Tập 16: Nước Đại Việt

Vua Lý Thánh Tông tên thật Lý Nhật Tôn là năm 1023 1072 tại kinh đô Thăng Long, cai trị trong khoảng từ 1054 đến 1072.

Ông nổi tiếng là bậc minh quân, tận tụy với công việc triều chính, thương dân như con, đối xử khoan hồng với kẻ phạm tội.

Tháng Giêng, ngày Canh Dần, năm Nhâm Tý (tức 1 tháng 2 năm 1072), Lý Thánh Tông băng hà trị vì được 17 năm, hưởng thọ 49 tuổi.

Vua Lý Thái Tông băng hà vào năm 1054, truyền ngôi lại cho con trưởng là Thái tử Nhật Tôn. Nhật Tôn còn có một người em trai là hoàng tử Nhật Trung, nhưng Nhật Trung vốn nhu thuận, không dòm ngó ngai vàng. Vì vậy, Thái tử lên ngôi không gặp rắc rối như vua cha 26 năm trước(*), được cả hoàng gia lẫn triều thần ủng hộ.

(*) Xem tập Xây đắp nhà Lý.

Sử không ghi rõ mẹ của Thái tử Nhật Tôn tên gì, chỉ biết bà mang họ Mai. Tương truyền trước khi có thai Thái tử, bà nằm mộng thấy mặt trăng rơi vào bụng. Đến ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi (1023) thì Nhật Tôn ra đời tại cung Long Đức(*), vì lúc này vua cha vẫn đang là Thái tử. Năm năm sau (1028), Lý Thái Tông lên ngôi, bà Mai được lập làm Hoàng hậu, Nhật Tôn được lập làm Thái tử. Khi Nhật Tôn lên làm vua, bà Mai được tôn làm Kim Thiên Thái hậu.

(*) Xem tập Xây đắp nhà Lý.

Nhật Tôn vốn thông minh, từ nhỏ đã làu kinh sách, rành âm luật, giỏi võ lược. Lớn lên, Thái tử thường được vua cha sai đi đánh dẹp các nơi giặc giã, đi tới đâu thắng tới đó nên uy danh vang lừng. Thêm nữa, Thái tử sống ở cung Long Đức, gần gũi với dân chúng suốt 27 năm nên vốn sống rất phong phú. Do đó khi lên ngôi, vua Lý Thánh Tông được trăm họ mến phục.

Là người có ý thức dân tộc và có óc tự cường, muốn đưa đất nước trở nên hưng thịnh và ngày một lớn mạnh, vừa mới lên ngôi, Lý Thánh Tông liền đổi tên nước là Đại Việt. Từ đấy nước ta có tên mới, mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, kéo dài đến 750 năm. (Cho đến đầu thế kỷ 19, vào năm 1804, dưới triều vua Gia Long, tên nước mới đổi thành Việt Nam như ngày nay).

Suốt 18 năm trị vì (1054-1072), nhà vua thay niên hiệu năm lần(*), phần nhiều là để đánh dấu một sự kiện quan trọng nào đó. Như năm Mậu Thân (1068), nhân dịp châu Chân Đăng dâng vua hai thớt bạch tượng (voi trắng) quý, vua đổi niên hiệu thành Thiên Huống Bảo Tượng, hoặc năm 1069 đổi thành Thần Võ để chứng tỏ sức mạnh của Đại Việt.

(*) Đó là các niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058). Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), Long Chương Thiên Tự (1066-1067), Thiên Huống Bảo Tượng (1068), Thần Võ (1069-1072).

Nhờ nhiều năm sống ở Đông cung, đã từng thấy cảnh đói rét, sự oan uổng, bất công ở miền thôn dã, nên nhà vua hiểu được nỗi khổ của dân chúng và rất thương dân. Vừa lên làm vua, ngài đã cho các cung nữ trong cung Thúy Hoa được trở về quê quán, sum họp với gia đình, sống lại cuộc sống bình thường như các cô gái khác.

Sau đó, ngài xuống chiếu cho đốt bỏ hết những hình cụ dùng để tra tấn nạn nhân. Từ đấy tù nhân không còn bị xúc phạm đến thân thể trong việc lấy cung nữa. Vào những năm gặp đại hạn, mất mùa, lo dân chúng bị đói rét, nhà vua thường cho mở kho lấy lúa, tiền, vải ra phát chẩn cho dân nghèo.

Một hôm, vào tiết đông rét mướt, vua chạnh nghĩ đến các tù nhân, bèn bàn với các quan hầu rằng:

– Trẫm ở trong thâm cung, sưởi lò than thú(*), mặc áo hồ cừu(**) mà còn rét như thế này… Huống chi những tù phạm bị giam trong ngục, bị gông cùm trói buộc, ngay gian chưa phân minh, bụng không đủ cơm no, áo không kín thân thể, một khi gặp cơn gió bấc thổi, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm.

  • Lò sưởi đốt bằng thứ than chế bằng xương động vật.

