Tập 12: Cờ lau Vạn Thắng Vương
Chính thống nước ta Xưa Đinh Tiên Hoàng Rồng vàng báo ứng Điềm mở đế vương Hoa Lư dấy nghĩa Bình dẹp sứ quân Hòa bình vừa lập Việc khác chưa thành Triều nghi mới chế Khiển lệnh cờ hồng Quân ngũ liền định Lừng lẫy võ công
Bày ra mưu rộng Lưu lại phép vương Giúp cho hậu thế Thông thái vô lường Ơn thấm lòng dân Đời xa chẳng quên…
(Trích văn bia đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư)
Ở vùng Hoa Lư (nay thuộc làng Đại Hữu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), họ Đinh là một dòng họ có uy tín lớn, được dân chúng trọng vọng. Có người trong họ được dân chúng tôn làm Hào trưởng đứng đầu một khu vực. Không những thế, nhiều người họ Đinh còn theo giúp Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và vua Ngô, lập được công lớn trong chiến thắng lừng lẫy tiêu diệt quân Nam Hán.
Kiệt hiệt nhất trong số những người đó là Đinh Công Trứ. Ông đã được Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ giao cho chức thứ sử Hoan châu (Nghệ An ngày nay).
Sau khi Ngô Quyền lên ngôi vua, lập nên nhà Ngô, ông vẫn được giao cho trấn nhậm vùng đất ấy.
Đinh Bộ Lĩnh là con của quan thứ sử Đinh Công Trứ. Vào khoảng năm 15 tuổi, cha mất, cậu theo mẹ về Hoa Lư sinh sống. Đây là vùng tiếp giáp dãy núi đá vôi Hòa Bình, cánh đồng bị các vách đá vôi phân chia thành những khu nhỏ như Thung Lau (tức động Hoa Lư), Thung Lá…
Truyền thuyết kể rằng Đinh Bộ Lĩnh thường chơi đùa cùng lũ trẻ chăn trâu ở ba thung: Thung Lau, Thung Lá và Thung Lụi.
Một hôm Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên mình trâu nhìn cảnh rừng hoang có rậm chung quanh và bày tỏ với chúng bạn ý mình muốn phá rừng, dọn dẹp cỏ rậm, biến nơi hoang vu thành ruộng vườn trồng trọt:
Cỏ cây ấy, non nước này
Nước non quanh quất cỏ cây xanh rì Rừng hoang cỏ rậm để chi
Phen này ta quyết dọn đi cho rồi…
Lũ trẻ chăn trâu xúm quanh khen ngợi, tán đồng ý kiến của Đinh Bộ Lĩnh nhưng một số trẻ khác lại không đồng ý lên tiếng chê bai:
Chúng ta đi ở chăn trâu
Ngày nào cũng dắt qua cầu đi chăn Lạy trời cho ruộng tốt năm
Cho rừng tốt cỏ, trâu ăn cả ngày…
Cuộc cãi vã của Đinh Bộ Lĩnh và các bạn đã dẫn đến một cuộc tranh hơn thua bằng sức mạnh. Đinh Bộ Lĩnh khỏe hơn, khéo léo hơn nên cuối cùng tất cả bọn trẻ chăn trâu thuộc Thung Lau đều phải chịu phục cậu và tôn cậu làm thủ lĩnh.
Trong lúc bọn trẻ Thung Lau đang tranh hơn thua với nhau, để đàn trâu tự do gặm cỏ trên đồng, bọn trẻ Thung Lá lén đến lùa hết trâu của Thung Lau và bắt phải chuộc. Đinh Bộ Lĩnh tập họp các bạn kéo sang đánh bọn Thung Lá để đòi lại trâu.
Với tài chỉ huy và sức mạnh của Đinh Bộ Lĩnh, bọn trẻ chăn trâu Thung Lá bị khuất phục nhanh chóng. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh dẫn quân mình sang đánh và thu phục luôn cả nhóm trẻ chăn trâu Thung Lụi.
Bọn trẻ ba thung đều nhất loạt tôn Đinh Bộ Lĩnh làm “chủ tướng”.
Thường ngày sau khi thả trâu ra đồng, chúng chia phe chơi trò đánh trận. Bên nào do Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy luôn thắng lợi. Và để mừng chiến thắng, chúng xúm nhau khoanh tay làm kiệu rước “chủ tướng” họ Đinh đi một vòng, hai bên tả hữu cầm cờ lau dẫn đường, bắt chước nghi vệ của một vị vua.
Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh cố công trau dồi võ nghệ, binh pháp mong có ngày nối chí cha, giúp Ngô vương xây dựng đất nước. Vốn là người có tài năng, ý chí và có đức độ nên ông được dân chúng, nhất là thanh niên trong vùng mến phục.
