, củng cố nền độc lập quốc gia, tạo điều kiện tốt cho thời kỳ hưng thịnh Lý – Trần tiếp theo…

Năm 979, Đỗ Thích hành thích Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, Đinh Toàn (còn gọi là Đinh Tuệ) mới sáu tuổi được triều thần tôn lên ngôi. Việc triều chính do Dương Thái hậu và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trông coi. Thấy Lê Hoàn nắm nhiều quyền lực, các đại thần trung thành với nhà Đinh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp,… dấy binh chống lại Lê Hoàn nhưng nhanh chóng bị Lê Hoàn đánh dẹp.

Thấy tình hình Đại Cồ Việt bất ổn, các nước lân cận muốn đem quân xâm lấn. Phía nam, vua Chiêm Thành đem binh thuyền tiến đánh vào kinh đô Hoa Lư. Nhưng trên đường tiến quân, phần lớn chiến thuyền Chiêm Thành bị bão nhấn chìm xuống biển.

Trong khi đó ở phương bắc, nhà Tống chuẩn bị một lực lượng hùng mạnh để đánh chiếm nước Đại Cồ Việt.

Đại Cồ Việt đứng trước mối đe dọa lớn cho sự sống còn. Hơn ai hết, Lê Hoàn hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, khi được Dương Thái hậu cùng các tướng sĩ ủy thác vương quyền, Lê Hoàn đã lên ngôi, tức vua Lê Đại Hành (năm 980), lấy niên hiệu là Thiên Phúc.

Lê Hoàn sinh năm 941, ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) nhưng cũng có sách ghi là Trường Châu (Ninh Bình ngày nay) hoặc Bảo Thái (Hà Nam ngày nay). Khi cậu bé Lê Hoàn mới được vài tuổi thì mẹ lâm bệnh nặng qua đời. Chẳng bao lâu sau người cha cũng mất, để lại đứa con trai nhỏ bơ vơ, không nơi nương tựa.

Lê Hoàn may mắn được một người cùng họ đang giữ một chức quan nhỏ nhận về nuôi. Cậu lớn lên trong sự đùm bọc của người cha nuôi và tỏ ra là một đứa trẻ chăm chỉ trong công việc cũng như trong học hành.

Truyền thuyết kể rằng có lần vào mùa đông, sau một ngày làm việc mệt nhọc, Lê Hoàn nằm phục mà ngủ. Đang đêm, người cha nuôi chợt tỉnh giấc bỗng thấy cả nhà sáng rực cả lên. Không hiểu có chuyện gì xảy ra, ông vội vàng đến xem và thấy một con rồng vàng ấp trên người cậu bé Lê Hoàn đang ngủ say sưa.

Thời gian trôi qua, Lê Hoàn đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh, tướng mạo phi phàm. Lớn lên giữa buổi đất nước rối ren, loạn lạc bởi các cuộc chiến tranh triền miên giữa mười hai sứ quân, chàng cố công học tập binh pháp, cùng bè bạn rèn luyện võ nghệ mong có ngày giúp nước.

Buổi đầu, Lê Hoàn theo giúp Nam Việt vương Đinh Liễn. Nhưng vốn là người có tài quân sự lại có chí lớn nên dần dần Lê Hoàn được Đinh Tiên Hoàng tin dùng và giao cho chỉ huy một nghìn quân. Từ đó, ông xông pha bên cạnh Đinh Bộ Lĩnh, lập nhiều công lớn, và được phong chức Thập đạo Tướng quân, chỉ huy cả quân đội trong cả nước.

Vua Lê Đại Hành vừa lên ngôi không bao lâu, nhà Tống đã cho người đem thư sang đe dọa: “Giao Châu của ngươi xa ở cuối trời… vì thế cần mở lòng ngu tối của ngươi để được thấm nhuần thánh giáo của ta… nếu khiến ta phải dùng đến kế chặt xác băm xương, làm cỏ nước ngươi thì lúc ấy hối sao kịp nữa. Ta đương chuẩn bị xe ngựa quân lính, sắp sửa các thứ chiêng trống. Nếu quy phục thì ta tha cho, bằng trái mệnh thì ta quyết đánh…”

Để có thì giờ chuẩn bị, Lê Đại Hành sai sứ sang Trung Quốc giả mang biểu của Đinh Toàn xin phong tước. Theo kế của bọn mưu sĩ, một mặt vua Tống sai sứ sang Đại Cồ Việt buộc Đinh Toàn và Dương Thái hậu phải sang Trung Quốc để chầu và hứa sẽ phong tước cho Lê Hoàn với mục đích làm ta xao lãng phòng bị. Nhưng mặt khác lại ngầm cất binh tiến đánh nước ta.

