Tập 19: Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông

Vua Lý Nhân Tông sinh ngày 25 tháng giêng năm Bính Ngọ (tức ngày 22 tháng 2 năm 1066), ngày hôm sau thì được lập làm Thái tử. Người ở ngôi 56 năm, từ năm 1027 đến năm 1127, thọ 63 tuổi.

Vua Lý Nhân Tông chính là người đặt nền móng cho chế độ khoa cử ở nước ta. Và trong suốt thời gian trị vì, người luôn tỏ ra là một bậc minh quân, được các sử gia hết lời ngợi khen.

Mùa xuân năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông băng hà, triều đình tôn thái tử Càn Đức, lúc bấy giờ mới bảy tuổi lên ngôi, tức vua Nhân Tông. Tương truyền khi sinh ra, vua đã có quý tướng: “Trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối…”. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhà vua đã tỏ ra là người thông minh, đĩnh ngộ. Nhân Tông được mẹ là Linh Nhân thái hậu làm nhiếp chính, luôn ở bên cạnh giúp đỡ, lại thêm có đại thần là Lý Thường Kiệt hết lòng phò tá. Vì thế mọi việc trong triều vẫn chu toàn như trước.

Càng ngày, Nhân Tông càng tỏ ra là vị vua sáng suốt. Tuy còn trẻ tuổi, ít kinh nghiệm trong việc điều khiển quốc gia, giao thiệp với lân bang nhưng vua chịu khó học hỏi, lại biết nghe lời phân giải của nhiều bề tôi lương đống. Nhờ thế, đất nước vẫn thịnh vượng và được các nước lân bang vị nể.

Triều đình còn chấn chỉnh bộ máy cai trị, định rõ quan chế. Quan văn võ được chia làm 9 bậc từ hàng đại thần đến các quan chức ở địa phương. Đứng đầu có Thái sư, Thái phó, Thái úy (Tam thái) và Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu úy (Tam thiếu)… Quan chế đời Lý Nhân Tông được các triều đại sau châm chước áp dụng.

Không những thế, sau này, vua Nhân Tông còn sai các quan thu thập những điều lệ, những quy định trong việc cai trị của các đời trước, biên soạn, chỉnh lý lại và lập thành bộ sách gọi là Hội điển. Đó là bộ sách ghi chép các quy chế chính trị, hành chính đầu tiên ở nước ta. Việc làm này đã góp phần củng cố chính quyền, thống nhất việc cai trị trong nước lúc ấy.

Trước đây có thông lệ, cứ con cháu của quan lại, quý tộc là được làm quan (gọi là nhiệm tử). Vì thế, nhiều kẻ bất tài, kém đức vẫn được trọng dụng, trong khi người tài giỏi lại không được dùng. Do đó, vào năm Ất Mão (1075), triều đình cho mở khoa thi Nho học Tam trường (khảo học trò qua ba vòng thi) để tuyển người minh kinh bác học (hiểu rõ kinh sách và học rộng). Đây là khoa thi đầu tiên mở đường cho truyền thống khoa cử ở nước ta. Từ nay trở đi, các triều đại sau đều qua thi cử để chọn người có học ra làm việc nước.

Khoa thi đầu tiên này có 10 người đỗ. Đứng đầu là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang (nay là huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Tương truyền cha mẹ ông là những người nhân từ, thường hay giúp đỡ tất cả những ai có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Cha ông vừa dạy học vừa bốc thuốc trong làng. Nhờ thế, ngay từ khi còn nhỏ tuổi, ông đã được cha rèn cặp việc học hành.

Lê Văn Thịnh nổi tiếng thông minh và có trí nhớ rất tốt, ông học đâu nhớ đấy và đã nhập tâm cái gì thì nhớ rất lâu. Ông rất chăm học, thường chong đèn đọc sách đến khuya, mẹ phải giục nhiều lần mới đi ngủ. Nhờ chuyên cần như thế nên năm 13 tuổi, Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng là người thông kinh sử, hiểu biết rộng. Ông được mọi người trong vùng và bạn bè gọi là thần đồng.

Năm 18 tuổi, Lê Văn Thịnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông dời đến sống ở trang Chi Nhị (nay là thôn Chi Nhị, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và mở trường dạy học. Dân trong vùng biết tiếng ông nên cho con theo học rất đông. Ngoài giờ dạy học, ông thường gần gũi chuyện trò với mọi người chung quanh và đem những hiểu biết của mình ra giảng giải điều hay lẽ phải cho dân làng.

Mùa xuân năm Ất Mão, một tin vui chưa từng có lan truyền khắp cả nước, đặc biệt là trong số những người theo đuổi việc bút nghiên: Triều đình vừa xuống chiếu mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài.

