Tập 9: Mai Hắc Đế

Mai Thúc Loan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan châu nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (713). Từ thời điểm đánh chiếm Hoan châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, ông đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722).

Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa ở Đường Lâm, đuổi được bọn quan đô hộ, nắm quyền chính sự. Khi mất, ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Đất nước ta đang bước vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Dù liên tục bị lệ thuộc phong kiến phương bắc nhưng nhờ sức lao động cần cù của dân chúng, xã hội nước ta lúc đó vẫn có những tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Nông dân đã trồng lúa hai mùa, cung cấp đủ gạo ăn cho dân chúng. Nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa cũng rất phát triển. Dân ta còn trồng cây ăn quả rất giỏi.

Về mặt văn hóa, cũng có nhiều đổi mới. Nhiều tư tưởng của Trung Hoa hoặc của nước khác được du nhập vào đất nước ta. Trước hết phải kể đến Nho giáo. Nho giáo là học thuyết do Khổng Tử lập ra. Khổng Tử vốn là người nước Lỗ bên Trung Hoa, sinh vào khoảng năm 550 trước Công nguyên. Ông từng đi chu du nhiều nơi, tìm hiểu cách sống của con người, rút kinh nghiệm và đúc kết nên lý thuyết của Nho giáo.

Ông đề cao 5 nguyên tắc sống: nhân (lòng thương người), lễ (giáo dục, khuôn phép), nghĩa (hợp lẽ phải), trí (trí tuệ), tín (biết trọng lời hứa, biết tin nhau). Ông chủ trương con người lấy việc sửa mình làm gốc, trong gia đình và xã hội phải có trật tự. Con phục tùng cha, vợ phục tùng chồng, dân phục tùng vua. Nho giáo làm cho xã hội có nề nếp nhưng lại hạ thấp giá trị của phụ nữ.

Nho giáo từ khi ra đời đã được nhiều người theo. Trải qua thời gian, lần lần Nho giáo được truyền vào đất Việt và được người Việt tiếp nhận nhưng không phổ biến lắm. Chữ Hán được đem dạy cho người Việt và nhân đó người Việt lại dựa vào nguyên tắc viết của chữ Hán để tạo ra một thứ chữ cho riêng mình. Thứ chữ này lần lần được cải tiến và trở thành thông dụng trong người Việt. Đó là chữ Nôm sau này.

Bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo cũng được truyền vào đất Việt. Đạo giáo là do ông Lão Tử sáng lập. Ông Lão Tử tên là Lý Đạm, sinh vào năm 604 trước Công nguyên. Lão Tử khuyên con người nên sống vô vi, điềm tĩnh. Nhưng về sau, Đạo giáo bị nhiễm tệ mê tín dị đoan và tin vào thuật trường sinh bất tử. Khi truyền đến đất Việt, Đạo giáo cũng thiên về thần tiên, phù thủy nên không được nhiều người theo lắm.

Trong khi ấy, đạo Phật lại được hưng thịnh. Phù hợp với tâm trạng của người Việt trong cảnh mất nước, đạo Phật đã phát triển trên đất Việt. Đạo Phật cho rằng đời là bể khổ, con người bị ràng buộc trong kiếp luân hồi. Muốn thoát khỏi cảnh ấy, con người phải diệt dục, diệt lòng ham muốn để tiến tới Niết bàn. Rất nhiều người dân đến với giáo lý nhà Phật để quên đi phần nào nỗi khổ hàng ngày của họ.

Thật ra đạo Phật đã du nhập vào đất Việt từ thế kỷ thứ nhất theo chân các nhà buôn Ấn Độ. Bản thân những nhà buôn này là những người theo đạo Phật, trong thời gian ở tại đây, họ thắp hương cầu Phật và có một số người đi theo nhưng không đáng kể. Sau đó các tăng sĩ đến truyền giáo và trên đất Giao châu tín đồ Phật giáo ngày càng nhiều.

Đến năm 580 sau Công nguyên, phái Thiền đầu tiên của Việt Nam được Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) thành lập. Tỳ Ni Đa Lưu Chi vốn người gốc ở Nam Thiên Trúc (Ấn Độ). Ông đi hành đạo từ Thiên Trúc, đến Trung Hoa rồi xuôi đến Giao châu và trụ trì tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu) ở làng Cổ Châu (Long Biên). Tại đây ông thu nhận đệ tử, truyền giáo lý nhà Phật, chú trọng đến việc tu tâm cho có được tấm lòng chân thành.