Thế nhưng lúc bấy giờ tình hình ở kinh đô Cổ Loa bỗng trở nên rối loạn. Dương Tam Kha(*) lợi dụng lúc Ngô Quyền mất để cướp ngôi. Con trưởng của Ngô vương là Ngô Xương Ngập phải bỏ trốn.
Trong triều cũng như ở các địa phương, nhiều người không phục Dương Tam Kha. Một số quan lại, hào trưởng các nơi không tuân lệnh của triều đình nữa mà nổi lên hùng cứ một phương.
(*) Là con của Dương Đình Nghệ và là anh vợ của Ngô Quyền.
Ở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh cũng không chấp nhận hành động cướp ngôi của họ Dương. Ông chiêu tập dân chúng trong vùng thành lập một lực lượng riêng. Tài năng và đức độ của ông, thêm vào đó là uy thế của dòng họ vọng tộc tại địa phương đã khiến số người theo ông rất đông. Đinh Bộ Lĩnh trở thành người cầm đầu của sách Đào Úc rồi của cả châu Đại Hoàng (vùng Gia Viễn, Ninh Bình).
Trong khi Đinh Bộ Lĩnh đang gầy dựng lực lượng thì chú của ông là Đinh Thúc Dự, một hào trưởng trong vùng, nổi lên chiếm sách Bông (cách Hoa Lư khoảng 10km). Để mở rộng vùng chiếm cứ của mình, Đinh Thúc Dự muốn tiêu diệt lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh.
Quân của Đinh Thúc Dự bất ngờ tấn công trong lúc Đinh Bộ Lĩnh không kịp phòng bị. Bộ Lĩnh thua phải kéo quân chạy. Lúc qua cầu Đàm Gia Loan (thôn Đàm Xá, huyện Gia Viễn ngày nay), chẳng may cầu bị gãy, Đinh Bộ Lĩnh bị ngã xuống sông.
Đinh Bộ Lĩnh qua sông – tranh dân gian Đông Hồ
Đinh Thúc Dự bắt kịp định dùng giáo đâm chết Đinh Bộ Lĩnh. Theo truyền thuyết kể lại, trong cơn nguy cấp đó, một con rồng vàng bỗng hiện ra và chở Đinh Bộ Lĩnh sang sông.
Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh gom lực lượng lại đánh thắng chú, thu phục sách Bông.
Đinh Bộ Lĩnh thu phục được nhiều người tài. Theo chính sử và truyền thuyết, những bạn bè thời cờ lau tập trận như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ đều theo về và trở thành những người dũng lược luôn sát cánh bên Đinh Bộ Lĩnh. Lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh lại càng thêm mạnh khi những tướng tài như Phạm Hạp, Lê Hoàn theo giúp.
Trong khi đó, ở triều đình Cổ Loa, Ngô Xương Văn truất được Dương Tam Kha để lên ngôi và rước anh là Ngô Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Tuy thế, các hào trưởng, quan lại hùng cứ nhiều nơi từ trước vẫn chưa chịu qui phục triều đình.
Thấy uy tín và lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn, hai vua Ngô rất lo ngại. Đinh Bộ Lĩnh hiểu rõ điều đó. Để chứng tỏ lòng trung thành của mình với triều Ngô, ông sai con trưởng là Đinh Liễn đến Cổ Loa làm con tin.
Tuy thế, Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập vẫn đem quân đánh Đinh Bộ Lĩnh (năm 951). Bao vây và tấn công Hoa Lư mãi không được, Xương Ngập và Xương Văn sai bắt trói Đinh Liễn treo bên ngoài thành buộc Đinh Bộ Lĩnh phải hàng, nếu không sẽ giết Đinh Liễn.
Đinh Bộ Lĩnh hội các chư tướng cùng bàn bạc. Có người nói: “Nếu tướng quân chịu hàng thì cơ nghiệp sụp đổ mà mạng sống của Đinh Liễn cùng nhiều tướng sĩ và dân chúng chưa chắc đã được bảo toàn. Xương Văn, Xương Ngập đánh vào tình cha con mong khuất phục tướng công. Chi bằng tướng công giả bộ không thiết đến tình phụ tử cho chúng thấy không thể dùng Đinh Liễn để uy hiếp tướng công được thì có thể giải quyết được tình thế khó khăn này”.
Đinh Bộ Lĩnh theo lời khuyên lên mặt thành quát bảo:
– Đại trượng phu phải biết lập công danh cho được, há lại bắt chước đàn bà mà thương tiếc con sao?
Nói xong, ông sai mười tay cung nỏ nhắm vào Đinh Liễn chực bắn.
Xương Ngập, Xương Văn thấy không thể dùng Đinh Liễn để uy hiếp Đinh Bộ Lĩnh được nên cho hạ Đinh Liễn xuống và tiếp tục vây đánh Hoa Lư. Sau một tháng trời tấn công không kết quả, quân triều đình phải rút về và sau đó phải thả Đinh Liễn.