Lê Văn Thịnh liền lên đường đến kinh đô ứng thí. Với tài học của mình, ông đã dễ dàng chiếm ngôi đầu bảng. Như vậy, ông là vị Trạng nguyên(*) đầu tiên trong lịch sử nước ta.

* là Trạng nguyên sau này mới được đặt.

Lê Văn Thịnh được vời vào cung để dạy vua học. Sau đó, ông được Lý Nhân Tông giao giữ chức Thị lang bộ Binh. Những người đỗ trong kì thi ấy đều được trọng dụng. Tuy lúc đầu các khoa thi chưa được tổ chức đều đặn và khoảng cách giữa hai khoa khá lâu (thường là 12 năm) nhưng đấy cũng là động lực thôi thúc kẻ sĩ trong cả nước chuyên tâm hơn vào việc trau dồi kinh sử.

Năm sau (1076), triều đình cho lập trường Quốc Tử Giám cạnh Văn Miếu. Đó là trường đại học đầu tiên của nước ta. Lúc đầu Quốc Tử Giám là nơi học của các hoàng tử và con cái các quan. Về sau, trường thu nhận thêm những học trò giỏi con của thường dân. Trường đã hoạt động trong suốt 700 năm(*) và đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

*vua Gia Long đặt kinh đô ở Huế và dời trường Quốc học về đấy.

Trong lúc triều đình nhà Lý đang xây dựng đất nước thì ở phương bắc, nhà Tống bị các bộ tộc xung quanh nổi lên chống lại. Ngay từ khi mới thành lập, nhà Tống đã phải chịu mất một phần đất vào tay người Khiết Đan (nước Liêu). Vào khoảng đầu triều Lý ở nước ta, Liêu lại đánh Tống, bắt nhường thêm đất đai và hàng năm phải nộp nhiều vàng bạc, lụa là.

Sau đó, một bộ tộc ở vùng tây bắc Trung Quốc lại nổi lên chống nhà Tống và thành lập triều đình riêng, tức nhà Hạ. Nhà Tống nhanh chóng bị nhà Hạ uy hiếp và phải cống nạp nhiều vàng bạc, châu báu để được yên thân. Bởi vậy, kho tàng của nhà Tống dần dần kiệt quệ.

Tình hình kinh tế, xã hội Trung Quốc ngày càng đen tối. Bọn quan lại địa chủ ra sức thâu tóm ruộng đất của nông dân để sống xa xỉ, trong khi triều đình không đủ tiền chi cho các việc công ích. Dù dân chúng đã phải è cổ chịu gánh nặng thuế khóa ngày một cao nhưng vào đời Tống Thần Tông, quốc khố vẫn gần như trống rỗng. Vì thế ở nhiều nơi, nông dân nổi dậy chống triều đình.

Trước tình hình đó, tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch cho áp dụng những biện pháp cải cách gọi là Tân pháp để thu thêm nhiều tiền vào quốc khố và tăng cường binh bị. Nhưng thực chất Tân pháp chỉ là những chính sách nhằm tăng cường hơn nữa việc bóc lột dân chúng nên không được lòng người. Như lửa đổ thêm dầu, phong trào chống đối triều đình càng nổi lên mạnh mẽ.

Để đối phó và cũng để chứng tỏ những cải cách của mình có kết quả làm lạc hướng đấu tranh của quần chúng, Vương An Thạch nghĩ ra một mưu kế hiểm độc là tiến hành xâm lược Đại Việt. Y hy vọng nếu chiến thắng được Đại Việt, nhà Tống sẽ lấy lại uy thế đối với các nước lân cận, nhờ đó phục hồi uy tín của cá nhân mình. Nghĩ vậy, y vội vã viết sớ để tấu lên vua Tống.

Đang lúc bí thế, lại nghe Vương An Thạch to nhỏ: “Lúc ta diệt được Giao Chỉ (ý nói nước Đại Việt), uy ta sẽ có. Rồi ta sẽ báo cáo cho Thiểm Tây biết, quân dân Thiểm Tây có khí thế thắng lợi sẽ thêm hăng hái. Với khí thế ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt được nước Hạ thì ai sẽ dám quấy nhiễu Trung Quốc nữa?”. Vua Tống cả mừng, lập tức quyết định đánh Đại Việt.

Ngoài ra, với việc xâm lăng Đại Việt, nhà Tống còn hy vọng vơ vét được nhiều của cải. Vua Tống đã bộc lộ trắng trợn: “Nghe nói vùng Khê Động có nhiều của quý. Sau khi Giao Chỉ thua, hãy đặt thành quận, huyện để cai trị và hãy sung công của cải”.

