Tập 3: Huyền sử đời Hùng – Bánh chưng bánh giày – Trầu cau – Quả dưa đỏ
Truyện bánh Chưng, bánh Giầy cho chúng ta biết người dân Lạc Việt đã biết chế biến thức ăn và tập tục dùng bánh Chưng, bánh Giầy cúng trời đất tổ tiên trong ngày tết. Điều đó chứng tỏ nếp sống văn hóa đã được hình thành. Truyện còn nói lên được trình độ tư duy của con người Lạc Việt lúc đó: Quan niệm trời tròn đất vuông, công ơn cha mẹ sánh bằng Trời Đất.
Ngoài ra truyện còn cho thấy ngay từ thời đại Hùng Vương, các vua Hùng đã cân nhắc kỹ càng khi chọn người nối ngôi có đủ tài đức để lo cho dân.
Sau khi phá được giặc Ân, Hùng Vương thứ sáu tự thấy tuổi đã già, sức đã yếu, muốn truyền ngôi cho con. Nhưng vua có đến 22 người con. Người nào cũng thông minh, chăm chỉ. Biết chọn ai đây? Vua suy nghĩ ngày đêm, phân vân, băn khoăn. Người con trưởng ư? Không được, nó hay đau ốm. Làm vua thì phải khỏe mạnh cường tráng mới giúp dân chúng được. Hay là chọn người thứ hai? Nó xem chừng chậm chạp quá. Cứ thế, vua loay hoay, không đi đến được một quyết định nào.
Suy tính mãi, cuối cùng nghĩ ra một kế, nhà vua bèn triệu hai mươi hai vị Quan lang lại bảo rằng:
– Các con! Ta nay đã già cần có người thay ta gánh vác việc nước. Trong các con, ai kiếm được của ngon vật lạ để cúng tế tiên vương(*) vào cuối năm, làm cho ta trọn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho. Các con nên gắng sức để ta không hổ thẹn cùng ông bà tổ tiên và để cho con đỏ noi theo nữa.
- Tức là các vị vua đã mất.
Nghe lời vua cha, các vị Quan lang xôn xao bàn tán rồi ai về nhà nấy lo toan chuẩn bị. Họ vừa âu lo vừa vui mừng nhưng tất cả đều cố gắng làm cho kỳ được theo ước muốn của vua Hùng. Họ gom góp tất cả ốc xà cừ(*) rồi hăng hái tỏa đi khắp nơi, người lên rừng, người xuống biển, người dong buồm ra khơi… cố săn lùng những món ngon vật lạ.
- Hồi đó, tuy hình thức trao đổi còn rất phổ biến nhưng dân Lạc Việt đã biết lấy ốc xà cừ (loại ốc biển) làm tiền tệ.
Trong hai mươi hai vị Quan lang ấy có chàng Tiết Liêu, con thứ 18 của vua Hùng là nghèo nhất. Mẹ chàng mất sớm, không ai giúp đỡ, chàng không có một mẩu xà cừ nào. Trước yêu cầu của vua cha, Tiết Liêu vô cùng lo lắng không ăn, không ngủ. Trong khi các Quan lang khác rộn rã ngược xuôi, duy chỉ có chàng lủi thủi ra vào căn nhà đơn sơ của mình. Tiết Liêu khấn trời, khấn đất, khấn thần Lửa, thần Gió và khấn mẹ giúp mình kiếm ra vật quí, thể hiện được đạo hiếu của người con.
Một hôm, mệt mỏi vì quá suy nghĩ, chàng Liêu chợt chợp mắt thiếp đi và mộng thấy một vị thần. Thần bảo:
“Vạn vật trên đời là do Trời Đất sinh ra. Công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ sánh bằng Trời Đất mới đủ. Mà trong Trời Đất không có gì quí hơn gạo. Gạo nuôi sống con người. Con hãy đem gạo nếp làm hai thứ bánh. Cái thứ nhất hình tròn, đó là Trời. Cái thứ hai hình vuông, đó là Đất; lấy thịt ngon đặt vào chính giữa làm nhân, tượng trưng cho trung tâm vạn vật; dùng lá xanh bọc bên ngoài tượng trưng cho cây cỏ, rừng núi, đồng ruộng”.