Phật giáo càng ngày càng phát triển trên đất Việt. Nhiều chùa được xây lên và nhiều người trở thành tín đồ đạo Phật. Nhiều thiền sư truyền nối nhau dịch kinh sách và dạy đạo cho mọi người. Họ còn xem mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng. Giáo lý nhà Phật lại có nhiều điểm hợp với lối sống của người Việt nên dần dần đạo Phật chiếm địa vị cao nhất trong ba tôn giáo.

Năm 602, sau 60 năm tạm thời tự chủ, nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế thành lập đã bị nhà Tùy phái hơn 10 vạn quân sang xâm lược. Quân Tùy thế mạnh như chẻ tre, ào ạt tiến vào đất Vạn Xuân và vây thành Cổ Loa rất ngặt. Vua nước Vạn Xuân lúc bấy giờ là Lý Phật Tử chống cự không được, phải đầu hàng. Vua bị giải về giam ở Trung Quốc. Và nước Vạn Xuân lại lâm vào cảnh lệ thuộc nhà Tùy.

Nhà Tùy làm chủ nước Trung Hoa không được bao lâu. Năm 618, nhà Đường thay thế nhà Tùy thống trị Trung Hoa. Trong các triều đại, nhà Đường cai trị đất Việt lâu dài nhất và khắc nghiệt nhất. Để tăng cường đàn áp, nhà Đường tiến hành xây thành đắp lũy, mở mang đường sá. Dân chúng hàng năm phải đi phu, làm lao dịch cho chính quyền đô hộ từ 20 đến 50 ngày. Đấy là chưa kể các bọn quan tham, lợi dụng quyền lực bắt dân phu đóng tô, đi phu lao dịch quá hạn định.

Những sản vật quí giá của nước Vạn Xuân lại bị vơ vét đưa về Trung Hoa. Dân Vạn Xuân phải xuống biển mò ngọc trai, bắt đồi mồi, lên rừng kiếm ngà voi, sừng tê, trầm hương, đào vàng đãi bạc đem cống cho nhà Đường. Ngoài những sản vật thiên nhiên, nhà Đường còn rất thích tơ lụa và các loại quả ngon của xứ Vạn Xuân.

Ngoài việc áp đặt ra thuế khóa lao dịch, nhà Đường còn sửa lại chế độ hành chính của nước Vạn Xuân. Năm 679 sau Công nguyên, nhà Đường đặt ra An Nam Đô hộ phủ gồm có 12 châu 59 huyện, trong đó có các châu quan trọng như châu Giao, châu Ái, châu Hoan, châu Diễn. Châu Giao nằm ở đồng bằng Bắc Bộ có trị sở là thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), châu Ái ở đồng bằng sông Mã (Thanh Hóa) còn châu Diễn và châu Hoan thì nằm ở đồng bằng sông Cả (Nghệ An).

An Nam Đô hộ phủ bị đặt dưới sự cai trị của quan An Nam Đô hộ. Thời bấy giờ có quan Đô hộ là Lưu Diên Hựu rất tham lam, tăng phần tô thuế của dân chúng lên để tha hồ vơ vét. Trước sự áp bức, bất công, dân Việt liên tiếp nổi dậy. Trong các cuộc nổi dậy, có cuộc khởi nghĩa của người dân tộc thiểu số, cầm đầu là Lý Tự Tiên. Lưu Diên Hựu đem quân đàn áp và giết được Lý Tự Tiên.

Một người anh hùng khác là Đinh Kiến, nối nghiệp Lý Tự Tiên, tập họp dân chúng tấn công vây thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), và chẳng bao lâu thì phá vỡ được thành, giết được Lưu Diên Hựu. Nhà Đường liền phái đại quân sang. Trước sức mạnh như vũ bão của quân Đường, Đinh Kiến bị thua và bị giết.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng lòng người Việt không khi nào nguôi ý chí quật cường. Lúc ấy, ở châu Hoan có Mai Thúc Loan là người nghĩa khí. Tương truyền Mai Thúc Loan quê ở Mai Phụ (Hà Tĩnh ngày nay). Vì nhà nghèo, chàng lưu lạc đến sống ở vùng Ngọc Trừng (Nghệ An). Anh không nề hà công việc nặng nhọc nào mà lại luôn luôn vui vẻ và hay giúp đỡ mọi người. Anh có dáng người to lớn, nước da đen, có sức khỏe và rất giỏi đấu vật.

Để trốn cảnh khắc nghiệt do quan quân nhà Đường gây ra, dân chúng nhiều người trốn vào rừng rậm, sống cùng muông thú chứ không chịu cảnh nô lệ. Số người khác uất ức, nổi lên cướp phá sống không cần ngày mai. Thông cảm được tâm tình của dân Việt, Mai Thúc Loan đứng lên, kêu gọi mọi người trở về, hàng phục được các toán cướp, qui tụ được dân chúng của 32 châu.

