Tập 5: Nước Âu Lạc

Trọng Thủy thích nhất là ngắm vợ gội đầu bên bờ giếng. Cái giếng của Âu Lạc thật là xinh xắn, sạch sẽ, nước trong vắt không lẫn đất cát, vì thành giếng có khuôn bằng đất nung che chắn. Mỵ Châu chỉ cho Trọng Thủy thấy những lỗ thủng rải rác trên khuôn giếng và giải thích:

  • Người ta đục những lỗ thủng ấy để nước những mạch ngang có thể chảy vào giếng.

Chỉ các hoa văn có hình thừng uốn lượn trên mép nước, nàng tiếp:

  • Dân Lạc rất thích trang trí hoa văn. Hầu hết các đồ gốm đều được khắc vẽ tỉ mỉ các loại hoa văn.

Trọng Thủy yêu thương vợ nhưng không quên lệnh cha, thường

để ý xem xét sự bố trí phòng ngự của Âu Lạc. Lợi dụng những lần cùng vợ theo thuyền của vua cha dạo khắp các vòng hào từ kinh đô ra đến sông Hoàng Giang, Trọng Thủy cố nhớ lấy các tình tiết địa hình và lén lút vẽ được bản đồ thành Cổ Loa với đủ vị trí các vọng canh, các cửa đông tây nam bắc. Thậm chí Trọng Thủy còn vẽ lại hình dáng các vũ khí của quân Âu Lạc.

Nhưng những kết quả ấy chưa làm vừa lòng Triệu Đà. Triệu Đà cho người hối thúc Trọng Thủy phải dò và lấy cho được vũ khí bí mật có tiếng nổ kinh hồn kia. Trọng Thủy lần chần ở rể gần ba năm mới dám hỏi Mỵ Châu:

  • Bên Âu Lạc có tài gì mà không ai đánh được? Mỵ Châu không hề đắn đo, cho biết:
  • Âu Lạc không những chỉ có thành cao, hào sâu mà còn có Nỏ

Thần bắn một phát chết hàng vạn người nữa.

Hai tiếng Nỏ Thần dội vào tai Trọng Thủy như một tiếng sét.

Chàng nôn nóng muốn tận mắt thấy món vũ khí ấy. Nhân khi cha đi vắng, Mỵ Châu mang Nỏ Thần cho chồng xem. Nàng nói:

  • Vua cha cất giữ Nỏ Thần rất cẩn thận, luôn luôn treo nó bên cạnh giường ngủ. Chàng hãy nhìn đây, bí quyết là ở cái lẫy nỏ bằng móng của thần Kim Quy này.

Vừa nghe vợ giới thiệu tác dụng của Nỏ Thần, Trọng Thủy vừa chăm chút xem từng chi tiết để ghi nhớ và lại lén lút vẽ sơ đồ của Nỏ Thần cho Triệu Đà. Đồng thời Trọng Thủy bí mật kiếm một cái vuốt rùa giống hệt vuốt của Rùa Vàng rồi thừa dịp lẻn vào phòng An Dương Vương tráo lấy chiếc vuốt thật.

Sau khi lấy trộm được vuốt rùa, Trọng Thủy tỏ ra bứt rứt, buồn bã khác thường. Thấy chồng ăn không ngon, ngủ không yên, Mỵ Châu hỏi:

  • Tại sao chàng luôn thẫn thờ, lo âu. Có điều gì chàng hãy cho thiếp biết.
  • Ta nay xa cha mẹ đã ba năm, lòng thương nhớ khôn nguôi, muốn về thăm một lần.

Mỵ Châu tâu bày cùng An Dương Vương. Nhà vua đồng ý, vì trong ba năm ở rể, Trọng Thủy cũng đã lấy được lòng tin của

nhà vua.

Lúc chia tay, Trọng Thủy bảo Mỵ Châu:

  • Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay về thăm cha, nếu chẳng may hai nước thất hòa, hai bên đánh nhau thì làm sao mà tìm nàng được?

