Tập 6: Hai Bà Trưng

Hai Bà Trưng là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai anh hùng dân tộc của nước ta. Hai Bà đã đứng lên kêu gọi anh hùng hào kiệt tứ phương khởi nghĩa chống lại bọn đô hộ tàn bạo nhà Hán lúc bấy giờ, giải phóng đất nước và lên ngôi vua. Nhà Hán vô cùng căm giận, lệnh cho viên tướng tài ba lúc bấy giờ là Tô Định quay trở lại xâm lược nước ta. Vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43), trước thế giặc quá mạnh, Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát tự vẫn, giữ tròn khí tiết.

Năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà cướp nước Âu Lạc, lật đổ triều đình An Dương vương. Thời đại Hùng vương kết thúc. Đất nước Âu Lạc bị sáp nhập vào nước Nam Việt của nhà Triệu và bị chia thành hai quận Giao Chỉ (vùng Bắc bộ ngày nay) và Cửu Chân (vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ). Triệu Đà sai hai sứ thần coi giữ hai quận này.

Đến năm 111 trước Công nguyên, nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính. Nhà Hán lại chia vùng đất của nước ta thời đó làm ba quận: Giao Chỉ (Bắc bộ), Cửu Chân (Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh) và Nhật Nam (vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay). Hợp với các quận khác thành bộ Giao Châu, đặt trị sở ở Giao Chỉ là quận lớn nhất.

Năm thứ 8 sau Công nguyên (khoảng 100 năm sau), Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, tiến hành cải cách kinh tế xã hội. Nhân tình hình rối ren, Lưu Tú tiêu diệt Vương Mãng lên ngôi xưng là Quang Vũ đế, tái lập nhà Hán, sử cũ gọi là Đông Hán hoặc Hậu Hán (năm 25-220). Ổn định chính sự, nhà Đông Hán lại tiếp tục chính sách cai trị hà khắc những vùng đất bị đô hộ, trong đó có ba quận thuộc đất nước ta lúc bấy giờ.

Nhà Hán đưa những quan lại người Hán sang làm Thái thú, Quận thừa, Đô úy thừa, để cai trị các quận. Còn đứng đầu các huyện là Huyện lệnh hoặc Huyện trưởng, trước kia thường do các Lạc tướng người Âu Lạc đảm nhiệm, nay nếu không thay thế bằng người Hán thì cũng bị o ép hoặc cắt giảm quyền hành.

Năm 34, nhà Hán cử Tô Định sang làm Thái thú cai trị quận Giao Chỉ. Sử cũ chép rằng: “Tô Định là kẻ tham lam, tàn bạo, thấy tiền thì giương mắt lên”. Tô Định chọn Luy Lâu (nay thuộc Bắc Ninh) làm nơi đặt phủ Thái thú, bắt dân chúng xây thành đắp lũy, xây dựng dinh phủ đồ sộ. Lại bắt ép thanh niên trai tráng người Việt sung lính để tăng cường binh lực và củng cố binh quyền.

Hắn còn đặt ra những chính sách bạo tàn, bắt dân ta phải cống nộp đủ loại sản vật. Người dân, nếu không phải đi phu dịch liên miên cũng phải xuống biển mò ngọc trai, san hô hoặc lên núi kiếm sừng tê, ngà voi, da cọp, lông chim trả… Biết bao người bỏ xác nơi rừng sâu nước độc, nơi biển khơi sóng bạc.

Không những thế, nhà Hán còn ra sức cướp bóc, vơ vét thóc lúa, vải vóc, bắt nộp của ngon vật lạ, bắt thợ giỏi đem về nước Hán. Trong khi đó đưa dân Hán di cư sang nước ta, chiếm đất lập làng và ở lại sống lâu dài để dễ bề thực hiện việc đồng hóa.

Những Lạc hầu, Lạc tướng xưa nay vẫn cha truyền con nối nắm giữ quyền hành, bây giờ người thì bị tiêu diệt, người bị đưa sang Hán. Kẻ đương chức thì bị hạn chế quyền lực và bị quân lính Hán coi thường, sỉ nhục. Quan lại người Hán ngày càng đông và nắm giữ chủ yếu mọi quyền bính. Điều đó gây nên sự bất bình cho tầng lớp trên của xã hội vốn có nhiều uy tín trong nhân dân Âu Lạc.

Nhà Hán còn buộc dân ta phải thay đổi phong tục tập quán, đổi cách ăn mặc, đổi các lễ nghi cưới xin, tang ma… theo phương Bắc. Người dân Âu Lạc đã phải chịu cực khổ, đói nghèo giờ đây lại bị cưỡng bức từ bỏ phong tục truyền thống, càng thêm đau đớn, phẫn uất. Trăm họ chỉ chờ thời cơ, nhất tề nổi dậy cứu nước cứu nhà.

