Tập 10: Họ Khúc dựng nền tự chủ

“Họ Khúc ở Hồng châu (nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là một đại cự tộc, đời đời nối nhau làm hào trưởng. Khởi dựng cơ nghiệp lớn là Khúc Thừa Dụ, người rất nhân ái và khoan hòa, ai ai cũng mến mộ mà theo về.”

(Trích Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sỹ)

Sau khi làm vua được 7 năm, Phùng Hưng mất. Nội bộ họ Phùng có sự chia rẽ. Phùng An lên nối ngôi cha nhưng không thu phục được lòng người. Khi nhà Đường trở lại xâm lấn, Phùng An đã đem thuộc hạ ra quy hàng. Vì vậy đến năm 791, Giao Châu lại lệ thuộc nhà Đường.

Đây là triều đại đô hộ cuối cùng của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta và một số quốc gia khác. Trong các triều đại thành lập bộ máy An Nam Đô hộ phủ (đối với Việt Nam), An Đông Đô hộ phủ (đối với Triều Tiên) thì nhà Đường cai trị lâu dài nhất, khắc nghiệt nhất. Bởi vậy, sau Phùng Hưng, ở Giao Châu có nhiều cuộc nổi dậy, lớn nhất là cuộc nổi dậy do Dương Thanh cầm đầu (819). Nhưng tất cả đều thất bại và bị đàn áp dã man.

Lúc này nhà Đường đã trải qua giai đoạn thiết lập – khẳng định (618-713) và cường thịnh (713-823) mà sử gọi là Sơ điệp và Trung điệp nhà Đường để bước vào giai đoạn suy vong (823-907) tức là thời kỳ Mạt điệp.

Nội bộ triều đình nhà Đường ở Trung Quốc hết sức lục đục, rối ren.

Các vua nhà Đường trong thời Mạt điệp chỉ tin dùng hoạn quan, văn thần võ tướng nhiều công lao đều lần lượt bị đối xử một cách lạnh nhạt. Các vua nhà Đường như Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, Đường Văn Tông… đều do hoạn quan định đoạt với nhau.

Bởi hầu hết các vua thời Mạt điệp đều do bọn hoạn quan lập nên, vì thế bị hoạn quan bức hiếp. Vua Đường đã có lúc phải thốt lên rằng: “Trẫm lâu nay chẳng thể bằng Noãn vương của nhà Chu hay Hiến đế của nhà Hán, bởi vì các vua ấy chỉ bị cường thần hiếp bức, còn trẫm thì bị chính gia nô của mình hiếp bức”. Bấy giờ, có tên hoạn quan dám coi vua Đường chỉ như là một… học trò của mình mà thôi!

Trong lúc chính sự rối ren thì nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc rầm rộ nổi lên, quyết liệt hơn cả là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào. Hoàng Sào đã đuổi vua Đường ra khỏi kinh đô rồi tự lập làm Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đại Tề.

Hốt hoảng trước sức tấn công của đội quân Hoàng Sào, vua Đường Hy Tông bèn cho gọi Lý Khắc Dụng, lúc ấy đang là tù trưởng của người Sa Đà (cư ngụ ở vùng phía bắc Trung Quốc), kiêm giữ chức Tiết độ sứ Đại Đồng, đem quân về cứu nguy. Lý Khắc Dụng đánh lui được quân của Hoàng Sào, nhưng cũng kể từ đó, hắn trở thành kẻ lộng hành. Vua Đường tiếp tục bị bức hiếp như cũ.

Đường Chiêu Tông bàn mưu cùng quan Tể tướng Thôi Dân triệu Chu Toàn Trung đem quân về trị hoạn quan. Chu Toàn Trung vốn là tướng của Hoàng Sào nhưng phản bội về với triều đình và quay lại đánh giết những người theo Hoàng Sào không chút nương tay nên được phong là Tiết độ sứ. Chu Toàn Trung mau chóng đánh bại Lý Khắc Dụng.

Sau đó, Chu Toàn Trung dẫn đại quân về kinh đô. Tất cả bọn hoạn quan từng làm cho triều đình bao phen nghiêng ngửa đều bị giết chết. Nhưng Chu Toàn Trung lại ỷ thế đó để lộng quyền nên Đường Chiêu Tông phải phong cho hắn tước Lương vương.

Oai danh của Chu Toàn Trung ngày một lừng lẫy khiến cho cả triều đình đều phải khiếp sợ. Bá quan chưa kịp đối phó thì Chu Toàn Trung đã giết chết Đường Chiêu Tông và đưa Lý Chúc lên ngôi. Còn hắn tự phong cho mình chức Tể tướng.

Ngay khi vừa tự phong cho mình chức Tể tướng, để tạo thêm vây cánh, Chu Toàn Trung đã ép vua Đường phải phong cho anh ruột của hắn là Chu Toàn Dục chức Tĩnh Hải Tiết độ sứ, tức là chức quan đô hộ cao nhất của Trung Quốc ở nước ta, thay cho kẻ đang giữ chức này là Tăng Cổn.

