Tập 11: Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán
Vua Nam Hán đích thân đề ra kế hoạch tiến binh. Y phong cho con trai là Lưu Hoằng Tháo làm Giao vương thống lĩnh một đội thủy binh hùng mạnh vượt biển, mượn tiếng giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền song thực chất là xâm lược nước ta.
Còn vua Nam Hán tự mình làm tướng soái dẫn một đội hậu binh đông đảo, cờ xí rộn ràng đến đóng ở trấn Hải Môn (phía tây nam huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) sát biên giới nước ta để gây thanh thế và kịp thời chi viện khi cần thiết.
Lúc bấy giờ, Ngô Quyền trở thành ngọn cờ qui tụ mọi lực lượng yêu nước. Bộ sử ca cổ thế kỷ XVII, Thiên Nam Ngữ Lục có ghi:
“Bảo nhau dắt trẻ phù già,
Bỏ chưng Công Tiễn về nhà Ngô Vương. Dưới cờ cả bé khóc thương,
Nguyện xin trả nghĩa họ Dương cho tuyền. Chúng tôi sức bé tài hèn,
Chồng nguyện quẩy vác, vợ nguyền đem cơm. Giúp công quét sạch giang sơn,
Uyển thành chuyển chủ mới yên lòng hờn”.
Lòng dân ở các châu Ái, Hoan và cả ở châu Giao Giao đều hướng về theo Ngô Quyền. Các Hào trưởng hùng mạnh và nổi tiếng như Lã Minh ở Liễu Chữ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Phạm Bạch Hổ ở Ngọc Đường (Kim Động, Hưng Yên), Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Nội), Phạm Chiêm ở Nam Sách (Hải Dương), Đinh Công Trứ ở Hoa Lư (Ninh Bình)… đều đem quân về theo Ngô Quyền, quyết trừng phạt tên phản bội và phá tan quân Nam Hán.
Đặc biệt, trong số này có Kiều Công Hãn là cháu của Kiều Công Tiễn cũng căm tức hành vi phản bội của Tiễn, mang quân về phía chính nghĩa của dân tộc. Ông được Ngô Quyền an ủi, tin tưởng cho cùng các tướng bàn bạc việc quân.
Với kế hoạch trước trừ nội phản sau diệt ngoại xâm, sau một thời gian chuẩn bị, vào đầu mùa đông năm 938, đạo quân của Ngô Quyền lớp lớp vượt đèo Ba Dội tiến quân ra bắc tiến công thành Đại La. Trước sức mạnh như vũ bão và lòng căm hờn sâu sắc của dân quân, thành Đại La bị phá nhanh chóng.
Kiều Công Tiễn đêm ngày ngóng chờ quân Nam Hán không ngờ lại phải “đón tiếp” quân của Ngô Quyền. Y hốt hoảng hô quân chống đỡ. Nhưng chủ tướng không minh thì quân chẳng mấy hồi mà rã, cuối cùng, Kiều Công Tiễn đã bị Ngô Quyền bắt sống.
Và tên bất nghĩa đối với chủ tướng, tên đầu hàng ngoại bang phản bội lại dân tộc Kiều Công Tiễn đã bị đưa lên mặt thành chém đầu. Nỗi oan của chủ tướng Dương Đình Nghệ đã được giải, mối họa bên trong đã được trừ, lòng dân càng phấn khởi hướng về Ngô Quyền nguyện cùng ông giết giặc.
Ngô Quyền họp các tướng tá bàn rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe được tin Công Tiễn bị giết chết, không còn người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được. Song chúng lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chẳng thể biết được…”
Sau đó Ngô Quyền cùng bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển đông bắc khẩn trương chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Các vùng thuộc hạ lưu sông Bạch Đằng từ Binh Kiều, Hạ Đoan tới Lương Khê(*) đều là chỗ đóng quân của Ngô Quyền. Đặc biệt, Ngô Quyền còn cho đắp thành Lương Xám(**) để đóng đại bản doanh. Đây là một thành đất hình vành kiệu nên nhân dân còn gọi là thành Vành Kiệu. Thành có chu vi 1.700m, bề mặt rộng 1m có nơi rộng 7m cao khoảng 0,8m, chỗ cao nhất là 1,6m. Chính giữa là đài quan sát và chỉ huy của Ngô Quyền.
(*) (**) Đều thuộc huyện An Hải – Hải Phòng
Trước sự xâm lược của quân Nam Hán, Ngô Quyền trở thành ngọn cờ của các lực lượng yêu nước chống ngoại xâm. Truyền thuyết dân gian còn ghi chuyện 38 chàng trai làng Gia Viên (Hải Phòng) tự vũ trang dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận xin theo Ngô Quyền giết giặc.