Bản đồ vị trí cát cứ của 12 sứ quân.
Năm 954, Ngô Xương Ngập mất. Năm sau, Ngô Xương Văn chết trận. Chính quyền trung ương sụp đổ. Thêm nhiều người có thế lực, quan lại địa phương biến vùng đất của mình cai quản thành lãnh thổ tự trị gọi là các “sứ quân”. Trên vùng đồng bằng chủ yếu là vùng lưu vực sông Hồng, có 12 sứ quân. Để mở mang bờ cõi, họ thường đem quân đánh lẫn nhau nên sử sách gọi thời kỳ này là loạn 12 sứ quân.
Trong số các sứ quân ấy, ở vùng Bố Hải Khẩu (Thái Bình ngày nay) có Trần Lãm là người nổi tiếng tài giỏi và đức độ. Ông được nhiều người mến mộ và đi theo. Vì vậy, có thể nói lực lượng của ông lớn mạnh nhất miền hạ châu thổ sông Hồng. Biết rõ điều đó, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng con trai xin đến ra mắt.
Trần Lãm không có con nối dõi lại thấy Đinh Bộ Lĩnh là người khí phách nên nhận làm con nuôi và giao cho giữ binh quyền. Như thế, Đinh Bộ Lĩnh đã nắm được một vùng rộng lớn với Hoa Lư hiểm yếu quan trọng về chiến lược và khu vực châu thổ trù phú trải từ sông Mã, sông Lam đến sông Nhị. Vùng đất giàu có về nhân lực và tài lực đó là cơ sở vững chắc giúp Đinh Bộ Lĩnh phát triển lực lượng hầu hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước sau này.
Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn đem quân đánh các nơi. Ông đánh đâu thắng đấy nên được tôn là Vạn thắng vương. Sứ quân Phạm Bạch Hổ (tức Phạm Phòng Át) ở Đằng Châu (Kim Động, Hưng Yên) xin hàng phục và trở thành một danh tướng của Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh dùng các biện pháp mềm dẻo thu phục được Ngô Nhật Khánh đang chiếm giữ Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội). Sau đó, ông củng cố mối liên hệ này bằng việc cưới mẹ Ngô Nhật Khánh làm vợ, gả con gái cho Ngô Nhật Khánh và cưới em gái của Ngô Nhật Khánh cho Đinh Liễn. Tuy vậy, sau này Ngô Nhật Khánh vẫn bỏ trốn sang Chiêm Thành.
Lúc đó, Ngô Xương Xí (con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập) đang chiếm giữ vùng Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa), Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đem quân đánh dẹp.
Truyền thuyết kể lại rằng khi quân của Đinh Bộ Lĩnh đến Cửu Noãn Sơn, ông cho đóng quân trên sườn núi.
Đêm ấy, Đinh Bộ Lĩnh mơ thấy một vị thần hiện ra. Ông xin thần chỉ bảo cách hàng phục được Ngô Xương Xí mà ít gây chết chóc cho binh sĩ và lê dân. Thần mách rằng chỉ việc mở tiệc khao quân, phô trương thanh thế, chẳng cần đánh, việc cũng thành. Đinh Bộ Lĩnh theo kế ấy, quả nhiên Ngô Xương Xí thấy lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh hùng mạnh nên khiếp sợ và xin hàng.
Vùng Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội) do sứ quân Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ. Đây là một lực lượng hùng mạnh gồm có 72 hương ấp. Đỗ Cảnh Thạc lại cho xây đắp hai thành kiên cố là thành Đỗ Động (còn gọi là thành Quèn) và thành Bình Đà để phòng thủ. Vì vậy, khi Đinh Bộ Lĩnh kéo quân đến đánh gặp rất nhiều khó khăn.
Sau, Đinh Bộ Lĩnh phải dùng mưu để đánh lạc hướng Đỗ Cảnh Thạc. Ông sai các toán quân nhỏ mang nhiều cờ xí từ nhiều hướng kéo về phía thành Bình Đà. Đỗ Cảnh Thạc nghĩ rằng Đinh Bộ Lĩnh sắp đem đại quân tấn công nên cho tập trung quân tinh nhuệ nhất của mình về Bình Đà nghênh chiến, chỉ để lại một lực lượng nhỏ giữ thành Quèn.
Thành Quèn nằm ở một khúc quanh của sông Tích nên ba mặt thành là sông. Thành có hình vuông, mỗi cạnh 170m. Tường thành cao khoảng 2m, đắp bằng đất, có hai bậc. Dưới là nền chân thành cao hơn mặt đất chung quanh một ít.
Chân tường thành dày khoảng 9,5m, mặt tường thành hẹp hơn, bốn góc thành được đắp tròn, có bốn ụ đất cao. Ở trong thành, giữa tường thành phía Bắc có đắp nền đất cao để dựng cột cờ. Bốn mặt thành đều có cửa.