Chu Toàn Dục là một kẻ bất tài. Bấy giờ có người gọi hắn là “một dạng bò rừng có hai chân”. Nhưng hắn lại rất tham lam và tàn bạo. Làm Tiết độ sứ, hắn đã vơ vét thẳng tay khiến dân ta vô cùng điêu đứng.

Hễ bất cứ ai trái ý mình, Chu Toàn Dục cũng bắt tống giam hoặc chém giết. Bởi lẽ này, hắn được tặng thêm cho biệt hiệu mới là Ngục Thượng thư (vị quan có chức tương đương với Thượng thư, luôn sẵn sàng bắt người tống giam vào ngục). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính Chu Toàn Trung đã phải xin vua nhà Đường… bãi chức anh mình!

Sau khi Chu Toàn Dục bị triệu hồi về kinh đô và bị bãi chức, Độc Cô Tổn được đưa sang làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ. Độc Cô Tổn từng được giữ chức Tể Tướng của nhà Đường nhưng đã bị cách chức và sau đó bị đẩy sang nước ta. Với Độc Cô Tổn, đây thực chất là một chuyến bị đi đày viễn xứ.

Sau đó Độc Cô Tổn bị đày sang đảo Hải Nam cũng là khi Chu Toàn Trung đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch cướp ngôi của nhà Đường. Vì lẽ đó, hắn không sai ai sang đứng đầu bộ máy đô hộ ở nước ta thay cho Độc Cô Tổn nữa. Một khoảng trống hết sức có lợi cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta đã xuất hiện. Nói khác hơn, cơ hội ngàn vàng đã đến.

Vấn đề còn lại là ai có khả năng phát hiện, và quan trọng hơn, có khả năng triệt để tận dụng được cơ hội ngàn vàng này. Lúc này, một sự nhạy bén và thông minh có thể đem lại những thắng lợi to lớn mà tất cả những cuộc khởi nghĩa trước đó không sao giành được.

Bấy giờ, người có công đầu trong việc phát hiện và triệt để tận dụng được cơ hội ngàn vàng là Khúc Thừa Dụ. Ông là người đặt nền móng căn bản đầu tiên cho kỷ nguyên độc lập và tự chủ của nước nhà. Khúc Thừa Dụ chính thức xuất hiện trên vũ đài chính trị của đất nước kể từ năm 905, tức là đúng hai năm trước khi nhà Đường bị diệt vong.

Khúc Thừa Dụ người Hồng châu, nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hiện tại vẫn chưa rõ ông sinh vào ngày tháng năm vào. Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép rất tản mạn của các bộ sử cũ, bước đầu, cũng có thể tạm ước đoán rằng, Khúc Thừa Dụ chào đời vào khoảng đầu những năm sáu mươi của thế kỷ thứ IX, tức là khi mất (năm 907), ông hưởng thọ chừng hơn bốn mươi tuổi.

Theo Ngô Thì Sĩ (tác giả của Việt sử tiêu án) thì bấy giờ ở đất Hồng châu, họ Khúc là một đại cự tộc, có ảnh hưởng xã hội rất to lớn. Bản thân Khúc Thừa Dụ còn là một Hào trưởng, được nhân dân địa phương tin phục. Gia đình Khúc Thừa Dụ giàu có, “đất ruộng rộng mênh mông, tôi tớ nhiều vô kể”.

Các bộ chính sử không hề ghi chép gì về tuổi ấu thơ và thời trai trẻ của Khúc Thừa Dụ, nhưng bộ dã sử mang tên là Bán đại văn (nửa đời nghe) của một nhà Nho chưa rõ họ tên, hiệu là Ớ Vận Tiên sinh, có chép hai mẩu chuyện khá lý thú về quãng đời này của Khúc Thừa Dụ.

Chuyện thứ nhất kể rằng, thời ấy, dân Hồng châu đã có tục chọi trâu. Hàng năm, tục lệ này được tổ chức rất đều đặn và năm nào cũng có đông đảo người nô nức đến xem. Có trâu thắng cuộc là một vinh dự lớn lao, vì thế, làng nào cũng lo chăm chút cho trâu chọi của làng mình. Lắm lúc, họ phải đi lùng mua cho bằng được giống trâu chọi ở những miền rất xa.

Làng của Khúc Thừa Dụ tuy đã nhiều lần cất công đi tìm mua được những con trâu chọi trông rất cường tráng, nhưng, chưa lần nào trâu của làng ông giật nổi giải nhất. Dân làng lấy đó làm điều sỉ nhục. Họ quyết gom thật nhiều tiền, thuê cho bằng được những người buôn trâu tài ba đi mua giúp, nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn.

