Tập 18: Lý Thường Kiệt

Sử cũ chép về Lý Thường Kiệt:

“Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ?”

(Theo Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ)

Lý Thường Kiệt quê tại phường Thái Hòa ở Thăng Long, khi còn nhỏ có tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Về sau, ông được vua Lý nhận làm con nuôi nên mang họ Lý. Thường Kiệt chào đời vào năm Kỳ Mùi (1019), cha là An Ngữ, một võ quan dưới triều vua Lý Thái Tổ. Tuấn còn có một người em trai tên là Thường Hiến.

Ngay từ lúc còn nhỏ, Thường Kiệt đã tỏ ra ham thích võ nghệ. Cậu say mê xem cha tập luyện, nhất là xem các buổi tranh tài, những cuộc đấu vật, thi võ, đua thuyền được tổ chức ở kinh đô. Hình ảnh những võ tướng uy nghi trên lưng ngựa dẫn đầu đoàn quân càng hun đúc trong cậu niềm mong muốn được nối nghiệp cha. Vì thế, về nhà, Thường Kiệt thường cùng các bạn bày trò đánh vật, nhảy thi, tập bắn tên bằng cung tre.

Ông An Ngữ thấy con ham thích võ nghệ nên dạy cho con vài bài quyền để múa cho vui, không ngờ Thường Kiệt học thuộc nhanh và đi quyền rất đẹp mắt, ai thấy cũng khen ngợi. Thế là từ đó, hai cha con thường luyện võ trước sân nhà. Ông An Ngữ rất vui khi thấy con trai mình tỏ ra có năng khiếu khác thường.

Sau đó, Thường Kiệt còn được cha cho học thêm chữ Nho để không thua kém chúng bạn ở chốn kinh thành. Được đi học, lúc nào cậu cũng siêng năng, chăm chỉ, nhưng cũng không quên tập luyện võ nghệ. Chính vì thế cậu luôn được thầy chú ý chỉ bảo thêm nên ngày một giỏi giang. Bạn bè đều yêu mến và khâm phục cậu.

Năm Thường Kiệt 12 tuổi, ông An Ngữ lâm bệnh nặng và qua đời trong một chuyến đi thị sát ở vùng Thanh Hóa. Thường Kiệt thương cha than khóc khôn nguôi. Từ đó, cậu càng quyết tâm học tập và luyện rèn võ nghệ để không phụ lòng cha. Cậu luôn bày tỏ ý hướng của mình: “Muốn theo gương người xưa, đi xa ngàn dặm để lập công, lấy ấn phong hầu làm vẻ vang cho cha mẹ”. Người cậu là Tạ Đức khen Thường Kiệt có chí lớn nên thường xuyên đi lại giúp đỡ mẹ con cậu.

Mấy năm trôi qua, Thường Kiệt đã trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Chàng được ông Tạ Đức gả cô cháu gái tên là Thuần Khanh cho. Ngoài ra, ông còn chỉ vẽ thêm cho chàng các sách về binh thư. Thường Kiệt càng đọc càng say mê. Từ đó, người ta thấy chàng đêm đêm chong đèn đọc sách đến khuya; ngày ngày luyện tập bắn cung, cưỡi ngựa, dàn thế trận…

Năm Thường Kiệt 18 tuổi thì mẹ mất. Chàng cùng em trai chăm lo mọi lễ tống táng rất chu tất. Lúc hết cư tang, triều đình theo lệ phụ ấm (nghĩa là bổ con các quan lại có công ra làm quan) sung Thường Kiệt vào làm Kỵ mã Hiệu úy, một chức quan nhỏ trong đội kỵ binh.

Thế là từ đó, Thường Kiệt có dịp thi thố tài năng theo sở nguyện. Lúc nào vị võ quan trẻ tuổi này cũng được mọi người đặc biệt chú ý không phải chỉ vì vẻ khôi ngô tuấn tú mà còn vì sự dũng cảm, mưu lược và đặc biệt là tài năng xuất sắc. Chính vì thế, vua Lý Thái Tông đã để ý đến chàng và muốn cất nhắc chàng làm người thân cận bên mình.

Được nhà vua khuyến khích, Thường Kiệt đã tự hoạn để vào làm cận vệ trong cung. Chàng được trao chức Hoàng môn Chi hậu. Lúc bấy giờ chàng mới 23 tuổi. Với tài năng của mình, càng ngày Thường Kiệt càng được vua tin tưởng và giao cho nhiều trọng trách.

Khi vua Lý Thánh Tông nối ngôi (1054) Thường Kiệt được giao làm Bổng hành quân Hiệu úy, một chức võ quan cao cấp. Hàng ngày, được hầu cận bên vua, ông hết lòng giúp vua trong mọi việc, hiến những ý hay, can gián những điều không nên. Vì thế, ông được thăng dần đến Kiểm hiệu Thái bảo, một chức quan lớn trong triều.

