Tập 17: Ỷ Lan Nguyên Phi
Tin tức về sự lục đục trong nội bộ triều đình Đại Việt đã lọt ra ngoài biên giới. Lợi dụng cơ hội, vào năm 1074, quân Chiêm Thành lại quấy nhiễu vùng biên cương phía Nam, còn nhà Tống ở phương Bắc thì âm mưu đánh chiếm Đại Việt để tạo thanh thế.
Vào năm 1075, nghe tin quân Tống sắp khởi binh để đánh chiếm Đại Việt, Lý Thường Kiệt liền áp dụng binh pháp: “Trước khi người có bụng cướp mình, thì chi bằng mình đánh trước”. Ông tâu cùng vua Nhân Tông và Nhiếp chính Linh Nhân cho xuất quân đánh thẳng vào tận đất giặc khi chúng tràn xuống Đại Việt, để giành yếu tố bất ngờ lúc chúng còn chưa chuẩn bị kỹ càng.
Không thể chống giặc trong khi triều đình vẫn còn mất đoàn kết, nghe lời Lý Thường Kiệt, Linh Nhân quyết tâm hàn gắn nhân tâm. Bà cho gọi Lý Đạo Thành trở về coi việc chính sự, một là để gây lại khối đoàn kết trong quần thần làm an lòng tướng sĩ; hai là để có người tài giúp điều hành đất nước, giữ vững hậu phương. Lý Đạo Thành nhận được lệnh, tuy trong lòng chưa quên chuyện cũ, nhưng ông gạt bỏ tất cả vì an nguy của xã tắc.
Lý Đạo Thành trở lại kinh đô Thăng Long, giữ chức Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, nhận lãnh trọng trách trị nước bên cạnh Linh Nhân. Linh Nhân cũng thực lòng hối hận chuyện quá khứ, bà đặt lòng tin vào Lý Đạo Thành và cùng ông bàn bạc mọi việc. Vì cùng chung một tấm lòng vì dân, vì nước, hiềm khích cũ giữa hai người đã được cởi bỏ.
Linh Nhân cùng Lý Đạo Thành dốc sức lo việc nước. Họ chọn những người hiền lương cho ra làm quan, mọi chính sách đều đề cao lợi ích của dân. Nhờ thế, trăm họ sung túc. Nền kinh tế trong nước đã đủ mạnh để cung cấp sức người, sức của cho cuộc hành quân vệ quốc của Lý Thường Kiệt.
Sau sáu tháng xuất chinh phá hủy các căn cứ hậu cần dùng cho việc đánh Đại Việt của nhà Tống ở Ung châu và Liêm châu, Lý Thường Kiệt đại thắng đem quân trở về. Sau đó, Linh Nhân Thái hậu cùng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành lập tức lo việc phòng bị ở những nơi xung yếu để chờ quân Tống kéo sang.
Quả nhiên, cuối năm 1076, quân Tống ồ ạt tiến đánh nước ta. Linh Nhân giao cho Lý Thường Kiệt chỉ huy các mặt trận, Lý Đạo Thành gánh vác việc nội trị, còn bà đảm nhận việc tiếp tế hậu cần. Nhờ đoàn kết, quân dân Đại Việt đã đẩy lùi được quân Tống ra khỏi bờ cõi. Từ đấy, đất nước bình yên, nhân dân sống trong cảnh thanh bình.
Linh Nhân cùng Lý Đạo Thành ra sức rèn luyện vị vua trẻ tuổi thuật trị nước. Năm 1075, khoa thi Nho học đầu tiên của Đại Việt được tổ chức và Lê Văn Thịnh, một người uyên bác đã đỗ đầu. Linh Nhân và Lý Đạo Thành chọn ông vào dạy cho ấu chúa, lúc ấy đã 10 tuổi. Vốn là người thông minh, nhân hậu, vua Lý Nhân Tông lĩnh hội được sự tinh hoa giáo huấn và trở thành một trong những vị vua hiền đời Lý.