Theo chiến thuật mà Ngô Quyền đã áp dụng để ngăn chặn và đánh tan cánh quân thủy của Nam Hán hơn nửa thế kỷ trước, Lê Đại Hành cho người dùng gỗ cứng vạt nhọn đóng ngầm ở những nơi hiểm yếu dưới lòng sông Bạch Đằng. Nhà vua còn sai một lực lượng thủy quân đến vùng cửa sông để đón đường chặn đánh địch.

Lê Đại Hành cho tuyển thêm binh lính. Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng từ mọi thôn làng hăng hái nhập ngũ để giết giặc. Nhà nhà góp của góp công rèn khí giới, tích chứa quân nhu, lương thảo. Chẳng bao lâu sau, vua Lê Đại Hành đã có một lực lượng hùng hậu sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lăng.

Vua Lê Đại Hành tự mình chỉ huy lực lượng bộ binh chủ lực tiến lên Chi Lăng chặn quân Tống.

Mùa xuân năm 981, hai cánh quân Tống ồ ạt tiến vào địa phận Đại Cồ Việt. Quân bộ do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ chỉ huy, đi theo ngả Lạng Sơn. Trong khi đó, một cánh quân thứ hai do Lưu Trừng, Giả Thực cầm đầu theo đường thủy tiến vào sông Bạch Đằng.

Quân Tống

Biên giới ngày nay

Hai cánh quân Tống tiến đánh Đại Cồ Việt năm 981

Với lực lượng hùng hậu, nhà Tống tin rằng sẽ nhanh chóng nuốt chửng nước Đại Cồ Việt. Theo dự định của chúng, sau khi tiêu diệt được các lực lượng kháng cự của nhà Lê, hai cánh quân này sẽ hợp nhau ở Đại La (Hà Nội ngày nay) và cùng tấn công vào kinh đô Hoa Lư.

Tại sông Bạch Đằng, cánh quân thủy của địch bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Dù lực lượng thủy quân Tống hùng mạnh nhưng vẫn không thể tiến sâu vào nội địa được.

Kế hoạch hợp quân thủy bộ của địch bị phá vỡ, Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn bảy mươi ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo thì hiếu chiến hơn, thúc giục Tôn Toàn Hưng tiến quân không được, bèn tự đem quân tiến theo sông Thương.

Khi quân của Hầu Nhân Bảo kéo đến Chi Lăng, vua Lê cho người dụ địch vào chỗ hiểm yếu đã mai phục để tiêu diệt. Hầu Nhân Bảo bị chém chết tại trận, hai viên tướng Tống bị bắt sống, hơn phân nửa số quân địch bị tiêu diệt.

Được tin Hầu Nhân Bảo đại bại, đội quân Tống do Trần Khâm Tộ chỉ huy hoảng sợ tháo chạy về phía biên giới. Chúng bị quân Việt đuổi theo truy kích.

Cánh thủy quân do Lưu Trừng cầm đầu cũng vội vàng rút chạy về nước.

Bị thua đau, vỡ mộng xâm lược, vua Tống tức giận trút sự bực tức lên đầu bọn bại tướng: Tôn Toàn Hưng bị đem ra chém ở chợ Ung châu; các tướng Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn đều bị bắt giam và chết trong ngục.

Đánh bại quân Tống, vua Lê theo gương tiền nhân, áp dụng đường lối ngoại giao khôn khéo với Trung Quốc nhằm chấm dứt nạn can qua. Ngay năm sau Lê Đại Hành đã sai sứ sang triều đình nhà Tống xin thông hiếu. Năm 986, nhà Tống phong cho Lê Hoàn làm “An Nam đô hộ, Tĩnh Hải quân, Tiết độ sứ”. Vua Lê trả cho nhà Tống hai viên tướng bị bắt.

Do tài ngoại giao khôn khéo của vua Lê Đại Hành và cũng vì thảm bại trong cuộc chiến tranh xâm lược, vua Tống từ bỏ hoàn toàn ý định xâm lược nước ta. Mấy mươi năm sau, An phủ sứ nhà Tống là Thiệu Việp dâng bản đồ đường thủy bộ và xin đem quân sang đánh Đại Cồ Việt lần nữa, vua Tống vội gạt đi: “Giao Châu là nơi lam chướng, nếu đem quân sang đánh chắc là tổn hại rất nhiều. Vậy ta chỉ nên cẩn thận giữ lấy đất đai của ông cha mà thôi”.

