Tập 11: Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán

“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.”

Đại Việt sử ký toàn thư

Ngô Quyền là người làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cha là thứ sử Ngô Mân, một Hào trưởng có uy tín và giỏi võ nghệ ở địa phương. Một hôm mẹ Ngô Quyền nằm mơ thấy một con đại bàng trắng từ trên cây lao vút xuống người bà, bà giật mình tỉnh thức và sau đó là thụ thai ông.

Năm 898, tương truyền khi Ngô Quyền sinh ra, có ánh sáng lạ đầy nhà, hương bay thoang thoảng và chim về ca hát líu lo. Cũng theo tương truyền, Ngô Quyền sinh ra tướng mạo khác thường, khôi ngô tuấn tú, mặt vuông mắt sáng. Đặc biệt, trên lưng có ba nốt ruồi rất lạ.

Lúc bấy giờ có một ông thầy tướng số râu tóc bạc phơ, tướng mạo ung dung, nức tiếng thông thái cả một vùng Ái châu rộng lớn, nhân đi ngang qua, nhìn ngắm Ngô Quyền, rồi nói với thứ sử Ngô Mân: “Nhà ông vừa sinh được một quý nhân, thằng bé có cốt cách hơn người và có phước lớn quy tụ, ắt ngày sau sẽ là bậc anh hào giúp dân cứu nước”.

Ngô Quyền lớn lên trở thành một thanh niên có thân thể cường tráng, trí tuệ xuất chúng. Sử cũ miêu tả ông “vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao”.

Nối chí của cha, Ngô Quyền rất chăm học võ nghệ. Những đêm trăng sáng, ông thường rủ đám trai làng tập võ suốt đêm. Võ nghệ ông cao cường, song tính tình khoan hòa nên ai cũng mến mộ.

Đường Lâm là một xã trung du có rất nhiều rừng rậm nên săn bắn là một tập tục, một lễ hội và là một thú vui của dân làng. Giống như những trai tráng trong làng, Ngô Quyền rất say mê săn bắn. Ông có tài bắn bách phát bách trúng. Vào mỗi mùa săn, ông dẫn đầu trai tráng trong làng đua tài săn bắn với làng bên và bao giờ cũng mang thịt thú rừng cùng những phần thưởng từ cuộc thi tài về cho làng của mình.

Ngô Quyền là người có hiếu nghĩa với cha mẹ. Cha ông là một Hào trưởng ở địa phương, và cũng là một bộ tướng của họ Khúc cùng thời với Dương Đình Nghệ, luôn truyền cho ông ý hướng chống giặc ngoại xâm phương Bắc và thống nhất giang sơn một cõi yên vui.

Đặc biệt, Ngô Quyền là người quảng bác, ưa kết giao nên bạn bè của ông rất đông. Nhiều người ở miệt núi cao hay ở những vùng biển xa nghe tiếng cũng tìm đến. Và, trong tiếng trống đồng ngày hội lễ hay trong một mùa săn nô nức hoặc trong những buổi tập võ nghệ say mê, quanh Ngô Quyền bao giờ cũng có đông đảo trai tráng và bè bạn gần xa.

Giúp đỡ kẻ yếu đuối, ra tay nghĩa hiệp là việc làm thường xuyên của Ngô Quyền và bè bạn. Có lần gặp bọn cậy quyền cậy thế, bắt cóc đàn bà con gái, tiếng khóc than, la hét vang dậy một góc chợ. Ngô Quyền phẫn nộ nhảy vào đâm chết tên suất đội tàn ác. Từ đó tiếng tăm của ông lại càng lan rộng khắp nơi.

Ngô Quyền lớn lên trong bối cảnh họ Khúc đã ba đời dựng nền tự chủ (Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo và Khúc Thừa Mỹ). Họ Khúc xây dựng đất nước, thống nhất các Hào trưởng địa phương bằng sự “khoan dung, giản dị” để “nhân dân đều được yên vui”. Thứ sử Ngô Mân và Ngô Quyền đều tham gia xây dựng chính quyền họ Khúc, lấy tự do và hạnh phúc của nhân dân làm trọng.

Nhưng khi Khúc Thừa Mỹ thay cha là Khúc Thừa Hạo làm Tiết độ sứ thì Nam Hán, một tiểu triều đình cát cứ ở Quảng Châu, Trung Quốc, bắt đầu cường thịnh và đang ra sức bành trướng. Năm 930, Nam Hán đem một lực lượng quân thủy bộ hùng mạnh xâm lược nước ta.

