Tập 17: Ỷ Lan Nguyên Phi
Nhưng âm mưu không thành, Ỷ Lan trong một dịp đi tắm, phát hiện được kẻ lạ đang ẩn trong buồng tắm của mình liền tri hô lên. Chuyện vỡ lở, tham vọng của Nguyễn Bông bị bại lộ. Y bị bắt và chém đầu ở cánh đồng phía tây chùa Thánh Chúa. Từ đấy, cánh đồng ấy được gọi tên là cánh đồng Bông. Trên đây chỉ là truyền thuyết, chứng tỏ thời ấy vẫn còn thịnh hành nhiều chuyện hoang đường.
Nhà vua rất buồn phiền, lại cho xây chùa ở nhiều nơi để cầu tự. Mãi đến hơn ba năm sau khi nhập cung. Ỷ Lan mới có thai. Nhà vua vô cùng mừng rỡ, cho rước nàng sang điện Động Tiên ở phía đông Đại nội. Đây là nơi vua ở, được xây dựng vào năm 1063. Sang năm 1066, Ỷ Lan khai hoa nở nhụy, sinh ra được một hoàng nam trong sự hồi hộp chờ đợi của tất cả mọi người.
Thật ra không có niềm vui nào to lớn bằng. Nỗi mong đợi, lo lắng canh cánh bên lòng đã được giải tỏa. Nhà vua đặt tên cho con trai là Càn Đức và lập ngay làm Thái tử. Vua càng thương yêu Ỷ Lan hơn, phong cho nàng lên làm Nguyên phi, đứng đầu các hoàng phi trong cung. Từ đấy, địa vị của Ỷ Lan chỉ đứng sau Hoàng hậu Thượng Dương mà thôi.
Trong hạnh phúc, nhà vua vẫn không quên ngôi làng Thổ Lỗi mộc mạc xưa kia. Để đề cao nơi đã sinh ra người con gái tài đức vẹn toàn và là quê ngoại của Thái tử, vua Lý Thánh Tông đổi tên làng Thổ Lỗi thành Siêu Loại (1068), có nghĩa là vượt lên trên hết.
Theo lệ thời ấy, Càn Đức gọi Hoàng hậu Thượng Dương là đích mẫu và gọi Ỷ Lan là sinh mẫu, vì tất cả con cái, dù là con của người vợ nào, đều được xem là con của người vợ chính. Thượng Dương rất vui mừng và an tâm vì từ đây, nhà vua cất được nỗi lo trong lòng và bà cũng bớt băn khoăn về nỗi không con của mình.
Càn Đức được chăm sóc chu đáo nên khỏe mạnh, chóng lớn. Ỷ Lan bận rộn với con nhưng vẫn giúp vua việc triều chính. Bà còn chú ý đến nghề tằm tang, lập riêng một đội chuyên dệt gấm, lụa. Các cung nữ được bà truyền nghề và trở nên thông thạo trong việc chăn tằm ươm tơ, không kém gì cô Khiết ngày xưa. Gấm, lụa họ dệt ra đủ cung cấp cho cung cấm, vì vậy nhà nước không cần nhập gấm, lụa của Tống nữa.
Một đứa con trai quả thật đã làm an lòng vua Lý Thánh Tông. Ngài nghĩ đến những chuyến viễn hành để củng cố thanh thế. Năm 1069, nước Chiêm Thành liên kết cùng nước Tống và được Tống bán cho nhiều ngựa chiến. Có hậu thuẫn của nước lớn, vua Chiêm Thành trở mặt và bắt đầu dòm ngó Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông vô cùng tức giận, quyết định thân chinh tiễu phạt.
Sau buổi lễ thề Đồng Cổ(*), nhà vua cho gọi Nguyên phi Ỷ Lan đến diện kiến. Trước mặt bá quan văn võ, ngài trao quyền trị nước cho Ỷ Lan, còn thái sư Lý Đạo Thành được cử làm phụ chính. Sắp xếp xong xuôi, vua cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt và binh sĩ lên thuyền bắt đầu cuộc viễn chinh.
*lễ thề trung và hiếu (xem tập “Xây đắp nhà Lý”).
Được nhà vua giao trọng trách, Ỷ Lan rất hân hoan, bà tự tin rằng mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Thêm nữa, bà càng yên tâm khi được Thái sư Lý Đạo Thành giúp sức. Thái sư Lý Đạo Thành vốn là người tin cẩn của Lý Thánh Tông. Ông rất tôn sùng Nho giáo, tính tình ngay thẳng, hết lòng chăm lo việc triều chính và bao giờ cũng chỉ có nghĩ đến việc lợi cho dân cho nước.
Cầm quyền trị nước trong tay, Ỷ Lan để ý đến mọi lĩnh vực, từ kinh tế cho đến xã hội, văn hóa. Bà chú trọng đến nông nghiệp, mở kho phát chẩn cho những vùng đói, đặc biệt tích cực nghiêm cấm việc giết trâu. Thời ấy, kinh tế trong nước chủ yếu là làm ruộng. Mà cày bừa thì toàn nhờ vào sức của con trâu. Cho nên việc nhà nước ngăn cấm dân chúng giết trâu đã bảo đảm sức kéo cho nông nghiệp.