Trai tráng các làng Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đằng Châu (Kim Động, HưngYên), người mang vũ khí, kẻ mang chiến thuyền, người mang lương thực… lũ lượt kéo nhau đến với Ngô Quyền xin đầu quân đánh giặc.
Có ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả là những người giỏi võ ở Hoàng Pha (Hoàng Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ông tổ họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng) là một Hào trưởng khẳng khái cũng chiêu mộ dân binh kháng chiến dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền.
Bộ chỉ huy của Ngô Quyền ngày càng đông đảo những tướng tâm huyết và tài giỏi. Đó là tướng Ngô Xương Ngập con cả của Ngô Quyền, Dương Tam Kha con của Dương Đình Nghệ và là em vợ của Ngô Quyền, Đỗ Cảnh Thạc là Hào trưởng vùng Đỗ Động… Tất cả một lòng đánh đuổi quân Nam Hán giành lại quyền tự chủ cho giang sơn.
Đặc biệt, trong bộ tướng của Ngô Quyền có một nữ tướng xinh đẹp, dịu dàng nhưng rất cương quyết, cứng cỏi. Đó là nữ tướng Dương Phương Lan – người vợ và người bạn chiến đấu của Ngô Quyền, quê ở bên bờ sông Đáy (Chương Mỹ, Hà Nội). Họ đã gặp nhau ở cầu Ba Trăng khi Ngô Quyền từ Đường Lâm vào châu Ái theo Dương Đình Nghệ. Cảm phục nhau vì tài, lại cùng chí hướng họ đã yêu nhau và lấy nhau trước khi Ngô Quyền làm rể Dương Đình Nghệ.
“Như ai đã hẹn ai đâu,
Qua miền Thượng Phúc, tới cầu Ba Trăng…”
(Thiên Nam Ngữ Lục)
Sau khi xem xét kỹ địa thế, Ngô Quyền chọn vùng cửa sông Bạch Đằng để đánh quân Nam Hán. Bạch Đằng Giang còn có tên là sông Rừng. Đây là vùng cửa sông hiểm trở có sóng bạc đầu vây phủ quanh năm. Ca dao có câu:
“Con ơi nhớ lấy lời cha,
Gió to sóng cả đừng qua sông Rừng!”
Sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Bộ sử Cương mục mô tả: “Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến”.
Trước cửa sông Bạch Đằng về phía bắc, là những đảo nhỏ từ phía Hạ Long kéo tới. Hai bên bờ sông là những cánh rừng bạt ngàn, thuận tiện làm chỗ dấu quân phục kích, vì thế mới có những tên sông, tên đất như: sông Rừng, bến đò Rừng, xóm Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng… còn lưu lại đến ngày nay.
Trên vùng sông biển mênh mông này, Ngô Quyền với sự đoàn kết ý chí của toàn dân và bằng mưu trí xuất chúng đã lập một thế trận lợi hại để chủ động phá giặc. Ông huy động đông đảo dân quân, trai tráng vào rừng chặt cây, vót nhọn, đầu bịt sắt.
Chờ khi nước triều rút, ông cho người đem cọc đóng xuống lòng sông tạo thành bãi cọc dày đặc. Trận địa cọc này là một bãi chướng ngại vô cùng lợi hại. Khi thủy triều lên thì bãi cọc ngập chìm dưới nước nhưng khi thủy triều xuống thì bãi cọc nhô lên cản trở thuyền buồm qua lại.
Lợi dụng địa hình thiên nhiên và trận địa cọc, quân thủy bộ dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền, bố trí mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, có lẽ trong khoảng hạ lưu và trung lưu sông Bạch Đằng, dấu quân trong các nhánh sông và trên hai bờ sông.
Dương Tam Kha chỉ huy đạo quân phục bên tả ngạn dòng sông. Ông cho quân ẩn núp trên các đảo nhỏ và rừng cây xung quanh, chuẩn bị cung nỏ và thuyền bè, chờ khi có hiệu lệnh sẽ cho quân đổ ra đánh vào sườn quân địch và chặn đường rút lui của chúng.
Hai tướng Ngô Xương Ngập và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bên hữu. Hai tướng bàn nhau gom quân thủy bộ làm một, mai phục trải dài trong cánh rừng trên bờ sông sát bãi cọc và bố trí một trận địa tên ba lớp dày đặc quyết nhấn chìm quân giặc dưới lớp sông sâu.