Mỵ Châu gạt những giọt lệ lăn dài trên má:

  • Nếu gặp cảnh biệt ly thì thiếp đau đớn khôn xiết. Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ chạy về đâu, thiếp sẽ lấy lông ấy mà rắc dọc đường. Như thế có thể tìm nhau được.

Trọng Thủy về đến Nam Hải, dâng vuốt rùa cho Triệu Đà. Triệu Đà vô cùng vui mừng, cho quân bất ngờ tiến đánh Âu Lạc. Trong khi ấy ở Cổ Loa, An Dương Vương vẫn yên lòng về mối giao hảo tốt đẹp giữa Âu Lạc và Nam Việt. Khi quân Âu Lạc ở biên ải thua to, phi báo về kinh đô, Mỵ Châu đau khổ, An Dương Vương bàng hoàng. Nhưng thấy Nỏ Thần vẫn còn đó, nên vua không phòng bị, ung dung ngồi uống rượu chờ quân địch đến…

Đợi quân Triệu kéo đến sát Loa Thành, nhà vua mới tung đội

quân chuyên bắn Nỏ Thần ra chống cự. Than ôi! Nỏ Thần không còn linh nghiệm nữa. Quân Triệu Đà xé thủng cửa bắc, băng qua thành Ngoài, tấn công doanh trại quân sĩ, uy hiếp thành Giữa. Quân Âu Lạc mất tinh thần, tan tác, mạnh ai nấy chạy. Trong tình thế nguy cấp, không còn ai bảo vệ, An Dương Vương vội đưa Mỵ Châu lên ngựa tìm đường trốn chạy. Thấy cửa nam còn chưa bị tấn công, nhà vua phóng ngựa trực chỉ về phía bờ biển.

Mỵ Châu ngồi sau lưng vua cha mà lòng rối bời bời. Nàng đã kịp mang theo chiếc áo lông ngỗng trắng toát. Viễn ảnh không bao giờ gặp lại chồng thôi thúc nàng thả từng chiếc lông nhẹ sau vó câu. Nhà vua chạy đến núi Mộ Dạ (Nghệ An), kẹp sát bờ biển thì đường đã cùng. Dưới nước không có thuyền chèo, sau lưng quân giặc đuổi gấp. Vua không còn lối thoát nào khác.

Sực nhớ đến thần Kim Quy, nhà vua kêu lên:

– Rùa Vàng mau lại cứu ta!

Tức thời biển nổi sóng cuồn cuộn rồi nước rẽ ra và Rùa Vàng ngoi lên. Rùa nói lớn:

– Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó!

An Dương Vương quay lại chẳng thấy ai, chỉ có con gái yêu đang đầm đìa nước mắt.

Nhưng kia, xa xa, từng chiếc lông ngỗng, từng vệt lông kéo dài liên tiếp như những mũi tên chỉ đường. Nhà vua ngơ ngác đoạn sững sờ chợt hiểu. Mỵ Châu cũng vậy. Sau tiếng thét của Rùa Vàng, nàng nhận thức được sự nông nổi của mình.

Nhà vua tức giận rút gươm ra. Thấy giây phút cuối cùng đã đến, Mỵ Châu khấn rằng:

  • Tôi một lòng trung tín, bị mắc lừa người ta! Nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Bằng không xin hóa thành ngọc trai để tỏ tấm lòng trong trắng này.

Nàng vừa khấn xong thì đường gươm của An Dương Vương đã nhoáng lên kết thúc thân phận người con gái oan nghiệt. Tục truyền Mỵ Châu vì nỗi thực tình mà phải thác oan, cho nên những con trai hớp phải máu nàng đều cho một loại ngọc rất quý. Có câu ca nói về nỗi oan của Mỵ Châu như sau:

Mênh mông góc bể chân trời,

Những người thiên hạ nào người tri âm. Buồn riêng thôi lại tủi thầm,

Một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau.

