Tập 8: Nước Vạn Xuân

Lý Bí ((503-548) là người có công đánh đuổi giặc đô hộ nhà Lương, sáng lập nhà Tiền Lý, tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, thường gọi là Lý Nam đế, đặt tên nước ta là Vạn Xuân với mong muốn xã tắc dài lâu đến muôn đời.

Triệu Việt Vương kế tục sự nghiệp của vua Lý Nam Đế, đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước nhà. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp, thua trận và tự vẫn nơi cửa sông Đáy.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt bị thất bại, dân Việt lại rơi vào cảnh nô lệ. Từ đó cho đến gần ba trăm năm sau, bọn quan lại đô hộ tha hồ vơ vét bóc lột, cưỡng bức dân chúng lên rừng tìm quế tìm trầm, xuống bể mò ngọc trai cung cấp ngọc quý cho chúng.

Không những thế, dân Việt còn phải chịu tai họa chiến tranh vì bấy giờ nhà Ngô lại đánh nhau với Lâm Ấp (Chiêm Thành sau này). Lâm Ấp nằm kế dưới phía Nam của đất Việt, do Khu Liên tạo dựng từ cuối thế kỷ thứ II, đến nay đã trở nên một quốc gia cường thịnh, thường hay cho quân sang Giao châu để tấn công quân Ngô. Vì thế, cuộc sống của dân Việt vô cùng bất an.

Lúc bấy giờ ở Trung Quốc, việc thay vua đổi chúa xảy ra liên tiếp. Đất Giao châu bị chuyển từ nhà Ngô sang nhà Tấn, rồi Tống, Tề, Lương. Việc này cũng ảnh hưởng đến nội tình Giao châu vì các quan lại đô hộ, kẻ theo phe này, người theo phe kia, chia quân ra đánh nhau không ngớt.

Nhà Lương cai trị Giao châu vào đầu thế kỷ thứ sáu. Để thu vét thêm được nhiều thuế, nhà Lương cắt đất Giao châu ra và đặt thêm nhiều châu huyện. Đó là Ái châu (vùng Thanh Hóa ngày nay), Đức châu, Lợi châu (hai châu này tương ứng với vùng Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), Minh châu (Quảng Ninh), còn Giao châu thì có diện tích thu hẹp lại trên đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Thời kỳ này, đạo Phật ở nước ta đã phát triển mạnh. Sử chép rằng: “Xứ Giao châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến miền Giang Đông mà xứ ấy đã xây dựng ở Luy Lâu(*) hơn hai mươi ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 tăng ni và dịch được hơn mười lăm bộ kinh rồi”(**).

* Luy Lâu nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

** Lời của Đàm Thiên, thiền sư Trung Quốc thế kỷ thứ VI.

Nhà Lương có chính sách chỉ trọng dụng người họ Tiêu là họ của nhà Lương và một số dòng họ lớn khác. Phải là người thuộc các dòng họ ấy mới được giữ các chức vụ quan trọng mà thôi. Thứ sử Giao châu lúc bấy giờ là Tiêu Tư, tước Vũ Lâm hầu, cùng họ với vua nhà Lương.

Tiêu Tư lại là người tham tàn nên đã áp dụng một chế độ thu thuế rất ác nghiệt. Có được một cây dâu cao một thước là người dân cũng phải đóng thuế. Thậm chí quá nghèo khổ mà phải bán vợ đợ con cũng phải đóng thuế. Nhân dân vô cùng phẫn uất.

Bấy giờ ở huyện Thái Bình (nằm ven sông Hồng thuộc xã Sơn Tây, không phải là tỉnh Thái Bình ngày nay) có một Hào trưởng tên là Lý Bí (có sách chép là Lý Bôn), thiên tư thông tuệ, văn võ toàn tài. Nghe tiếng, nhà Lương vời Lý Bí làm quan. Nghĩ rằng có thể giúp đỡ được dân chúng nên Lý Bí nhận lời.

(*) Có ý kiến cho rằng Thái Bình thuộc xã Tiên Phong huyện Phổ Yên, Thái Nguyên.

Lý Bí được giao giữ một chức quan nhỏ coi việc quân ở Đức châu. Với chức quan ấy, ông cố gắng giúp đỡ những ai bị hà hiếp. Nhưng sau một thời gian, thân cô thế cô, ông không làm nên được việc gì đáng kể. Thêm vào đó, hàng ngày ông lại phải chứng kiến sự tham bạo của quân đô hộ cùng cảnh khổ của dân chúng. Lý Bí quyết từ quan ra đi tìm kế sách khác.

Lý Bí trở về lại quê nhà, bàn bạc cùng anh là Lý Thiên Bảo mưu khởi nghĩa. Ông còn hô hào dân làng cùng dấn thân vào đại nghĩa. Vốn là một Hào trưởng thương dân, nên Lý Bí được dân làng ủng hộ ngay. Ông bèn chiêu hiền nạp sĩ. Ông lại đem tất cả của cải ra mua lương thực tích trữ cho việc quân. Hào kiệt khắp nơi nghe tin kéo về đầu quân rất đông.

