Tập 10: Họ Khúc dựng nền tự chủ
Để đề phòng nguy cơ xâm lăng của Nam Hán, Khúc Thừa Mỹ đã cho sứ giả sang nhà Hậu Lương, vừa dâng lễ vật và xin nạp cống phẩm, vừa tâu xin được lãnh tiết việt. Bấy giờ, ngay cả vùng phía nam Trung Quốc, nhà Hậu Lương cũng không còn khả năng kiểm soát được nữa, huống hồ là đất nước ta.
Khúc Thừa Mỹ muốn thần phục nhà Hậu Lương để gây thêm thanh thế trong cuộc bang gia với Nam Hán. Hậu Lương tuy chẳng thể giúp ích gì được cho Khúc Thừa Mỹ, song, vẫn trao tiết việt cho Khúc Thừa Mỹ và phong Khúc Thừa Mỹ là Tiết độ sứ. Đây là cái bắt tay hài hước giữa kẻ bạc nhược với người yếu ớt.
Muốn đến nhà Hậu Lương, hiển nhiên, sứ giả Khúc Thừa Mỹ phải đi qua đất của Nam Hán. Nhưng, cứ mỗi lần đi qua, thay vì giữ sự thân thiện, họ lại mắng chửi triều đình Nam Hán là “ngụy triều”, là “loạn tặc”. Điều này khiến cho Nam Hán càng thêm tức tối, chỉ muốn gấp đưa quân sang đánh nước ta để rửa nhục.
Điều cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất là tập hợp và động viên sức mạnh cũng như trí tuệ của nhân dân cả nước vào sự nghiệp chống xâm lăng thì Khúc Thừa Mỹ lại không làm được. Khúc Thừa Mỹ gần như trở nên đơn thương độc mã trước quân Nam Hán xâm lăng, và đấy chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại của ông.
Năm 928, sau khi đánh bại được quân Hậu Sở (vùng Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay), thanh thế của Nam Hán trở nên rất lừng lẫy. Tháng 10 năm 930, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm sai các tướng Lý Thủ Dung và Lương Khắc Trinh đem quân sang đánh nước ta. Chúng tiến nhanh như thể đi vào chỗ không người.
Chỉ một cuộc hành quân chớp nhoáng, Nam Hán đã bắt sống được Khúc Thừa Mỹ cùng toàn bộ những người cộng sự của ông. Giặc còn nhân đà thắng lợi này, tiến quân vào tận Chiêm Thành, cướp bóc của cải rồi mới chịu kéo về. Nam Hán cử Lý Tiến sang làm quan đô hộ nước ta. Tướng Lương Khắc Trinh làm phó đô hộ.
Sử Trung Quốc chép rằng, khi bị trói giải sang Nam Hán, Khúc Thừa Mỹ bị Lưu Nghiễm tìm cách hạ nhục. Hắn hỏi: “Thường ngày ngươi vẫn nói ta là ngụy triều, nay lại bị quân ta trói quặt tay lại như vậy, nghĩa là thế nào?”. Sau, Khúc Thừa Mỹ buộc phải đầu hàng vua Nam Hán và sống ở bên đó cho đến hết đời.
Như vậy là sau 25 năm tồn tại, đến đây, chính quyền độc lập và tự chủ do họ Khúc tạo dựng đã bị quân Nam Hán phá hủy. Thử thách lịch sử mới đối với dân tộc ta lại bắt đầu. Họ Khúc không còn nắm quyền điều khiển vận mệnh quốc gia nữa, nhưng, xu hướng mà họ Khúc đã vạch ra là không thể đảo ngược được. Từ đây, nhân dân ta bắt đầu những cuộc chiến đấu mới hơn, nhằm kế tục sự nghiệp và tái khẳng định xu hướng độc lập và tự chủ vốn có từ họ Khúc.
“… Đặc biệt, thôn Cúc Bồ còn nhiều chứng tích xa xưa là quê Khúc Thừa Dụ. Đình Cúc Bồ thờ hai vị thành hoàng là Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo với tên đình là “Khúc linh từ”. Các cụ ở Cúc Bồ cho biết: Làng Cúc Bồ xưa có hai đình thờ các cụ tổ họ Khúc. Đình lớn thờ Khúc Thừa Dụ có 7 gian, 2 giải vũ là một công trình kiến trúc lớn. Đình có nhiều hoành phi, đại tự, câu đối, nhiều bia đá ghi sự nghiệp của các cụ họ Khúc. Và cũng theo các cụ ở Cúc Bồ thì xưa kia còn ngôi mộ tương truyền là mộ của Khúc Thừa Dụ. Tiếc rằng công trình kiến trúc này đã bị chiến tranh tàn phá. Ngôi mộ hình cũi dưới có 36 cây gỗ lim xếp vuông cũng đã bị khai quật đem đi, chưa biết kết quả nghiên cứu thế nào. Ngoài ngôi đình thờ Khúc Thừa Dụ, còn một đình nhỏ hơn Khúc Hạo. Trong thời gian giặc Pháp chiếm đóng, nhờ nhân dân tranh chấp với địch đã kịp dỡ và giấu đi để sau hòa bình kịp đem dựng lại trên nền đình lớn để thờ hai cha con Khúc Hạo. Đình ngày nay tuy mất mát nhiều tư liệu song cũng còn đủ những chứng tích quý, khẳng định đây là đình thờ họ Khúc. Đồ tế tự của ngôi đình còn giữ lại được là thần hiệu, thần chủ, khám thờ, mũ thờ, kiệu, bát hương cổ. Nhân dân Cúc Bồ còn nhớ được một đôi câu đối ở đình trong xưa và một đôi câu đối ở cổng rất có giá trị.
Đôi câu đối ở đình trong:
Thánh đế lại vương lưu vạn phúc Tam tiên minh chúa tối linh từ.
Đôi câu đối dán ở cổng đình xưa:
Phong vũ bất khả xâm Đông Tây bất khả phạm.
Đôi câu đối ở đình khẳng định tên đình và các vị thành hoàng là tổ họ Khúc. Đôi câu đối dán ở cổng sâu sắc cả về nghĩa đen, nghĩa bóng và có giá trị như một tuyên ngôn của dân tộc ta từ ngàn xưa để lại”.
Trích bài “Bước đầu tìm hiểu về họ Khúc ở Hồng Châu”, Khúc Thừa Đại, tạp chí “Xưa Nay”, số 53B tháng 7 năm 1998.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tài liệu Trung Quốc:
- Đường thư
- Lịch sử Trung Quốc năm ngàn năm
- Tài liệu Việt Nam:
- Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ)
- Đại Việt sử lược
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tiền biên)
- Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sỹ
- Bán đại văn – Ớ vận tiến sinh (chữ Nôm)
- Đại Nam nhất thống chí
LỊCH SỬ VIỆT NAM BẰNG TRANH TẬP 10
HỌ KHÚC DỰNG NỀN TỰ CHỦ
Trần Bạch Đằng chủ biên
Nguyễn Khắc Thuần biên soạn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN MINH NHỰT
Chịu trách nhiệm nội dung: NGUYỄN THẾ TRUẬT
Biên tập: CÚC HƯƠNG – LIÊN HƯƠNG
Biên tập tái bản: TÚ UYÊN
Bìa: BIÊN THÙY
Sửa bản in: ĐÌNH QUÂN
Trình bày: VŨ PHƯỢNG