Lý Đạo Thành còn khuyên vua nên trọng vọng các bậc lão thành, vua nghe theo, hạ chiếu cho phép những công thần đã 80 tuổi, mỗi khi vào chầu, được phép chống gậy và ngồi ghế. Lý Đạo Thành một lòng phò tá vua cho đến những ngày cuối cùng của đời mình. Khi Lý Nhân Tông gần đến tuổi trưởng thành thì ông qua đời (1081), để lại cho hậu thế tấm gương sáng của một nhà Nho, gạt bỏ được hận riêng mà tận tụy cho dân, cho nước.
Còn lại Linh Nhân nhiếp chính cho vua. Tuy thế, lúc này nhà vua cũng đã tự điều hành được việc trị nước, hơn nữa lại có Lý Thường Kiệt bên cạnh nên Linh Nhân không còn phải lo lắng như trước. Bà vốn là người sùng đạo Phật nên thường vãn các cảnh chùa danh tiếng, đồng thời cũng để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng. Bà rất ham học hỏi, muốn biết tường tận giáo lý đạo Phật.
Bà có vai trò quan trọng trong việc phát huy Phật giáo thời ấy. Sử ghi lại rằng, trong một tiệc chay thết đãi chư tăng, bà hỏi:
- Nghĩa hai chữ Phật và Tổ là thế nào? Đạo tới xứ ta đời nào?
Truyền thụ đạo ấy, ai trước ai sau?
Có vị sư hiệu là Trí Không, giảng giải cho Thái hậu:
- Phật và Tổ là một. Phật giáo hai dòng, một là Giáo tông, một là Thiền tông. Giáo tông trước đây có Mâu Bác và Khương Tăng Hội là đầu, dòng thiền có Tỳ Ni Đa Lưu Chi và sau đó là Vô Ngôn Thông.
Sư Trí Không còn cho Thái hậu biết một điều quan trọng: Vào thế kỷ thứ V, vua Tề nước Trung Hoa (479 – 483) tưởng là thời ấy người Việt chưa biết gì đến Phật giáo nên một hôm nói với chư tăng rằng:
- Giao Châu là một xứ bị ràng buộc(*), nên chọn các nhà sư danh tiếng sang đó để giáo hóa.
(ấ*y)GiKahoiChâu đang bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Nhưng có một nhà sư là Đàm Thiên vốn am hiểu Phật học đã trả lời:
– Xứ Giao Châu có một đường thông tới Thiên Trúc (Ấn Độ). Khi Phật giáo chưa tới nước Tề thì ở Luy Lâu(*) đã đựng hơn 20 bảo tháp, độ hơn 500 vị tăng và đã luận được mười lăm quyển kinh rồi. Vì thế người ta nói rằng Giao Châu theo Phật trước ta.
* nay là Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Sư Trí không còn dẫn những lời của người người xưa trong sách để làm chứng rất mạch lạc nên Thái hậu rất thích. Bà ban cho ông hiệu Thông Biện quốc sư để đề cao sự hiểu biết thông tuệ ấy.
Câu chuyện trao đổi này được sử sách ghi chép và truyền lại. Nhờ đó, bây giờ chúng ta mới biết lịch sử Phật giáo của nước ta bắt đầu từ lúc nào.
Ngoài việc kê cứu sách Phật, Linh Nhân còn cho đúc chuông, xây chùa khắp nơi. Có lần, bà sai đúc một chiếc chuông lớn cho chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột). Tốn công, tốn của rất nhiều nhưng chuông lại không kêu, đành phải đem bỏ trên cánh đồng trước chùa. Lâu ngày, rùa bò vào ở nên người ta gọi ruộng ấy là Quy Điền (ruộng rùa).
Không năm nào mà Linh Nhân không xây và tu bổ lại chùa. Nhất là vào những năm được mùa, chùa, tháp mọc lên liên tiếp ở những nơi danh lam thắng cảnh như núi Tiên Du (Bắc Ninh), An Lão (Kiến An)… Chùa Diên Hựu cũng được trùng tu và xây thêm hai tháp lợp bằng ngói sứ trắng.