Trong số hào kiệt có những người nổi bật như Tinh Thiều, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phạm Tu, Lý Phục Man, Trình Đô Tâm Cô…

Triệu Túc vốn là tù trưởng ở huyện Chu Diên (bây giờ là vùng Đan Phượng – Từ Liêm, thuộc Hà Nội). Con trai của ông là Triệu Quang Phục tuy còn trẻ nhưng đã nổi tiếng là người có sức mạnh và giỏi võ nghệ).

Một hôm, sau một chuyến đi xa trở về, Triệu Quang Phục tìm gặp ngay cha và cho biết:

  • Cha ơi, ở vùng Thái Bình ven sông Hồng có Lý Bí đang chiêu binh mãi mã để nổi lên đánh quân Lương. Con muốn theo về.

Triệu Túc tán thành ngay:

  • Đúng đấy con ạ, ta cũng theo về. không thể nào làm nô lệ mãi.

Thế là Triệu Túc cùng con tập hợp quân lính dưới trướng và lên đường. Họ nhắm hướng sông Hồng trực chỉ rồi đi men ngược dòng để tìm đến Thái Bình và ra mắt Lý Bí. Họ là những hào kiệt đầu tiên từ xa xôi đến đầu quân. Lý Bí vô cùng mừng rỡ tiếp nhận:

  • Có hai cha con dũng sĩ đem quân bản bộ theo về thì nước non có ngày thấy được mặt trời.

Nhân vật tiếp theo là Tinh Thiều. Vốn nổi tiếng tài giỏi, Tinh Thiều đã từng muốn thi thố với đời nên có dự thi một đợt tuyển quan. Tuy văn bài ông xuất sắc nhưng nhà Lương thấy ông không phải là con nhà vọng tộc cao sang nên chỉ giao việc gác cửa. Tinh Thiều thấy thế lấy làm xấu hổ, bỏ đi không nhận rồi tìm đến Lý Bí tham gia khởi nghĩa.

Ngoài ra còn có lão tướng Phạm Tu tuổi tuy đã ngoài 60 nhưng sức khỏe hơn người, võ nghệ tinh thông. Ông tay không đánh được cọp, nhảy qua nóc nhà nhẹ nhàng, tên bay bắt được trăm lần không sai. Không nề hà việc đứng dưới cờ của một người trẻ tuổi hơn, ông hăng hái tham gia và được Lý Bí vô cùng nể trọng. Với kinh nghiệm của con người từng trải, Phạm Tu đã giúp đỡ rất nhiều cho Lý Bí trong việc phát triển lực lượng của kháng chiến quân cùng việc phân bố, sắp xếp quân ngũ.

Trình Đô và Tam Cô là hai chàng trẻ tuổi, vốn là anh em cô cậu. Tam Cô mồ côi sớm, về nương náu bên gia đình Trình Đô. Vì thế cả hai cùng lớn lên trong cùng một nhà và thương quí nhau vô cùng. Họ siêng năng học hỏi và đến năm 16 tuổi thì văn võ toàn tài. Không bao lâu cha mẹ Trình Đô qua đời. Chịu tang xong, họ hăng hái gia nhập quân khởi nghĩa. Sức trẻ của họ hòa nhập vào kinh nghiệm của các lão tướng làm cho lực lượng kháng chiến ngày càng khởi sắc.

Lý Bí đóng một doanh trại quan trọng tại hai thôn Lưu Xá và Giang Xa(*) cách Long Biên về phía tây không bao xa. Doanh trại này được tổ chức rất chu đáo. Một trạm tiền tiêu, gọi là gò Mũi Mác, được bố trí ở đầu thôn, chặn mọi ngả vào. Một trạm thông tin được đặt trên gò Trống Khẩu, là một đồi cao, có thể từ đó quan sát mọi diễn biến trên con đường huyết mạch dẫn vào Long Biên.

  • Lưu Xá còn gọi là Lưu Trôi, Giang Xá là Giang Trôi, ngày nay Lưu Xá thuộc xã Đức Giang, Giang Xá là thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Dân hai làng Trôi và dân quanh vùng nô nức gia nhập nghĩa quân. Tại đây, Lý Bí tiếp nhận thêm được 3000 quân thiện chiến. Riêng hai chàng trẻ tuổi Trình Đô và Tam Cô thì đóng tại làng Xuân Đề(*) án ngữ cho doanh trại tại Lưu Giang, đối mặt với Long Biên. Họ tổ chức các cuộc đô vật để tuyển quân và chọn được 33 chàng dũng sĩ đô vật, xuất thân từ các làng vật cổ truyền.

  • Hiện nay là hai thôn Yên Vinh và Yên Bệ thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, Lý Bí hội quân tướng tại trước chùa Linh Bảo, ngay giữa làng Giang Xá, quyết định phất cờ tiến quân:

  • Hỡi chư tướng! Lực lượng của ta nay đã mạnh, lương thực đã đầy đủ, nhân dân nóng lòng mong chờ ngày đuổi được giặc Lương ra khỏi bờ cõi. Đây là lúc ta tiến lên phá tan thành lũy của chúng.

Cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Từ chùa Linh Bảo, đoàn nghĩa quân xuất phát, đánh đến đâu được dân chúng ủng hộ đến đấy. Thế tiến công như chẻ tre nên chỉ trong vòng ba tháng nghĩa quân đã chiếm hầu hết các quận huyện. Quân Lương co cụm rút về thành Long Biên. Lý Bí bèn cho quân tiến vây thành Long Biên.

Nằm trong vòng vây trùng điệp của nghĩa quân, Tiêu Tư vô cùng khiếp sợ. Hắn chỉ giữ thế thủ, không dám xua quân ra chống cự dù hàng ngày quân của Lý Bí tiến công áp sát chân thành. Tiêu Tư bèn vội vàng một mặt cho người đem vàng bạc đến trước quân thứ của Lý Bí cầu xin tha tội chết, một mặt tìm cách trốn về nước.

Sau nhiều ngày công kích quyết liệt, nghĩa quân phá vỡ được thành. Quân Lương vội vã đầu hàng còn Tiêu Tư thừa cơ hội lộn xộn đã trốn thoát chạy về Quảng Châu (Trung Quốc). Lý Bí vào thành vỗ an dân chúng và tha chết cho quân Lương về nước. Ông cùng các tướng sĩ lo ổn định lại tình hình trong nước cũng như chuẩn bị đối phó sự phản công của nhà Lương.

Được tin thành Long Biên thất thủ, vua nhà Lương lập tức cho tập hợp quân lính sẵn sàng kéo quân sang xâm lược lại đất Việt. Đầu năm 543, hai Thứ sử là Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh được lệnh cầm đầu toán quân này. Bấy giờ là cuối đông, Giao châu đang đổi mùa, thời tiết rét và ẩm làm cho quân Lương bệnh hoạn liên miên. Vì thế Tử Hùng xin với vua Lương cho đợi đến cuối xuân ấm áp sẽ tiến quân.

Tiêu Tư đang nương náu ở Quảng Châu, nghe tin, liền xúi dục Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh không đồng ý hoãn binh. Tiêu Ánh nghe lời, tâu với vua Lương cho lệnh xuất quân ngay. Bọn Lư Tử Hùng bắt buộc phải tuân theo. Quân kéo đến Hợp Phố liền bị Lý Bí chận đánh tan tác. Quân Lương mười phần bị giết chết đến bảy, tám. Đám tàn quân phải lui về Quảng Châu.

Tiêu Tư vu tấu với vua nhà Lương rằng: Tử Hùng và Tôn Quýnh thông mưu với Lý Bí nên đã dùng dằng không chịu tiến quân.

Vua Lương tức giận, bắt tội hai tướng ấy phải chết. Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh đành tự tử chết ở Quảng Châu.

Sau khi đánh thắng quân Lương ở Hợp Phố, Lý Bí lại phải lo đối phó với cuộc xâm lấn của vương quốc Lâm Ấp ở phía nam. Quốc vương Lâm Ấp nhân cơ hội quân Lương và nghĩa quân đang tương tranh ở mạn bắc, đã thân hành dẫn quân vào Đức châu đánh phá. Lý Bí phải chia binh, cho lão tướng Phạm Tu mang quân xuống phía nam đánh tan được quân Lâm Ấp, đuổi quốc vương Lâm Ấp phải chạy về nước.

Cuộc khởi nghĩa của dân Việt hoàn toàn thắng lợi, đất nước giành lại quyền độc lập. Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Vua đặt tên nước là Vạn Xuân. Vua nói với các quan:

– Ta gọi tên nước là Vạn Xuân vì muốn xã tắc sơn hà luôn tươi thắm như mùa xuân và trường tồn cho đến muôn đời sau.

Lý Nam Đế đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) và cho dựng điện Vạn Xuân để làm nơi vua quan hội họp bàn việc nước. Triều đình gồm có hai ban văn võ. Triệu Túc làm Thái phó, là trụ cột của triều đình, Tinh Thiều làm Tể tướng đứng đầu hàng ngũ quan văn, Phạm Tu làm Tướng quân đứng đầu các quan võ, Triệu Quang Phục làm Tả tướng quân.

Chùa Trấn Quốc ngày nay.

Để đánh dấu việc lập nước, Lý Nam Đế cho xây một ngôi chùa lớn nằm bên bờ sông Hồng và đặt tên là Khai Quốc (mở nước). Ngôi chùa này sau trở thành trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Đến đời nhà Lê thì bãi sông ấy bị lở. Dân chúng bèn dỡ chùa dời vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa hồ Tây và đổi tên là chùa Trấn Quốc (giữ nước). Hiện nay, chùa Trấn Quốc, tượng trưng cho nước Vạn Xuân xưa vẫn còn và đã trở thành một nơi danh thắng của thủ đô Hà Nội.