Giết Mỵ Châu, An Dương Vương lao mình xuống biển tự vẫn. Tương truyền rằng An Dương Vương, đau thương vì mất nước, nên sau khi chết hóa thành con chim Cuốc(*) ngày đêm khản tiếng kêu:

  • Quốc! Quốc!
  • Chim Cuốc hay còn gọi là Đỗ Quyên, thường sống trong bờ bụi và cất tiếng kêu ra rả và thảm thê.

Trong khi ấy tại quê nhà ở bộ Vũ Thường (Bắc Ninh), Cao Lỗ chiêu tập dân quân kéo lên tiếp ứng cho thành Cổ Loa. Nhưng lực lượng ít ỏi không chống đỡ nổi, cuối cùng ông hy sinh trên chiến trường. Người đời sau thờ Cao Lỗ tại xã Vạn Ninh (Bắc Ninh). Lễ hội Cao Lỗ kéo dài từ ngày 10-3 âm lịch là ngày sinh của ông cho đến ngày 5-4 là ngày mất. Trong lễ hội, dân chúng tổ chức các buổi thi bắn nỏ, đua thuyền để nhớ lại vị tướng đã có công tạo ra nỏ Liên Châu và lập nên đội thủy quân đầu tiên

của đất nước.

Nói về Trọng Thủy, khi quân Triệu Đà tràn vào Loa thành chàng vội vã đi tìm vợ. Lùng sục khắp cung cấm mà chẳng thấy tăm hơi, sau cùng chàng phát hiện được dấu lông ngỗng ở cửa nam liền đuổi theo. Xác Mỵ Châu nằm đó. Vết tử thương ngay cổ vẫn chưa khô máu đào. Mái tóc đen dài óng ả xòa trên cát trắng, cuộn theo từng đợt gió. Chiếc áo lông ngỗng trắng phau ngày nào cũng đã tả tơi nhuộm hồng. Ruột gan đau như xé, Trọng Thủy ôm chầm xác vợ khóc nức nở.

Đêm lạnh đã xuống, Trọng Thủy thất thểu ôm xác vợ lên ngựa

đem về Loa thành. Chàng làm tang ma cho vợ theo nghi lễ của người Âu Lạc. Chàng tự tay chế tạo một chiếc lược bằng sừng, một cái gương đồng sáng loáng, rồi nồi, chén, đĩa… và cả khung cửi. Tất cả đều có kích thước tí hon vì người Âu Lạc không còn chôn theo người chết những vật dụng thật nữa mà chỉ mô phỏng theo thôi. Trọng Thủy đặt xác Mỵ Châu cùng các đồ tùy táng nhỏ bé vào quan tài đoạn đem chôn dưới chân thành Cổ Loa.

Trọng Thủy thương tiếc Mỵ Châu khôn nguôi, chàng thường trở về nơi nàng trang điểm, tắm gội, tìm kiếm kỷ niệm xưa. Một hôm, chàng đến bên chiếc giếng, nhìn xuống làn nước lăn tăn, bỗng dường như thấy dập dờn hình ảnh Mỵ Châu. Vẫn nhan sắc xưa, vẫn mái tóc mượt mà xưa nhưng ánh mắt lại trách móc buồn bã. Lòng đau xé hối hận, Trọng Thủy liền lao mình xuống giếng tự vẫn.

Đó là cái giếng nằm ở trước đền thờ An Dương Vương, hiện nay vẫn còn. Người đời sau tình cờ lấy ngọc trai ở biển Đông đem rửa ở giếng Trọng Thủy trầm mình thì thấy màu ngọc sáng rực lên. Từ đó đồn đại mãi. Đến nỗi sau này, vào thế kỷ 15, nhà Minh bên Trung Quốc bắt các vua Lê trả nợ đã giết Liễu Thăng bằng cách cống nước giếng Trọng Thủy để họ rửa ngọc. Mãi đến năm 1718, chúa Trịnh Cương sai sứ thần là Lê Công Hãng thương thuyết với nhà Thanh mới bãi được lệ cống ấy.

Người đời sau lập đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa (Hà Nội) và cả trên núi Mộ Dạ (Nghệ An). Đền ở Mộ Dạ được gọi là đền Công hay đền Cuông vì nơi đây chim công sinh sống tụ tập rất đông. Vào năm 1840, thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng sai các quan đến tận đền Công để làm lễ tế và ra lệnh xếp đền An Dương Vương vào hạng mục miếu thờ các vua chúa đời trước.

Nhà thờ An Dương Vương
Tượng đá cụt đầu ở am Mỵ Châu

Ở Cổ Loa còn có am thờ nàng Mỵ Châu, phía sau bức tượng đá hình người cụt đầu tương truyền là xác Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém. Bức tượng Mỵ Châu bị cụt đầu như muốn nhắc nhở muôn đời sau một bài học về sự cả tin, nhẹ dạ.

Như vậy nước Âu Lạc kết thúc vào năm 207 trước Công nguyên, chấm dứt một thời đại lâu dài mà lịch sử gọi là thời đại Hùng Vương. Thời đại này, theo truyền thuyết kéo dài đến 20 thế kỷ.

PHỤ LỤC

THÀNH CỔ LOA

Khi lên làm vua, An Dương Vương hợp nhất hai nhóm dân tộc Tây Âu và Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc. Sau đó, nhà vua cho dời đô từ Phong Châu về Phong Khê và hạ lệnh xây thành Cổ Loa để bảo vệ kinh đô. Thành Cổ Loa xưa tọa lạc tại địa điểm xã Cổ Loa ngày nay, thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

BỐI CẢNH ĐỊA LÝ, XÃ HỘI

Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm vào vị trí trung tâm của đất nước và là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy. Đóá là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn Hoàng Giang. Con sông này qua nhiều thế kỷ bị phù sa bồi đắp nay đã trở thành một con lạch nhỏ, nhưng xưa kia Hoàng Giang là một nhánh lớn quan trọng của sông Hồng nối liền sông Hồng với sông Cầu, con sông lớn nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Như vậy, về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có vị trí vô cùng thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc bộ vào thời ấy, đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ. Qua Hoàng Giang, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc bộ, nếu xuôi sông Hồng thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía Đông Bắc thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận sông Thương và sông Lục Nam.

Phong Khê hồi ấy là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân chúng đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và săn bắn. Việc dời đô từ Phong Châu về đây có ý nghĩa lịch sử quan trọng đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân Việt, đó là giai đoạn người Việt thiên cư từ miền trung du, rừng núi về định cư tại vùng đồng bằng. Việc định cư tại đồng bằng chứng tỏ một bước tiến lớn trong các lĩnh vực kinh tế: trong giao tiếp, trao đổi – con

người dễ dàng đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy; trong nông nghiệp – các cánh đồng bằng phẳng đã được khai thác có quy mô; trong công nghiệp – sự sản xuất các công cụ như cuốc, cày, hái bằng sắt đã tăng tiến.

KỸ THUẬT XÂY THÀNH

Theo sử cũ, thành được xây quanh co chín lớp, chu vi chín dặm, rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình ốc, nên về sau được gọi là Loa thành (“loa” có nghĩa là con ốc). Thành còn có tên nôm là Chạ Chủ(1) và nhiều tên khác như Khả Lũ (“lũ” có nghĩa là quanh co nhiều lớp), Côn Lôn thành (ý nói thành cao như núi Côn Lôn bên Trung Quốc) hoặc Việt Vương thành (thành của xua xứ Việt), dân địa phương gọi bằng tên Nôm là thành Chủ.

Để có đất xây thành, An Dương Vương phải cho dời dân tại chỗ đi nơi khác. Theo truyền thuyết thì làng Quậy(2) hiện nay nguyên vốn ở tại Cổ Loa đã phải dời xuống vùng đất trũng cuối dòng Hoàng Giang để An Dương Vương xây thành(3).

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy ở nước ta”(4).