Trong việc giao thiệp với nhà Tống, vua Lê luôn giữ lòng tự hào dân tộc, tỏ ý chẳng chịu thua kém và tìm cách làm chúng bớt thói kiêu căng. Khi nhận sắc phong của vua Tống, vua Lê Đại Hành lấy cớ đau chân nên không quỳ. Không những thế, nhà vua còn tặng cho sứ giả trăn to, hổ dữ nhằm có ý đe dọa.

Có lần nhân sứ nhà Tống đến kinh đô, vua Lê Đại Hành hàng ngày cho đem phơi các thứ châu báu chật cả sân. Lần khác, vì sứ Tống là một quan võ, vua Lê lại cho bày thuyền chiến, vũ khí và các đội quân hùng mạnh trên suốt dọc con đường sứ thần đi đến kinh đô Hoa Lư.

Năm 987, nhà Tống cử một người giỏi thơ văn là Lý Giác đi sứ sang nước ta. Vua Lê Đại Hành sai nhà sư Đỗ Thuận cũng là người văn hay chữ tốt, giả làm người chèo đò đón đường sứ giả. Trên đò, Lý Giác thấy cảnh hai con ngỗng đang lội trên sông liền ứng khẩu ngâm hai câu thơ:

“Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha”. (Ngỗng kia, ngỗng một đôi, Ngửa mặt nhìn chân trời).

Lúc sứ còn đang tìm ý, Đỗ Thuận đã nối vần ngâm tiếp hai câu cho bài thơ được trọn vẹn:

“Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba”. (Lông trắng phô nước biếc, Chèo hồng rẽ sóng bơi).

Lý Giác rất ngạc nhiên cho rằng một người bình thường của nước Đại Cồ Việt như ông lái đò này mà còn biết làm thơ, huống hồ các bậc văn nhân, khoa bảng.

Khi đến sứ quán, Lý Giác làm một bài thơ trao cho nhà sư, trong đó có ý tôn trọng vua Lê chẳng khác gì vua Tống. Vua Lê Đại Hành tiếp đãi Lý Giác rất ân cần. Đến khi sứ giả ra về, nhà vua còn sai nhà sư Khuông Việt làm một khúc hát để tiễn. Sử gia Phan Huy Chú đã đánh giá: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục. Sau này, mỗi khi sứ giả Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tống tiễn để khoa trương văn hóa, là bắt đầu từ đây”.

Yên được phương bắc, vua Lê Đại Hành lại lo giải quyết mối xung đột với vương quốc Chiêm Thành ở phương nam. Trước khi chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, Lê Đại Hành đã sai sứ sang giao hảo với Chiêm Thành nhằm tránh những căng thẳng ở mặt nam. Nhưng không ngờ đều bị vua Chiêm Thành bắt giữ.

Sau khi chiến thắng quân Tống, vua Lê Đại Hành đem quân tiến đánh Chiêm Thành (năm 982). Quân Chiêm Thành thua to. Vua Phê-Mị-Thuế (*) bị chém tại trận. Chiêm Thành phải từ bỏ ý đồ xâm lấn Đại Cồ Việt.

(*) tên tiếng Phạn là Paramesvaravarman

Đất nước thái bình, vua Lê Đại Hành lại lo củng cố triều chính, tổ chức lại bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương. Trong triều nhà vua cho đặt chức Thái sư để bàn tính việc quốc chính, chức Tổng quản để lo việc dân và quân, chức Thái úy, Đô chỉ huy sứ để chỉ huy quân đội.

Triều đình ổn định, vua Lê Đại Hành yên tâm xây dựng củng cố đất nước. Năm 984, nhà vua cho sửa sang lại kinh đô Hoa Lư, xây dựng nhiều cung điện lộng lẫy làm nơi hội triều, nơi vua và hoàng gia cùng quan lại ở.

Nhà Lê cũng dùng các nhà sư làm quan lại. Hệ thống tăng quan vẫn được duy trì trong triều đình. Nhiều vị sư được vua mời làm cố vấn, bàn hỏi việc nước hoặc được giao những nhiệm vụ quan trọng và đã có nhiều đóng góp lớn. Tiêu biểu là các sư Pháp Thuận (915-990), Ngô Chân Lưu (993-1011).

Trong cung, vua Lê Đại Hành cho lập năm hoàng hậu (cũng giống như vua Đinh Tiên Hoàng). Dương Thái hậu của nhà Đinh, mẹ của Đinh Toàn trở thành một trong những hoàng hậu của vua Lê và được phong làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu.