Tập 17: Ỷ Lan Nguyên Phi

Nguyên phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, và là mẹ vua Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam. Với tài năng và đức độ của mình, Ỷ Lan đã được vua Lý Thánh Tông trao quyền điều khiển chính sự khi người thân chinh cầm quân chinh phạt Chiêm Thành năm Kỷ Dậu (1069). Khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, do còn nhỏ tuổi, dưới sự giúp đỡ của cả Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt, bà ra tài ổn định và phát triển đất nước, đập tan âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Mùa thu năm năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan mất, hỏa táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (đền Lý Bát Đế).

Ỷ Lan, theo một số sách thì có tên thật là Lê Thị Khiết, quê ở làng Thổ Lỗi, Gia Lâm, Hà Nội(*). Khiết sinh trưởng trong một gia đình làm ruộng, có nghề trồng dâu nuôi tằm. Sống giản dị ở làng quê êm đềm nên theo nếp nhà, Khiết đã chăm chỉ làm việc từ nhỏ. Lớn lên, cô trở thành một cô gái khéo léo, nuôi tằm, dệt lụa không thua một ai trong vùng.

*Có tài liệu nói là huyện Mỹ Văn – Hưng Yên.

Khiết không những khéo tay, chăm chỉ, mà còn là một cô gái khỏe mạnh và xinh đẹp. Do thức khuya dậy sớm, luôn tay vận động nên cô có một sức khỏe dẻo dai. Trời còn phú cho cô một làn da trắng hồng, nụ cười duyên dáng và giọng ca ngọt ngào. Vào những đêm trăng, cô vừa dệt lụa vừa ngân nga hát. Tiếng hát thanh trong, cao vút lơ lửng trong không gian, làm xao xuyến lòng người.

Nhiều chàng trai say đắm giọng ca, nết ở của cô, nhờ mai mối đến đưa lời với cha Khiết mong cụ nhận lời mà gả con cho. Nhưng cha Khiết vốn yêu thương con gái nên không muốn ép duyên con. Cụ để cho Khiết tự lựa chọn. Còn Khiết dù cũng có bâng khuâng, nhưng thương cha già, chưa muốn rời xa.

Mẹ Khiết mất khi cô vừa chớm lớn. Tuy thế bà cũng kịp truyền lại nghề nuôi tằm, dệt lụa cho cô. Cô nuôi lứa tằm nào cũng trúng. Bởi cô chọn mua trứng ngài(*) của những lái buôn quen biết nên lần nào cũng được họ dành cho thứ tốt. Cô treo trứng ngài vào chỗ mát cho đến khi nở ra sâu nho nhỏ thì để vào nong(**). Vì nhà neo người nên mỗi lứa cô chỉ nuôi vài chục nong.

(*) Trứng tằm.

(**) Nong là dụng cụ đan bằng tre rất khít, hình tròn, lòng rộng và cạn, khá to, dùng để phơi, đựng.

Vào những lúc tằm ăn rỗi, cô làm việc không nghỉ tay. Cô rất cẩn thận, chỉ chọn hái những lá dâu tươi xanh. Hái về, cô không cho tằm ăn ngay mà bao giờ cũng hong thật khô rồi mới thái thành những sợi mỏng như tơ. Sợi lá càng nhỏ, tằm tiêu hóa càng dễ dàng nên chóng lớn. Mỗi ngày phải cho tằm ăn đến ba mươi sáu lần nên có khi Khiết quên cả ăn cả ngủ.

Cha cô phải nhờ một cậu bé trong họ cùng cô săn sóc tằm. Tằm ăn rỗi một tuần thì cô mới được thong thả hơn. Lá dâu không còn phải thái nhỏ nữa mà tằm cũng chỉ ăn có năm, sáu lần trong ngày mà thôi. Tuy vậy, buồng nuôi tằm vẫn phải giữ thông khí và sạch sẽ. Hễ trời trở nóng thì mở cửa cho mát, trời trở lạnh thì phải đóng ngay, nếu không tằm sẽ chết. Tằm cũng không chịu được gió lùa. Gió thổi phía nào thì phải che phía ấy để bảo vệ tằm.

Ngoài ra còn phải xua ruồi, đuổi chuột. Nếu ruồi đậu vào tằm thì sẽ đẻ trứng, bọ ruồi sẽ ăn kén tằm về sau này. Còn các chú chuột thì rất khoái chén những con tằm béo ngậy. Cậu em họ của Khiết tinh mắt, thường giúp Khiết loại bỏ những con tằm xấu, vì tằm xấu chẳng cho tơ mà còn ăn tốn lá dâu nữa.

Khiết nuôi chừng hai bốn, hai lăm ngày là tằm chín, sẵn sàng nhả tơ. Cô bắt tằm lên né(*) rồi đem phơi dưới nắng để cho tằm làm tổ. Khi có được kén(**) rồi thì chỉ trong ba ngày là cô phải ươm tơ ngay. Nếu chậm trễ, nhộng sẽ cắn kén chui ra, làm hỏng hết cả tơ.

(*) Dụng cụ làm bằng phên đan thưa, thường có nhét rơm, dùng đặt tằm khi đã chín, để cho tằm làm tổ.

(**) Tổ bằng tơ mà tằm tự nhả ra để ẩn lúc hóa thành nhộng.

Ươm tơ(*) là một công việc rất khó khăn, nhưng nhờ mẹ đã chỉ bảo cẩn thận nên Khiết rất thông thạo. Cô nấu nước sôi rồi lần lượt bỏ những cái kén vào nồi. Tay cô cầm đũa, thoăn thoắt nhào đi nhào lại mớ kén để lấy sợi gốc. Lấy được rồi, cô bỏ đũa, dùng tay kéo tơ. Cứ bảy con kén, cô chập lại thành một sợi. Nếu có mối nào đứt thì cô nhanh tay nối ngay.

(*) Tơ được lấy từ sợi kén

Sợi tơi được nối vào gàng(*) và cậu bé trai ngoan ngoãn quay đều tay dưới sự chỉ dẫn của người chị họ đảm đang. Khi nào gàng nặng ước chừng bốn năm lạng, cậu bé quấn mối lại rồi đem phơi nơi thoáng gió và sạch sẽ. Trong khi đó, Khiết vẫn tiếp tục ươm tơ.

(*) Dụng cụ bằng gỗ có hình lục lăng để quấn tơ vào.

Tơ do Khiết làm ra khi nào cũng vàng mượt và óng ánh ngũ sắc. Với những cuộn tơ ấy, cô dệt thành những tấm lụa mịn màng. Các lái buôn thường tìm đến cô để mua. Nhờ thế, tuy gia cảnh đơn sơ, nhưng trong nhà chưa bao giờ túng thiếu. Còn Khiết, dù tự tay làm ra nhưng chưa bao giờ cô dám may cho mình một chiếc áo lụa. Quanh năm cô chỉ mặc một thứ vải nâu sồng mộc mạc.

Hàng đêm, tiếng khung cửi dệt lụa hòa trong tiếng học bài ê a của cậu em. Hai chị em mải mê, người dệt, người học cho đến tận khuya. Thỉnh thoảng, người cha thức giấc ra châm đèn đuổi muỗi cho con hoặc nhấm nháp chén rượu thuốc. Nhìn con siêng năng, hài lòng nhưng không khỏi áy náy cho nhân duyên của con gái.

Rồi năm ấy (1062), làng Thổ Lỗi cũng đang vào đợt nuôi tằm. Khiết tất bật lo toan. Nhằm lúc tằm nhà đang ăn rỗi, Khiết hái dâu, thái lá không ngừng tay. Có tin loan rằng nhà vua sẽ đi ngang qua làng đến chùa Dâu để cầu tự. Ngài đã 40 tuổi mà vẫn chưa có một hoàng nam nào nên vẫn thường đến những nơi linh thiêng để cầu xin. Khiết nghe tin, trong lòng cũng muốn được biết mặt rồng, nhưng bận rộn nên cô cũng quên bẵng đi.

Hôm ấy, trong nhà đã hết lá dâu, Khiết ra nương hái. Nắng xuyên qua vườn dâu xanh mướt, ánh lên mặt người con gái đang ửng hồng vì vội vã. Bỗng từ đằng xa, một đoàn quân rầm rộ đi đến. Vó câu của đấng thiên tử gõ đều, theo sau là đoàn Thiên tử binh. Các chức dịch trong làng ăn mặc chỉnh tề, chắp tay lại bên đường. Dân chúng ùa ra, hớn hở tung hô: Thánh cung vạn phúc! Ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng vị vua có tiếng nhân từ này.

Nhà vua vui mừng miễn lễ cho các thần dân. Ngài đưa mắt nhìn ngắm phong cảnh của vùng quê êm đềm và bỗng thấy trên nương dâu thấp thoáng bóng dáng yêu kiều của một người con gái đang mải mê hái lá. Vó câu đột ngột dừng lại. Hai tay đang thoăn thoắt hái dâu, nghe tiếng reo hò, Khiết quay lại. Ồ kìa, nhà vua đã đến. Cô ngừng tay rồi ngập ngừng đến nép bên gốc lan nhìn ra.

Thấy lạ, vua quay qua hỏi trưởng làng:

  • Người con gái ấy là ai thế?
  • Muôn tâu bệ hạ, đấy là Lê Thị Khiết, con gái Thổ Lỗi ạ.
  • Thật là một người siêng năng. Hãy gọi nàng đến ra mắt ta.

Được diện kiến long nhan, Khiết không khỏi bồi hồi, nhưng cô cố trấn tĩnh. Nhà vua hỏi về gia cảnh của cô, về sức khỏe cha già, đặc biệt, ngài tìm hiểu về việc chăn tằm, dệt lụa. Câu nào cô cũng trả lời lưu loát. Cuối cùng, cô nói:

  • Muôn tâu bệ hạ, hiện lũ tằm ăn rỗi háu đói đang chờ tiện thiếp ở nhà. Xin bệ hạ thứ tội.

Nhà vua ngỡ ngàng trước người con gái xinh đẹp, nết na. Không tiện giữ nàng lâu, ngài sai một Thiên tử binh đi theo gánh thúng dâu cho Khiết và bảo quan hộ giá(*) đưa Khiết về nhà.

Trở về cung, nhà vua không thể quên cô thôn nữ xinh xắn ấy.

Ngài quyết định cưới cô làm vợ.

(*) Đi theo để bảo vệ và phục dịch cho vua.

Thổ Lỗi được tin báo. Thật là một vinh hạnh lớn cho nàng. Các quan viên hàng xã một mặt chuẩn bị đón quan hoạn và đoàn tùy tùng đại diện cho nhà trai; một mặt lo đưa tiễn cô dâu. Làng Thổ Lỗi như ngày vào hội. Mọi người nô nức sửa soạn. Các đinh(*) làng được phân công lo việc ở đình làng, còn đám phụ nữ thì đi giúp đỡ Khiết.

(*) Người đến tuổi phải đóng thuế thân và đi lính dưới thời phong kiến.

Đình làng được dọn dẹp sạch sẽ. Bia Thần Nông và Thần Hổ được chà quét cho tươi tắn. Các cây kiểng nhái theo hình các con thú như nai, hạc… được các nghệ nhân tỉa tót lại cho sắc sảo. Tượng Thành hoàng(*) được lau chùi lại cho kỹ càng. Các tấm liễn sơn son thếp vàng ánh trực lên những hàng câu đối.

(*) Tượng những người có công kiến tạo, xây dựng ngôi làng.

Khi họ mất, dân làng tôn họ lên làm thần. Đến thời nhà Lê, các Thành hoàng còn được phong làm “Trung đẳng thần”.