** Áo hồ cừu là loại áo làm bằng lông chồn, nhẹ và ấm.

Nói rồi, nhà vua truyền lệnh cho quan Hữu ty cấp phát chăn chiếu đầy đủ cho tù nhân và cho ăn một ngày hai bữa. Từ đấy bớt đi cảnh tù nhân phải chết oan uổng trong cơ hàn. Thương dân lành có người vì kém hiểu biết mà phạm tội, vua Lý Thánh Tông còn gia giảm một số hình phạt trong bộ luật Hình thư đã được viết ra dưới thời vua cha Lý Thái Tông.

Một hôm, vào năm 1055, vua đang ngự trong điện Thiên Khánh để xét án, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh. Bày tỏ tấm lòng nhân ái của mình đối với muôn dân, ngài chỉ vào công chúa và nói:

  • Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ có kẻ không hiểu biết, tự dấn thân vào đường phạm pháp, làm càn, phải tội, trẫm lấy làm thương xót lắm.

Cuối cùng nhà vua quyết định:

  • Từ rày về sau tội trạng bất kể nặng nhẹ, cũng khoan thứ(*) bớt đi.

Sau đó (1071), ngài còn định ra lệ cho phép người mắc tội trượng hình(**) có thể dùng tiền để chuộc. Tuy thế, những người phạm trọng tội mà bị xử án tử hình thì không được hưởng ân xá bất kỳ trường hợp nào, ngay cả khi có kỳ đại xá.

  • Hành động có tính khoan dung và tha thứ.

** Hình phạt bị đánh bằng trượng.

Nhằm duy trì sự liêm khiết của các quan xử án, vua quyết định cấp lương bổng thật hậu cho họ. Các quan cao cấp trong tư pháp như Sĩ sư Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thể Tư được cấp mỗi tháng 50 quan tiền, 200 bó lúa và cá muối. Còn 10 viên ngục lại thì mỗi tháng lãnh 20 quan tiền, 100 bó lúa.

Vua Lý Thánh Tông là người hay đi đây đó. Hầu như các châu huyện trên khắp đất nước đều được ngài viếng thăm, ngay cả vùng rừng núi xa xôi như châu Lạng. Khi thì ngài đi xem dân gặt lúa, khi thì đi xem ngư dân đánh cá. Ngài lại chưa có con trai để lập Thái tử, nên cũng thường đi cầu tự tại những nơi linh thiêng.

Vào năm 1062, vua đã 40 tuổi mà vẫn chưa có người thừa kế ngai vàng, trong lòng buồn bực, nên thường du ngoạn để khuây khỏa. Một hôm vua đi qua làng Thổ Lỗi (Gia Lâm, Hà Nội)(*) thấy có ngôi chùa đẹp liền ghé vào thăm. Xa giá đi tới, dân làng đổ xô đến chiêm ngưỡng long nhan. Nhưng kì lạ thay, bên gốc lan, một người con gái mải mê hái dâu, không mảy may để ý đến đấng thiên tử.

(*) Có sách nói là Mỹ Văn, Hưng Yên.

Vua ngạc nhiên, cho vời đến. Thấy nàng ăn nói lưu loát lại xinh đẹp, vua bèn đưa về cung, cưới làm vợ, đặt tên là Ỷ Lan(*). Bốn năm sau Ỷ Lan sinh được một hoàng nam, vua vô cùng mừng rỡ, đặt tên là Càn Đức và phong làm Thái tử. Ỷ Lan cũng được phong làm Nguyên phi(**).

  • Ỷ Lan có nghĩa là dựa vào gốc cây lan.

** Nguyên phi đứng đầu hàng phi, chỉ đứng dưới hoàng hậu.

Các quan lại giúp việc đắc lực cho nhà vua có nhiều người tài giỏi, trong đó Lý Đạo Thành là một bậc đại phu được nhiều người ngưỡng vọng. Ông được vua Lý Thánh Tông cử làm Thái sư từ năm 1054 ngay từ khi vua mới lên ngôi và giữ chức vụ này cho đến hết triều đại của Lý Thánh Tông.

Lý Đạo Thành là người theo đạo Phật, nhưng đồng thời cũng rất sùng Nho giáo. Ông làm việc theo phương châm của Nho giáo, đề cao lòng trung thành tuyệt đối với đấng thiên tử và tôn trọng sự “chính danh” tức là mỗi người phải làm đúng chức phận của mình để vua ra vua, tôi(*) ra tôi, cha ra cha, con ra con, cho xã hội có kỷ cương, gia đình có nền nếp.

* Tôi ở đây có nghĩa là bề tôi dưới quyền của vua.

Vua Lý Thánh Tông có ý muốn chỉnh đốn tác phong của quan lại cho trang trọng. Vào mùa thu năm 1059, ngài thiết triều tại điện thờ Thủy Tinh để cấp cho quần thần mũ phốc đầu(*) và giày da. Từ đấy các quan khi vào chầu vua phải đội mũ và đi giày. Bốn năm sau (1063), lại đặt thêm lệ tung hô để chúc tụng nhà vua. Khi vào yết kiến, các quan phải xướng lên câu “Thánh cung vạn phúc”(**) rồi quân sĩ đồng thanh hô theo.

