Tập 5: Nước Âu Lạc

Vào thời Âu Lạc, con người chỉ mới làm quen với một ít kỹ thuật sơ khai, công cụ lao động còn rất thô thiển, ít hiệu quả, tất cả công việc đều do bàn tay con người mà ra. Muốn xây được công trình với “quy mô lớn vào bậc nhất” này, phải có một số lượng khổng lồ đất đào đắp, đá kè và gốm rải, như vậy nhà nước Âu Lạc

hẳn đã phải điều động một số nhân công rất lớn để lao động trong một thời gian rất dài mới có thể hoàn thành được. Các nhà khảo cổ học cho rằng đã phải có đến hàng vạn người làm việc hàng năm cho công trình này(5). Khi xây thành, người xưa đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cao hơn để xây thêm hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh Hoàng Giang để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào, vừa là con đường thủy quan trọng. Chiếc đầìm Cả rộng lớn nằm ở phía đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền bè. Chất liệu chủ yếu được dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ.

Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn, và đá cuội được chở tới từ các miền núi. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đỉnh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Có cái được nung ở nhiệt độ thấp, có cái được nung rất cao gần như sành. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt.

Tường thành phía ngoài được xây dựng đứng để gây khó khăn cho đối phương, còn mặt trong thì được xây thoai thoải để dễ dàng lên xuống.

Cảnh dân Âu Lạc đắp thành Cổ Loa

BA VÒNG THÀNH CỔ LOA

Hiện nay thành Cổ Loa có ba vòng thành, mỗi vòng thành được gọi bằng tên tương đương với vị trí của thành: thành ở trung tâm được gọi là thành Trong (hoặc thành Nội), bao ngoài thành Trong là thành Giữa (hoặc thành Trung). Vòng ngoài cùng được gọi là thành Ngoài (thành Ngoại).

Thành Trong có hình chữ nhật vuông vức và cân đối, nằm theo chính hướng đông – tây – nam – bắc, chu vi 1650m. Thành cao trung bình khoảng 5m, mặt thành rộng từ 6m đến 16m, chân thành rộng từ 20m đến 30m.

Trên mặt thành có đắp các ụ đất nhô ra ngoài rìa thành. Các ụ đất này được gọi là hỏa hồi. Có tất cả 126 hỏa hồi đối xứng với nhau. Mỗi cạnh ngắn của thành có hai hỏa hồi giống nhau, mỗi cạnh dài có bốn hỏa hồi dài ngắn khác nhau. Các hỏa hồi dài được bố trí nằm ở gần góc, ở giữa là hai hỏa hồi ngắn hơn.

Thành Trong chỉ có một cửa trổ ngay chính giữa tường thành phía nam, ắt hẳn là để kiểm soát cho chặt chẽ việc xuất thành, nhập thành.

Thành Trong dùng để bảo vệ khu cung cấm của An Dương Vương. Khu này ngày nay là đất Xóm Chùa, xã Cổ Loa. Nơi đây có đền thờ An Dương Vương và đình Cổ Loa.

Thành Giữa bao bọc thành Trong không có hình dáng rõ rệt vì người xưa đã tận dụng địa hình thiên nhiên bằng cách đắp nối các gò đất cao hoặc đắp men theo bờ của các đầm hồ. Chu vi khoảng 6500m. Chiều cao của thành trung bình từ 6m đến 12m. Đoạn cao nhất là gò Ông Voi ở vào góc đông bắc. Mặt thành rộng không đều, trung bình là 10m. Chân thành rộng gấp hai mặt thành.

Thành Giữa có năm cửa: cửa bắc, cửa tây bắc, cửa tây nam, cửa đông và cửa nam.

Cửa đông còn gọi là cửa Cống Song, đó là một con đường thủy nối đầm Cả với năm con rạch phía trong thành Giữa để cung cấp nước cho vòng hào của thành Trong.

Đặc biệt cửa nam là cửa chung của cả hai thành Giữa và thành Ngoài. Hai bức thành này, khi chạy về phía nam thì được đắp gần nhau và điểm gặp nhau được bố trí thành cửa chung. Đây là một điểm hiếm có trong lịch sử xây thành của Việt Nam. Cửa nam còn được gọi là trấn Nam Môn, là cửa chính và là mặt tiền của thành Cổ Loa nên có hai miếu thờ thần trấn cửa ở ngay trên mặt thành hai bên cửa.

Khu đất nằm giữa thành Giữa và thành Ngoài được dùng làm chỗ ở cho quan lại. Như vậy nhà vua đã được bảo vệ rất kỹ càng.

Thành Ngoài cũng không có hình dáng rõ rệt như thành Giữa. Đây là vòng thành dài nhất, vào khoảng 8.000m. Cao từ 3m đến 4m. Đoạn cao nhất đến 8m, gọi là Gò Cột Cờ. Chân thành rộng từ 12m đến 20m.

Ngoài cửa nam là cửa chung với thành Giữa, thành Ngoài còn có cửa bắc (còn gọi là cửa Khâu), cửa tây nam và cửa đông. Các cửa này được bố trí chéo với các cửa của thành Giữa để gây thêm phần trắc trở cho việc nhập thành.

Cửa đông là con đường nước nối Hoàng Giang với cửa Cống Song để chảy vào thành Trong.

Khu đất giới hạn giữa thành Giữa và thành ngoài là nơi doanh trại của quân đội.

HỆ THỐNG HÀO NƯỚC

Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với Hoàng Giang.

Hoàng Giang được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoài ở về phía tây nam và nam. Phần hào còn lại được đào sát chân tường thành từ Gò Cột Cờ cho đến đầm Cả. Con hào này nối với con hào của thành Giữa ở đầm Cả và Xóm Mít, chảy qua cửa Cống Song nối với năm con lạch có hình dáng như bàn tay xòe, và với một nhánh của con lạch này, nước chảy thông vào vòng hào của thành Trong.

Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở đầm Cả hoặc ra Hoàng Giang và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi. Theo truyền thuyết, An Dương Vương thường dùng thuyền đi khắp các hào rồi ra Hoàng Giang.

Ụ, LŨY

Trong cấu trúc chung của thành Cổ Loa còn có một yếu tố khác làm phong phú thêm tổng thể kiến trúc này. Đóá là những gò đất dài hoặc tròn được đắp rải rác giữa các vòng thành hoặc nằm ngoài thành Ngoài. Ta không biết được có bao nhiêu ụ, lũy như thế, nhưng một số được dân chúng gọi là Dân, Đống Chuông, Đống Bắn… Các ụ lũy này được dùng làm công sự, có nhiệm vụ của những pháo đài tiền vệ, phối hợp với thành, hào trong việc bảo vệ và chiến đấu là một điểm đặc biệt của thành Cổ Loa.

KẾT LUẬN

Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm.

Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một nhân chứng về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Không như buổi đầu của thời đại Hùng Vương khi vua và dân còn cùng nhau đi cày, cùng nhau vui chơi; thời kỳ này không những vua quan đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ ràng và ắt hẳn cũng đã phải có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích của nước ta, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa vô cùng quí báu, một bằng chứng về óc sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở, ngoằn ngoèo, tất cả những điều này làm cho thành Ốc xứng đáng là biểu tượng sinh động cho tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

  1. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại Học và Trung Học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
  2. Làng Quậy nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh.
  3. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, 1971, tr.72. Bùi Thiết, Làng xã ngoại thành Hà Nội, 1985, tr.134.
  4. Đỗ Văn Ninh, Thành Cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1983, tr.28.
  5. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Ủy Ban Khoa Học Xã hội, 1971, tr.70.
  6. Đỗ Văn Ninh, sđd, tr.35. Theo Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thì lại có tất cả 18 hỏa hồi (sđd, tr.203).

LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 5

NƯỚC ÂU LẠC

Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT Biên tập: CÚC HƯƠNG

Biên tập tái bản: TÚ UYÊN Bìa: BIÊN THÙY

Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN Trình bày: BÙI NGHĨA