Tập 5: Nước Âu Lạc

   

An Dương Vương là vị vua lập nên Âu Lạc nhưng cũng chính là vị vua duy nhất cai trị nhà nước này. Âu Lạc cũng chính là nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta, sau nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

Lý Ông Trọng là một con người phi thường về tài năng lẫn vóc dáng. Tiếng tăm lẫy lừng, nhà Tần cũng phải nhờ đến sự giúp sức của ông mới trải qua nạn Hung Nô.

Chuyện tình My. Châu – Trọng Thủy đã dẫn đến việc bắt đầu ách đô hộ của phương Bắc ở nước ta. Đấy cũng chính là bài học cảnh giác, răn dạy mọi người phải luôn thận trọng, đừng quá nhẹ dạ, cả tin.

   

XÂY THÀNH CỔ LOA

Đến tuổi già yếu, Hùng Vương thứ mười tám sinh ra chểnh mảng, ít lo việc nước. Thủ lĩnh nước Tây Âu là Thục Phán thường đem quân đến quấy nhiễu nhưng Văn Lang vẫn còn tướng mạnh quân khỏe nên đều đẩy lui được các cuộc tấn công ấy. Thấy thế, Hùng Vương lại càng coi thường, thường bảo:

– Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao?

Và từ đấy nhà vua chỉ lo uống rượu, đàn hát, quên hết mọi sự phòng thủ cần thiết.

Thục Phán cho người dò la biết được tình hình ấy nên càng quyết chí chiếm lấy Văn Lang. Sau khi chuẩn bị binh mã hùng mạnh, vào năm 257 trước Tây lịch, Thục Phán đốc quân tiến đánh Văn Lang. Vua Hùng không để tâm vẫn thản nhiên uống rượu tràn be. Đến khi quân Thục ập được vào cung, vua Hùng đang còn say mèm không biết trời đất gì.

Lúc vua tỉnh được rượu cũng là lúc quân Thục đã làm chủ mọi nơi. Cùng đường vua nhảy xuống giếng tự tử.

Sau cái chết của vua Hùng, Thục Phán hợp nhất đất đai Tây Âu vào nước Văn Lang, lập nên Âu Lạc. Cũng cùng một dòng Bách Việt mà ra nên hai dân tộc Tây Âu và Lạc Việt hòa đồng vào nhau rất dễ dàng. Thục Phán lên ngôi vua lấy hiệu là An Dương Vương (Thục An Dương Vương), đóng đô tại Phong Châu, kinh đô cũ của các vua Hùng.

Tục truyền rằng khi lên ngôi, Thục Phán mới 22 tuổi và làm vua được 50 năm.

An Dương Vương
Lạc hầu Lạc tướng Tả tướng

An Dương Vương vẫn giữ lại hàng ngũ các Lạc hầu, Lạc tướng đặt thêm chức Tả tướng để giúp vua trị nước. Trong các tướng có Cao Lỗ là người tài giỏi nhất.

Cao Lỗ quê ở bộ Vũ Thường (Bắc Ninh), vốn giỏi võ nghệ từ nhỏ và được dân chúng ở quê nhà gọi là Đô Lỗ. Khi lớn lên, ông theo An Dương Vương đánh đông dẹp bắc và được phong cho tước hầu.

Bản đồ hành chính Âu Lạc

An Dương Vương vẫn giữ tổ chức hành chánh như cũ. Các bộ vẫn do các Lạc tướng chỉ huy và vẫn giữ quyền cha truyền con nối. Có khoảng 17 bộ, trong đó có các bộ nổi tiếng trong lịch sử như: Mê Linh, Long Biên, Tây Vu, Chu Diên, Liên Lâu, Tư Phố… Bộ Tây Vu là bộ quan trọng nhất của Thục Phán, nằm ở miền thượng lưu sông Lô. Dưới các bộ là các công xã nông thôn (làng) có Bố chính đứng đầu. Các Bố chính phần nhiều giàu có và được dân làng kính nể.