  • Mũ phốc đầu là mũ cánh chuồn.

** “Thánh cung vạn phúc” có nghĩa là nhà vua được muôn phước.

Đối với các quan đứng đầu các châu xa xôi ở biên giới, vua Lý Thánh Tông tiếp tục đường lối của các vua trước, đối xử với họ rất mềm dẻo. Vì thế, nhà vua rất được lòng các quan Châu mục. Họ vẫn thường đem dâng biếu nhà vua những sản vật quý báu của địa phương mình.

Ải Chi Lăng ngày nay. Ảnh: Vi Hồng Tuyên

Trong các châu ở vùng biên giới, châu Lạng là rộng lớn nhất và quan trọng nhất vì vị trí chiến lược của nó. Châu này nằm trên con đường bộ từ Trung Quốc sang Đại Việt(*). Châu Lạng lại có động Giáp rất to, ở phía nam ải Chi Lăng. Thật là một nơi hiểm yếu. Chính vì thế mà từ vua Thái Tổ, Thái Tông đến vua Thánh Tông đều rất ưu ái đối với châu này.

  • Châu Lạng nay là tỉnh Lạng Sơn và một phần tỉnh Bắc Giang.

Đời vua Lý Thái Tông đã gả công chúa Bình Dương cho quan Châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái. Công chúa sinh hạ được người con trai là Thân Cảnh Nguyên. Sau này Cảnh Nguyên trở thành một chàng trai đầy mưu trí và nối nghiệp cha, làm Châu mục. Để tỏ rõ lòng trọng vọng đối với họ Thân, vào năm 1059, trong một chuyến đi săn ở sông Nam Bình thuộc châu Lạng (gần sông Thương, Bắc Giang), vua Lý Thánh Tông đã ghé thăm gia đình công chúa Bình Dương.

Tại đây, nhà vua đã gặp Cảnh Nguyên và rất mến mộ chàng trai tài trí này. Bảy năm sau (1066), khi người con gái yêu của vua là công chúa Thiên Thành đến tuổi cập kê, vua gả nàng cho Thân Cảnh Nguyên. Họ Thân từ đấy càng rất trung thành với nhà Lý và trở thành phên giậu(*) chắc chắn trong việc chống quân Tống xâm lược sau này. Nhờ chính sách kết thân ấy mà lòng dân miền núi đều quy hướng về nhà vua.

  • Phên giậu hay rào giậu – chỉ sự che chắn ở biên cương.

Vua Lý Thánh Tông có một đội quân rất hùng mạnh, binh pháp tinh thông. Quân của vua được chia làm hai loại. Loại thứ nhất là quân cấm vệ, để bảo vệ vua và kinh thành. Trước đây, dưới thời vua Lý Thái Tông, toàn thể quân cấm vệ được chia ra làm 10 đơn vị, mỗi đơn vị được gọi là quân. Mỗi quân là 200 người, có cả lính kỵ và lính bắn đá.

Thời vua Lý Thánh Tông cho tăng thêm 6 quân nữa, tất cả là 16 quân. Quân cấm vệ là những chàng trai khỏe mạnh, thiện chiến vào hạng nhất và rất trung thành với nhà vua. Trên trán mỗi người đều thích chữ Thiên tử binh(*). Thường nhật, họ đóng chung quanh kinh thành. Lúc vua đi đâu xa thì họ hộ giá. Khi lâm chiến, họ là những người đi tiên phong trước mũi gươm, ngọn giáo của giặc.

  • Tức là binh lính của nhà vua.

Loại quân thứ hai, không có quân số nhất định. Đó là những người dân đến tuổi đầu quân, nhưng mỗi tháng chỉ lên cơ ngũ một lần, gọi là đi phiên. Thời gian đi phiên không lâu. Hết phiên lại về quê làm ruộng. Loại quân này đóng các châu quận, không có lương, chỉ có người trưởng vì phải thường trực nên được cấp lúa và vải. Hệ thống quân đội như vậy vừa được số đông lại không phải phí tổn gì nhiều.

Bấy giờ thanh thế nước Đại Việt rất lẫy lừng, các nước nhỏ như Chân Lạp, Chiêm Thành vẫn thường sang tiến cống. Ngay cả đối với nước Trung Hoa hùng mạnh, vua Lý Thánh Tông vẫn giữ một tư thế bình đẳng, đôi khi lại còn có vẻ cao ngạo nữa. Tuy vậy một năm sau khi vua lên ngôi, nhà Tống sai sứ sang phong cho vua làm Quận vương, nhà vua cũng chấp nhận để duy trì mối giao hảo.

Hai năm sau, nhân dịp vùng rừng núi có người bắt được hai con thú lạ, vua bèn sai viên Ngoại lang Mai Nguyên Thanh đem sang biếu cho vua Tống, nói gạt là con kỳ lân(*). Triều đình nhà Tống xôn xao, ngỡ ngàng, vì cho đến bấy giờ, kỳ lân chỉ là một con vật huyền thoại, không ai biết được thực hư như thế nào.