Tại quê hương của Linh Nhân, ngôi chùa Sùng Phúc uy nghiêm cũng được mọc lên. Người ta cho rằng, để chuộc tội bức tử Thượng Dương cùng 72 cung nữ nên bà mới cho xây nhiều chùa đến thế. Thực ra, Linh Nhân cũng rất hối hận về việc làm tàn nhẫn của mình trước đây và muốn chuộc lại lỗi lầm trên. Bà càng bị day dứt vì vua Nhân Tông đã trưởng thành, đã có hoàng hậu và các phi tần, nhưng vẫn chưa có con, bị tình trạng hiếm muộn như vua cha xưa kia.
Trừ việc làm nói trên thì bà là người nhân hậu. Vốn xuất thân từ thôn quê, hiểu được cảnh sống của người nghèo và thông cảm cho cuộc đời của các cô gái dân dã, Linh Nhân đã lấy tiền trong kho ra chuộc những người con gái vì nghèo phải đem thân thế nợ, rồi tìm những người đàn ông góa vợ để dựng vợ gả chồng cho họ. Việc làm này đã đem lại hạnh phúc cho biết bao người.
Để tiếp tục giữ gìn sức kéo trong nông nghiệp, bà khuyên vua Lý Nhân Tông phạt tội những kẻ trộm trâu và giết trâu. Bà nói: “Trước đây ta từng mách việc ấy và Nhà nước đã ra lệnh cấm, nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước. Nông dân cùng quẫn, mấy nhà phải cày chung một con trâu”.
Vì thế, lệnh ban ra, phạt rất nặng những người giết trâu và trộm trâu, ngay cả vợ con và hàng xóm của can phạm nếu không tố giác cũng bị tội.
Linh Nhân cũng chú trọng đến những thú vui giải trí thời ấy. Bà khuyến khích nghệ thuật múa rối nước và việc chế tạo máy kim ngao. Máy kim ngao có hình dáng một con rùa màu vàng, trên lưng đội ba hòn núi. Trong bụng rùa có đặt một hệ thống điều khiển làm cho rùa có thể bơi, bốn chân chuyển động, miệng phun nước và đặc biệt là có thể gật đầu chào vua quan. Vào các dịp hội hè quan trọng, máy kim ngao thường được đem biểu diễn ở trên sông Lô.
Năm 1117, vào mùa thu, Ỷ Lan – Linh Nhân từ trần, được hỏa táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức (đền Lý Bát Đế, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Cuộc đời bà có một sai lầm trong việc tranh giành quyền lực, nhưng bà đã đem hết tâm trí ra để giúp chồng, giúp con xây dựng đất nước ngày một hưng thịnh và đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân. Bà đã được dân chúng tôn là Quan Âm Nữ, là cô Tấm (trong truyện Tấm Cám). Bà góp phần làm sáng danh cho phụ nữ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Nam quốc vĩ nhân truyện, Cung Thúc Thiềm, Sài Gòn, 1968
- Việt Sử khảo lược, Dương Kỵ, Thuận Hóa, 1971
- Đại Việt sử ký thư, Bản dịch, Hà Nội, 1971
- Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, Sài Gòn, 1961
- Danh nhân nhà nước, Đào Văn Hội, Sài Gòn, 1951
- Thành cổ Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, Hà Nội, 1983
- Tổ tiên ta đánh giặc, Học viện quân sự, Tây Ninh, 1975
- Việt sử kinh nghiệm, Lạc Tử Nguyễn Văn Hầu, Sài Gòn, 1957
- Đại cương lịch sử Việt Nam, Lê Mậu Hân (chủ biên), Hà Nội, 1998
- Lịch sử Việt Nam tập 1, Nhiều tác giả, Hà Nội, 1971
- Việt sử tiên án, Ngôi Thời Sỹ, Bản dịch, Sài Gòn, 1960
- Danh tướng Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, TP Hồ Chí Minh, 1996
- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, Hà Nội, 1995
- Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ biên), TP. Hồ Chí Minh, 1993
- Lịch sử Việt Nam, giáo trình dành cho ngành du lịch, Tôn Nữ Quỳnh Trân, TP Hồ Chí Minh, 1997
- Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim Sài Gòn, 1964
PHỤ LỤC
MÚA RỐI NƯỚC
Múa rối nước là loại hình sân khấu dân gian đặc sắc của Việt Nam (ở Nam Trung Quốc cũng từng có nhưng đã thất truyền cách đây vài thế kỷ). Trong khi các dân tộc khác biểu diễn múa rối trên nền sân cứng, sàn gỗ, phông vải hay treo rối trên dây thì chỉ riêng người Việt dùng mặt nước ao làm sàn diễn.