Giật mình tỉnh dậy, nhớ lại giấc mộng, Lang Liêu vô cùng sung sướng. Không một chút phân vân, chàng bắt tay ngay vào việc. Gạo nếp là lương thực hàng ngày nên đã có sẵn, nhưng tìm đâu ra thịt ngon? Từ khi mẹ mất trong nhà không còn nuôi heo, gà, trâu, bò nữa. Lang Liêu liền quyết định: “Ta sẽ đặt bẫy, chịu khó lặn lội tìm một con heo rừng là được”.
Lang Liêu vội vàng chuẩn bị đi. Chàng khoác chéo qua vai cánh cung dài, thắng ngang bụng ống tên có mũi bịt đồng, tay cầm chiếc rìu và lên đường. Chàng đi vào rừng sâu hì hục đào ba cái hố, đoạn phủ cành lá lên trên miệng hố rồi tránh đi nơi khác kiên nhẫn chờ đợi. Để có thức ăn qua ngày Lang Liêu dùng cung tên đem theo săn một vài chú thỏ rừng, gà rừng. Chàng lấy hai hòn đá đập vào nhau để đốt lửa lên. Lửa hồng đem hơi ấm cho chàng, giúp chàng nướng thịt và xua đi các loài ác thú.
Cứ như thế, qua hơn bảy lần ông mặt trời thức dậy thì một con heo rừng béo núc béo ních sụp bẫy. Lang Liêu mừng vô hạn. Chàng vác heo về cột dưới sàn nhà để làm thịt. Sau đó chàng vào góc sàn bê ra một vò gạo nếp. Đây là thứ nếp quí toàn những hạt chắc mẩy tròn chằn chặn do chính tay chàng cày cấy trên mảnh ruộng của mình. Thứ nếp thơm này chàng chỉ dùng để nấu vào những ngày cúng mẹ.
Chàng cần mẫn chọn bỏ đi những hạt thóc hoặc đất đá lẫn vào rồi vo thật sạch. Chàng chia nếp sạch ra làm hai phần, một phần dùng cho bánh Đất Vuông, phần kia dùng cho bánh Trời Tròn. Có gạo có thịt rồi, Liêu xoay qua làm muối. Chàng xuống vườn nhổ vài bụi gừng đem rửa sạch rồi cho vào bếp than hồng để đốt lên lấy tro làm muối.(*)
- Thuở ấy, chưa biết dùng muối biển. Khi ăn uống, con người cứ thòm thèm thứ gì mặn mà nên thường lấy rễ tranh đốt lên lấy tro làm muối. Muối đậm đà nhất là làm từ rễ gừng.
Liêu mổ heo lấy thịt ướp cùng tro muối làm nhân. Đoạn chàng lấy lá bọc nếp thành hình vuông, đó là đất. Nhân được đặt vào giữa tượng trưng cho việc vạn vật chất chứa trong lòng đất. Xong xuôi, Liêu cột lại và bỏ vào nồi đồng lớn. Chàng nấu mãi, nấu mãi suốt từ lúc gà lên chuồng cho tới hôm sau bánh mới chín. Vì thế chàng gọi thứ bánh này là bánh Chưng. Lang Liêu rất hài lòng có được những chiếc bánh Chưng vuông vức với các đường lạt cột ngang dọc.
Chàng nấu phần nếp còn lại cho chín rồi đem giã nhuyễn thành một thứ bột dẻo trắng mịn, nặn bột thành hình những chiếc bánh tròn có mặt nổi vồng lên như một vòm trời màu trắng. Thứ bánh bằng bột nếp dẻo đặc, không ruột không nhân này được Lang Liêu gọi là bánh Giầy.
Cuối năm đã kề. Các Quan lang khác cũng đã tụ tập về Phong Châu từ lâu. Với các thức ngon vật lạ đem về từ các chân trời góc biển xa xăm, lòng họ đầy ắp hy vọng. Đến ngày hẹn, hai mươi hai vị Quan lang hồi hộp đem phẩm vật vào dâng vua. Thật là một cuộc đua tài đua sức phong phú. Vua vui vẻ hỏi han về nguồn gốc và ý nghĩa của từng món. Phẩm vật của Quan lang thứ nhất là gân nai hầm. Từng sợi gân trong vắt như pha lê cho thấy nó quí hiếm như thế nào.