Trong nỗi chung ấy, riêng người phụ nữ phải chịu biết bao tủi nhục. Phần lo tính mạng chồng, con, em bị bắt đi phu, đi lính, phần chịu gánh nặng thuế khóa cống vật. Đã vậy còn bị quan quân nhà Hán ức hiếp, cưỡng bức, ngang nhiên bắt về làm tỳ thiếp. Những phụ nữ có chí hướng đều nung nấu trong lòng ý chí chống giặc.

Mê Linh vốn là đất cũ của các vua Hùng (nay thuộc Hà Nội) có người Lạc tướng thuộc dòng dõi vua Hùng, uy quyền khắp một vùng rộng lớn. Tuy làm huyện lệnh dưới thời Hán ông vẫn giữ vững khí tiết và một lòng yêu nước thương dân nên được dân trong vùng yêu kính. Vợ ông là Man Thiện – người có cùng chí hướng với chồng.

Lạc tướng Mê Linh có hai người con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ, làng xóm, hai chị em sớm chứng kiến cảnh lính Hán hà hiếp, cướp đoạt của cải của dân làng. Càng yêu thương làng xóm, hai chị em càng căm thù quân bạo ngược. Ngày ngày hai chị em vừa giúp mẹ hái dâu chăn tằm(*), vừa luyện tập võ nghệ.

* Có người cho rằng tiếng Trưng Trắc, Trưng Nhị vốn là từ tiếng “trứng chắc, trứng nhì” trong nghề chăn tằm dệt lụa.

Cạnh huyện Mê Linh có huyện Chu Diên (nay là vùng Đan Phượng, Từ Liêm thuộc Hà Nội). Đó là một huyện lớn, trù phú đất ruộng, đông đúc dân cư. Quan Lạc tướng Chu Diên vốn người khẳng khái và hào hiệp. Ông có người con trai tên là Thi Sách. Chàng khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, bắn tên, thông minh đĩnh ngộ.

Lạc tướng Mê Linh và Lạc tướng Chu Diên là hai người bạn tâm giao, thường qua lại thăm viếng nhau. Câu chuyện giữa hai thủ lĩnh chủ yếu thường xoay quanh nỗi thống khổ của dân chúng dưới ách thống trị tàn bạo của Tô Định và bọn quan quân nhà Hán. Hai ông bí mật bàn cách đánh đuổi quân giặc cứu nước, cứu làng.

Thi Sách thường được cha cho dự bàn những lần đàm đạo cùng Lạc tướng Mê Linh và các thủ lĩnh địa phương lân cận. Chàng cũng sớm nuôi chí giết giặc nên cùng bạn bè ngày đêm luyện tập võ nghệ, chiêu mộ ngày càng đông những người yêu nước.

Trong một lần cùng cha sang thăm đáp lễ quan Lạc tướng Mê Linh, Thi Sách có dịp làm quen với hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Vì có cùng tâm huyết, họ nhanh chóng kết thân. Dần dà, tình cảm giữa Thi Sách – Trưng Trắc đã nảy nở và ngày càng gắn bó. Điều đó khiến trăm họ vui mừng vì sự gắn kết giữa hai gia đình Lạc tướng chính là sự nhen nhúm ban đầu cho một sự nghiệp lớn lao.

Cũng vào những năm đầu Công nguyên, trước khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, ở một số vùng thuộc nước ta đã có nhiều cuộc nổi dậy chống lại ách thống trị của nhà Hán. Ở vùng đất Đông Triều (Quảng Ninh ngày nay) có cuộc nổi dậy do chàng Hối làm thủ lãnh. Tuy cha làm quan cho nhà Hán nhưng chàng không nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn bạo của chúng, đã cùng cậu là Phạm Công Huyền tổ chức một đội quân, hoạt động chống lại quan quân nhà Hán suốt một rẻo đất Đông Bắc.

Ở vùng Kẻ Sải (nay thuộc Vĩnh Phúc), có một người con gái trẻ tuổi, tài sắc tên là Trần Nương. Nàng bị bọn tay chân giặc Hán dọa dẫm, định làm nhục, bèn bỏ nhà ra đi cùng với người bạn đời là Thiên Bảo. Hai người chiêu mộ nghĩa sĩ hoạt động chống giặc Hán khắp vùng trung du. Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, Trần Nương và Thiên Bảo cùng các nghĩa sĩ đã gây cho nhà Hán nhiều phen khốn đốn.