Thấy mọi người có vẻ buồn phiền vì luôn năm bị thua cuộc, Khúc Thừa Dụ lúc đó mới lên mười, bước tới thưa với cha và các bậc chức sắc trong làng rằng: “Con nghĩ là cứ để cho dân các làng khác hí hửng với những con trâu nhiều phen đoạt giải của họ. Năm nay, nhất định trâu làng ta sẽ thắng. Nhất định là như thế mà!”.

“Cả làng đang lo, không biết tìm đâu ra trâu tốt, cháu biết gì mà chen vào?”. Một người lớn tuổi nói với Khúc Thừa Dụ như vậy. Nhưng Khúc Thừa Dụ vẫn bình tĩnh nói: “Theo con thì chẳng cần tốn công tốn của đi mua trâu tốt làm gì nữa. Mấy con trâu chọi mua về từ năm ngoái đã quá đủ để thắng cuộc rồi. Con xin vì làng mà mạnh dạn hiến kế”.

Cha của Khúc Thừa Dụ ôn tồn bảo: “Trâu chọi cũ mà thắng thì đã thắng từ năm cũ rồi, có đâu lại đợi đến năm nay”. Khúc Thừa Dụ không chút nao núng, nói tiếp rằng: “Thưa cha, trâu cũ mà biết chọi theo cách mới thì nhất định sẽ thắng. Xin cha và dân làng cố giữ bí mật đến cùng thì con mới dám nói cách chọi trâu mới, khiến làng ta nhất định sẽ giật giải”. Mọi người đồng ý.

Khúc Thừa Dụ thưa: “Năm nào mỗi làng cũng đem ra ba con trâu, gồm nhất đẳng, nhị đẳng và tam đẳng. Trâu ở đẳng hạng nào thì chọi với trâu ở đẳng của làng bên thì trâu làng ta thua. Tương tự như vậy, nếu lấy trâu nhị đẳng của làng ta chọi với trâu nhị đẳng của làng bên thì trâu làng ta cũng thua…”.

… “Và nếu lấy trâu tam đẳng của làng ta chọi với trâu tam đẳng của làng bên, thì trâu của làng ta cũng thua nốt. Nhưng trâu nhất đẳng của làng ta lại thắng được trâu nhị đẳng của làng bên, và trâu nhị đẳng của làng ta lại cũng thắng được trâu tam đẳng của làng bên. Cho nên, con xin được bí mật đổi ngược lại…”

“Nay, ta hãy lấy trâu tam đẳng của ta mà chọi với trâu nhất đẳng của làng bên. Dĩ nhiên là trâu làng ta thua và do đó, dân làng bên sẽ rất hí hửng, chủ quan. Sau đó, ta lấy trâu nhất đẳng của làng mình chọi với trâu nhị đẳng của làng bên, lấy trâu nhị đẳng của làng mình mà chọi với trâu tam đẳng của làng bên. Hai trận sau ta thắng, tức là rốt cuộc, ta đã thắng.”

Bấy giờ, ai cũng cho ý kiến của cậu bé Khúc Thừa Dụ là diệu kế. Và quả y như rằng, năm ấy, trâu của làng Khúc Thừa Dụ giật giải. Cả làng không ai là không vui. Sau chuyện này, ai cũng cho rằng mai sau, Khúc Thừa Dụ sẽ là đấng kỳ tài trong thiên hạ, có thể nhìn thấy trước các việc khi chưa xảy ra, trăm họ sẽ được nhờ ơn không phải là ít.

Chuyện thứ hai kể rằng, bấy giờ, Khúc Thừa Dụ đã là một thanh niên cường tráng, và được nối nghiệp làm Hào trưởng. Ông thường tìm cách chiêu nạp hào kiệt và tráng sĩ bốn phương, tất cả đều mượn danh nghĩa là gia khách của Khúc Thừa Dụ để che mắt bọn đô hộ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Giặc đánh hơi được tin này, bèn bất ngờ sai một nhóm quân sĩ, mượn tiếng viếng thăm nhà Hào trưởng họ Khúc để kiểm nghiệm thực hư. Khúc Thừa Dụ nắm trước được ý đồ đó. Có người khuyên ông nên tung quân đánh phủ đầu, diệt cho sạch bọn cả gan lần mò tới nơi nghĩa sĩ đang luyện tập, rồi nhân đó, quét sạch quân giặc ra khỏi cõi bờ, nhưng ông chỉ mỉm cười.

Thế rồi ông gọi những người thân tín lại mà nói: Nay, giặc tuy yếu nhưng sức ta cũng chưa mạnh, đánh thắng một trận nhỏ chẳng đủ bù cho thất bại to sau này, vì thế, ta nên làm thế này, thế này… Mọi người nghe ông nói xong, đều thích chí cười ha hả. Bản thân Khúc Thừa Dụ cũng cười rung cả người lên.