Ỷ Lan khuyến khích các hoạt động thủ công, nhất là nghề ươm tơ dệt lụa. Bà tự tay chăn tằm dệt lụa để làm gương cho dân chúng. Các làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa được bà quan tâm giúp đỡ. Ở đâu có giống tằm tốt bà đem cho phổ biến khắp nơi. Nhờ đó, nghề này càng ngày càng được phát triển và hoàn thiện.
Nghề gốm cũng được nâng đỡ. Những bát đĩa, ấm chén, bình lọ có lớp men màu ngà rất tinh xảo. Đặc biệt nhất là loại sứ men xanh, trong như ngọc. Vì chịu ảnh hưởng của Phật giáo, hoa văn trang trí của các đồ gốm sứ chủ yếu là hoa sen với nhiều trạng thái: hoa còn phong nhụy, hoa nở, hoa tàn…
Cuộc sống dân chúng ngày một sung túc, do đó các trò vui chơi giải trí cũng được mở ra. Trò múa rối nước mang tính nghệ thuật đặc sắc có điều kiện phát triển. Đây là một trò chơi của cư dân vùng sông nước Đại Việt, ca ngợi cuộc sống thanh bình, cảnh an cư lạc nghiệp. Vào các ngày lễ hội, rối nước được trình diễn trên ao làng, đem lại cho dân chúng những giây phút vui vẻ sau những ngày làm mùa mệt nhọc.
Trong khi ấy, vua Lý Thánh Tông cùng đoàn quân xông pha nơi sa trường. Nhiều cuộc chạm trán kịch liệt xảy ra. Vùng đất xa lạ với gió chướng, bão táp càng làm tăng thêm nỗi khó nhọc cho kẻ viễn chinh. Địch thủ lại chiến đấu rất kiên cường. Quân Đại Việt bị tổn hao. Thấy chiến sự kéo dài, nhà vua lo lắng, sợ vắng mặt trong nước lâu ngày thì không hay. Vì thế, ngài quyết định tạm lui binh.
Đoàn thuyền quay lại hướng bắc, trở về. Lênh đênh trên mặt biển mấy ngày thì đến hải phận châu Cư Liên(*). Vua cho ghé thuyền nghỉ ngơi. Một toán quân trinh sát được cử lên bờ thăm thú tình hình. Đâu đâu họ cũng nghe lời ca ngợi bà Ỷ Lan vì tài nội trị, an dân, đem lại đất nước cảnh thanh bình.
* Chưa biết châu Cư Liên hiện nay là ở đâu.
Toán trinh sát vội vã quay về thuyền báo tin cho nhà vua.
Xúc động, ngài ngửa mặt than:
– Nguyên phi là đàn bà, còn giỏi như vậy. Ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao?
Nói đoạn, nhà vua cho quân quay lại tiếp tục chiến đấu.
Quân Đại Việt thắng hết trận này đến trận khác, cuối cùng bắt sống được vua Chiêm Thành là Chế Củ. Đoàn quân ca khúc khải hoàn trở về nước.
Gặp lại Nguyên phi, vua Lý Thánh Tông vô cùng cảm kích, hết lời khen ngợi. Từ đó, địa vị của bà ngày càng vững chắc. Không còn trực tiếp trị nước nữa, nhưng mỗi lời nói, hành động của bà đều được nhà vua nghe theo. Thượng Dương tuy vẫn là Hoàng hậu, nhưng chỉ như chiếc bóng bên cạnh nàng Ỷ Lan đầy bản lĩnh. Tam cung, lục viện đều chịu sự chi phối của bà.
Lý Thường Kiệt sau khi giúp vua đánh thắng Chiêm Thành cũng rất được tin dùng. Ông được cất nhắc lên chức Thái phó (địa vị thứ ba trong triều) rồi đến Thái úy (địa vị thứ hai), chỉ đứng sau Thái sư Lý Đạo Thành. Ngoài ra, ông còn được nhà vua nhận làm con nuôi nên được đứng vào hàng vương.
Tháng Chạp năm Tân Hợi, vua Lý Thánh Tông lâm bệnh. Ỷ Lan hết mình chăm sóc, không nề hà việc thức khuya dậy sớm. Quan ngự y và cả triều đình lo lắng. Rồi nhà vua dần dần khỏe lại. Bất ngờ, qua tháng sau ngài trở bệnh và đột ngột băng hà ở điện Động Tiên ngày 1 tháng 2 năm 1072.
Dân chúng vô cùng thương tiếc vị vua nhân từ, hết lòng thương yêu dân. Tam cung, lục viện thì bàng hoàng. Rồi đây, cuộc đời của những phụ nữ trong cung cấm không biết sẽ phải thay đổi ra sao? Còn triều đình thì bối rối. Đáng lẽ ra trước khi mất mà con còn nhỏ thì vua phải phó thác cho một đại thần, nhưng vua qua đời đột ngột không kịp để lại di chiếu cho ai.