Có hai chị em ruột ở vùng Đường Lâm (nay thuộc Hà Nội), chị là Ả Lan, em trai là Lê Tuấn rất giỏi võ nghệ. Một lần giặc Hán đến làng thu nộp cống vật, cha của Ả Lan cùng dân làng chống lại. Quân giặc bắt ông và hành hạ đến chết. Năm ấy Ả Lan mới 18 tuổi. Làm lễ tang cho cha xong, nàng cùng em trai kêu gọi dân làng và các làng trong vùng liên kết cùng nhau tổ chức căn cứ chống giặc Hán.

Những cuộc nổi dậy ở Giao Chỉ đã khiến Tô Định và bọn quan quân nhà Hán ăn không ngon ngủ không yên. Tô Định tức tối mở những cuộc hành binh đánh dẹp triền miên mà vẫn không sao dập tắt được phong trào nổi dậy của nhân dân Âu Lạc. Giữa lúc đó, hắn được tin Thi Sách – con trai Lạc tướng Chu Diên và Trưng Trắc – con gái Lạc tướng Mê Linh tổ chức cưới xin.

Thừa hiểu rằng đây không chỉ là chuyện cưới xin bình thường mà còn là sự liên kết các lực lượng chống Hán, Tô Định lập tức tìm cách đối phó. Trong khi dân chúng Mê Linh và Chu Diên đang tổ chức các cuộc vui để mừng đám cưới thì Tô Định đưa quân ào tới. Hắn bắt dân chúng giải tán và trói Thi Sách giải về trị sở.

Ngang nhiên dày xéo, chà đạp lên ngày lễ, phá bỏ tục lệ, bắt trói Thi Sách, Tô Định tưởng rằng sẽ dễ dàng uy hiếp tinh thần dân chúng. Nhưng các cuộc nổi dậy vẫn tiếp tục nổ ra ở nhiều nơi. Hoảng hốt, Tô Định liền đem Thi Sách ra hành hình.

Tin Thi Sách bị Tô Định giết hại đã gây nên lòng căm phẫn tột cùng trong dân chúng. Biết thời điểm đã tới, Trưng Trắc nén đau thương cùng Trưng Nhị đứng lên kêu gọi dân chúng khắp miền đồng lòng nổi dậy giết giặc cứu nước. Như chỉ chờ có thế, các làng các chạ trong vùng Mê Linh, gái trai tự trang bị gậy gộc, giáo mác, thành lập các đội nghĩa binh kéo về đứng dưới cờ nghĩa của Hai Bà.

Chỉ trong vòng vài ngày chị em Ả Nương, Ả Nàng ở Yên Mạc (nay thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tổ chức đội quân đông đến hàng ngàn người. Trên đường kéo về hội với quân Hai Bà, gặp bất kỳ căn cứ nào của giặc Hán đội nghĩa binh của Ả Nương, Ả Nàng cũng quét sạch.

Kéo về hội quân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, còn có những đội nghĩa binh tuy số lượng ít ỏi nhưng đều tinh thông võ nghệ, cung tên và khỏe mạnh. Ba chục bạn trẻ ở làng Trung Hậu dưới sự chỉ huy của ba anh em Cả, Hai, Ba là những người giỏi võ nghệ, một người có thể địch lại hàng chục người đã hăm hở về Mê Linh tụ nghĩa.

Một nhóm khác gần 50 nữ binh của Ả Tú, Ả Huyên ở Trang Vân Thủy (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) rất giỏi võ nghệ, cung tên, lại có tài chạy nhanh như gió, lúc ẩn lúc hiện khiến quân giặc thất điên bát đảo, cũng kéo nhau về gia nhập đội quân của Hai Bà.

Lại có người chỉ đến một thân một mình nhưng tài nghệ xuất chúng, bắn trúng hồng tâm cách một trăm bước, hoặc vừa cưỡi ngựa vừa bắn bia di động, bách phát bách trúng. Có người không chỉ giỏi võ nghệ mà có tài điều binh khiển tướng, có tài quản tượng… Ai cũng xin được Hai Bà thu nhận để có dịp giết giặc cứu nước. Trong số họ về sau có nhiều người trở thành tướng tài của Hai Bà như Lũ Lũy ở Trang Vân Lôi (Hà Nội), Nguyễn An ở Cao Xá (Hà Nội),…

Ngoài vùng đất Mê Linh, lời hiệu triệu khởi nghĩa của Hai Bà đã được các quận huyện lân cận nhiệt liệt hưởng ứng. Ở phía tây, nơi có những dãy núi điệp trùng cheo leo, hiểm trở, có nhiều nghĩa sĩ người dân tộc kéo về tham gia đội quân của Hai Bà.

Vùng miền núi còn có các đội nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Nguyệt Diện ở Tây Cốc, của Trần Tuấn và Vương Đạo ở Phương Trung (các vùng này thuộc Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng trực chỉ Mê Linh kéo về cho kịp ngày hội quân.