Căm phẫn với sự đô hộ vô cùng khắc nghiệt của nhà Đường, khởi nghĩa Hoan châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo đã nổ ra vào năm 713 tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An). Được lời hiệu triệu của ông, nơi nơi như mở tấm lòng. Hào kiệt nô nức hưởng ứng, kéo về tụ tập dưới cờ nghĩa sẵn sàng vì nước quên mình.

Mai Thúc Loan chọn vùng Sa Nam (Nghệ An), một vùng hiểm trở với sông Lam sâu rộng và núi Đụn (Hùng Sơn) cheo leo làm căn cứ địa. Tại đây ông cho xây thành Vạn An để đặt đại bản doanh. Vạn An là một đồn lũy chạy dài cả ngàn mét, lưng dựa vào núi Đụn, trước mặt là sông Lam, bên cạnh là thung lũng rộng rãi để trữ lương thực, vũ khí. Quả là một nơi phòng thủ chắc chắn.

Thấy thế lực đã mạnh, Mai Thúc Loan bèn xưng đế, lấy thành Vạn An làm kinh đô. Vì nước da đen đặc biệt của ông, dân chúng thường gọi ông là Mai Hắc Đế (vua Đen họ Mai). Thanh thế của Mai Hắc Đế ngày càng lừng lẫy. Ông làm chủ cả vùng đất Hoan, Diễn, Ái. Ông còn liên kết được với các nước láng giềng là Chiêm Thành, Chân Lạp và cả Malaysia để hình thành một mặt trận liên hoàn chống nhà Đường.

Sau khi quân đông lên đến hàng chục vạn người, Mai Hắc Đế liền cho quân tiến ra đồng bằng Bắc bộ, vây đánh thành Tống Bình. Quan Đô hộ là Quang Sở Khách chống không lại, phải chạy trốn. Mai Hắc Đế làm chủ được thành Tống Bình, giành lại độc lập dân tộc. Từ đó, Mai Hắc Đế lo xây dựng đất nước và không quên việc phòng thủ.

Bấy giờ nhà Đường đang ở thời cực thịnh dưới triều của Đường Huyền Tông, kinh tế, quân sự vô cùng phát triển. Thấy Quang Sở Khách thua trận, Đường Huyền Tông vô cùng tức giận, sai tướng thân tín là Dương Tu Húc đem 10 vạn quân thiện chiến, theo lộ trình xưa của Mã Viện, chớp nhoáng tiến vào đất Việt. Trong khi quân của Mai Hắc Đế còn chưa kịp chuẩn bị thì quân Đường bất thình lình tấn công vào bản doanh của quân khởi nghĩa và thẳng tay tàn sát.

Mai Hắc Đế phải rút vào rừng cố thủ, nhưng ma thiêng nước độc đã quật ngã ông. Ông bệnh chết trong rừng. Trong khi đó, để trấn áp mầm mống phục hồi của quân khởi nghĩa, nhà Đường ra sức khủng bố. Dân Việt bị giết chết vô số, thây không kịp chôn, chất cao thành gò. Một tội ác mà cho đến nay sử sách còn ghi.

Nhà Đường lập lại chế độ đô hộ nhưng không còn dám bắt dân Việt đem cống vải nữa. Lệ cống vải từ đó mất hẳn. Để đánh dấu thoát nạn cống quả vải nhờ công lao của Mai Hắc Đế, dân chúng truyền tụng câu thơ:

Cống vải từ nay Đường phải dứt,

Dân nước đời đời hưởng phước chung.

Cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế tuy bị tan rã, nhưng dân chúng vẫn luôn nhớ đến ông. Một ngôi đền thờ người anh hùng họ Mai được lập ở núi Vệ, quanh năm nghi ngút hương khói. Trong dân gian có bài thơ tưởng nhớ uy đức của Mai Hắc Đế:

Hùng cứ châu Hoan đất một vùng, Vạn An thành lũy khói hương xông. Bốn phương Mai đế lừng uy đức, Trăm trận Lý Đường phục võ công.

Gần núi Tản Viên, có một xã tên là Đường Lâm, ngày nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là một vùng đất cổ kính, đã từng là căn cứ của bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng. Tại căn cứ này, bà Man Thiện đã thao luyện quân sĩ, và từ đó xuất quân để phối hợp với quân của Hai Bà, đánh đuổi được viên Thái thú tham ô Tô Định vào năm 40 sau Công nguyên.