Thái Tử Càn Đức kế vị còn nhỏ tuổi, cần có người phụ chính và chấp chính. Người phụ chính tất nhiên là Thái sư Lý Đạo Thành, người đã ở ngôi Tể tướng trong 18 năm, kéo dài suốt cả triều đại vua Lý Thánh Tông. Nhưng theo lệ quy định thời đó, ngoài vị quan phụ chính ra, nếu vua lên ngôi khi còn quá nhỏ thì Thái hậu được quyền buông mành nhiếp chính.
Việc buông mành nhiếp chính này được gọi là thùy liêm. Tức là Hoàng thái hậu sẽ ngồi sau mành để nghe quần thần tâu bày chính sự và là người quyết định thay vua. Vậy vị trí ấy sẽ là của ai đây? Là Thượng Dương, vừa là hoàng hậu, vừa là đích mẫu của Thái tử hay là Ỷ Lan, tuy là sinh mẫu, nhưng chỉ là một bà phi?
Trong triều có hai khuynh hướng. Nhóm thứ nhất do Thái sư Lý Đạo Thành đứng đầu. Lý Đạo Thành là một nhà Nho, tuân theo kỷ cương Khổng giáo, tôn trọng việc chính danh. Ông cho rằng Thượng Dương là Hoàng hậu thì đương nhiên trở thành Hoàng thái hậu và sẽ chấp chính. Còn Ỷ Lan sẽ là Hoàng thái phi, không thể có quyền hành hơn Thượng Dương được.
Nhóm thứ hai là một liên kết giữa Lý Thường Kiệt cùng Nguyên phi Ỷ Lan. Đã từng được vua Lý Thánh Tông ủy quyền trị nước ba năm trước (1069), bà rất hi vọng lần này sẽ được nhiếp chính, nhất là có sự ủng hộ của Lý Thường Kiệt, con nuôi của vua và là một vị tướng nắm tất cả quyền bính quân sự. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào quyết định của Thái sư, người đứng đầu hàng ngũ quan lại.
Triều thần tôn Càn Đức lên làm vua. Ấy là vua Lý Nhân Tông. Không như sự mong mỏi của Ỷ Lan, Lý Đạo Thành tuân thủ nguyên tắc của Khổng giáo, đưa Thượng Dương lên ngôi Hoàng thái hậu, làm nhiếp chính cho ấu chúa còn Ỷ Lan trở thành Hoàng thái phi. Nghĩ mình là mẹ đẻ của vua mà không được can dự vào việc triều chính nên bà vô cùng buồn bực.
Càn Đức tuy đã lên ngôi báu nhưng vẫn là một đứa trẻ hàng ngày được Ỷ Lan săn sóc, chăm chút. Những lúc ấy bà thường than vãn cùng vua: “Mẹ già đã khó nhọc nuôi nấng con mới có ngày nay. Nay được phú quý thì người khác giành mất chỗ. Con sẽ đặt mẹ già vào chỗ nào?” Vua Nhân Tông hàng ngày nghe mẹ nói cũng cảm thấy có lý.
Thế là bốn tháng sau khi lên ngôi, một hôm vào ngày lễ Phật Đản, lúc làm lễ tắm tượng Phật xong, vua Lý Nhân Tông thăng đường ở điện Thiên An, tuyên bố tôn Ỷ Lan lên làm Linh nhân Hoàng thái hậu, thăng Lý Thường Kiệt lên làm Tể chấp (Tể tướng) và truất quyền nhiếp chính của Thượng Dương.
Sau đó, vua Nhân Tông giáng Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị Đại phu rồi biếm(*) ông ra trấn ở châu Nghệ An để ông phải đi khỏi kinh thành.
* Buộc phải chuyển ra nơi xa xôi.
Khi ấy, theo tục lệ, linh cữu của vua Lý Thánh Tông vẫn còn quàn để các nhà sư tụng kinh niệm Phật cầu siêu cho nhà vua và đợi ngày lành tháng tốt mới đem chôn. Vào tháng 7 năm ấy, lễ an táng vua Lý Thánh Tông được cử hành. Bà Thượng Dương cùng 72 thị nữ bị ép phải chết theo để hầu nhà vua ở bên kia thế giới.
Thế là Linh Nhân Hoàng thái hậu lên làm nhiếp chính, buông rèm điều hành chính sự. Là người tài giỏi, lại được Lý Thường Kiệt giúp sức, Linh Nhân quyết định mọi việc đều chu toàn, không ai oán thán. Tuy thế, lòng bà không ngớt day dứt về cái chết của Thượng Dương và 72 thị nữ.
Còn Lý Đạo Thành bị biếm ra Nghệ An, trong lòng uất ức nhưng không phản kháng gì, chỉ ôm theo bài vị của vua Lý Thánh Tông và lập một viện Địa Tạng, để bài vị của vua vào thờ chung với Phật. Ý ông muốn chứng tỏ tấm lòng trong sạch, trung với vua và hết lòng vì dân vì nước của mình. Lý Đạo Thành vốn là một vị lão thành được giới sĩ phu ngưỡng vọng. Vì thế, việc ông bị biếm ra Nghệ An đã gây mất đoàn kết trong các quần thần.