Lưỡi cày đồng

Dân số Âu Lạc ước chừng một triệu người. Cuộc sống của họ có phần sung túc hơn lúc trước. Mức độ phát triển xã hội có cao hơn và đã có người giàu kẻ nghèo. Họ vẫn giữ nghề đánh cá ven sông suối nhưng đã biết trồng mía ép mật làm đường, biết dùng trâu bò để kéo cày, đúc nông cụ bằng sắt để làm ruộng, làm vườn. Họ làm rẫy ở các đồi thoải, cấy lúa nước ở các ruộng trũng. Bao quanh các nhà sàn đã thấy xuất hiện các vườn cây ăn trái như chuối, cam, lệ chi (vải)…

Đặc biệt là nhà nhà đều có vài gốc cau, vài dây trầu không, vì ăn trầu cau đã trở thành thói quen hàng ngày của dân Âu Lạc. Các gia đình đều nuôi gia súc như chó, gà, lợn, trâu. Có rất nhiều ngan ngỗng, nhưng cốt dùng lông để làm áo, gối, chăn chứ không phải để ăn. Dân Âu Lạc cũng đã cải thiện các nghề thủ công của mình. Gốm được nung với nhiệt độ cao hơn trước và trở nên chắc bền với nhiều kiểu hoa văn. Có hoa văn hình thừng thô to, có hoa văn như sóng nước cuồn cuộn.

Họ còn biết nung ngói, nung gạch để xây tường, xây giếng, tuy chưa phổ biến lắm. Đàn ông vẫn còn đóng khố nhưng đã mặc áo. Đó là kiểu áo chui đầu hoặc cài cúc bên trái. Dân chúng thường đem thổ sản của mình trao đổi cho nhau. Dân Lạc có nhiều gạo, gốm, ngọc trai để đổi với dây Tây Âu giàu đồng, thiếc, sừng tê, ngà voi. Họ tiếp tục cuộc sống hồn nhiên của thời trước.

Sau khi ổn định việc nước, An Dương Vương cho dời đô về một vùng đất cao ráo nằm kề sông Hoàng Giang (ngày nay là Đông Anh, Hà Nội). Sông Hoàng Giang vốn là một nhánh của sông Hồng. Như thế, đất này vừa thông được đường thủy lại nhờ ở nơi cao nên tránh được lụt lội, thật là thuận tiện. Không bao lâu sau, vua hạ lệnh xây thành để bảo vệ kinh đô. Thế là hàng nghìn thợ thủ công, hàng vạn nhân công được tập trung để tiến hành việc xây thành.

Họ hì hục đào đất, khuân đá, làm việc dưới nắng cháy mưa tuôn. Bức tường thành bao quanh kinh đô cao dần lên từng ngày. An Dương Vương vô cùng vừa lòng, định ngày khánh thành. Nhưng than ôi, ngày trọng đại chưa được định thì tai họa đã ập đến. Trong một đêm, một tiếng nổ long trời lở đất vang dội và sáng hôm sau, bức tường thành cao sừng sững chỉ còn là một đống đất đá vụn nát.

Dân chúng bàng hoàng, An Dương Vương và quần thần ngơ ngác tiếc công. Tướng Cao Lỗ vò đầu bứt tai, lệnh cho quan lại truy tìm nguyên nhân lập tức. Thật là uổng công. Nguyên nhân có được chỉ là những lời phỏng đoán vì chuyện xảy ra trong đêm tối khi mà mọi nhà đều đã rút cầu thang, yên ngủ. Đống đất đá nát vụn còn đó nhưng lại câm nín. Quan lại đi không lại trở về không.

An Dương Vương không nản chí. Vua ra lệnh xây dựng lại bức tường thành. Thế là mọi người lại cố sức làm việc. Lần này họ rút kinh nghiệm, xây phần nền móng bè rộng ra để đủ sức chịu đựng bức tường cao ngất. Tường thành lại cao dần lên theo hy vọng của dân chúng và của An Dương Vương. Nhưng rồi một đêm, tiếng nổ long trời lở đất ấy lại vang lên. Bức tường thành cao ngất hôm trước lại chỉ còn là đống đất đá ngổn ngang.

An Dương Vương cùng tướng Cao Lỗ thân hành đến xem xét tại chỗ nhưng cũng đành chịu không tìm ra nguyên nhân. Vua lại cho xây thành và thành lại lở. Sau lần thất bại thứ ba, vua bèn cho lập đàn để cầu đảo trời đất phù hộ cho mình. Một hương án nghi ngút khói được lập bên bờ sông Hoàng Giang. Vua làm lễ tế long trọng. Bỗng thấy một ông lão phương phi, râu tóc bạc phơ từ hướng đông bước tới.

Ông lão tự xưng là thổ thần và bảo:

  • Vua xây thành như thế này không bao giờ xong được đâu. An Dương Vương lo âu trả lời:
  • Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành. Thế là cớ làm sao?
  • Nhà vua đừng lo, ngày mai hãy ra bờ sông đợi. Sứ giả Thanh Giang sẽ đến giúp.

Nói đoạn, thổ thần biến mất.

Ngày hôm sau, nhà vua dậy sớm ra bờ sông đợi. Bỗng thấy từ đằng đông một con Rùa Vàng to lớn nổi lên bơi lại. Đến trước mặt vua, rùa bảo:

  • Ta là thần Kim Quy và là sứ giả Thanh Giang. Ta đến giúp nhà vua xây thành đây.

An Dương Vương mừng rỡ, sai lấy chiếc mâm vàng sáng bóng long trọng rước thần Kim Quy vào cung hỏi cách xây thành.

Thần Kim Quy cho hay:

  • Thành không xây được là do oan hồn của vua trước muốn báo thù. Có con gà trắng sống ngàn năm thành tinh ở núi Thất Diệu, thường ghé vào quán trọ gần chân núi để hãm hại người qua đường. Gà tinh biết khích oan hồn của vua trước và của các quân lính đã chết oan trong trận nhà vua tấn công Hùng Vương mười tám. Cho nên, hễ mỗi lần xây thành xong là gà tinh lại ngậm lá thư của các oan hồn bay lên cây chiên đàn, dâng cho nhà trời xin phá thành.

Nhà vua lo âu hỏi:

  • Bây giờ phải làm thế nào?
  • Vua đừng lo. Hãy sửa soạn cùng ta đến quán trọ. Ta sẽ thừa thế cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, ắt là mọi việc sẽ xong.

An Dương Vương nghe lời, cùng Cao Lỗ cải trang làm kẻ đi đường, đem theo thần Kim Quy, đến quán trọ gần chân núi Thất Diệu thuê ngủ qua đêm.

  • Quán này có yêu tinh thường hiện về ban đêm để giết các khách trọ. Xin hai ông chớ nên ở lại.

Chủ quán bảo hai vị khách:

An Dương Vương không hề lo lắng. Vua bảo:

  • Ma quỷ làm gì được ta. Ta không sợ.

Thấy không thể cản được, chủ quán đành để hai người ngủ lại.

Đến nửa đêm, quả nhiên có tiếng la thét ở bên ngoài phòng của nhà vua rồi một giọng nói rền như sấm vang lên:

  • Hãy mở cửa trời ra!

Đồng thời hàng loạt tiếng động ầm ầm va vào cửa dường như có một sức mạnh vô hình muốn tông cửa xông vào phòng.

Rùa Vàng lớn tiếng quát trả:

  • Hãy đóng cửa đất lại!

Tiếng động bên ngoài bỗng im bặt, nghe dường như có tiếng

chân chạy xa dần. Nhà vua và Cao Lỗ phóng đuổi theo, chỉ thấy thấp thoáng ở xa xa bóng con gà trắng đang chạy về núi Thất Diệu. Đến chân núi, con gà trắng bỗng biến thành con cú sáu chân, mồm ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa Vàng liền rùng mình biến thành con chuột to lớn trèo lên cây, cắn vào chân cú. Cú đau quá há miệng, lá thư rơi xuống. Nhà vua nhặt lấy xé ngay.

Lá thư tan tành, con cú cũng chết theo. Nhà vua sai người đào núi, tìm ra được nhiều hài cốt và nhạc cụ. Vua liền sai đốt ra tro rồi đem đổ xuống sông suối. Thế là đã trừ được tai ương.

Xong việc, nhà vua quay trở về kinh đô và tiến hành lại việc xây thành.

Chỉ trong vòng nửa tháng là dân Âu Lạc đã xây xong thành. Thành có ba vòng, hình dáng như con ốc nên sau này được gọi là Loa Thành (loa là con ốc). Tổng cộng chiều dài của cả ba vòng thành là hơn 16km. Vòng thành ở trung tâm (thành Trong) có hình chữ nhật, bảo vệ cho cung điện của vua và hoàng gia. Vòng thành kế tiếp là thành Giữa, bao bọc nơi ở của các quan, các Lạc hầu. Thành Ngoài là dài nhất, dùng để che chắn cho doanh trại quân đội.

Chân thành nhiều nơi được kê đá. Trên mặt thành có nhiều ụ đất đắp cao lên và nhô ra ngoài để làm vọng canh cho quân lính bảo vệ. Phía ngoài của cả ba vòng thành đều có hào nước sâu và rộng từ 10 đến 30m. Ba vòng hào này đều thông với nhau, thông cả với sông Hoàng Giang và với một cái đầm rất lớn gọi là Đầm Cả. Thuyền bè dễ dàng lưu thông ngược xuôi từ trung tâm ra đến tận sông Hồng. Còn Đầm Cả thì mênh mông, có khi tụ tập đến hàng trăm thuyền bè.

Hoa văn trên trống đồng miêu tả thủy quân

Với hệ thống sông hào như thế, tướng Cao Lỗ cho quân sĩ tập luyện thủy trận và chẳng bao lâu ông thành lập được một đội thủy quân. Đội thủy quân này rất năng động, khi ẩn khi hiện, biến hóa khôn lường. Hôm nay còn ở trong Đầm Cả, ngày mai đã lênh đênh xuôi sông Hồng ra biển. Bên cạnh thủy quân, bộ binh vẫn được duy trì và phát triển. Binh sĩ được trang bị nhiều loại vũ khí, đó là các rìu, giáo mác, dao găm bằng đồng và cung tên. Nhưng đặc biệt hơn cả là nỏ Liên Châu.

Hàng vạn mũi tên đồng đào được ở Cổ Loa

Nỏ Liên Châu là do tướng Cao Lỗ sáng chế, mỗi lần có thể bắn được nhiều mũi tên liên tục chớp nhoáng, đối phương khó bề tránh được. Để tăng thêm phần lợi hại, tướng Cao Lỗ cho chế mũi tên đồng có ba cạnh sắc bén. Từ đấy nỏ Liên Châu trở thành một vũ khí lợi hại của thủy quân Âu Lạc. Nơi nơi vang lên lời khâm phục tướng Cao Lỗ.

Để bảo vệ thành, tướng Cao Lỗ đã cho chế tạo hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh. Ngoài mũi tên đồng ba cạnh này, quân lính Âu Lạc còn dùng mũi tên tre có tẩm thuốc độc và mũi tên bằng đá. Thời hưng thịnh của việc dùng nỏ còn để lại dấu vết ở một vài tên gọi tại Cổ Loa như Gò Đống Bắn, Gò Pháo Đài, xã Uy Nỗ…

Ngự triều dị quy – nơi vua hội họp quần thần

Sau ba năm ở lại giúp An Dương Vương, thần Kim Quy từ giã ra đi. Nhà vua vô cùng quyến luyến, muốn lưu lại nhưng không được đành cảm tạ:

  • Nhờ ơn thần ta mới xây được thành. Sau này nếu có giặc giã xâm lấn bờ cõi thì ta phải làm gì?

Thần Kim Quy đáp lại:

  • Hãy tu đức để được lòng người và giữ an đất nước. Còn ta xin tặng nhà vua vật này để có thể đẩy lui quân giặc.

Nói đoạn, Rùa Vàng tháo chiếc móng của mình, trao cho An Dương Vương:

  • Nhà vua hãy lấy chiếc vuốt này làm lẫy nỏ, khi có giặc đem ra bắn thì một phát có thể giết được hàng chục tên.

An Dương Vương bùi ngùi cầm lấy chiếc móng và tiễn Rùa Vàng ra đến tận bờ sông. Rùa bơi đi một đoạn, quay đầu lại gật ba lần chào nhà vua rồi lặn xuống biến mất dưới làn nước.

Trở về cung, nhà vua trao chiếc móng cho tướng Cao Lỗ để thử nghiệm. Tướng Cao Lỗ bèn đi tìm một nơi thích hợp cho cuộc bắn thử. Không bao lâu ông đã tìm thấy. Đó là một ngọn đồi, thoai thoải phía dưới là rừng cây ngút ngàn rộng có đến hàng trăm dặm. Tướng Cao Lỗ thỉnh vua ra ngự lãm. Một tay cầm chiếc nỏ Liên Châu, tay kia cầm chiếc móng rùa, lưng mang giỏ tên đầy ắp, Cao Lỗ tiến lên đỉnh đồi.

Nhắm hướng rừng cây, ông buông tên.

Một tiếng nổ long trời vang lên, hàng loạt mũi tên xé gió vút đi. Trước khi mọi người kịp định thần, lại có tiếng rào rào vẳng đến. Thì ra cả khu rừng cây đang gãy cành, trút lá. Chẳng mấy chốc khu rừng xanh um trước kia chỉ còn lại các gốc cây chỏng chơ không lá không cành. Ai nấy bàng hoàng trước sức mạnh kỳ diệu của chiếc nỏ. An Dương Vương bèn đặt tên cho chiếc nỏ là “Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”. Còn dân chúng thì thành kính gọi là “Nỏ Thần”.