Khúc Thừa Mỹ trước đây chỉ lo dựa vào uy thế đã rệu rã của triều đình Hậu Lương mà không lo tập họp binh lực trong nước. Nay bị tấn công, ông mới nhặt nhạnh vội vã một số quân đem ra chống cự, một mặt cho người triệu tập các Hào trưởng địa phương đem quân ứng cứu. Khi Ngô Quyền nghe tin, đem quân Đường Lâm đến thì đã quá trễ, thành Đại La bị thất thủ, lửa cháy ngút trời và Khúc Thừa Mỹ đã bị bắt đem về Quảng Châu.

Quân Nam Hán thiết lập lại nền thống trị, cử Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu có tướng Lương Khắc Trinh giúp sức cùng giữ thành Đại La và bắt đầu đặt lại nền đô hộ hà khắc và cướp bóc lên đất nước ta.

Nhưng quân Nam Hán chỉ thống trị được vùng châu thổ sông Hồng. Từ đèo Ba Dội (Tam Điệp) trở vào, cả một vùng rộng lớn của châu Ái (Thanh Hóa), châu Hoan (Nghệ Tĩnh) thì đều do các Hào trưởng địa phương và các bộ tướng cũ của họ Khúc nắm quyền kiểm soát. Nhân dân ở đây đang sôi sục ý chí căm thù, tích trữ lương thực, luyện võ nghệ để chờ ngày khởi binh rửa hận.

Lúc bấy giờ, ở lò võ làng Ràng (xã Dương Xá, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã hình thành một trung tâm kháng chiến khá mạnh. Người đứng đầu trung tâm này là một trong những bộ tướng cũ của họ Khúc. Ông tích thảo dồn lương, chiêu mộ nghĩa sĩ để chuẩn bị đại sự cho nước nhà.

Dương Đình Nghệ nuôi trong nhà 3000 nghĩa tử (con nuôi), ngày đêm luyện tập võ nghệ, kiếm cung cùng cách bố trí trận mạc. Ông dùng tình nghĩa để chinh phục mọi người, chào đón những người nghĩa hiệp, đồng thời tổ chức chặt chẽ đội ngũ để chuẩn bị một trận quyết chiến với quân xâm lược Nam Hán.

Làng Ràng của Dương Đình Nghệ trở thành nơi hội tụ anh hào. Hào kiệt ở khắp nơi đều đem gia tướng, nghĩa binh về tụ nghĩa dưới cờ của Dương Đình Nghệ mong có ngày đánh đuổi quân xâm lược giành lại quyền tự chủ cho dân tộc mà họ Khúc đã gầy dựng nên.

Trong số những người anh hùng đó có Đinh Công Trứ, một Hào trưởng vùng Trương Châu (Ninh Bình) đem gia thuộc đến tụ nghĩa. Ông là người trung thực, khẳng khái và có tài thao lược nên được Dương Đình Nghệ tin tưởng giao cho đi trấn giữ Hoan châu.

Ngô Quyền đau xót trước cảnh bạo ngược của quân Nam Hán cũng rong ruổi từ vùng Đường Lâm về theo Dương Đình Nghệ, bạn đồng liêu của cha mình. Con người khôi ngô tuấn tú, giỏi võ và có nhiều mưu lược này được Dương Đình Nghệ rất yêu mến và nghĩa quân quí trọng.

Trong những bộ tướng của Dương Đình Nghệ có một người mặt mày dữ tợn, râu quai nón tua tủa, dáng người cộc cằn, đôi mắt trắng lộ rõ dã tâm. Đấy là Kiều Công Tiễn, một Hào trưởng ở châu Phong. Kiều Công Tiễn theo Dương Đình Nghệ từ những ngày đầu và có sức mạnh vô địch nên Dương Đình Nghệ tin tưởng giao cho nhiều trọng trách.

Đêm rằm hàng tháng, trong doanh trại nghĩa quân thường mở hội tỷ thí võ công để tranh tài cao thấp. Kiều thách Ngô Quyền thi đấu với điều kiện ai thắng sẽ được hỏi Dương Nhi làm vợ. Đêm hôm đó, dưới sự chứng kiến của Dương Đình Nghệ, Dương Nhi và các anh hùng nghĩa sĩ, Kiều Công Tiễn đã ra những đòn độc tới tấp để quyết hạ Ngô Quyền. Nhưng Ngô Quyền vẫn ung dung đón đỡ và bằng một đòn gia truyền đã quật ngã và hạ gục đối phương.

Kiều Công Tiễn thấy Ngô Quyền mới đến mà được Dương Đình Nghệ yêu mến và các tướng sĩ nể phục thì đem lòng ganh ghét và căm tức. Vả lại Kiều rất say mê Dương Nhi, người con gái thùy mị nết na và xinh đẹp của Dương Đình Nghệ, song Dương Đình Nghệ mãi chưa chịu gả còn Dương Nhi càng có ý quyến luyến với Ngô Quyền.