Vương An Thạch chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược rất kĩ lưỡng. Thành Ung châu (nay thuộc Nam Ninh, Quảng Tây) nằm trên con đường bộ dẫn vào nước ta và hai cửa biển Khâm châu, Liêm châu đều được xây dựng thành căn cứ để tích lũy lương thảo, khí giới. Vương An Thạch cũng cho mộ thêm quân và đóng nhiều tàu chiến.

Những mưu tính đó của Tống Thần Tông và Vương An Thạch không thể qua mắt triều đình nhà Lý được. Tuy thế, trong việc ngoại giao với nhà Tống, nhà Lý cố giữ quan hệ hòa hảo, vẫn sai sứ sang nộp cống. Nhưng đối với những việc nhà Tống lấn chiếm biên giới, nhà Lý tỏ thái độ rất cương quyết: sai người sang đòi hoặc đánh cướp lại.

Trước hiểm họa xâm lăng của quân Tống, Lý Thường Kiệt đề xuất một phương án khá táo bạo. Ông chủ trương đánh sang đất Tống để hủy diệt kho lương thảo, vũ khí; đồng thời làm nhụt nhuệ khí của quân Tống. Chiến lược tấn công trước để tự vệ của Lý Thường Kiệt được triều đình nhà Lý bàn bạc và chấp thuận.

Tháng 10 năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt ra lệnh xuất quân. Cánh quân bộ do phó tướng Tông Đản chỉ huy phối hợp chặt chẽ với cánh quân thủy của đại tướng Lý Thường Kiệt nhanh chóng đánh bại lực lượng của nhà Tống, hạ thành Liêm châu, Khâm châu và kéo đến vây hãm Ung châu. Sau 40 ngày, quân ta hạ được thành này. Toàn bộ vũ khí, lương thảo Vương An Thạch tích trữ cho cuộc xâm lăng đều bị phá hủy.

Sau khi đoàn quân chiến thắng trở về, nhà Lý tích cực chuẩn bị công cuộc phòng thủ vì biết rằng nhất định quân Tống sẽ kéo sang nước ta để thực hiện mưu tính xâm lược và để phục thù.

Nức lòng trước thắng lợi, quân dân Đại Việt hăng hái đào hào, đắp lũy lập các phòng tuyến để chặn quân địch. Quan trọng nhất là phòng tuyến Phú Lương ở bờ phía nam sông Như Nguyệt.

Tháng 12 năm Bính Thìn (đầu năm dương lịch 1077), quân Tống tràn vào nước ta. Cánh quân thủy của chúng xuất phát từ Khâm châu bị thủy binh Đại Việt chặn đánh ngoài biển, không thể tiến sâu vào nội địa để phối hợp với quân bộ được. Vì vậy, cánh quân bộ do Quách Quì chỉ huy bị chặn đứng tại phòng tuyến Phú Lương.

Tiến thoái lưỡng nan, quân Tống bị lâm vào cảnh khốn quẫn vì thiếu lương thực và bệnh tật. Cuối cùng, chúng phải chấp nhận đề nghị giảng hòa của vua Lý để được an toàn rút quân về.

Khi kéo quân sang nước ta, nhà Tống đã chiếm một số châu huyện tại vùng biên giới và đặt quan cai trị. Vì thế ngay khi Quách Quì rút lui, Lý Thường Kiệt sai quân chiếm lại nhiều nơi như động Giáp Nguyên, huyện Quang Lang, châu Tô Mậu… Cuối cùng nhà Tống vẫn chiếm giữ của ta châu Quảng Nguyên, nơi có mỏ vàng và một số động như Vật Dương, Vật Ác…

Năm 1078, nhà Lý sai Đào Tông Nguyên đi sứ sang triều đình nhà Tống. Sứ Đại Việt đem voi sang cống và đòi lại châu Quảng Nguyên. Lúc đầu vua Tống không thuận trả đất, nhưng suy đi tính lại thấy vùng Quảng Nguyên quá xa xôi cách trở lại nhiều lam chướng nên cuối cùng phải bằng lòng giao về cho Đại Việt để đổi lấy những người bị quân Lý bắt khi đánh sang Khâm châu, Liêm châu và Ung châu trước đây.

Năm 1083, Lý Nhân Tông lại sai Đào Tông Nguyên sang Trung Quốc để thương thuyết với nhà Tống về việc phân định biên giới và đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác. Các vùng đất này trước kia do Nùng Trí Cao chiếm khi nổi loạn. Sau khi Trí Cao chết, họ Nùng đem đất nộp cho nhà Tống.