- Thưa Bô, để có được những sợi gân này, thợ săn phải hạ hàng trăm con nai rồi chọn ra những con không già không non. Nai già thì gân khô, nai non thì gân bở. Họ chỉ lấy có 4 sợi gân ở 4 chân vì chân là nơi tích tụ sinh lực của nai. Những sợi gân này lại phải được phơi ngàn ngày dưới bóng cây quế. Ăn thứ gân nai này vào sẽ được nhanh nhẹn như nai trong rừng. Con đã đổi nó bằng tất cả số ốc xà cừ con có.
Vua Hùng than:
- Chỉ vì một món ăn mà phải giết hàng trăm con thú như thế sao?
Lang thứ hai trình bày món tay gấu:
- Phải là tay của loài gấu được giết chết vào những ngày buốt giá nhất khi máu trong người nó lạnh cóng không chảy được đến tay. Sau đó, tay gấu được ngâm trăm ngày trong mật ong, trăm ngày trong nước nhựa cây. Con đã phải dong thuyền đi đến một nơi rất xa xôi và đổi chiếc trống đồng đẹp nhất của con để lấy nó. Ăn được món này sẽ sống lâu trăm tuổi.
Vua Hùng lẩm bẩm:
- Muộn rồi! Tiên Vương đã chết rồi.
Lang thứ ba trình bày món nem công, chả phượng:
- Lấy thịt công, thịt phượng giã nhuyễn, gói thịt công lại để lên men ra món nem công. Thịt phượng cũng gói chặt đem luộc ra món chả phượng. Hai món này ăn rất ngon miệng.
Vua Hùng lắc đầu:
- Công và phượng là loài vật trời đất đã ban cho con người để ngắm nhìn mà quên nỗi cực nhọc, lẽ nào lại ăn những con vật đẹp đẽ như vậy sao?
Sau đó là các món ở biển, những con cá hình thù kỳ dị, con tôm con ốc khổng lồ. Vua Hùng lần lượt lắc đầu trước các món sơn hào hải vị phức tạp, lạ lùng ấy. Đến mâm cỗ của Lang Liêu, vua hết sức ngạc nhiên vì dáng vẻ đơn sơ của bánh Giầy, bánh Chưng. Bánh Chưng, bánh Giầy thật quả là mộc mạc khiêm nhường bên cạnh vẻ muôn hồng ngàn tía của các phẩm vật khác. Điều đó khiến vua Hùng rất tò mò:
- Lang Liêu, hãy cho ta biết đây là món gì, tại sao nó lại vuông tròn?
Liêu quỳ xuống kể lại giấc mộng và giải thích ý tưởng của mình:
- Thưa Bô, hai thứ bánh này bày tỏ lòng hiếu thảo của người con, tôn Cha Mẹ như trời đất. Nó chứa đầy một tấm tình quê hương ruộng đồng, lại được làm bằng những hạt ngọc quí nhất trong những hạt ngọc của trời đất ban cho con người, nên ai cũng có thể làm được.
Nghe Liêu trình bày, vua Hùng thấu hiểu ý nghĩa cao quý của bánh Chưng, bánh Giầy. Vua bèn cho bóc ra, lạ thay khi bóc lá chiếc bánh Chưng vẫn mang màu xanh mướt như ruộng đang thì con gái. Vua nếm thử. Ồ, chiếc bánh Chưng với nếp thơm mùi lá chuối, lá dong, lại ngọt bùi sao mà đậm đà như tình mẹ. Còn chiếc bánh Giầy lại dày dặn tình cha. Vua Hùng gật đầu hài lòng, tuyên bố:
- Lang Liêu quả là người hiền. Muốn chăn dắt muôn dân thì phải biết trọng trời đất, tôn kính cha mẹ, yêu con người, mến phục cuộc sống, thương cái đẹp. Lang Liêu xứng đáng để ta truyền ngôi cho.
Vào ngày cuối năm vua làm lễ truyền ngôi cho Lang Liêu. Buổi lễ diễn ra giản dị nhưng trang trọng. Một bàn thờ gia tiên được bày ra với hoa quả, đĩa trầm hương, một chén nước và đặc biệt có thêm một cặp bánh Chưng, bánh Giầy. Vua Hùng mặc áo đại lễ vái ba vái, đoạn khấn báo với tổ tiên việc truyền ngôi. Sau khi khấn xong vua lại vái ba vái, ý muốn nói từ nay vua xin phép được rời bỏ công việc trị vì nặng nề. Bên cạnh vua, Lang Liêu quỳ lãnh trọng trách.