Ngô Quyền giữ một đạo quân mai phục mạnh ở phía thượng lưu làm nhiệm vụ chặn đầu không cho quân địch tiến sâu vào nội địa nước ta và chờ khi nước xuống đánh vỗ mặt vào đội binh thuyền của giặc. Đạo quân này sẽ giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng chủ chốt của giặc bảo đảm thắng lợi của trận đánh.
Người thanh niên làng biển Nguyễn Tất Tố, vốn giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước được giao nhiệm vụ dẫn một đội quân nhẹ vài chục chiếc thuyền nhỏ, chờ khi nước triều lên, dẫn quân nhẹ vài chục chiếc thuyền nhỏ, chờ khi nước triều lên, dẫn quân khiêu chiến, nhử địch đi theo thế trận đã dàn sẵn.
Lúc bấy giờ, Hoằng Tháo đã vượt biển từ Quảng Châu chuẩn bị vào cửa Bạch Đằng, đang mùa gió heo may, tuy thuận buồm xuôi gió nhưng cũng mất khoảng mười ngày. Quân sĩ đã mỏi mệt lại nghe tin Kiều Công Tiễn bị giết nên đâm ra hoang mang, dao động. Tuy vậy, cậy quân đông thuyền lớn, Hoằng Tháo vẫn từ từ tiến quân.
Trước tiên, thủy quân của Nguyễn Tất Tố đón đánh đội tiền binh của địch, nhằm kiềm chế, tiêu hao và nghi binh dụ địch. Thấy quân ta ít, trang bị thô sơ, Hoằng Tháo đắc thắng xua quân đánh mạnh. Khi nước triều lên to ngập trận địa cọc, quân ta giả thua rút chạy.
Lưu Hoằng Tháo – tên tướng trẻ kiêu ngạo và là con của vua Nam Hán, thấy quân ta rút chạy, vội vã thúc đại quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc tiến sâu vào ổ mai phục của ta.
Chờ đến khi nước triều xuống, trận địa cọc nhô lên, Ngô Quyền ra lệnh tổng phản công toàn diện. Ngô Quyền dẫn đạo quân chủ lực phục sẵn, ào ra, bất ngờ đánh xuống chặn đầu quân Nam Hán. Quân địch bị tấn công bất ngờ, đâm ra rối loạn, mất ý chí chiến đấu, đánh cầm chừng rồi bỏ chạy.
Nhưng vừa tới cửa sông, đạo quân của Lưu Hoằng Tháo sa vào trận địa cọc; thuyền lớp bị cọc đâm lủng, lớp bị dồn lại kẹt cứng không sao thoát ra biển được. Quân Nam Hán vô cùng hoảng loạn, nhiều tên nhảy xuống sông hòng bơi lên bờ chạy trốn.
Lúc đó đội thủy quân của Ngô Quyền truy kích đến nơi, xáp vào quyết chiến một trận kinh hồn. Quân giặc lớp bị giết, lớp bị thương, lớp rơi xuống sông vướng vào cọc nhọn kêu la, than khóc đầy trời.
Hai bên bờ sông, các đạo phục binh của Ngô Xương Ngập, Đỗ Cảnh Thạc và Dương Tam Kha xuất hiện bắn tên xối xả vào đội hình quân địch. Các nghĩa binh tỉa bắn cả những tên đang bơi lóp ngóp dưới nước khiến không một tên nào thoát được lên bờ. Quân Nam Hán lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, đành đứng làm bia cho các mũi tên của quân dân Việt.
Sau trận mưa tên, Ngô Xương Ngập và Dương Tam Kha hô quân đánh thúc vào hai bên sườn của đại quân Hoằng Tháo. Quân ta ba mũi giáp công, chặn bít mọi ngả đường rút lui của địch, quyết tâm đánh nhanh diệt gọn trước khi thủy triều lên để không tên nào có thể trốn thoát.
Lưu Hoằng Tháo chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì đã bị trúng tên ở lưng và bị một tướng trẻ của ta nhảy qua thuyền chỉ huy của y giết chết. Thế là hết đời một tên xâm lược đang mộng làm Giao vương nghĩa là vua của Giao Châu, hòng kéo dài thời kỳ Bắc thuộc trên đất nước ta.
Như vậy, phần lớn đạo thủy binh xâm lược của Lưu Hoằng Tháo đã bị vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng sông Bạch Đằng lịch sử. Ngô Quyền với tài năng xuất chúng, lần đầu tiên trong lịch sử đã sáng tạo ra cách đánh thần tốc, lợi dụng nước thủy triều để làm nên trận địa cọc dìm đạo quân Nam Hán xuống sông sâu và đập tan ý chí xâm lược của địch, giữ vững nền tự chủ.