Năm 1061, dân các động ở vùng Ngũ Huyện Giang (Thanh Hóa) nổi dậy chống triều đình. Bình ổn vùng này là một việc rất khó khăn. Tin vào tài thao lược của Thường Kiệt, vua Lý Thánh Tông giao phó trọng trách này cho ông.

Khi đến nơi, Thường Kiệt không vội trấn áp. Ông tìm hiểu dân tình và rất xúc động khi thấy dân ở đây rất nghèo và đang bị đói. Thấy thế, ông vỗ về, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, lại hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, nhà nhà đều đủ cơm ăn, áo mặc. Từ đó, ông khuyên nhủ các động chủ nên bãi binh để tránh việc đổ máu vô ích. Chỉ ít lâu sau, tất cả các châu động trong vùng đều quy phục triều đình, nhân dân lại được sống bình an.

Bấy giờ, ở biên giới phía nam Đại Việt, vua Chế Củ của nước Chiêm Thành vẫn nuôi mối hận bại trận dưới đời Lý Thái Tổ trước đây nên lo chuẩn bị vũ khí, thuyền chiến và luyện tập binh mã. Chế Củ sai sứ sang Trung Quốc tỏ ý muốn dựa vào nhà Tống để chống Đại Việt và xin mua ngựa chiến. Việc đó rất phù hợp với ý muốn của vua Tống nên được nhà Tống ủng hộ.

Khi thấy binh lực mình đã mạnh, Chế Củ cắt hẳn quan hệ với triều Lý, không gửi sứ sang nữa. Tình hình trở nên nghiêm trọng khiến Lý Thánh Tông phải quyết định thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thường Kiệt được vua cử làm đại tướng, giao cho thống lĩnh đoàn quân tiên phong. Em trai ông là Thường Hiến cũng được cử làm tướng theo ông đi chinh phạt.

Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), vua Thánh Tông ra lệnh xuất quân. Đại quân Lý dùng thuyền, theo đường biển tiến về phương nam. Chế Củ sai thủy quân chặn quân ta ở cửa sông Nhật Lệ (nay thuộc Quảng Bình). Trận thủy chiến diễn ra nhanh chóng. Đội thuyền chiến của Chiêm Thành bị đánh tan tác.

Sau khi tiêu diệt thủy quân Chiêm Thành, đại quân Lý thẳng đường tiến đến Phật Thệ (về sau gọi là Đồ Bàn hay Chà Bàn), kinh đô nước Chiêm Thành. Kinh đô Phật Thệ nằm giữa một vùng đồng bằng phì nhiêu với núi non bao bọc ba phía. Ở phía đông có những nhánh sông thông với đầm Nước Mặn (tức vịnh Quy Nhơn ngày nay), vì vậy chiến thuyền quân Đại Việt từ biển đi vào rất thuận lợi.

Sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, quân Đại Việt đổ bộ vào cửa Thị Nại (đầm Nước Mặn). Hai anh em Thường Kiệt và Thường Hiến dẫn đầu đoàn quân tiên phong đánh vào kinh đô Chiêm Thành. Tướng Chiêm Thành là Bố Bì Đà La dàn quân bên bờ sông Tu Mao(*), phía nam Phật Thệ, để chặn quân Việt. Thường Kiệt chia quân làm hai cánh cùng tấn công vào quân Chiêm. Dưới tài cầm quân của Thường Kiệt, chẳng mấy chốc, Bố Bì Đà La bị giết, quân Chiêm tan rã.

* Tức sông Tân An chảy ra cửa Quy Nhơn.

Chế Củ nghe tin quân mình đại bại đang đêm vội vàng cùng hậu cung bỏ kinh thành chạy trốn. Vì thế, khi quân Đại Việt tiến đến gần Phật Thệ, quân lính và dân chúng mở cửa thành kéo nhau ra hàng. Lý Thánh Tông dẫn quân vào thành, ra lệnh không được chém giết; sau đó, đặt người cai quản và dụ an dân chúng.

Chế Củ chạy về phía nam tập họp lại lực lượng và tiếp tục chống trả. Như vậy, việc chinh phục Chiêm Thành, quy phục được Chế Củ còn mất nhiều thời gian nữa. Điều này khiến Lý Thánh Tông chẳng an tâm. Nhà vua đã rời kinh đô Thăng Long khá lâu rồi. Tuy việc triều chính đã giao cho Ỷ Lan Nguyên phi tài trí hơn người, nhưng ngài vẫn lo lắng không biết nàng có thể quán xuyến được mọi việc không. Cai trị một quốc gia chẳng phải là việc giản đơn.