Từ đó, Dương Đình Nghệ càng tin tưởng Ngô Quyền. Ông gả con gái cho Ngô Quyền, giữ Ngô Quyền lại làm tướng lệnh dưới trướng và cho chỉ huy một đội quân chủ lực.

Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, mặc dù được chúa Nam Hán lấy lòng bằng cách giao cho coi giữ châu Ái, tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ đã ồ ạt tiến quân ra Giao châu, bao vây thành Đại La.

Dưới sự chỉ huy của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền hô quân công phá thành dữ dội, quân địch trong thành tan vỡ, tướng giặc Lương Khắc Trinh bị giết chết trong đám loạn quân. Tên thứ sử Lý Tiến theo đám tàn quân trốn chạy về nước nhưng hắn cũng không thoát khỏi cái chết nhục nhã: bị triều đình Nam Hán xử tử vì tội hèn nhát.

Từ bên kia biên giới, triều đình Nam Hán vội vã sai Thừa chỉ Trình Bảo đem quân sang nước ta cứu viện. Viện quân địch bao vây lại thành Đại La để dồn ép và tiêu diệt quân ta. Nhưng Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền đã kịp thời chia quân làm hai cánh xông ra ngoài thành đánh ép lại. Quân địch rối loạn, tan vỡ, tướng Trình Bảo bị giết chết, đạo quân tiếp viện bị tiêu diệt hoàn toàn.

Thế là quân ta đại thắng, quân Nam Hán bị thất bại thảm hại. Nước ta lại một lần nữa giành được quyền tự chủ, nhân dân được tự do định đoạt vận mạng của mình. Cờ nghĩa lại bay phất phới trên thành Đại La.

Dương Đình Nghệ, người anh hùng dân tộc, tự xưng là Tiết độ sứ, đứng ra lãnh đạo đất nước. Ông cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan châu và Ngô Quyền phụ trách Ái châu.

Ngô Quyền dẫn quân về trấn trị Ái châu, khoan hòa nhân ái, giảm bớt thuế khóa, lực dịch; vừa chăm lo canh tác, vừa rèn luyện quân lính để phòng khi hữu sự. Cả một vùng Ái châu rộng lớn đều giữ vững an ninh, người người no đủ. Khắp nơi mọi người đều yêu mến con người anh hùng và tài trí này.

Không bao lâu sau, tháng 4 năm 937, Kiều Công Tiễn với dã tâm phản trắc có sẵn, đã giết chết Dương Đình Nghệ tự lập mình lên làm Tiết độ sứ.

Ngô Quyền và các tướng sĩ ở Ái châu nghe tin đều tiếc thương người anh hùng có công đánh đuổi quân Nam Hán giành quyền tự chủ cho dân tộc kế tục xứng đáng sự nghiệp mà họ Khúc đã tạo dựng. Ngô Quyền vừa là tướng vừa là con rể của Dương Đình Nghệ nên không chỉ đau xót mà còn vô cùng tức giận. Ông cùng các tướng sĩ ở Ái châu lập bàn hương án để tế Dương Đình Nghệ và thề quyết trả mối hận thù này.

Kiều Công Tiễn sau khi mưu hại Dương Đình Nghệ bị các Hào trưởng bất bình xa lánh, tướng sĩ không phục, nhân dân căm ghét, lại sợ thế lực của Ngô Quyền ở Ái châu nên đã đê hèn đầu hàng và cầu cứu quân Nam Hán. Thế là từ việc làm bất nghĩa, Kiều Công Tiễn đã trở thành tên bán nước.

Vua Nam Hán mừng rỡ cho đây là dịp tốt để xâm lược và nô dịch nước ta lần thứ hai vừa để bành trướng thế lực vừa trả mối hận thù năm xưa. Tin rằng với binh hùng tướng mạnh lại có lực lượng nội ứng của Kiều Công Tiễn, thắng lợi chắc chắn sẽ nắm trong tay, vua Nam Hán cho mở yến tiệc để ăn mừng và bàn việc tiến binh.

Nhưng quan lại trong triều lại tỏ ra dè dặt, có người khuyên vua Nam Hán nên thôi binh để dưỡng sức chờ thời cơ. Có người như Sùng Văn hầu Tiêu Ích nói: “Hiện nay mưa dầm hàng tuần mà đường biển thì hiểm trở xa xôi. Ngô Quyền là người kiệt hiệt, chớ nên coi thường. Đại quân đi nên cẩn thận, chắc chắn. Dùng nhiều kẻ dẫn đường rồi sau hãy tính”.