Trong khi dân làng đang rộn rịp chuẩn bị thì ở nhà Khiết, một không khí lặng lẽ đang bao trùm. Cha Khiết ngồi trầm ngâm bên chén trà, còn Khiết thì mắt đẫm lệ. Từ khi diện kiến cùng vua Lý Thánh Tông, cô đã thấy được tình ý của ngài. Nhưng cảnh phân ly làm cho cô thắt lòng. Thêm nữa, viễn cảnh cuộc sống tù túng của một cung nhân trong cấm thành cứ ám ảnh cô.

Cuối cùng cha cô an ủi với giọng nghẹn ngào:

  • Âu cũng là số phận, con ạ. Con gắng làm vui lòng đấng Thiên tử! Được thế, cha cũng nguôi ngoai.
  • Vâng, thưa cha, con sẽ cố gắng. Không biết cha con mình có còn được gặp nhau không? Con xin cha hãy bảo trọng.

Cha con cô không còn kịp để nói chuyện riêng nữa. Các bà các cô trong làng đã đến. Cũng cám cảnh chia ly, họ không tíu tít như thường ngày mà nhẹ nhàng lo thay áo, trang điểm cho Khiết.

Viên hoạn quan đến cùng chiếc kiệu và một toán quân lính. Ông được rước vào đình để nghỉ ngơi và uống vài chén rượu chung vui với các quan viên.

Sau đó, cả đoàn gồm viên quan hoạn và các chức sắc trong làng đến nhà rước Khiết. Khiết nén buồn, thắp nén hương lạy bàn thờ của mẹ, rồi quay lại từ biệt cha(*). Cô cũng không quên cúi chào các quan viên, láng giềng, bạn bè, đoạn quyến luyến lên kiệu. Chiếc mành buông xuống, nước mắt cô cũng tuôn theo. Thế là giã từ cuộc sống hồn nhiên để bước vào tương lai xa lạ.

(*) có sách nói Ỷ Lan còn có mẹ kế.

Trước khi cưới Khiết, vua Lý Thánh Tông đã có hoàng hậu và một số phi tần(*). Hoàng hậu Thượng Dương không có con, còn các bà phi thì đã sinh cho vua hai người con gái. Đó là công chúa Thuận Thiên và công chúa Thiên Thành. Hoàng hậu Thượng Dương xinh đẹp và đoan chính, rất được nhà vua nể trọng. Bà cũng mong nhà vua có con trai để nối dõi, nên không phản đối gì khi Khiết nhập cung.

(*) vợ thứ của Vua

Lúc mới vào cung, Khiết tuy được vua yêu dấu, nhưng cô không có địa vị gì mà cũng chỉ như những cung nhân khác. Dần dà, nhờ thông minh và ham học hỏi, cô hiểu biết được nhiều điều chính sự và chia sẻ cùng vua những việc triều chính khó khăn. Vì thế, vua càng ngày càng tin tưởng người con gái dân dã ấy và thường bàn luận với nàng những lúc gặp vấn đề nan giải.

Để tỏ lòng ưu ái cùng Khiết, nhà vua phong nàng lên hàng phi và dành cho một cung điện lộng lẫy sang trọng. Vua thân ái đặt cho cung ấy là Ỷ Lan(*) nhằm giữ mãi kỷ niệm buổi gặp gỡ ban đầu khi Khiết đứng tựa gốc lan bên nương dâu. Từ đấy, Khiết được gọi là Ỷ Lan phu nhân. Nàng ngày đêm mong đợi một đứa con trai để không phụ lòng yêu thương của nhà vua.

* có nghĩa là dựa vào cây lan

Thế nhưng Ỷ Lan nhập cung đã một năm mà vẫn chưa có thai. Nhà vua vô cùng lo lắng sai viên Chỉ hầu là Nguyễn Bông đi cầu tự ở chùa Thánh Chúa (chùa này nay vẫn còn ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nhà sư trụ trì chùa Thánh Chúa và Đại Viên vốn là người nổi tiếng có phép thuật. Ông bày cho Nguyễn Bông hãy nấp vào buồng tắm của Ỷ Lan, đợi khi nàng tắm thì hóa thân đầu thai.