Suy đi tính lại, cuối cùng Lý Thánh Tông quyết định rút quân. Thuyền về đến châu Cư Liên, đâu đâu cũng nghe dân chúng khen Nguyên phi làm giám quốc trị nước rất tài, giải quyết thông suốt mọi việc, khắp nơi đều yên ổn. Thánh Tông thấy an tâm nhưng lại tự thẹn vì mình là đấng nam nhi cầm quân đi đánh Chiêm Thành mà chưa chiến thắng hoàn toàn đã lui về. Nhà vua liền cho quay thuyền trở lại, quyết bắt bằng được vua Chiêm.

Vâng mệnh nhà vua, Thường Kiệt đem quân truy kích Chế Củ. Đường hành quân về phương nam đầy gian nan, hiểm trở. Ông cùng đoàn quân tiên phong của mình vượt bao đèo cao, sông rộng, băng qua những cánh rừng rậm, những vùng đất cát khô cằn. Cuối cùng, thu phục được cả những vùng phía nam của Chiêm Thành.

Chế Củ lùi mãi, lùi mãi đến tận vùng Panduranga (tức Phan Rang, Phan Thiết ngày nay) và tới sát biên giới Chân Lạp. Thế nhưng Chân Lạp lâu nay vốn là nước thù địch với Chiêm Thành, vua Chiêm không dám trốn sang đấy. Cùng đường, Chế Củ đành phải ra hàng quân Đại Việt và bị Thường Kiệt giải về cho Lý Thánh Tông.

Lý Thánh Tông hết sức vui mừng, ngài cho mở tiệc ăn mừng chiến thắng và sau đó đưa vua Chiêm về Thăng Long. Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được tha về.

Hát dặm Quyển Sơn trong ngày hội đền Trúc (thờ Lý Thường Kiệt) ở Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.
Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam

Tương truyền trên đường trở về kinh đô Thăng Long, Thường Kiệt cùng đoàn quân chiến thắng dừng chân nghỉ ngơi ở Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày nay). Nhân dân địa phương rất vui mừng, cùng nhau tổ chức khao quân ăn mừng chiến thắng. Trong cuộc vui, các thiếu nữ miệng hát, tay múa quạt, còn chân thì dậm theo nhịp điệu của lời ca. Cho đến nay, người dân Quyển Sơn hàng năm vẫn tổ chức lễ hội với trò vui múa hát như vậy để ghi nhớ chiến công của vị tướng giỏi triều Lý.

Chiến thắng trở về, Lý Thánh Tông phong cho Thường Kiệt làm Phụ quốc Thái phó, tước Khai Quốc công và nhận ông làm con nuôi, vì thế ông mang họ Lý, tức Lý Thường Kiệt. Ngoài ra, ông còn được Lý Thánh Tông giao cho trọng trách tổ chức, trông coi việc quân nơi vùng đất mới được vua Chiêm dâng. Chẳng bao lâu sau, vua trao cho ông chức Thái úy, chức vụ quan trọng thứ hai trong triều sau Thái sư Lý Đạo Thành.

Tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông băng hà. Thái tử Càn Đức lên nối ngôi tức Lý Nhân Tông. Nhân Tông chỉ mới 7 tuổi nên cần có người giúp vua trị nước. Thái sư Lý Đạo Thành vốn là một nhà nho, tuân thủ những quyết định của triều đình nên cứ theo lệ cũ, mời Thái hậu Thượng Dương làm nhiếp chính.

Nhưng Thái úy Lý Thường Kiệt lại lo nghĩ nhiều đến sự hưng vong của triều Lý nên ủng hộ Nguyên phi Ỷ Lan vì ông hiểu rõ tài trị nước của bà. Với sự phò trợ của Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan lên nắm quyền nhiếp chính bên cạnh vị vua trẻ thay cho Thượng Dương. Lý Thường Kiệt được phong làm Đôn quốc Thái úy, Đại Tướng quân, Đại Tư đồ và ban cho tước hiệu Thượng Phụ công. Ông nắm tất cả quyền bính cả văn lẫn võ trong triều. Tuy đã ngoài năm mươi tuổi, ông vẫn cố đem hết tâm sức để chu toàn mọi việc trong ngoài.

Mặc dù công việc triều chính bận bịu, Lý Thường Kiệt vẫn thường theo dõi tình hình ở nước láng giềng to lớn phía bắc. Ông hiểu rất rõ triều đình nhà Tống đang phải đối phó với vô số khó khăn chồng chất. Bên ngoài, nước Liêu, nước Hạ đánh phá; vua Tống phải cống vàng bạc, của cải cho họ để được yên thân. Bên trong, các quan lại ra sức đục khoét; nên mặc dù dân chúng phải chịu sưu cao thuế nặng nhưng công quỹ vẫn trống rỗng.