Lang Liêu lên làm vua. Đó là Hùng Vương thứ bảy. Vua cho phép dân chúng mở hội ăn mừng. Từ khi bị giặc Ân quấy nhiễu cho đến nay dân Lạc chưa có buổi lễ hội nào. Vì thế dân chúng tưng bừng, nô nức tham gia. Noi gương nhà vua, mọi người thi nhau nấu bánh Chưng, bánh Giầy. Và từ đấy món bánh Chưng, bánh Giầy trở thành món truyền thống không thể thiếu được trong ngày Tết của người Việt, tục thi nấu cơm cũng hình thành làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Lạc Việt. Để ngày lễ hội thêm tưng bừng, các cô gái, các chàng trai cùng nhau tạo một trò chơi mới: Trò tung còn.
Còn là một trái bằng vải nhiều màu có hình vuông tám múi, bên trong lèn chặt các hạt bông. Các góc của trái còn được đính thêm các dải vải màu sặc sỡ. Một sợi dây chắc, dài được gắn vào một góc còn. Dây này cũng được gắn dải vải ngũ sắc, dùng để cầm và quay trái còn. Khi chơi hai bên nam nữ đứng cách nhau, tung còn qua một vòng tròn treo trên một cây tre trồng ở giữa. Ai tung lên được một đường còn uốn lượn rồi chui qua vòng thì sẽ được một năm mới may mắn.
Chàng trai thương một cô gái thì tung thẳng còn vào cô gái ấy. Nếu cô gái bắt lấy còn và tung trở lại cho chàng trai, ấy là cô gái đồng ý. Tung qua ném lại nhiều lần, tạo nên những đường còn lả lướt là dấu hiệu hạnh phúc sẽ tới. Trò chơi tung còn hào hứng xuất phát từ đấy và dần dần trở thành một trò chơi dân gian – và còn được gọi là Tung còn tìm bạn tình. Hiện nay, nhiều dân tộc ít người vẫn duy trì trò chơi này.
Sau khi dân chúng hồ hởi đón xuân mới và ăn mừng có được vị vua hiền, Lang Liêu cho 21 Quan lang khác chia nhau đi cai trị các vùng của đất nước. Tục truyền, họ dựng tre gỗ quanh vùng của mình để phân định ranh giới. Vì vậy, các làng xã sau này thường có lũy tre bao bọc xung quanh.
Bên cạnh truyện bánh Chưng, bánh Giầy nói lên công ơn cha mẹ và nguồn gốc của chiếc bánh Chưng ngày Tết của người Lạc Việt, truyện Trầu Cau nói lên tình cảm anh em mặn mà, tình vợ chồng thắm thiết. Anh em, vợ chồng cùng chết để hóa thân thành Trầu Cau Vôi, một chất gây say cho người, làm đẹp cho các cô gái, nối tình yêu cho các cặp thanh niên nam nữ.
Về mặt lịch sử, truyện Trầu Cau cho chúng ta hiểu người dân Lạc Việt lúc đó con cái đã biết yêu kính cha mẹ, anh em thương yêu nhau, em nhường nhịn cho anh… Đấy là một mốc phát triển quan trọng trong cuộc sống tinh thần của con người Việt Nam. Truyện còn cho biết nguồn gốc của tục ăn trầu và dùng trầu cau trong lễ cưới hỏi của dân Lạc Việt.
Vào thời Hùng Vương thứ 12 có một vị Quan lang tầm vóc cao lớn khác thường, ông được vua Hùng yêu mến, triệu về kinh đô Phong Châu khen thưởng và ban cho chữ Cao để làm họ. Ông bà có hai người con trai, người anh tên là Tân và người em tên là Lang. Hai người giống nhau như tạc, người trong nhà ngay cả bà mẹ cũng khó phân biệt được ai là Tân và ai là Lang.
Để không lẫn giữa hai anh em, bà Cao cho chúng mặc mỗi đứa một màu khố. Khố của Tân màu nâu còn khố của Lang màu lam. Tân và Lang rất yêu thương khắng khít với nhau. Chúng thề nguyền là sẽ bên nhau suốt đời, không một ai có thể chia cắt tình anh em ruột thịt. Chúng chia cho nhau từng quả cà, từng nắm cơm lam. Đi khe, đi suối vẫn cùng nhau không rời. Săn được thú thì cũng anh khiêng em vác.