Vùng châu thổ sông Hồng vốn là địa bàn sông nước. Đâu đâu cũng thấy sông ngòi, bờ, ao, đầm… Người Việt sinh sống bằng lúa nước và vui chơi cùng sông nước. Hằng năm, vào dịp hội làng, các mặt ao là sàn diễn thuận tiện cho sân khấu rối nước.
Chắc rằng rối nước ra đời từ rất xa xưa, nhưng chúng ta còn thiếu cứ liệu lịch sử. May thay cách đây gần 9 thế kỷ, vào thời Lý, trên tấm bia đá Sùng Thiên Diên Linh đã khắc những dòng chữ mô tả về rối nước trong buổi biểu diễn tại kinh thành Thăng Long cho nhà vua ngự lãm:
“Hàng nghìn chiếc thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp, muôn tiếng trống khua hòa nhịp với tiếng nước như sấm động… Làn nước rung rinh. Rùa vàng nổi lên đội ba quả núi, nước chảy nhịp nhàng, lộ vân trên vỏ và xòe bốn chân, nhe răng, trợn mắt, phun nước biểu diễn. Điệu say sưa trên mặt nước tràn đầy… Các thần tiên xuất hiện, nét mặt nhuần nhị thanh tân, há phải đâu vẻ đẹp của người trần thế. Tay nhỏ nhắn, mềm mại múa điệu Hồi phong. Nhíu mày biếc ca khúc Vận hội. Chim phượng có sừng họp nhau thành đội ra múa may phô diễn. Hươu họp thành đàn đi lại nhảy nhót…” (Lời bia trích trong Lịch sử Việt Nam tập I, Trang 166, NXB Khoa học xã hội, 1971). Điều đó chứng tỏ, vào thời Lý, múa rối nước đã khá phát triển.
Để có thể biểu diễn, sân khấu rối nước cần ba yếu tố cơ bản: buồng trò, sân khấu nước và chỗ cho khán giả. Trong đó buồng trò là quan trọng nhất. Người ta thường gọi đó là Thủy đình – cái đình mọc lên từ nước. Nền đình gồm hai bệ gạch hai bên để làm chỗ ngồi cho ban nhạc dân gian và các nghệ nhân chờ xuất diễn, cũng là nơi để đạo cụ và các con rối. Gian giữa chìm dưới nước từ 0,7-1,1m, là nơi để các nghệ nhân vừa lội nước, vừa cầm sào đẩy con rối ra diễn ở bên ngoài.
Có hai loại buồng trò. Loại thứ nhất được xây rất đẹp, cố định và còn có giá trị lịch sử như thủy đình chùa Thầy (thế kỷ 16-17) và thủy đình đền Gióng (thế kỷ 18). Bờ ao chính là khán đài với khoảng cách thích hợp từ 10-15m. Mặt ao giữa thủy đình và bờ ao chính là sân khấu. Khi biểu diễn, cửa buồng trò được treo một tấm mành mành vừa làm phông sân khấu, vừa che dấu những người điều khiển.
Loại thứ hai là buồng trò lưu động, được làm gọn nhẹ, dễ tháo lắp để có thể đi lưu diễn. Tất cả các cột, kèo, mái nhà đều làm bằng gỗ, tre, phên, nứa, vải vẽ giả ngói… Người ta còn làm thêm hai “nhà Nanh” ở hai bên và do đó có thêm hai hành lang với bốn dãy rào tre dùng làm lối đi phụ cho các con rối.